Truyền thông thế giới 2020: Những lát cắt ấn tượng

Thứ sáu, 01/01/2021 08:00 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Báo chí, truyền thông là lăng kính phản ánh mọi mặt đời sống, xoay vần và thích ứng theo những chuyển biến ấy. Nhìn vào những lát cắt ấn tượng nhất của đời sống truyền thông toàn cầu năm 2020, thấy rất rõ điều này.

Thế giới năm 2020 với đại dịch Covid-19 là tâm điểm, với những phong trào chống phân biệt chủng tộc hay cuộc bầu cử ồn ĩ tại nước Mỹ… đã tác động khá mạnh mẽ tới truyền thông 2020.

Báo chí dữ liệu về Covid-19

Năm 2020 là một năm đặc biệt. Nhiều người còn nói lái 2020 là năm Covid. Điều đó để thấy rằng, đại dịch Covid-19 đã làm thay đổi hoàn toàn thế giới, tác động mạnh mẽ vào mọi lĩnh vực, trong đó có báo chí. Trong nhiều thể loại, năm 2020 ghi nhận một thể loại đặc thù đó là Báo chí dữ liệu về Covid-19.

Những bài báo về Covid-19 ngập tràn những con số: Số người tử vong, số ca nhiễm mới, tỷ lệ lây lan. Tất cả những bài báo như thế không chỉ có tác dụng cảnh báo, nhắc nhở mà còn gây choáng ngợp với người đọc. Theo một cuộc thăm dò của Pew Research thì 71% người Mỹ nói rằng họ cần nghỉ ngơi trước tin tức về đại dịch, trong khi 43% số người được hỏi nói rằng tin tức “khiến họ cảm thấy tồi tệ hơn về mặt cảm xúc”. Người đọc rất dễ bị cuốn theo những biểu đồ có đỉnh lớn và mức tăng lây nhiễm “theo cấp số nhân”. Theo chuyên gia từ Viện báo chí Reuters, sự xuất hiện của dạng “báo chí dữ liệu” ở nhiều góc độ có tác động trực tiếp, mang lại hiệu quả cảnh báo rất lớn.

Biên tập viên kinh tế của Sky News, ông Ed Conway đã đăng những video giải thích hữu ích về đại dịch để giải thích các con số cũng như cung cấp bối cảnh và phân tích dựa trên dữ liệu từ các quốc gia và nhiều nguồn khác nhau.

Thật khó để nghĩ về một vấn đề khác trong những năm gần đây mà dữ liệu cùng với cách thức trình bày và diễn giải lại quan trọng đến vậy”, ông Conway cho hay. “Trên thực tế, rất nhiều dữ liệu đằng sau đại dịch Covid-19 khá đơn giản và việc hiển thị chúng trên màn hình một cách đơn giản nhất để người xem có thể dễ dàng nắm bắt lại là điều mà chúng tôi phải cố gắng nhiều nhất trong suốt thời kỳ đại dịch vừa qua”, ông chia sẻ.

Tác nghiệp thời kỳ dịch cũng là câu chuyện thường xuyên được nhắc tới tại nhiều nơi trên thế giới. 30% các nhà báo được hỏi nói rằng các tổ chức của họ đã không cung cấp cho các phóng viên hiện trường một thiết bị bảo hộ nào trong đợt bùng phát đại dịch đầu tiên. 70% số nhà báo được hỏi cho biết một trong những thách thức lớn nhất xuyên suốt năm vừa qua là sức khoẻ tinh thần của họ khi phải làm việc tại hiện trường và đưa tin về dịch. Gần một nửa số nhà báo cho biết các nguồn tin của họ đã bày tỏ lo sợ bị trả thù, vì đã nói chuyện với các nhà báo trong thời kỳ đại dịch.

439

Báo chí “smartphone” trong thời kỳ cách ly

Khi đại dịch lần đầu tiên bùng phát, Ý là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất và nhanh chóng rơi vào tình trạng bế tắc. Dù vậy, vẫn có một phóng viên ra đường, với các trang thiết bị chỉ là một điện thoại thông minh, một “gậy tự sướng” và một vài thiết bị khác. Đó là anh Nico Piro - giảng viên báo chí di động và là phóng viên đặc biệt tại đài truyền hình RAI của Ý.

