Sự trả giá mới chỉ bắt đầu?
So với nhiều mạng xã hội khác, xét về mặt doanh thu, năm 2018 vẫn là năm kinh doanh không tồi của Facebook. Tuy nhiên, theo số liệu từ Recode, quý II/2018 vẫn là quý có mức tăng trưởng chậm nhất của Facebook kể từ năm 2011, và thậm chí số lượng người dùng ở Mỹ và Canada – thị trường thu lời cho họ nhiều nhất, gần như không gia tăng.
Những sự suy giảm hay chững lại này được xem là những dấu hiệu cho thấy Facebook đã bắt đầu phải trả giá cho những vụ scandal về dữ liệu người dùng và tin giả mạo nối tiếp nhau xảy đến trong năm 2018 vừa qua. Ngày 17/3/2018, thông tin công ty Cambridge Analytica thu thập dữ liệu từ 50 triệu người dùng Facebook (sau đó được xác định lại là 87 triệu người và có thể còn hơn thế nữa) từ gần 3 năm qua được tung ra. Dư luận, đặc biệt cộng đồng người dùng mạng xã hội lớn nhất thế giới chấn động và phản ứng hết sức dữ dội. Nên nhớ, cũng chính trong thời điểm này, Facebook vẫn đang phải vật lộn với các thông tin giả mạo cùng cáo buộc nhận tiền của người Nga để hiển thị những quảng cáo “gây chia rẽ chính trị”, tác động đến kết quả bầu cử 2016.
Biểu tình chống lại việc Facebook lan truyền tin giả mạo gần trụ sở Ủy ban Châu Âu ở Brussels, Bỉ, hồi tháng 5/2018. Ảnh: AP.
Áp lực dư luận lớn đến mức, sau nhiều giờ im lặng, ông chủ Mark Zuckerberg phải lên tiếng xin lỗi toàn thể cộng đồng gần 2 tỷ người dùng. Lời xin lỗi cũng được đăng tải nguyên trang trên nhiều tờ báo giấy tại Anh và Mỹ - một động thái được xem là “chuyện lạ” chưa từng có bởi với vị thế của một gã khổng lồ quảng cáo trực tuyến, Facebook đang bị cho là kẻ thù số một của các tòa soạn báo in. “Đây là sự vi phạm lòng tin và tôi xin lỗi vì chúng tôi không hành động quyết liệt hơn thời điểm đó. Chúng tôi đang thực hiện các biện pháp để đảm bảo điều đó không xảy ra nữa”, CEO Mark Zuckerberg cam kết. Trả lời phỏng vấn kênh CNN cùng thời điểm đó, ông chủ của Facebook một lần nữa thừa nhận: “Chúng tôi đã sai rồi. Tôi thực sự xin lỗi vì những gì đã xảy ra”.
Tuy nhiên, bất chấp lời xin lỗi của CEO Mark Zuckerberg, làn sóng người dùng giận dữ và tẩy chay mạng xã hội lớn nhất hành tinh vẫn lan rộng. Từ khoá #DeleteFacebook được chia sẻ rầm rộ trên Twitter và nhiều mạng xã hội khác.
3 phiên điều trần, những lời xin lỗi và niềm tin bị đánh mất
Nhưng chưa hết, ngoài sự tẩy chay của người dùng, những đơn kiện liên tiếp đã được gửi lên tòa án bang. Ủy ban Thương mại Liên bang (FTC) tuyên bố mở cuộc điều tra về hoạt động bảo vệ quyền riêng tư người dùng của Facebook. Các chính trị gia yêu cầu người đứng đầu mạng xã hội lớn nhất thế giới phải ra điều trần trước Quốc hội.
