TS. Lê Duy Bình: “Gia tăng đầu tư tư nhân là dư địa lớn để nền kinh tế tăng trưởng cao và bền vững”

Thứ tư, 01/05/2024 07:15 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Trao đổi với Báo Nhà báo & Công luận, TS. Lê Duy Bình - Giám đốc điều hành Economica Việt Nam cho rằng: Sau mỗi cuộc khủng hoảng, doanh nghiệp (DN) Việt Nam lại mạnh mẽ hơn, vững vàng hơn. Nhưng việc hơn 200 nghìn DN rời thị trường cho thấy yêu cầu cấp bách phải nâng cao năng lực nội sinh và bài học về quản trị rủi ro và xây dựng chiến lược để DN có sức chống chọi cao hơn.

Bài liên quan

+ Đã có 172 nghìn DN rút lui khỏi thị trường trong năm 2023. Trong 3 tháng đầu năm 2024, thêm 74 nghìn DN rời thị trường. Vì thế, có ý kiến cho rằng cộng đồng DN đang kiệt sức. Ông thấy gì từ những con số thống kê này?

- Những con số này cho thấy rất nhiều DN đã và đang phải vật lộn với khó khăn chồng chất. Chỉ trong một thời gian ngắn như vậy, hàng trăm nghìn kế hoạch kinh doanh đã bị đổ vỡ.

Với ngần ấy DN rời thị trường là hàng trăm nghìn tỷ đồng từ khu vực tư nhân cũng bị rút ra khỏi nền kinh tế. Những con số đó cho thấy tác động của những điều kiện bất thuận lợi của nền kinh tế đã tác động tới DN như thế nào và cũng cho thấy tính dễ bị tổn thương và sự mong manh của các DN ra sao.

ts le duy binh gia tang dau tu tu nhan la du dia lon de nen kinh te tang truong cao va ben vung hinh 1

TS. Lê Duy Bình. Ảnh: CTV

Quả thực trong thời gian vừa qua, Covid-19 rồi sau đó là sự giảm tốc của nhiều nền kinh tế trên thế giới đã thực sự bào mòn sức lực của nhiều DN, khiến rất nhiều DN kiệt sức và buộc phải rút lui khỏi thị trường. 

Tuy nhiên, nhìn từ một góc độ khác chúng ta cũng chứng kiến một số lượng kỷ lục với 218 nghìn DN mới được thành lập hay quay trở lại hoạt động trong năm 2023. Tinh thần kinh doanh của doanh nhân, người dân còn vô cùng mãnh liệt.

Như vậy nội tại trong khu vực DN, quá trình tái cấu trúc của chính các DN đã, đang sẽ tiếp tục diễn ra. Quá trình này có thể thực sự là đau đớn đối với nhiều DN, nhiều ngành và khu vực kinh tế. Vận hành trong một nền kinh tế thị trường, chắc chắn sẽ có những DN kiệt sức trong cuộc cạnh tranh, trong quá trình “phá huỷ sáng tạo”, trong việc luôn đổi mới mình. Vì thế, những năm tới có thể tiếp tục chứng kiến số lượng cao những DN rút lui khỏi thị trường.

Nhưng chắc chắn chúng ta cũng sẽ chứng kiến số lượng DN mới gia nhập thị trường cũng cao không kém. Những DN có mô hình kinh doanh không còn phù hợp với thị trường, không theo kịp được các xu thế mới như chuyển đổi số, tăng trưởng xanh, không theo kịp các yêu cầu tái cấu trúc của nền kinh tế, hay vẫn chủ yếu dựa vào các lợi thế như lao động giá rẻ có thể sẽ bị thay thế bằng các DN mới có mô hình kinh doanh phù hợp hơn, có tính cạnh tranh cao hơn.

ts le duy binh gia tang dau tu tu nhan la du dia lon de nen kinh te tang truong cao va ben vung hinh 2

+ Những khó khăn, thách thức trong thời gian qua đã mang lại những bài học kinh nghiệm gì cho DN?