Những phóng sự của anh trong thời gian cách ly bao trùm từ việc học ngôn ngữ ký hiệu đến hỗ trợ mạng lưới cho các gia đình gặp khó khăn. Nico Piro - người từng tường thuật về cuộc chiến ở Afghanistan, cho biết: “Là một nhà báo, tôi luôn cố gắng đưa ra tiếng nói cho những người không có tiếng nói. Vì vậy, khi đại dịch bắt đầu ở Ý, tôi thấy mình cũng ở trong hoàn cảnh tương tự như ở Afghanistan tại ngay đất nước của mình”.

Khi được yêu cầu ở nhà, suy nghĩ của anh hướng đến những người không có nhà và điều đó trở thành tâm điểm trong bài báo cáo sau đó. “Không có nhà đối với tôi là một phép ẩn dụ lớn hơn, về một phần xã hội đang bị lãng quên và đang phải chịu đựng nhiều nhất. Vì vậy, tôi đã đến những nơi trú ẩn dành cho người vô gia cư, các ngân hàng thực phẩm, các phòng khám miễn phí ở vùng nghèo nhất của đất nước”, anh cho hay.

Phóng viên của CNN bị bắt ngay khi đang đưa tin trực tiếp về cuộc biểu tình bạo lực ở Minneapolis trong phong trào Black Lives Matter. Ảnh: CNN

Phóng viên của CNN bị bắt ngay khi đang đưa tin trực tiếp về cuộc biểu tình bạo lực ở Minneapolis trong phong trào Black Lives Matter. Ảnh: CNN

Báo chí giải pháp về tình trạng khẩn cấp về khí hậu

Tình trạng khẩn cấp về khí hậu là một chủ đề vẫn được chú trọng trong năm nay. Tuy nhiên, những thông tin được truyền tải lại đa phần khiến người đọc cảm thấy tiêu cực, lo lắng, thậm chí là tuyệt vọng về tình trạng nóng lên của Trái đất.

Đáp lại, tạp chí in và kỹ thuật số Are We Europe đã xuất bản ấn phẩm “Vấn đề khí hậu” cách đây ít lâu. Dù bài viết đầy đủ chỉ dành cho những người trả tiền, tuy nhiên vẫn có một số câu chuyện nhỏ được đăng miễn phí trên trang web của tạp chí, như cách lựa chọn năng lượng xanh hơn trong tiêu thụ hằng ngày.

Những vấn đề về khí hậu cũng được các nhà báo tại Brazil phản ánh thường xuyên, trong đó nổi bật là nhà báo Fernanda Buriola - người thường xuyên có những tác phẩm đề cập đến biển đổi khí hậu, bày tỏ lo lắng về môi trường. Trong các bài báo của mình, cô nói về phần thường bị lãng quên trong cuộc thảo luận về tình trạng khẩn cấp khí hậu: sức khỏe tinh thần của chúng ta. Nhà báo Buriola không chỉ có khám phá xem sự nóng lên toàn cầu có thể tạo ra cảm giác lo lắng chính đáng như thế nào đối với con người, mà con người còn có thể làm gì để giảm bớt những lo lắng này?

Trong một sự kiện được tổ chức bởi Solutions Journalism Network, Tổng Biên tập Kyrill Hartog cho biết, những bài viết trên đã áp dụng cách tiếp cận tập trung vào giải pháp mới này để giúp độc giả vượt qua những cảm giác tiêu cực khi đọc những bài viết về biến đổi khí hậu. Ông nói rằng: “Đó là một cách độc đáo để viết về cuộc khủng hoảng khí hậu. Bài viết rất con người, nói về trải nghiệm cá nhân của những người ở nhiều nơi trên thế giới và cách họ sợ hãi trước biến đổi khí hậu hoặc cố gắng tạo ra sự khác biệt”.

Phóng viên sử dụng điện thoại để tác nghiệp trong thời kỳ cách ly xã hội ở châu Âu. Ảnh: AP

Phóng viên sử dụng điện thoại để tác nghiệp trong thời kỳ cách ly xã hội ở châu Âu. Ảnh: AP

Báo chí điều tra và cộng tác

Trong những gì được mô tả là “một cuộc điều tra quy mô bậc nhất lịch sử”, hồi đầu tháng 9, BuzzFeed News và Hiệp hội các nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ) đã công bố các tệp điều tra tội phạm tài chính (FinCEN). Dự án có sự tham gia của hơn 400 phóng viên tại 88 quốc gia do ICIJ tập hợp, dựa trên hơn 2.100 tài liệu chính phủ bị rò rỉ được coi là “các báo cáo hoạt động đáng ngờ” do BuzzFeed News thu thập được.