Tuy nhiên, ngày 27/3, Mark Zuckerberg từ chối có mặt tại buổi chất vấn trước Nghị viện Anh. Hành động này bị chỉ trích là “hèn nhát” và “không thể chấp nhận được”. Nhưng dù hèn nhát đến mấy, ông chủ của Facebook vẫn không thể né tránh mãi áp lực của dư luận và rốt cuộc phải đồng ý ra điều trần trước Thượng viện và Hạ viện Mỹ trong hai ngày 10-11/4. Và hơn một tháng sau, ngày 22/5, Mark Zuckerberg lại tiếp tục phải trải qua phiên điều trần kéo dài 80 phút trước Nghị viện châu Âu.
Nhưng đáng tiếc là kiến thức sơ sài của các nghị sĩ Mỹ về cách Facebook vận hành, sự né tránh của Mark Zuckerberg và chiêu thức liên tục đưa ra lời xin lỗi để lấp liếm câu trả lời của CEO này đã khiến cả 2 phiên điều trần của CEO Mark trước Quốc hội Mỹ và Nghị viện châu Âu đều không đạt kết quả như mong muốn.
Dù vậy, vô số những lời xin lỗi của Mark Zuckerberg cũng không cứu vãn nổi thực tế là sau tất cả những gì đã diễn ra, lòng tin của công chúng - thứ tài sản vô giá nhất - dành cho Facebook đã bị sụt giảm nghiêm trọng. Nói một cách khác, năm 2018, “ông vua” mạng xã hội đã rơi vào cơn khủng hoảng niềm tin nặng nề chưa từng có.
Người biểu tình bên ngoài Lãnh sự quán Saudi ở Istanbul sau vụ mất tích.
Những vòng kim cô siết chặt và sự bức bối, bấn loạn của “đức vua”
Tuy nhiên, sự bấn loạn của Facebook không dừng lại ở đó. Những lời chỉ trích, doanh thu sụt giảm… tất cả sẽ không bức bối với Facebook bằng việc “ông vua” mạng xã hội sẽ không tránh được việc sẽ phải đối mặt với nhiều quy định kiểm soát mới, gắt gao hơn từ nhiều nước. Nước Đức là một trong những quốc gia đi đầu. Ngay từ trước khi scandal lộ dữ liệu của Facebook bùng nổ, Chính phủ Đức từ tháng 1/2018 đã bắt đầu áp dụng luật phạt nặng các công ty mạng xã hội. Facebook, Twitter sẽ bị phạt đến 50 triệu euro nếu không xóa, chặn “tin tức giả mạo”, ngôn từ thù địch và nội dung bất hợp pháp khác trong vòng 24 giờ. Nước Anh cũng gay gắt không kém. Tháng 8/2018, Ủy ban Văn hóa, Thể thao, Truyền thông, Kỹ thuật số (DMSCC) thuộc hạ viện Anh yêu cầu Chính phủ áp đặt mức thuế, hình phạt tài chính mới và xác định rõ “trách nhiệm pháp lý” đối với các công ty công nghệ như Facebook và Twitter trong đó nhấn mạnh Chính phủ buộc các công ty mạng xã hội chịu trách nhiệm pháp lý đối với thông tin giả mạo, đồng thời đăng ký hoạt động với tư cách nhà xuất bản bởi vì họ sử dụng công nghệ để lọc và định hướng thông tin cho người dùng. Tháng 4/2018, Cơ quan liên bang giám sát thông tin liên lạc, công nghệ thông tin và thông tin đại chúng của Nga (Roskomnadzor) tuyên bố tiến hành tổng kiểm tra Facebook. Trong trường hợp Facebook không thực hiện yêu cầu lưu cơ sở dữ liệu về người sử dụng là người Nga trên lãnh thổ Nga thì sẽ đối mặt với nguy cơ bị phong tỏa.
