Trung Quốc mạnh tay hạ nhiệt “cơn sốt” thép sau chuỗi ngày bùng nổ

Thứ ba, 18/05/2021 20:30 PM - 0 Trả lời

(CLO) Giá thép tại Trung Quốc đã giảm đáng kể sau khi chính quyền nước này đẩy mạnh những biện pháp hạ nhiệt cơn sốt thép trong thời gian vừa qua.

Trung Quốc đưa ra nhiều biện pháp nhằm hạ nhiệt giá thép sau chuỗi ngày bùng nổ. Ảnh: Getty.

Trung Quốc đưa ra nhiều biện pháp nhằm hạ nhiệt giá thép sau chuỗi ngày bùng nổ. Ảnh: Getty.

Theo Global Times, thị trường thép có dấu hiệu hạ nhiệt sau khi các nhà chức trách Trung Quốc tung ra một loạt các biện pháp mới, nhằm kiềm chế đà tăng vọt của giá thép và giúp giảm bớt áp lực chi phí đối với các ngành công nghiệp hạ nguồn như sản xuất điện tử.

Các chuyên gia nhận định, các biện pháp này dù ảnh hưởng đến một số doanh nghiệp trong ngắn hạn, nhưng vẫn sẽ đảm bảo sự ổn định lâu dài cho ngành thép và các ngành liên quan.

Cụ thể, giá thép cây tại một số thành phố lớn ở Trung Quốc giảm từ 20 đến 120 nhân dân tệ (tương đương 3,1-18,6 USD)/tấn, sau chuỗi ngày giá thép bùng nổ do nhu cầu toàn cầu phục hồi và lạm phát gia tăng do Mỹ nới lỏng tiền tệ.

Đây cũng là mức giảm mạnh đầu tiên trong những tháng qua sau khi Bắc Kinh tìm cách ngăn chặn đầu cơ, gửi đi một thông điệp mạnh mẽ về cách Trung Quốc đang thực hiện vai trò của mình trong việc ổn định thị trường. Một số chuyên gia trong ngành thép Trung Quốc còn đưa ra dự báo cho biết giá thép sẽ có xu hướng giảm sâu hơn nữa.

Theo ông Zheng, quản lý của công ty kinh doanh thép Hexin Trading (có trụ sở tại Đường Sơn, tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc) dự đoán, giá thép sẽ giảm 10% do những nỗ lực của chính phủ. Hiện, ông Zheng tạm thời giao dịch chậm lại để tránh rủi ro nếu có đợt giảm giá tiếp theo.

Ông Zheng cho biết: “Nếu không tăng giá liên tục, chúng tôi sẽ không có lời vì giá nguyên liệu thô và giá cổ phiếu cũng đang tăng khi nhu cầu mạnh lên”. Chia sẻ thêm với Global Times, ông Zheng cho biết ông đã mua thép với giá 6.200 nhân dân tệ/tấn và hiện giá thép đã giảm xuống còn 5.700 nhân dân tệ/tấn.

Theo ông Zheng, xu hướng giảm giá này “có thể ít ảnh hưởng hơn đến các nhà sản xuất thép lớn vì họ đã thu mua, tích trữ nguyên liệu ở thời điểm giá còn tương đối thấp”.

Chia sẻ với Global Times hôm 15/5, quản lý họ Li thuộc công ty kinh doanh thép Tangshang Rui Peng Xiang cho biết, giá xuất xưởng trung bình của các sản phẩm thép khác nhau gần đây đã giảm khoảng 500 nhân dân tệ/tấn, dù không giải thích về hiện tượng này.

Mạnh tay hạ nhiệt

Cuối tuần qua, giá quặng sắt trên thị trường quốc tế đã sụt giảm sau khi chính quyền thành phố Đường Sơn – trung tâm sản xuất thép tại Trung Quốc – đã tăng cường việc kiểm soát, quản lý giá cả thép và tuyên bố sẽ trừng phạt nghiêm khắc các cá nhân hay tổ chức nếu phát hiện hành vi thao túng giá thép. Cơ quan quản lý khẳng định sẽ đóng cửa các nhà máy thép nếu chủ doanh nghiệp đó tung tin đồn thất thiệt và đầu cơ nguyên liệu thô.

Ngành xây dựng Trung Quốc giảm mua thép do giá tăng quá mạnh. Ảnh: Xinhua

Ngành xây dựng Trung Quốc giảm mua thép do giá tăng quá mạnh. Ảnh: Xinhua

Bên cạnh đó, các sàn giao dịch - bao gồm cả Sàn giao dịch hàng hóa kỳ hạn Thượng Hải – cũng đưa ra những điều chỉnh các yêu cầu ký quỹ và phí giao dịch để hạn chế tình trạng đầu cơ thép.