Những tài liệu này nhạy cảm đến mức trước khi được công bố, chỉ một số ít người được tiếp cận thông tin. Đội ngũ nhà báo và các chuyên gia dữ liệu toàn cầu của ICIJ đã dành một năm để phân tích các báo cáo và trích xuất dữ liệu về các giao dịch trị giá hơn 2 nghìn tỷ đô-la.

Những hồ sơ này phơi bày một mạng lưới tham nhũng tài chính rộng lớn và mạnh mẽ, chạm tới mọi ngóc ngách trên thế giới, mọi ngành công nghiệp và vô số chính phủ. Và chúng cũng cho thấy rằng các nhà chức trách Hoa Kỳ biết về chúng nhưng không làm những gì cần thiết để ngăn chặn”, Mark Schoofs - Tổng Biên tập của BuzzFeed News nói trong một thông cáo báo chí. “Tập tin FinCEN là một kho lưu trữ chi tiết về những thế lực vô hình đã định hình nền kinh tế toàn cầu cũng như lịch sử và tương lai của chúng ta”, ông nói.

Ngoài việc công bố các bài viết liên quan đến tập tin FinCEN, BuzzFeed còn dày công thiết lập nên các podcast để những ai không có mấy kiên nhẫn đọc báo có thể lắng nghe về thông tin này trên điện thoại.

Lần đầu tiên báo chí quốc tế thực hiện cuộc điều tra hợp tác theo dõi cách thức những khoản tiền đáng ngờ này di chuyển giữa hàng chục quốc gia, ở cấp độ và quy mô lớn đến thế. Các chuyên gia của Hiệp hội các nhà báo điều tra quốc tế tin rằng, những vụ án quốc tế sẽ còn được phanh phui và việc liên kết điều tra, cộng tác quốc tế sẽ còn tiếp tục và trở thành xu hướng trong tương lai.

Dự án báo chí điều tra công phu FinCEN của BuzzFeed. Ảnh: BF

Dự án báo chí điều tra công phu FinCEN của BuzzFeed. Ảnh: BF

Độc giả dần chấp nhận báo chí trả tiền

Đại dịch Covid-19 có thể nói là cú hích và cũng là động lực để các hãng truyền thông thúc đẩy nhanh quá trình thu hút độc giả đăng ký gói “đọc báo trả tiền” đối với các tờ báo điện tử. Một phần là doanh thu của các tờ báo điện tử đang ngày càng bị ảnh hưởng tới mạng xã hội, phần khác bởi đại dịch tác động mạnh mẽ vào nền kinh tế, dẫn đến chi tiêu cho quảng cáo của doanh nghiệp bị thu hẹp, kéo theo sự giảm sút quảng cáo trên các báo.

Theo một nghiên cứu của Viện nghiên cứu Báo chí của Reuters năm 2020, 50% các tờ báo điện tử đều xác định doanh thu từ độc giả sẽ là nguồn thu nhập chính của họ trong tương lai gần, thay vì từ quảng cáo và các nguồn khác.

Điều “thuận lợi” là chính đại dịch Covid-19 là cơ hội để các cơ quan báo chí thực hiện triển khai các gói thu tiền trên ấn phẩm điện tử. Một bài viết trên trang What’s new in publishing đã phân tích các xu hướng báo chí thời đại dịch, trong đó nhấn mạnh rằng, số lượng độc giả đồng ý trả tiền tăng cao trong giai đoạn đại dịch. Bài báo cho biết, vào tháng 3/2020, khoảng 15% lưu lượng truy cập vào các trang tin tức điện tử có liên quan đến virus Corona. Một số người dùng, độc giả số đã “bị thuyết phục”, chuyển sang thành độc giả trả tiền.

Cũng theo What’s new in publishing, số lượng độc giả trên những ấn phẩm điện tử lớn như New York Times, CNBC, Washington Post, CNN, Tribune Publishing… đều đạt mức tăng trưởng đáng kinh ngạc. Đáng nói, có báo điện tử đạt mức tăng cao tới 293% như của Tribune Publishing, 189% của CNBC.

Mạng xã hội và tin giả

Phải nói rằng, mạng xã hội tiếp tục đóng vai trò quan trọng và đầy quyền lực ở sân chơi truyền thông xã hội. Những ông lớn như Facebook, Twitter, Instagram, Youtube… trở thành phương tiện cần thiết, không thể thiếu để kết nối xã hội. Trong bối cảnh đại dịch, khi mà các lệnh phong tỏa được áp đặt ở hầu hết các quốc gia trên thế giới, mạng xã hội cùng với báo chí trở thành kênh hữu hiệu để con người kết nối với nhau và giải trí.