Châu Âu sau những phản ứng vô cùng gay gắt trước những scandal của Facebook đã liên tục có những động thái kiểm soát mới. Tháng 3/2018, Ủy ban châu Âu (EC) tiếp tục gia tăng áp lực đối với các trang mạng xã hội bằng cách áp dụng “quy định 1 giờ”. Theo đó, Facebook, Google và Twitter có thời hạn 1 giờ kể từ khi phát hiện hoặc nhận được thông báo từ cơ quan chức năng để chặn và xóa bỏ thông tin xấu, giả mạo hoặc kích ngòi tấn công khủng bố. Tháng 5/2018, Quy định bảo vệ dữ liệu chung (GDPR) chính thức có hiệu lực, bảo đảm người sử dụng có quyền kiểm soát lớn hơn đối với các thông tin cá nhân, đồng thời phạt nặng những doanh nghiệp vi phạm quy định. Tháng 9, Liên minh châu Âu (EU) yêu cầu Facebook bảo vệ tốt hơn quyền của người dùng, cũng như xây dựng các quy tắc hướng về người tiêu dùng hơn, bao gồm trách nhiệm pháp lý của mạng xã hội này trong trường hợp dịch vụ hoạt động kém hiệu quả bởi theo EU dù Facebook đã tiến hành sửa đổi các điều khoản dịch vụ của mình, song vẫn chưa thực hiện một cách triệt để. Tháng 9/2018, Nhà Trắng cũng tuyên bố bắt đầu soạn thảo sắc lệnh chỉ đạo các cơ quan hành pháp và chống độc quyền liên bang mở cuộc điều tra đối với hoạt động của Google, Facebook và nhiều công ty truyền thông xã hội.
"Tượng đài" Time chịu cảnh sang tên đổi chủ chỉ trong vòng 8 tháng.
Và nỗ lực lấy lại niềm tin của người dùng mạng xã hội
Khi liên tiếp những scandal ập đến bủa vây Facebook, nhiều người đã đặt ra câu hỏi: “đức vua” sẽ như thế nào sau bê bối, liệu chúng có làm sụp đổ “ngai vàng” của Facebook? Sụp đổ hay không - đó có lẽ còn là câu chuyện của tương lai - nhưng ngay thời điểm này, Facebook đã ngay lập tức nhận ra rằng muốn giữ vững vị thế của mình trong một thế giới truyền thông đang quá ư cạnh tranh, cần phải nhanh chóng tìm mọi cách để vượt qua qua khủng khoảng và quan trọng nhất là lấy lại lòng tin của công chúng - dù đó không hề là hành trình ngắn và dễ dàng.
Tuy nhiên, đã nói là làm. Tháng 4/2018, Facebook đã đăng quảng cáo trên một loạt tờ báo châu Âu các quy định mới về bảo mật thông tin của EU đi kèm với cam kết của hãng về tăng cường bảo mật thông tin cho khách hàng. Bên cạnh đó, Facebook cũng đưa ra hàng loạt tính năng, công cụ, hướng dẫn sử dụng để người dùng bảo vệ tài khoản, thông tin cá nhân. Chống tin giả cũng là một trong “những việc cần làm ngay” của Facebook. Bên cạnh việc hợp lực với các công ty công nghệ khác như Twitter, Google… để chống tin giả, tháng 5/2018, Facebook triển khai tại Brazil một chương trình chống phát tán “fake news” (tin giả) trên các trang mạng xã hội sau khi đã đạt được thỏa thuận với các cơ quan kiểm chứng tin tức là Aos Fatos và Agencia Lupa. Tháng 7/2018, Facebook tuyên bố thâu tóm nhóm khởi nghiệp Bloomsbury AI, chuyên về nghiên cứu trí tuệ nhân tạo, nhằm tăng cường khả năng chống tin giả và giải quyết một số vấn đề nội dung khác trên trang mạng xã hội lớn nhất thế giới này. Cũng trong tháng 7, Facebook cũng cho thử nghiệm một tính năng mới trên ứng dụng nhắn tin Messenger để xác định các tài khoản đáng ngờ gửi tin nhắn có nội dung xấu, lừa đảo…
Ông chủ Nhà Trắng và truyền thông Mỹ: Năm “giao tranh” bất phân thắng bại
Được “châm ngòi” tháng 1/2017, trong cuộc họp báo đầu tiên sau ngày nhậm chức của Donald Trump, từ bấy đến nay, cuộc chiến giữa người đứng đầu nước Mỹ và giới truyền thông nước này liên tục có những diễn biến mới và không hề có dấu hiệu kết thúc. Năm 2018 tiếp tục là một năm chứng kiến những “cuộc giao tranh” bất phân thắng bại giữa báo chí Mỹ và Tổng thống của họ.