- Cách đây 25 năm, các DN Việt Nam phải đối diện với cuộc khủng hoảng tài chính Châu Á, cách đây khoảng 15 năm là cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, và cách đây hơn 3 năm là Covid-19 và sự phát triển chậm lại của nhiều nền kinh tế lớn. Chỉ trong vòng chưa đầy 3 thập kỷ, DN Việt đã hơn ba lần phải đối diện với những khó khăn mà khó khăn sau thách thức hơn khó khăn trước.

Rõ ràng bài học kinh nghiệm đầu tiên đối với các DN là cần phải chấp nhận một thực tế là khó khăn này qua đi, khó khăn mới sẽ lại đến, có thể dưới hình thái khác và vào bất kỳ thời điểm nào. Thị trường luôn vận động, thay đổi liên tục với các xu thế phát triển mới xuất hiện với chu kỳ ngày một ngắn lại, cạnh tranh ngày một gay gắt hơn.

Vì lẽ đó, điều quan trọng là các DN nhất định phải có sự chuẩn bị tốt hơn về tâm thế, nguồn lực, chiến lược và kế hoạch hành động để đối diện vượt qua các khó khăn, bất kể các khó khăn đó là gì, và từ đó gây dựng nền tảng cho sự phát triển bền vững.

Những khó khăn trong 3 năm vừa qua đã mang lại nhiều bài học quý giá về quản trị rủi ro, về yêu cầu cấp bách phải nâng cao năng lực nội sinh, về xây dựng và thực hiện chiến lược hoạt động để DN có thể có sức chống chọi cao hơn, mạnh mẽ hơn khi phải đối diện với những khó khăn trong tương lai. Nó cũng mang lại nhiều bài học kinh nghiệm quý báu để các nhà hoạch định chính sách, các cơ quan quản lý cải thiện môi trường kinh doanh, có chính sách và biện pháp hỗ trợ phù hợp để giúp DN nâng cao năng lực cạnh tranh, sức chống chọi và để đồng hành, hỗ trợ DN khi gặp khủng hoảng.

Điều đáng khích lệ là sau mỗi cuộc khủng hoảng, cộng đồng DN Việt Nam lại trở lên mạnh mẽ hơn, vững vàng hơn, với sức chống chọi lớn hơn trước các nghịch cảnh. Sau mỗi cuộc khủng hoảng, các chính sách hỗ trợ, công tác điều hành của Chính phủ, các Bộ, ngành cũng kịp thời, linh hoạt hơn, hỗ trợ tốt hơn, hiệu quả hơn để DN và nền kinh tế vượt qua khó khăn. Chú trọng nâng cao các năng lực nội sinh này sẽ có ý nghĩa hơn nhiều so với việc mong chờ sẽ không bao giờ có khó khăn hay điều kiện thị trường sẽ luôn luôn là thuận lợi.

ts le duy binh gia tang dau tu tu nhan la du dia lon de nen kinh te tang truong cao va ben vung hinh 3

+ Việt Nam hiện cũng phải cạnh tranh gay gắt với các nền kinh tế khác để thu hút đầu tư, đặc biệt là nguồn vốn đầu tư chất lượng cao. Yêu cầu thúc đẩy mạnh đầu tư tư nhân cũng đặc biệt cấp thiết. Để DN đóng góp mạnh mẽ hơn cho mục tiêu tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế thì cần có biện pháp gì?

- Những áp lực gia tăng từ cạnh tranh về vốn đầu tư, hay yêu cầu phải đẩy mạnh đầu tư trong nước là cơ hội để Việt Nam nâng cấp môi trường đầu tư, xây dựng một môi trường kinh doanh an toàn, thuận lợi, chi phí thấp có tính tiên liệu cao. Quá trình thiết lập lại chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt trong các ngành công nghệ cao như chip, chất bán dẫn, dược phẩm cũng là cơ hội để thiết lập, khẳng định vị trí, hình ảnh Việt Nam là đối tác thân thiện, đáng tin câỵ của chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt là trong các ngành công nghệ cao. Biến các thách thức này thành cơ hội sẽ đóng góp trực tiếp để nền kinh tế đạt được tốc độ tăng trưởng cao, bền vững, đồng thời mở ra các cơ hội tăng trưởng mới cho DN. 

