(congluan.vn) - Trước thềm chào đón ngày quốc tế phụ nữ 8/3, PV Nhà báo và Công luận đã có cuộc trò chuyện với Chủ tịch Câu lạc bộ Nhà báo nữ, TBT Tạp chí Sức khỏe và Môi trường Phạm Mỵ để hiểu hơn về “ngôi nhà chung” của những nữ nhà báo.
12 năm qua là chặng đường với nhiều mốc son mà đối với mỗi thành viên của CLB Nhà báo nữ thì đó cũng là một quãng đường đáng nhớ được điểm bằng những chuyến công tác vùng sâu vùng xa, những chuyến tác nghiệp ở Trường Sa, những chuyến du lịch, những cuộc hội thảo…Tất cả tạo nên một câu lạc bộ đoàn kết, ân tình và nhiều trải nghiệm.
“Mái nhà chung” gắn kết các nhà báo nữ
+ Câu lạc bộ nhà báo nữ Việt Nam với 12 năm tuổi đã trở thành “ngôi nhà chung” cho những nữ nhà báo. Là Chủ tịch CLB, chị có thể chia sẻ thêm vài điều về “ngôi nhà chung” này không?
+ CLB Nhà báo nữ đã có 12 năm xây dựng và phát triển. 12 năm qua CLB thực sự là “ngôi nhà chung” của các nhà báo nữ. Cùng với CLB Nhà báo nữ Việt Nam, ở 50 địa phương trong cả nước đã có Câu lạc bộ Nhà báo nữ. Các CLB đó cũng đã là nơi tập hợp chị em ở các cơ quan báo chí ở địa phương, cùng nhau chia sẻ những “niềm vui, nỗi buồn”, những thuận lợi và khó khăn trong nghề báo. Có một điểm chung của “ngôi nhà chung” – Câu lạc bộ Nhà báo nữ là, dù là Câu lạc bộ Nhà báo nữ Việt Nam hay Câu lạc bộ Nhà báo nữ các địa phương đều chú ý đến công tác từ thiện. Các nữ phóng viên đã tham gia tích cực vào công tác này, chia sẻ với những số phận kém may mắn, những người nghèo và mang lại hiệu quả thiết thực.
CLB Nhà báo nữ trong chuyến tác nghiệp tại Nhà máy Z121 Bộ Quốc phòng
Trong những năm qua, chúng tôi đã tổ chức giao lưu với rất nhiều các đơn vị bộ đội, nhà máy, công trường... để từ những buổi giao lưu đó bổ sung thêm vốn sống và thực tế sinh động cho các nhà báo nữ, tăng thêm lòng yêu nghề cho các nữ nhà báo. Phối hợp với các đơn vị, các nữ nhà báo của các đài, báo Trung ương, Hà Nội và các địa phương đã đến Trường Sa phản ánh cuộc sống của những người lính nơi đảo xa, bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc… Nhiều Câu lạc bộ tổ chức cho chị em có những chuyến tham quan là dịp để các nữ nhà báo ở các cơ quan báo chí gắn kết, hiểu nhau hơn và sẻ chia với nhau trong công việc cũng như cuộc sống... Có thể nói “mái nhà chung” này đã gắn kết các nhà báo nữ ở các loại hình báo chí Trung ương và địa phương.
+ Có thể thấy rằng, chặng đường 12 năm qua, CLB đã thể hiện vai trò và sức mạnh của phái nữ trong việc kết nối những người làm báo, chia sẻ những kỹ năng nghề nghiệp và cùng chung tay với các công việc xã hội… Để có tiếng nói chung trong tất cả các công việc ấy, những nữ nhà báo của CLB cần có những phẩm chất gì, thưa chủ tịch?
+ Quả là như vậy. Để có những tiếng nói chung trong tất cả các công việc những nữ nhà báo của Câu lạc bộ đã có những phẩm chất đẹp đẽ. Họ là những nữ nhà báo tâm huyết với nghề, sẵn sàng đến cơ sở cả những nơi gian khổ vất vả, bằng ngòi bút của mình phản ánh thực tế sinh động, biểu dương những người tốt đồng thời đấu tranh với những biểu hiện, hành động sai trái ảnh hưởng đến nền kinh tế và xã hội của đất nước. Nhiều chị, em đã giành nhiều giải cao trong các giải báo chí của Quốc gia, của các bộ ngành, địa phương. Các nữ nhà báo còn làm tròn bổn phận của người vợ, người mẹ, giữ “lửa” cho mỗi gia đình, xứng đáng là những phụ nữ “giỏi việc nước, đảm việc nhà”.