“Những kẻ đưa tin giả”, “Truyền thông đưa tin bịa đặt không phải kẻ thù của tôi, mà là kẻ thù của người dân Mỹ”, “Chính họ - giới truyền thông - đã cố tình tạo ra sự chia rẽ và ngờ vực lớn. Họ thậm chí có thể gây ra chiến tranh”… là những cụm từ được đương kim chủ nhân của Nhà Trắng liên tục sử dụng để mô tả truyền thông Mỹ. Ông thậm chí còn chỉ đích danh các hãng tin và tờ báo như New York Times, NBC News, ABC, CBS, CNN… Liên tiếp những cuộc đối đầu tay đôi giữa một nguyên thủ như ông Trump và một nhà báo như Jim Acosta - phóng viên chuyên trách Nhà Trắng của CNN, chuyện giằng co tước thẻ ra vào Tòa Bạch ốc rồi lại khôi phục quyền tác nghiệp của cây bút “cứng đầu” này - đều là những sự kiện chưa từng có nhiều tiền lệ trong lịch sử truyền thông.
Khoảnh khắc thực tập sinh Nhà Trắng giật micro từ tay phóng viên Jim Acosta. Ảnh: AP
Dĩ nhiên, giới truyền thông Mỹ đã không chịu ngồi yên để mặc ông Trump muốn nói gì thì nói. Trong tuyên bố đêm 7/11, CNN như nói hộ quan điểm của giới truyền thông Mỹ khi đăng tải trên trang Twitter của CNN rằng: “Những cuộc tấn công không ngừng của ông Trump nhằm vào báo chí đang đi quá xa. Chúng không chỉ nguy hiểm mà còn đi ngược lại những giá trị của Mỹ”.
“Cuộc chiến” gay gắt và công khai đến mức, ngày 11/8/2018, hơn 100 tờ báo đã cùng tuyên bố tham dự chiến dịch đăng tải nội dung chỉ trích Tổng thống Donald Trump vì những công kích ông liên tục nhắm vào báo giới. “Không thể chấp nhận được việc ngài Tổng thống thường xuyên công kích các tờ báo, phóng viên, mà ông ta không ưa, thậm chí còn gọi họ là những kẻ đưa tin giả. Chúng tôi không phải là kẻ thù của nhân dân” - Marjorie Pritchard, Phó Thư ký phụ trách trang xã luận của tờ Boston Globe, bức xúc.
Hai bên, một bên cứ đưa xa những tuyên bố “xốc óc” và một bên sẵn sàng công khai đáp trả. “Cuộc chiến” giữa ngài Tổng thống và giới truyền thông dường như là cuộc chiến chưa có hồi kết.
Nhà báo bị giết hại, bảo vệ nhà báo - câu chuyện “nóng” nhất trong năm
Cho tới những ngày cuối cùng của năm 2018, những dòng tin, bài viết xung quanh việc nhà báo Jamal Khashoggi của Saudi Arabia mất tích tại Thổ Nhĩ Kỳ và được cho là đã bị sát hại vẫn tiếp tục xuất hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng toàn cầu và được đề cập cả trong nhiều chương trình nghị sự. Tuy nhiên, câu hỏi lớn nhất: Vì sao Jamal Khashoggi bị giết và ai đã giết nhà báo này thì cho đến thời điểm này vẫn chưa có được đáp án sáng rõ nhất. Sự việc càng trở nên phức tạp, nóng bỏng khi câu chuyện tác nghiệp và sinh mệnh nhà báo đã bị lồng ghép trong chuyện chính sự, trong những mưu đồ, toan tính, xung đột chính trị giữa quốc gia này với quốc gia khác.