Gia tăng đầu tư tư nhân, một dư địa lớn để nền kinh tế đạt tốc độ tăng trưởng cao và bền vững, đòi hỏi sự đóng góp nhiệt tình của cộng đồng DN tư nhân trong nước gồm gần 1 triệu DN hiện đang hoạt động và hơn 5 triệu hộ kinh doanh cá thể trên toàn quốc. 

Để DN gia tăng đầu tư, cần có môi trường thuận lợi để họ vững tâm thực hiện các tầm nhìn, khát khao, hoài bão của mình, và một khung khổ pháp luật và văn hoá khuyến khích DN luôn dám dấn thân, mạo hiểm, mở rộng kinh doanh, dám nghĩ lớn, làm lớn, đầu tư lớn. Họ cũng rất cần một môi trường thể chế tốt với các quy định pháp luật rõ ràng, tạo ra một môi trường kinh doanh an toàn, chi phí tuân thủ thấp, có tính tiên liệu cao, giúp DN thực hiện các ý tưởng kinh doanh của mình một cách thuận lợi, an toàn.

+ Trân trọng cảm ơn ông!

Hà Linh (Thực hiện)

Bình Luận

Tin khác

Tổng thống Nga: Mỹ 'lạm dụng' thị trường sẽ tự gây lạm phát

Tổng thống Nga: Mỹ "lạm dụng" thị trường sẽ tự gây lạm phát

(CLO) Tổng thống Nga Vladimir Putin cảnh báo lệnh cấm và hạn chế nhập khẩu của phương Tây đối với nhiều sản phẩm của Nga và Trung Quốc sẽ làm tăng lạm phát ở Mỹ.

Thị trường - Doanh nghiệp
IMF cảnh báo phương Tây không nên tịch thu tiền của Nga

IMF cảnh báo phương Tây không nên tịch thu tiền của Nga

(CLO) IMF cảnh báo kế hoạch của phương Tây nhằm tịch thu trực tiếp dự trữ ngân hàng trung ương đang bị đóng băng của Nga hoặc sử dụng lợi nhuận mà họ tạo ra có thể làm suy yếu hệ thống tiền tệ toàn cầu.

Thị trường - Doanh nghiệp
NHNN thanh tra hoạt động kinh doanh vàng trong vòng 45 ngày

NHNN thanh tra hoạt động kinh doanh vàng trong vòng 45 ngày

(CLO) NHNN sẽ thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật trong hoạt động kinh doanh vàng của các ngân hàng và doanh nghiệp vàng trong vòng 45 ngày. Thời kỳ thanh tra từ ngày 1/1/2020 đến ngày 15/5/2024, khi cần thiết có thể thanh tra trước hoặc sau thời kỳ này.

Thị trường - Doanh nghiệp
Ngân hàng Nhà nước đã bán hơn 1,02 tấn vàng miếng SJC ra thị trường

Ngân hàng Nhà nước đã bán hơn 1,02 tấn vàng miếng SJC ra thị trường

(CLO) Từ 19/4/2024 đến nay, NHNN đã tổ chức 7 phiên đấu thầu bán vàng miếng SJC tăng cung ra thị trường, trong đó có 4 phiên đấu thầu thành công với tổng khối lượng trúng thầu là 27.200 lượng (tương đương khoảng 1,02 tấn). 

Thị trường - Doanh nghiệp
Mở đợt cao điểm chống buôn lậu vàng, ngoại tệ qua biên giới

Mở đợt cao điểm chống buôn lậu vàng, ngoại tệ qua biên giới

(CLO) Mới đây, Tổng cục Hải quan đã có văn bản gửi các đơn vị về kế hoạch kiểm soát, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép vàng, tiền tệ qua biên giới diễn ra từ ngày 20/5/2024 đến 20/5/2026.

Thị trường - Doanh nghiệp