Tuy nhiên, đại dịch cũng là ngọn nguồn cho việc thông tin giả được lan truyền nhanh chóng trong cộng đồng và trên các trang mạng xã hội. Theo một nghiên cứu mới đây thì 46% số người được hỏi xác định các chính trị gia và quan chức là ngọn nguồn của thông tin giả. 81% cho biết, họ gặp phải thông tin sai lệch về đại dịch ít nhất một lần mỗi tuần. Điều đáng lo ngại là 25% trả lời họ nhận được thông tin giả nhiều lần mỗi ngày.

Facebook được xác định là nơi phát tán nhiều thông tin sai lệch nhất. 50% người Mỹ cho biết gặp khó khăn khi xác định liệu tin tức về dịch có đúng sự thật hay không, trong khi 64% thừa nhận đã xem “một số tin tức và thông tin về đại dịch mà họ tin rằng là tin bịa đặt”.

Trước nạn tin giả, Twitter lần đầu tiên sử dụng gắn cờ tin giả nhằm cảnh báo cộng đồng mạng và “khuyến khích tìm hiểu sự thật”. Theo người phát ngôn của Twitter, hàng triệu tin đã được gắn cờ cảnh báo “có thể gây hiểu nhầm”, trong đó có cả những tin tức của Tổng thống Donald Trump cũng bị gắn nhãn. Trong khi đó, Facebook cho biết đã gỡ hơn 7 triệu bài viết vì thông tin sai lệnh về Covid-19.

Năm 2020 cũng là thời điểm ngày càng nhiều các ông lớn như Facebook, Twitter, Google chấp nhận trả phí nội dung cho một số cơ quan báo chí trên thế giới. Ngày 25/6, Google cho biết sẽ trả phí nội dung cho một số tập đoàn truyền thông, trong đó có các tập đoàn ở Australia, Brazil và Đức để nhận được nội dung chất lượng cao. Facebook trước đó cũng trả tiền khai thác nội dung của một số tờ báo Pháp. Chính phủ Australia thậm chí còn ra dự thảo luật để ép buộc Facebook, Google trả tiền cho việc sử dụng tin tức.

Phong trào Black Lives Matter tác động báo chí

Cái chết của George Floyd - người đàn ông da đen bị cảnh sát ghì cổ đến chết ở bang Minnesota, Mỹ vào tháng 5 đã gây chấn động khắp thế giới. Các cuộc biểu tình đòi công lý cho ông Floyd, bình đẳng chủng tộc và phong trào Black Lives Matter đã trở thành sự kiện trên toàn thế giới. Các cuộc thảo luận xung quanh vấn đề lạm dụng chủng tộc đã trở nên và vẫn luôn quan trọng.

Đây là lý do tại sao một bộ phim tài liệu được xuất bản trong tháng 9 đã gây ra một cuộc tranh luận sôi nổi tại nước Anh. Nữ nhà báo Reha Kansara của đài BBC Three đã xem xét hàm ý của một câu xúc phạm mà người ta hay nghe thấy tại nước Anh: “quay trở lại nơi bạn đến” (go back to where you came from).

Đối với những người không phải da trắng nhưng sinh ra và lớn lên tại Anh Quốc, câu nói đó mang một cảm giác bị loại trừ, từ chối quyền công dân và danh tính. Bà Kansara đã nói chuyện với các nạn nhân cũng như những người đang đứng lên chống lại sự lạm dụng, để tìm hiểu sâu hơn về ý nghĩa của bản sắc Anh ngày nay.

Thế giới không có nhiều thay đổi trong sáu tháng qua liên quan đến vấn đề phân biệt chủng tộc”, Kansara nói. “Điều đã thay đổi là mọi người cởi mở hơn để thảo luận về nó. Đó vẫn là một vấn đề cần được nói đến”, bà khẳng định.

Trong năm 2020, báo chí với vai trò phản biện xã hội đã tham gia mạnh mẽ và góp tiếng nói quan trọng vào phong trào đấu tranh đòi quyền bình đẳng xã hội. Chính sự quyết liệt và công tâm của báo chí, nhiều nạn nhân đã được bênh vực, nhiều người bị hại được lên tiếng, qua đó giúp làm giảm mâu thuẫn, xung đột, tạo ra gắn kết xã hội ở Mỹ, châu Âu và nhiều nước trên thế giới.