Nhân ngày Quốc tế chấm dứt quyền miễn trừ đối với tội ác chống lại các nhà báo 2/11/2018, tổ chức phi Chính phủ Press Emblem Campaig (PEC) thống kê: Сhỉ trong 10 tháng đầu năm 2018, trên thế giới có 106 nhà báo và nhân viên các cơ quan truyền thông bị sát hại trong khi đang tác nghiệp tại 36 nước trên thế giới, vượt qua con số của cả năm 2017. Những con số này một lần nữa khẳng định: nghề báo tiếp tục - trong nhiều năm qua - vẫn luôn là một trong những nghề nguy hiểm nhất thế giới. Một “kỷ lục” mà có lẽ giới báo chí không hề muốn nắm giữ. Và điều đáng quan ngại nhất là giờ đây, việc tính mạng nhà báo bị đe dọa, không chỉ trên chiến trường, tại các điểm nóng, mà ngay cả những nơi yên bình. Nhà báo giờ đây, không chỉ bị sát hại mà còn là nạn nhân của những vụ tấn công, đe dọa, lạm dụng, quấy rối tình dục, bắt cóc, giam giữ, ngược đãi… Như trong năm 2018 vừa qua, nếu nhà báo Jamal Khashoggi biến mất ngay sau khi bước vào Lãnh sự quán Saudi ở Thủ đô Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, thì vụ xả súng tại tòa soạn báo Capital Gazette ngày 28/6 làm 5 nhà báo bị thiệt mạng, nhiều nhà báo khác bị thương rất nặng cũng diễn ra giữa thanh thiên bạch nhật ngay tại thành phố Annapolis, thủ phủ tiểu bang Maryland, Mỹ. Rồi việc nữ nhà báo Viktoria Marinova của đài truyền hình tư TVN Bulgaria bị hãm hiếp, giết hại dã man ngày 4/10 ngay trong lòng châu Âu hoa lệ.
Nhức nhối hơn nữa, theo thống kê của PEC, 9 trong số 10 vụ sát hại các nhà báo đã không được điều tra. Thực tế ấy là một thách thức lớn đòi hỏi cộng đồng quốc tế, công chúng báo chí, những người có lương tri đau đáu. Làm sao ngăn cản được những kẻ hận thù bất chấp như Jarrod Ramos ngang nhiên gây tội ác với các nhà báo, làm sao ngăn cản được thực tế những người làm báo ngày càng phải tác nghiệp trong một môi trường ngày càng có nhiều sự thù địch (an increasingly hostile environment for journalists) - như nhận định của Tổ chức bảo vệ các nhà báo (CPJ)?... đến giờ này vẫn chỉ dừng lại ở câu hỏi ngỏ. Và trong lúc chúng ta vẫn… miệt mài đi tìm câu trả lời thì máu của người làm vẫn không ngừng đổ xuống. Sau thảm kịch xảy đến chiều 28/6, tờ Capital Gazette và công ty mẹ Baltimore Sun cho biết số báo ngay sau đó vẫn được xuất bản như thường lệ. Với những người làm báo, một khi đã dấn thân với một nghề nguy hiểm như nghề báo, họ hiểu rằng cần phải chấp nhận những rủi ro và dù có gì xảy ra đến với họ, những dòng tin vẫn đến với độc giả. Với những người làm báo, đó là sự mạo hiểm để vẹn tròn trách nhiệm nghề nghiệp, nhưng với những người có trách nhiệm và cả chúng ta, những người thụ hưởng những dòng tin ấy, cứ chấp nhận mãi thực tế đau lòng ấy, liệu đó có phải là sự vô tâm, nếu không muốn nói là bất nhẫn?
