Truyện tích về một vị Tông sư

Thứ sáu, 03/04/2015 14:15 PM - 0 Trả lời

Truyện tích về một vị Tông sư

(congluan.vn) - Cũng như đức Phật hoàng Trần Nhân Tông (1258-1308) - ông tổ của dòng Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử danh tiếng - Tông sư Minh Trí đã khai lập nên hệ phái Tịnh độ Cư sĩ Phật hội Việt Nam (TĐCSPHVN). Đó là hai trong số những tôn giáo Phật có nguồn gốc và đặc trưng thuần Việt. Với phương châm: “Tu học hành thiện, ích nước lợi dân”, hơn 200 Hội quán TĐCSPHVN vừa là nơi tu học Phật pháp vừa là nơi hành thiện tích phước bằng cách tổ chức các Phòng thuốc Nam xem mạch, bốc thuốc và châm cứu độ bệnh miễn phí cho người dân…

Chân dung cuộc đời và quá trình hoằng hóa mối đạo của Tông sư Minh Trí có rất nhiều truyện tích ly kỳ, huyền bí. Congluan.vn xin giới thiệu với đọc giả loạt bài độc quyền về ngài...
 
 
Báo Công luận 
Chân dung Tông sư Minh Trí
 
Kỳ 1: Đi tìm chân lý Phật pháp
 
Tuổi nhỏ của ngài hay đau ốm, tâm tính luôn khác người, lại thường ưu tư, ngẫm ngợi một mình nên khiến gia quyến vô cùng lo lắng. Rồi bỗng nhiên ngài muốn du sơn. Sau chuyến đi ấy, ngài đã tìm ra chân lý cho cuộc đời mình... 
 
Tuổi thơ khác người

Tông sư Minh Trí có tục danh Nguyễn Văn Bồng, ngài sinh vào mùa đông năm Bính Tuất 1886 trong một gia đình thuộc dạng “trâm anh thế phiệt” xã Tân Mỹ, tổng (huyện) An Thạnh Thượng, tỉnh Sa Đéc (nay là Đồng Tháp). Cha là ông Nguyễn Văn Bường, thông tuệ Nho gia, ông nội Nguyễn Công Nhiệm thời bấy giờ giữ chức Tổng viên Tổng An Thạnh Thượng. 

Theo truyện tích về ngài do cố Cư sĩ Ngộ Nhựt ghi lại, thuở nhỏ khi mới sinh ra ngài đã có những biểu hiện khác người. Sau khi được sinh ra, ngài không chịu bú sữa mẹ trong nhiều ngày mà chỉ chịu uống nước cơm pha đường. Lúc biết ăn thì không chịu ăn thịt cá, cứ mớm là ói ra và chỉ chịu ăn cơm độn muối. Cho đến khi lên 6 tuổi, mọi người lần lừa mãi mới ăn được thịt cá nhưng bấy giờ lại sinh tật lắc đầu liên miên và ngày thêm một nhiều. Gia đình nhiều lần chạy chữa Đông hay Tây y đều vô phương cách. Ngài lắc đến nỗi khi 15, 16 tuổi ai trông lâu phải chóng cả mặt. 
 
Ấy vậy mà khi tuổi lên 7, ngài được cho đi học chữ nho (Hán văn) thì thông minh, mẫn đạt xuất chúng, trên hết bạn bè. Ngặt nỗi ngài ăn uống khó khăn, thân thể tiều tụy, đau ốm triền miên nên đến năm 15 tuổi phải nghỉ học. Lúc này song thân ngài đều đã qua đời. Ngài được một người anh và người chị ruột bảo bọc chăm lo. Anh chị của ngài là ông Nguyễn Văn Khiêm và bà Nguyễn Thị Tời bèn cho mời một thầy thuốc Y học cổ truyền về truyền dạy cho ngài những mong có nghề nghiệp lập thân sau này. Với tư chất thông tuệ, không lâu sau đó ngài mau chóng lĩnh hội và tinh thông Y học cổ truyền. Và chính Y học cổ truyền, một nghề mà sau này ngài nương vào đó để vừa đi tế độ nhơn sanh vừa phát phái quy y khắp chốn.
 
Báo Công luận 
 
Truyện tích và người đời kể rằng tính khí ngài rất lạ, từ nhỏ không chịu đeo tôm đeo niệt (Lúc bấy giờ, tôm niệt là những thứ mà trẻ thơ khắp các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long thường phải đeo để tránh tà thuật xâm nhập hại thân - PV). Có chăng ngài miễng cưỡng mang về nhà nhưng lại đem đốt hết. Cơ thể đã ốm yếu lại rất hay đau bệnh mà người lúc nào cũng ưu tư. Ngài rất thường ra gốc cây sau vườn nhà ngồi thơ thẩn, ngẫm ngợi gì đó một mình suốt cả ngày đêm…
 