Vai trò quan trọng của báo ảnh trong một năm đầy biến động

Từ đại dịch Covid-19, những vụ cháy rừng, lũ lụt cho tới các cuộc biểu tình trải rộng tại nhiều nơi trên thế giới đến các cuộc đảo chính và cuộc bầu cử Mỹ… Những sự kiện trên làm cho báo ảnh trở nên quan trọng hơn bao giờ hết, đặc biệt khi nhiều nơi trên thế giới vẫn đang trong tình trạng cách ly xã hội.

Chắc hẳn chúng ta vẫn nhớ về những cuộc biểu tình bạo lực của phong trào Black Lives Matter, với những vụ đụng độ lớn ở Mỹ, những vụ đập phá các cửa hàng thời trang xa xỉ. Tất cả đều được ghi lại và phản ánh đầy đủ một cách sâu sắc trên những bức ảnh thời sự.

Tại London, vụ ẩu đả ngày 13 tháng 6 cũng là một sự kiện khó quên. Có mặt tại hiện trường để ghi lại khoảnh khắc đáng nhớ này là nhiếp ảnh gia Dylan Martinez của Reuters. Bức ảnh mang một ý nghĩa đoàn kết giữa sự thù địch đó. Tại đây, anh Patrick Hutchinson - một người biểu tình đã vác một người biểu tình của phe đối lập lên vai khi anh này bị thương và đưa tới nơi an toàn.

Đám đông đang tản ra ngay trước mặt tôi”, anh Martinez nhớ lại. “Tôi đã ở đúng nơi vào đúng thời điểm. Anh ấy tiến về phía tôi, bước đi nhanh chóng”. Đó là biểu tượng của sự đoàn kết dân tộc.

Hoàng Việt

Tin khác

Phát động cuộc thi ảnh báo chí, ảnh nghệ thuật toàn quốc về Quân đội nhân dân Việt Nam

Phát động cuộc thi ảnh báo chí, ảnh nghệ thuật toàn quốc về Quân đội nhân dân Việt Nam

(CLO) Chiều 26/4, tại Hà Nội, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam tổ chức họp báo giới thiệu Cuộc thi ảnh báo chí, nghệ thuật toàn quốc về Quân đội nhân dân Việt Nam và Quốc phòng toàn dân năm 2024.

Nghề báo
Đài Truyền hình Việt Nam sẽ phát sóng nhiều chương trình đặc sắc về Chiến thắng Điện Biên Phủ

Đài Truyền hình Việt Nam sẽ phát sóng nhiều chương trình đặc sắc về Chiến thắng Điện Biên Phủ

(CLO) Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, Đài Truyền hình Việt Nam thực hiện nhiều chương trình trọng điểm, phát sóng đa nền tảng trên các kênh và nền tảng số của VTV.

Nghề báo
Gần 100 hội viên học tập chuyên đề làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

Gần 100 hội viên học tập chuyên đề làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

(CLO) Ngày 26/4, Hội Nhà báo tỉnh Bình Dương đã tổ chức hội nghị học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh cho gần 100 hội viên, nhà báo đang công tác tại các cơ quan báo chí trong tỉnh.

Nghề báo
Báo Khánh Hòa thực hiện chương trình “Đồng hành cùng ngư dân”

Báo Khánh Hòa thực hiện chương trình “Đồng hành cùng ngư dân”

(CLO) Nhân dịp kỷ niệm 77 năm ngày truyền thống Báo Khánh Hòa, ngày 26/4, Báo Khánh Hòa tiếp tục phối hợp với Công ty Cổ phần Nước giải khát yến sào Khánh Hòa thực hiện chương trình “Đồng hành cùng ngư dân”.

Nghề báo
Báo Nông thôn Ngày nay kỷ niệm 40 năm ngày xuất bản số báo đầu tiên

Báo Nông thôn Ngày nay kỷ niệm 40 năm ngày xuất bản số báo đầu tiên

(CLO) Sáng 26/4, tại TP. Sơn La, tỉnh Sơn La, Báo Nông thôn Ngày nay/Điện tử Dân Việt đã tổ chức Lễ tri ân kỷ niệm 40 năm Báo Nông thôn Ngày Nay xuất bản số báo đầu tiên (7/5/1984 - 7/5/2024).

Nghề báo