Thích những cá tính mạnh
+ Câu lạc bộ toàn nữ mà phụ nữ làm báo rất cá tính. Họ có kiến thức xã hội và sự thông minh, nhanh nhẹn từ trải nghiệm thực tế…Điều đó có là khó khăn trong việc “quản lý” đội ngũ của chị không?
+ Đúng là các nhà báo nữ có cá tính mạnh. Bởi làm báo là một nghề đòi hỏi có bản lĩnh, sẵn sàng chịu trách nhiệm trước những gì mình đã viết, đã phản ánh. Tôi thích tính cách ấy của họ. Nhiều nữ nhà báo còn tỏ ra bướng bỉnh, “không nghe” thậm chí còn “bảo thủ” khi họ đã kiên định với những gì họ cho là đúng. Tuy nhiên, hiểu họ và biết khơi dậy lòng tự trọng và niềm tự hào chính đáng của họ thì sẽ tạo thành sức mạnh lớn. Tôi không ngại quản lý họ mà trái lại tôi thích trong Câu lạc bộ Nhà báo nữ tập hợp được những cá tính mạnh đó.
+ Ai cũng nói phụ nữ làm báo vất vả lắm, vậy mà tỷ lệ phụ nữ làm báo luôn cao, trong trường đại học cũng như trong các tòa soạn. Theo cô, điều gì ở nghề hấp dẫn phái yếu?
+ Không phải chỉ là nói nghề báo vất vả mà thực sự là một nghề vất vả. Ở nhiều nước nghề báo còn là nghề nguy hiểm nữa. Thực tế ở nước ta, trong các khoa báo của các trường đại học, tỉ lệ học sinh nữ chiếm phần lớn. Điều này cũng rất dễ hiểu. Bởi lẽ các em nữ là những học sinh chăm và giỏi về các môn xã hội đặc biệt là môn văn. Mấy năm gần đây, khoa báo còn tuyển sinh cả học sinh thi khối D với các môn toán, văn và ngoại ngữ. Sinh viên nữ nhiều thì đương nhiên trong các cơ quan báo chí nữ cũng đông. Đội ngũ nữ phóng viên trong các tòa soạn nhiều người giữ vai trò quản lý và nhiều cây bút xuất sắc. Thực tế, nghề báo cũng rất hấp dẫn.
Nhà báo Phạm Mỵ tác nghiệp tại Trường Sa
Câu lạc bộ Nhà báo nữ Việt Nam đã tổ chức nhiều hội thảo, nhiều tham luận của những nhà báo nữ đều cho rằng, đây là một nghề rất hấp dẫn, đòi hỏi sự nhạy cảm cao và nghề báo cũng mang lại cho họ nhiều điều mà nghề khác không có được. “Phái yếu” lại có ưu thế mạnh mà phái mạnh chưa chắc đã có được. Với riêng bản thân tôi, đã hơn 30 năm trong nghề báo cũng trải qua nhiều cung bậc nhưng khi được hỏi nếu cho chọn lại nghề tôi nói: Tôi vẫn chọn nghề báo. Bởi nghề báo cho tôi được đi nhiều, biết nhiều và cho tôi niềm đam mê khám phá, tìm tòi, học hỏi... Tuy nhiên, trong thực tế cũng có nhiều nhà báo nữ cũng không theo nghề đến hết cuộc đời bởi do hoàn cảnh, cũng có người chịu thiệt thòi do chồng con, bố mẹ không hiểu và không chia sẻ, cảm thông với nghề...
+ Lại nói đến chuyện gia đình, có ý kiến cho rằng, phụ nữ muốn thành công trong nghề báo thì phải hy sinh nhiều lắm, trong đó có tình yêu và gia đình. Quan điểm của chị về vấn đề này?
+ Nói thế thì cũng hơi cực đoan. Trong thực tế có nhiều nữ nhà báo thành công trong công việc và có gia đình hạnh phúc. Tuy nhiên cũng có những nữ nhà báo thành công trong nghề nhưng cũng chịu nhiều thiệt thòi, thậm chí cả mất mát trong tình yêu và cả việc tan vỡ hạnh phúc gia đình. Bởi lẽ nếu phải chọn giữa nghề và tình yêu, hạnh phúc thì có những nữ nhà báo đã phải hy sinh cả tình yêu và hạnh phúc cho nghề báo – một nghề vất vả nhưng đầy hấp dẫn, vẻ vang.
+ Vâng, xin cảm ơn chị!