Tuy nhỏ tuổi nhưng ngài không chịu vái lạy các tượng cốt, tranh, hình Phật trong chùa bao giờ. Duy chỉ lạy bàn thờ cha mẹ khi có giỗ chạp cúng kiến. Truyện tích kể, có lần vâng lời cùng huynh trưởng vào chùa thọ giới với nhà Phật, ngài không chịu thắp nhang hay lạy lục mà cứ tựa cột ngó nghiêng các tượng cốt và đầu thì cứ lúc lắc. Huynh trưởng ngài mới quở trách "ngã mạn thất nghi" (tự cao không chịu hành lễ) thì ngài đối đáp với những lời lẽ cao siêu, thâm tàng Phật pháp: Tâm niệm hơn khẩu niệm, tâm bái hơn thân bái,… Có thể nói đó là một điều lạ vì ngài trước nay chỉ học Nho, Y thôi chứ kinh sách Phật học chưa hề tham cứu. Trong nhà cũng không hề có lấy một quyển kinh hay sách về Phật giáo nào. 

Không những vậy, sau này ngài đi tế độ nhơn sanh gặp nhiều vị Đạo sĩ tu theo Đạo giáo của Lão Tử cũng đối đáp tinh thông, am tường kinh luật Đạo giáo khiến nhiều vị Đạo sĩ phải giật mình thán phục. 
Lúc bấy giờ ông Nguyễn Văn Khiêm, anh của ngài rất ưu lo vì dân gian có câu: Nhơn sanh trí vị sanh, trí sanh nhơn vị lão, nhơn trí nhất thiết sanh, bất giác vô thượng đáo. Nghĩa là thói thường người sanh thì trí chưa sanh, trí sanh thì người đã già nhưng ở đây nếu người cùng trí sanh một lượt vậy nên là bất thường và sẽ dễ chết trẻ…
 
Báo Công luận 
 Từ đỉnh Núi Cấm nhìn xuống
 
Đi núi và ngộ đạo...
 
Thời cuộc lúc bấy giờ chiến tranh loạn lạc, bá đạo cướp bóc tràn lan, thiên tai dịch bệnh hoành hành khiến nhiều người phải lánh nạn tìm lên trên núi sống rồi cất công tu học một đạo phái nào đó và trở thành các bậc thầy, đạo sĩ ẩn dật, cư định trên đây. Họ có khả năng trừ tà, giải bệnh cứu người nên trong dân tình lúc nào cũng muốn lên núi cầu cạnh các vị này cứu giúp. Không những vậy, dân gian còn cho rằng muốn tu đắc đạo thì phải lên non núi, vì chỉ có non núi mới linh thiêng và hiển linh những bậc siêu phàm xuất chúng. 
 
Tông sư lúc này thấy dân tình mê đắm nên cũng muốn cùng huynh trưởng đi một phen cho tỏ tường mọi lẽ. Thế là ở tuổi 17, 18 (1903-1904) trong vòng 2 năm mà ngài cùng huynh trưởng cất công đi các vùng núi non nổi tiếng linh thiêng thời bấy giờ như: vùng bảy núi Thất sơn - An Giang (Dân gian có câu: Tu Phật Phú Yên - Tu Tiên Bảy Núi - PV), Tà Lơn - Hà Tiên, Bà Đen - Tây Ninh, Nam Vang - Camphuchia, một số núi của Lào. Ngài đi đến đâu, chùa nào cũng không hề bái lạy dù chỉ một lần. Duy chỉ có huynh trưởng là lo toan mọi thứ và hỷ cúng tiền bạc cho các chùa am để xin tá túc qua đêm và dùng cơm chay đạm bạc.
 
Lần đi núi gần Thượng Lào đến một chỗ gọi là "Võ môn tam cấp", ngài dừng chân đứng trông cá nhảy vượt vũ môn. Cá sống dưới dòng nước thấp muốn nhảy vượt lên ba cấp trên là nơi có dòng nước mênh mông, khoáng đại, thức ăn dư dả. Thái độ ngài luôn thay đổi khi trông những chú cá ở đây. Thấy chú cá nào vượt được ba cấp ngài tỏ ra hoan hỷ, vui mừng ra mặt; thấy chú nào cố nhảy nhiều lần nhưng không tới đâu, ngài tỏ ra bi quan; có chú nhảy vượt hai cấp không lên nổi cấp ba thì ngày lắc đầu luyến tiếc. Ngài xem xong bảo huynh trưởng mình muốn học đạo thì đây là đạo rồi dẫn dụ: Xưa thái tử Tất Đạt Đa ra chơi ngoài thành xem người và trâu cày ruộng. Ngài thấy chim chóc bay lượn chung quanh và đáp xuống mổ ăn những giun trùng theo những luống cày mà ngày phát lòng từ bi, tỏ ngộ và than rằng: Là cùng loài nhưng loài khôn đàn áp loài dại, mạnh hiếp yếu... mà sau này tu thành chánh quả. Ông Thương Hiệt soát dấu chân chim mà phát minh văn tự, vua Phục Hy thấy Long mã hiện trên sông và trên lưng có 5 chấm mà phát sanh 8 quẻ dịch số (Ngủ hành - Bát quái), Ông Quản Lộ nhìn trời xem sao, nghiệm tiếng gà gáy nga kêu mà tham thấu thiên văn, địa lý, ma y, tướng số...
 
