Một thời gian nan
Mô hình 80% doanh thu từ quảng cáo – 20% từ việc bán báo- đổ vỡ đã khiến báo giấy đổ xô vào xu hướng kỹ thuật số hòng tìm một phương thức khả dĩ để tồn tại. Nhưng với các báo, trong cái thời kinh doanh truyền thông khốn khó như hiện nay, khi mọi chi phí xuất bản đều trở nên vô cùng đắt đỏ thì việc chuyển sang báo điện tử để... kiếm tiền mà rốt cuộc lại chả thu được bao nhiêu (chỉ từ quảng cáo) thì rõ là không bõ công cho lắm. Thế nên, để tìm đáp án cho câu hỏi nguồn thu, từ cách đây hơn mười năm, một số tờ báo điện tử đã “âm mưu” áp dụng mô hình thu phí truy cập (hay còn gọi bằng cụm từ dựng tường phí paywall).
New York Times: tiên phong và thành công trong việc thu phí
Tuy nhiên, trên thực tế, việc lấy được tiền từ các độc giả trực tuyến lại khó khăn hơn những người làm báo điện tử tưởng tượng rất nhiều. Nan giải nhất là việc thay đổi thói quen đọc báo miễn phí từ trước đến nay của độc giả. Thói quen ấy đã khiến cho những thông báo paywall bất ngờ hiện ra trên màn hình biến thành những trải nghiệm rất không dễ chịu cho độc giả. Chưa kể, còn là vô số những nghi hoặc rằng liệu những bài báo trực tuyến có đáng để trả tiền? Rồi cả những ý kiến phản đối thẳng thừng rằng dựng paywall là đi ngược lại xu thế, là “tự sát” vì paywall loại bỏ người đọc và điều này về mặt chiến lược là không tốt bởi chúng ta (báo chí) đang cần có thêm độc giả. Bản thân những người dựng paywall không phải không có những nghi ngại khi việc đầu tư cho công nghệ tính phí với độc giả không hề đơn giản.
Nhưng bất chấp những nghi hoặc, phản đối ấy, những người đi tiên phong trong công cuộc dựng bức tường phí paywall vẫn kiên định với hướng đi của mình. Khôn ngoan và không hề tỏ ra nôn nóng, họ thận trọng, từng bước một, dựng lên từng mảng paywall nho nhỏ. Giai đoạn nửa đầu những năm 2000 được những người trong cuộc gọi là “giai đoạn thử nghiệm” của tiến trình thu phí đọc báo điển tử. Hăng hái nhất trong “giai đoạn thử nghiệm” này là nhật báo tài chính Mỹ Wall Street Journal (WSJ). WSJ bắt đầu thu phí vào năm 1997, đến giữa năm 2007 thì có khoảng một triệu người phiên bản điện tử của tờ báo này. Tháng 9/2005, một nhật báo lừng danh khác của Mỹ là New York Times (NYT) cũng bắt đầu dịch vụ thu phí. Một tờ báo khác của Anh là The Times cũng thu phí vào năm 2010.
Định hình một xu hướng tất yếu
Tuy nhiên, từ năm 2011 đến nay, quan điểm thu phí dường như đã được định hình rõ ràng hơn. Bản thân các độc giả, sau một thời gian trải nghiệm với việc thu phí đã dần quen với phương thức đọc tin trả tiền trên website. Còn với những người làm truyền thông, trước thực tế phát triển của báo điện tử toàn cầu, nhiều chuyên gia truyền thông khẳng định: “Việc thu phí đọc báo online sẽ không còn là câu chuyện thích hay không thích nữa, mà là bắt buộc để tồn tại”. Ông trùm truyền thông Rupert Mudoch còn mạnh miệng tuyên bố thời đại của các website tin tức miễn phí đã kết thúc. Bên cạnh đó, với các báo, việc xây dựng hệ thống trả tiền trực tuyến đã trở thành công việc dễ dàng hơn và chi phí cũng rẻ hơn rất nhiều. Công nghệ Press+ giúp các tờ báo dễ dàng hơn trong việc xây dựng hệ thống trả tiền. Rất nhiều tờ báo điện tử trên thế giới đã có ứng dụng chạy trên môi trường hệ điều hành iOS (dành cho iPhone, iPad) và có thể bắt buộc độc giả đi qua "cổng thanh toán".
Từ những điều kiện thuận lợi ấy, các báo điện tử, nhất là báo điện tử tại châu Âu và Mỹ- hai nền báo chí chịu ảnh hưởng nặng nề của sự sụt giảm tia-ra và doanh thu quảng cáo- hăm hở bước chân vào công cuộc thu phí tin tức trực tuyến. Theo thống kê, tại Mỹ, hiện đã có hơn 300 nhật báo sử dụng hệ thống thu tiền lệ phí nơi người đọc báo dưới nhiều hình thức “paywall” và chỉ cho đọc miễn phí một số bài vở và thông tin nhất định và con số này, dự đoán đến năm 2014, con số này sẽ tăng lên ít nhất 400 tờ. Trong "câu lạc bộ những báo điện tử có thu phí", châu Âu là khu vực có nhiều thành viên nhất. Mới đây nhất, nhật báo lớn nhất nước Đức là Bild, tiếp nối các tuyên bố bắt đầu thu phí đọc báo điện tử từ tháng 6/2013. Một xu hướng chung đang hình thành rõ tại châu Âu. Và trên phạm vi toàn thế giới, tính tới năm 2012, đã có gần 200 tờ báo sử dụng Press+ để theo dõi và yêu cầu độc giả trả tiền đọc báo điện tử.
Như vậy, rõ là giờ đây, dựng paywall hay thu phí độc giả đối với các nội dung trực tuyến – đã trở nên không còn xa lạ. Tuy nhiên, có lẽ vẫn còn quá sớm để khẳng định chắc chắn paywalls có thành công trên phạm vi toàn thế giới hay không. Hệ thống có thể sẽ không hoạt động hiệu quả tại các tờ báo nếu như các tờ báo không có lợi thế cạnh tranh thực sự về tin tức, nội dung của tờ báo không đáng giá để độc giả sẵn sàng bỏ tiền ra mua hoặc hoạt động tại khu vực mà các tờ báo khác đều miễn phí. Tuy nhiên, rõ một điều là paywalls đã là một xu hướng tất yếu của báo chí trong thời kỳ kỹ thuật số và là một lối thoát được kỳ vọng số 1trong việc đưa báo chí ra khỏi vũng bùn bĩ cực của sự sụt giảm tia-ra và doanh thu từ quảng cáo.
Hà Trang