Trước đó, trong một cuộc họp nội các chính phủ hồi đầu tuần trước, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường cũng kêu gọi điều chỉnh thị trường hiệu quả để đối phó với sự giá tăng quá mức của giá nguyên liệu và những tác động liên quan.

Các nỗ lực đã có hiệu quả ngay lập tức, trái ngược hoàn toàn với một số báo cáo cho rằng Trung Quốc đang chuyển chi phí cao hơn cho khách hàng nước ngoài, các chuyên gia trong ngành cho biết.

Tuy việc hạ nhiệt đã giảm bớt phần nào áp lực lên một số doanh nghiệp trong ngành thép, nhưng các nhà phân tích cho rằng vẫn cần phải có những biện pháp giúp ổn định thị trường. Họ đưa ra dự báo rằng, vẫn có khả năng giảm giá tiếp theo. Dù vậy, bất chấp những nỗ lực lớn của phía Trung Quốc, việc hạ nhiệt giá thép toàn cầu đòi hỏi một nỗ lực chung của quốc tế.

Nhu cầu quá lớn

Những tháng vừa qua, Trung Quốc ồ ạt đầu tư vào các dự án đầu tư xây dựng hạ tầng để kích thích nền kinh tế hậu đại dịch Covid-19. Đây chính là một nguyên nhân khiến cho nhu cầu thép tăng mạnh.

Tuy nhiên, thời gian vừa qua trung tâm thép của Trung Quốc – thành phố Đường Sơn – đã thực hiện nhiều biện pháp hạn chế ngành thép nhằm đáp ứng các yêu cầu về môi trường. Lập tức, các địa phương khác ở khắp Trung Quốc đổ xô tăng cường sản xuất thép để đảm bảo nguồn cung.

Một nguyên nhân khác khiến giá thép tăng cao là do giá quặng sắt nhập khẩu cao, do một số nhà cung cấp toàn cầu độc quyền, trong đó có công ty khai thác Rio Tinto Group của Anh-Úc. Các quan chức Trung Quốc cũng đã chuyển sang kiềm chế giá quặng sắt tăng cao, bao gồm cả việc đa dạng hóa các nguồn cung thị trường.

Giá thép của Mỹ hiện đạt mức khoảng 10.000 nhân dân tệ/tấn, so với khoảng 6.000 nhân dân tệ ở Trung Quốc, do nguồn cung thép không thể theo kịp với sự phục hồi của ngành sản xuất Mỹ.

Hương Vũ

Tin khác

Xuất khẩu dầu thô của Iran tăng đột biến

Xuất khẩu dầu thô của Iran tăng đột biến

(CLO) Xuất khẩu dầu thô từ Iran đạt mức cao nhất trong 6 năm trong quý đầu tiên của năm, dữ liệu từ Vortexa được Financial Times trích dẫn cho thấy.

Thị trường - Doanh nghiệp
IMF dự báo kinh tế Nga tăng trưởng đáng kể

IMF dự báo kinh tế Nga tăng trưởng đáng kể

(CLO) Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã tăng đáng kể dự báo tăng trưởng cho nền kinh tế Nga vào năm 2024. Trong năm nay, GDP của Nga được dự báo sẽ tăng 3,2%, tăng mạnh so với dự báo 2,6% trong tháng 1.

Thị trường - Doanh nghiệp
Sắp đấu thầu vàng để tăng nguồn cung: Cần thiết nhưng chỉ mang tính ngắn hạn

Sắp đấu thầu vàng để tăng nguồn cung: Cần thiết nhưng chỉ mang tính ngắn hạn

(CLO) Việc tăng nguồn cung vàng ở thời điểm này chỉ mang tính ngắn hạn. Về lâu dài, việc đấu thầu vàng sẽ tạo ra nhiều bất ổn cho kinh tế trong nước.

Thị trường - Doanh nghiệp
Nhật Bản sẽ tiếp tục tham gia dự án dầu khí của Nga

Nhật Bản sẽ tiếp tục tham gia dự án dầu khí của Nga

(CLO) Các công ty Nhật Bản sẽ tiếp tục tham gia vào các dự án năng lượng của Nga trên đảo Sakhalin do tầm quan trọng của chúng đối với an ninh năng lượng của Tokyo, Bộ Ngoại giao nước này tuyên bố.

Thị trường - Doanh nghiệp
Quảng Nam chấp thuận chủ trương đầu tư dự án khai thác cát sỏi 6,63 ha

Quảng Nam chấp thuận chủ trương đầu tư dự án khai thác cát sỏi 6,63 ha

(CLO) UBND tỉnh Quảng Nam vừa chấp thuận chủ trương đầu tư, chấp thuận nhà đầu tư dự án khai thác cát, sỏi, cuội làm vật liệu xây dựng tại mỏ cát, sỏi BTM8-ĐC (thôn Thanh Trước, xã Trà Đông, huyện Bắc Trà My).

Thị trường - Doanh nghiệp