Theo thống kê những năm gần đây, chi phí dành cho mua bán vũ khí trang bị của các nước Châu Á tăng lên đáng kể. Điều đó càng thể hiện rõ tham vọng cố gắng rút ngắn khoảng cách về trang bị quân sự của các quốc gia trong khu vực với các cường quốc quân sự trên thế giới.
Đặc biệt trong đó điểm nổi bật là mức tăng trưởng xuất khẩu vũ khí của Trung Quốc. Tờ “Business Week” của Anh số ra ngày 17/3 cho biết, cách đây một năm, sau 60 năm, Trung Quốc đã vượt qua Anh để trở thành một trong năm nhà xuất khẩu vũ khí hàng đầu thế giới; và hiện tại nước này cũng đã vượt mặt Pháp để vươn lên vị trí thứ tư trong số cường quốc xuất khẩu vũ khí trên toàn cầu.
Hệ thống tên lửa HQ-9 của Trung Quốc
Theo báo cáo của Viện nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm, so sánh giữa hai niên khóa 2004-2008 và 2009-2013 kim ngạch xuất khẩu trang bị vũ khí của Trung Quốc tăng lên đến 212%, tỷ trọng xuất khẩu trên toàn cầu tăng từ 2% lên đến 6%. Chỉ riêng tính từ năm 2009 đến năm 2013, Trung Quốc đã cung ứng lượng vũ khí cho 35 quốc gia (chủ yếu là những nước có thu nhập thấp); gần ¾ là xuất khẩu sang Pakistan, Bangladesh và Myanmar. Cũng theo báo cáo này , sự phát triển của khoa học kỹ thuật quân sự Trung Quốc là nguyên nhân chủ yếu đẩy mạnh kim ngạch xuất khẩu vũ khí của nước này.
Tuy nhiên việc xuất khẩu vũ khí của Trung Quốc mới chỉ thiên về số lượng. Trên trang Web chuyên về tổng hợp công nghiệp quốc phòng của Nga đã đưa ra nhận xét, ưu thế số lượng xuất khẩu vũ khí của Trung Quốc rất khó để chuyển thành ưu thế chất lượng. Mặc dù nền công nghiệp quốc phòng của Trung Quốc có thể sản xuất nhiều loại vũ khí song những loại vũ khí có chứa hàm lượng công nghệ cao thì vẫn chưa xuất hiện bao nhiêu; còn hãng tin Intar Tass nhận định, việc Trung Quốc leo lên vị trí thứ tư trong các nước xuất khẩu vũ khí hàng đầu thế giới sẽ tạo ra sức ép cạnh tranh ngày càng tăng ở lĩnh vực này. Tờ “Wall Street Journal” phân tích thêm, trước đây mặt hàng xuất khẩu vũ khí của Trung Quốc chỉ có những sản phẩm cấp thấp, thì ngày nay sản xuất vũ khí của Trung Quốc trong lĩnh vực công nghệ cao cũng đang cạnh tranh với các nước phát triển nhất là trong điều kiện kinh tế thế giới chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực. Năm 2013, một thành viên của khối NATO, Thổ Nhĩ Kỳ khi lựa chọn mua hệ thống tên lửa đất đối không đã bỏ qua Châu Âu, Nga và Mỹ để lựa chọn nhà thầu Trung Quốc. Tờ “Handelsbla” của Đức đưa ra ví von, trong thị trường vũ khí “Trung Quốc đang lái xe trên con đường cao tốc” và dự đoán không lâu nữa sẽ vượt Đức-nước có nền công nghiệp quốc phòng tiên tiến. Tờ “Berliner Zeitung” Đức thậm chí còn tin rằng Trung Quốc sẽ vững bước gia nhập “Câu lạc bộ vũ khí tiên tiến thế giới”.
Mới đây, khi Trung Quốc công bố ngân sách chi cho quốc phòng đã xuất hiện nhiều ý kiến tranh luận. Tờ “Weekend” của Pháp lập luận, những năm gần đây Châu Á đã trở thành điểm nóng nhập khẩu vũ khí và trang bị quốc phòng trên toàn cầu. Một mặt do đây là khu vực có địa chính trị phức tạp, tồn tại nhiều mâu thuẫn và tranh chấp lâu dài; mặt khác xu thế cạnh tranh tầm ảnh hưởng của Mỹ và Trung Quốc ngày càng trở lên khốc liệt, dự toán kinh phí quân sự của Trung Quốc kể từ năm 1992 đến nay đã tăng gấp 6 lần. Điều này cũng tác động không nhỏ đến xu thế tăng mức nhập khẩu quốc phòng của các nước xung quanh. Tạp chí “Đối thoại” của Australia, dựa trên “các số liệu liên quan” lại cho rằng trên danh nghĩa , chi phí quân sự của Trung Quốc năm nay tăng tương đương năm ngoái, trên thực tế thấp hơn so với mức tăng trung bình hàng năm (15%) kể từ năm 2000 cho đến nay.
Theo bqp.vn