Báo Công luận 
 Núi Cấm xưa nay có rất nhiều loại thuốc qúy
 
Từ ngày đi núi về người ngài khác hẳn, tỏ ra khỏe khoắn, khoan thai. Ngài vâng lời huynh trưởng và tỷ huynh thành gia lập thất. Nhưng cơ duyên mối đạo của ngài đã đến ngày khởi phát, giác ngộ Phật pháp, ngài ly gia cắt ái, rong ruổi buôn khoai khắp các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long những mong tham thấu dân tình và tìm kiếm đệ tử truyền thụ đạo pháp. 
 
Đó là sự chuẩn bị bước đầu cho công cuộc khai lập một mối đạo có hướng đi mới dựa trên nền tảng giáo lý của nhà Phật...
 
Thế kỷ 19, chế độ phong kiến ở Việt Nam rơi vào suy tàn, đất nước chiến tranh loạn lạc, bá đạo cướp bóc tràn lan, thiên tai, dịch bệnh hoành hành. Vào thời kỳ này, phong trào chấn hưng Phật giáo diễn ra rất mạnh mẽ. Một số tôn giáo có hình thức sinh hoạt mới ra đời. Tất cả đều dựa trên nền tảng giáo lý nhà Phật nhưng có xu hướng mới: Vừa tu học vừa giúp đỡ dân nghèo, hình thức sinh hoạt phù hợp với tập quán sinh hoạt và trình độ người dân. Từ những năm 1849 đến 1939, ngót gần 100 năm mà Nam bộ đã xuất hiện đến 4 dòng Phật giáo: Bửu Sơn Kỳ Hương (do ông Đoàn Minh Huyên khai lập năm 1849), Tứ Ân Hiếu Nghĩa (Ngô Lợi - 1867), Phật giáo Hòa Hảo (Huỳnh Phú Sổ - 1939) và TĐCSPHVN do Tông sư Minh Trí khai lập năm 1934.
 
Kỳ tới: Tham thấu dân tình, thâu phục đệ tử
 
                                                                                   Nguyễn Võ Nguyên Pháp

Tin khác

Tiên Lãng (Hải Phòng): Bất cập trong việc quản lý và sử dụng SVĐ huyện sau 16 năm 'xã hội hóa'?

Tiên Lãng (Hải Phòng): Bất cập trong việc quản lý và sử dụng SVĐ huyện sau 16 năm 'xã hội hóa'?

(CLO) Ngày 31/7/2008, Ủy ban nhân dân (UBND) huyện Tiên Lãng, Thành phố Hải phòng đã ban hành Quyết định số 1214/QĐ-UBND về việc cho thuê các ki ốt khán đài sân vận động huyện... Tuy nhiên, sau 16 năm thực hiện chính sách “xã hội hóa”, vẫn còn một số bất cập cần được làm rõ và khắc phục.

Điều tra
Kon Tum: Vì sao doanh thu của Công ty TNHH MTV Lâm Kim Gia Lai 'nhảy múa' theo từng gói thầu?

Kon Tum: Vì sao doanh thu của Công ty TNHH MTV Lâm Kim Gia Lai 'nhảy múa' theo từng gói thầu?

(CLO) Ở mỗi gói thầu tham dự khác nhau, Công ty TNHH MTV Lâm Kim Gia Lai lại thể hiện một hồ sơ năng lực với doanh thu khác nhau?

Điều tra
Thu hồi quyết định cấp giấy chứng nhận thương binh

Thu hồi quyết định cấp giấy chứng nhận thương binh

(CLO) Ngay sau phản ánh của báo Nhà báo & Công luận, Bộ Tư lệnh Quân khu 4 đã ban hành quyết định thu hồi Quyết định cấp giấy chứng nhận thương binh và trợ cấp, phụ cấp hàng tháng đối với ông Nguyễn Văn Nam.

Điều tra
Doanh nghiệp 'quen mặt' và những gói thầu trúng “sát giá” tại BQLDA đầu tư xây dựng quận Bắc Từ Liêm?

Doanh nghiệp 'quen mặt' và những gói thầu trúng “sát giá” tại BQLDA đầu tư xây dựng quận Bắc Từ Liêm?

(CLO) Thời gian gần đây, ông Nguyễn Minh An - Giám đốc BQLDA đầu tư xây dựng quận Bắc Từ Liêm, TP. Hà Nội đã ký hàng loạt gói thầu có tổng trị giá lên đến hàng trăm tỉ đồng.

Điều tra
Quán bar Aplus ngang nhiên kinh doanh 'bóng cười'?

Quán bar Aplus ngang nhiên kinh doanh "bóng cười"?

(CLO) Mặc dù từng bị xử phạt do kinh doanh quá giờ quy định, thế nhưng quán bar Aplus có địa chỉ tại số 78 Yên Phụ, phường Nguyễn Trung Trực (quận Ba Đình, Hà Nội) không những không tuân thủ theo các quy định của pháp luật mà còn tiếp tục tái diễn, ngang nhiên kinh doanh “bóng cười”….

Điều tra