Cú sốc New York Daily News hay nỗi buồn dai dẳng của báo in
Dù chuyện cắt giảm nhân sự, suy giảm doanh thu đã chẳng còn chuyện gì mới hay gây ngạc nhiên trong làng báo toàn cầu nhưng việc đưa ra quyết định sa thải cả TBT lẫn một nửa số biên tập viên chỉ sau một cuộc họp kéo dài non một phút ở Tòa soạn New York Daily News tại Hạ Manhattan, Mỹ ngày 23/7/2018 vẫn là cú sốc với không chỉ giới truyền thông. Sau khi thông tin về “cuộc họp kỳ lạ” lan truyền, tờ New York Post, trong một bài viết đang tải ngay trong ngày 23/7 đó, đã rút tít “Một ngày ảm đạm cho cả thành phố New York”. Nhưng có lẽ, đó không chỉ là tin buồn của riêng thành phố New York, của riêng những người làm báo Mỹ.
Phóng viên, Biên tập viên Daily News đau buồn sau cú sốc ngày 23/7.
Sự xuống dốc của một tờ báo ra đời từ năm 1919, từng là “một trong những gã khổng lồ báo chí” của nước Mỹ với 11 giải Pulitzer danh giá, một thời luôn đứng vào hàng những tờ báo ăn khách nhất nước Mỹ; Số phận long đong của một tờ tạp chí danh tiếng như Time (chỉ trong vòng 8 tháng, sau khi về tay công ty Truyền thông Meredith (MDP) với giá 2,8 tỷ USD, lại phải “sang tên đổi chủ”, về với vợ chồng CEO hãng điện toán đám mây Salesforce - Marc Benioff và Lynne Benioff- với cái giá 190 triệu USD)… là bằng chứng rõ ràng nhưng buồn thảm của sự suy thoái không thể tránh khỏi của báo in trong thời truyền thông thời kỹ thuật số.
Cùng ngày diễn ra đợt sa thải tại New York Daily News, trung tâm nghiên cứu Pew Research Center đã công bố một nghiên cứu cho thấy hơn một phần ba (36%) các tòa soạn báo lớn nhất nước Mỹ, và ít nhất 23% các trang tin tức kỹ thuật số nổi tiếng nhất đã thực hiện các đợt sa thải trong thời gian từ tháng 1/2017 tới tháng 4/2018; Trong 10 năm qua, số lượng nhân viên làm việc tại các tòa soạn báo in ở Mỹ sụt giảm 45%.
Những con số ảm đạm ấy, con đường khó đoán định phía trước của Time, của New York Daily News cũng là những dự báo chẳng mấy sáng sủa cho tương lai của báo in. Chẳng nhẽ, báo chí thực sự đã đến hồi “bị bóp nghẹt tới mức tuyệt chủng” - như lời cám cảnh của Jim Rich - vị TBT bị sa thải trong “cuộc họp 60 giây” sáng ngày 23/7 ấy?
Gây chú ý trong làng truyền thông năm 2018 là thương vụ giành giật Sky giữa hai “ông lớn” 21st Century Fox và Comcast. Sau nhiều năm dằng dứ, tháng 9/2018, 21st Century Fox đã nói lời đồng ý bán hết cổ phần của mình tại kênh truyền hình Sky cho Comcast. Với việc sở hữu hệ thống kênh truyền hình trả tiền nổi tiếng này, Tập đoàn truyền thông Comcast, có trụ sở tại Philadelphia (Mỹ), đã trở thành nhà cung cấp truyền hình trả tiền lớn nhất thế giới với khoảng 52 triệu thuê bao. 40 tỷ USD- mức giá cao ngất ngưởng mà Comcast đưa ra phút chót trong phiên đấu giá đầy kịch tính ngày 22/9- đã đánh tan tham vọng chiếm quyền kiểm soát Sky của ông trùm truyền thông đầy quyền lực Rupert Murdoch, đánh bại luôn gã khổng lồ giải trí Walt Disney của Mỹ, vốn trước đó được xem sẽ là chủ sở hữu cuối cùng của kênh Sky. Sự thất bại của Rupert Murdoch cũng là sự thở phào cho những người vốn lo lắng về sự độc quyền quá lớn của “thầy phù thủy” này trong làng truyền thông Anh. |
Hà Trang