Tự chủ đại học: Đừng để học phí trở thành “nút thắt”!

Thứ năm, 11/06/2020 12:16 PM - 0 Trả lời

(NB&CL) Tự chủ đại học không phải là câu chuyện quá mới của giáo dục Việt Nam. Song hiểu cho đúng về tự chủ, từ đó khai thác tốt hơn nguồn lực bên ngoài và phát huy tối đa nội lực nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả các mặt hoạt động lại là “bài toán” có nhiều “cách giải”.

Đại diện Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam nhấn mạnh, xu hướng phát triển trong giáo dục hiện nay là đề cao tự chủ và trách nhiệm giải trình. Tự chủ trước hết về tổ chức, tiếp đến là chuyên môn, học thuật và tự chủ về tài chính. Nhưng xu hướng chung là không ít trường làm ngược lại, tài chính đặt lên trước chất lượng và học thuật…

Học phí leo thang

Theo lộ trình, từ năm 2020, sau khi Luật Giáo dục Đại học sửa đổi có hiệu lực, các trường đại học đều hoạt động tự chủ, nguồn kinh phí chi thường xuyên bao cấp của Nhà nước sẽ bị cắt. Để có kinh phí tiếp tục thực hiện các hoạt động đào tạo, nhà trường sẽ buộc phải tăng học phí. Theo các chuyên gia, trước khi thực hiện việc này, trường đại học phải công khai và minh bạch được nguồn thu, chi phí đào tạo để xã hội giám sát, tránh việc lợi dụng tự chủ để đẩy khó về phía sinh viên và gia đình. 

01_08265806052020

Những ngày qua, thực hiện quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), các trường đại học công lập đã công bố đề án tuyển sinh năm 2020 và mức học phí mới. Câu chuyện được học sinh, phụ huynh nhắc nhiều nhất là học phí của nhiều trường đại học tăng “phi mã”, gấp 2, thậm chí gấp 5 lần so với những năm trước.

Gây bất ngờ nhiều nhất là mức học phí của Đại học Y Dược TP.HCM, bởi cao vượt trội so với mặt bằng chung của các trường đại học khác ở Việt Nam. Nếu Trường Đại học Y Hà Nội, Y Dược Hải Phòng đều thu học phí theo Nghị định 86/2015 về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, thì ĐH Y Dược TP.HCM thu học phí theo cơ chế tự chủ xác định trong Luật Giáo dục đại học sửa đổi.

Trong đó, ngành Y khoa là 68 triệu đồng/năm, ngành Răng - Hàm - Mặt 70 triệu đồng/năm, ngành Dược học là 50 triệu đồng/năm. Mức học phí này tăng từ 2-5 lần so với mức học phí cũ, cao hơn cả mức trần học phí theo quy định trong Nghị định 86/2015 đối với các trường tự đảm bảo kinh phí chi thường xuyên. Bên cạnh đó, dự kiến học phí mỗi năm tiếp theo sẽ được trường tăng 10%.

Lý giải nguyên nhân tăng học phí lên cao, ông Nguyễn Ngọc Khôi - Trưởng phòng Đào tạo Đại học Y Dược TP.HCM - cho biết, khi trường chưa thực hiện tự chủ, ngoài phần học phí sinh viên đóng thì nhà trường còn được hỗ trợ tài chính từ Bộ Y tế. Do đó, sinh viên chỉ đóng học phí một phần, phần còn thiếu Nhà nước sẽ bù vào. Từ 1/1/2020, nhà trường thực hiện tự chủ đại học, Bộ Y tế không còn hỗ trợ, nên trường bắt buộc phải tính toán phương án thu học phí cao hơn để lấy thu bù chi và có tích lũy để đầu tư. Để thực hiện hỗ trợ học sinh có hoàn cảnh khó khăn, học giỏi, hằng năm nhà trường sẽ dành 8% để hỗ trợ, cấp học bổng cho viên nghèo, các chính sách miễn giảm học phí cho sinh viên khó khăn.

Học phí nhóm ngành Y khoa ở nhiều trường ĐH khác cũng ở mức khá cao. Khoa Y - ĐH Quốc gia TP.HCM áp dụng cho khóa tuyển sinh 2020-2021 (dự kiến) chất lượng cao như ngành Y khoa là 60 triệu đồng/năm, Dược học 88 triệu đồng/năm. Với mức học phí này, nhiều học sinh ví von “con nhà nghèo sẽ không thể học được trường y dược”. 

Ngoài khối trường y dược, các trường đào tạo ngành kinh tế, kỹ thuật, luật, sau thời gian thí điểm tự chủ cũng rục rịch tăng học phí, như Đại học Bách Khoa Hà Nội, ĐH Luật TP.HCM,...

Lý giải vì sao năm nay một số trường đưa ra mức học phí “vượt trần” so với quy định trong NĐ 86/2015, đại diện Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD&ĐT) cho biết, Nghị định số 86 đã quy định mức thu học phí, dịch vụ tuyển sinh, các khoản dịch vụ khác. Các trường ĐH thực hiện thí điểm tự chủ, Nhà nước sẽ quy định mức học phí cho mỗi trường. Tuy nhiên, Luật Giáo dục ĐH sửa đổi và Nghị định hướng dẫn thực hiện luật này có hiệu lực, các cơ sở giáo dục ĐH công lập sẽ thực hiện thu học phí theo Điều 65 của Luật. Theo đó, các trường ĐH đáp ứng Khoản 2, Điều 32 của Luật này về các điều kiện để được tự chủ, đồng thời tự bảo đảm được kinh phí chi thường xuyên, thì sẽ được tự xác định mức thu học phí trên cơ sở tính đúng, tỉnh đủ chi phí đào tạo.

Cần nghĩ đúng về tự chủ

Nói về thực trạng giáo dục đại học, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc cho biết, cả nước hiện có 236 trường đại học với khoảng 1,7 triệu sinh viên. Trong đó có 171 trường công lập, số còn lại là tư thục và các trường có vốn đầu tư nước ngoài. Về tài chính, theo Thứ trưởng Phúc, mức chi cho giáo dục còn thấp, với khoảng 0,5% GDP nên gia đình và người học phải gánh rất nhiều, gần như nhiều nhất trong các nước khảo sát. Mức đầu tư cho giáo dục so với GDP chỉ hơn 10%, trong khi các nước lên tới 40%.

Hiện cả nước có 23 trường đại học đang thực hiện tự chủ về đào tạo, hợp tác quốc tế, bộ máy, tài chính và kết quả là đã có nhiều đổi mới về nội dung chương trình và phương pháp đào tạo. Về định hướng, theo ông Phúc, phải thể chế hóa tự chủ đại học, trong đó sửa Luật Giáo dục Đại học là vấn đề hết sức cấp bách.

a1-VNOO

Bởi thực tế cho thấy, nhiều trường tự chủ đang gặp nhiều vướng mắc về thủ tục. Vì thí điểm tự chủ nên lãnh đạo nhiều trường đại học “vừa làm vừa run”. Do vậy, cần phải sớm tạo hành lang pháp lý, tạo ra sự yên tâm cho các trường, đồng thời ông Phúc lưu ý đẩy mạnh tự chủ nhưng phải gắn liền với trách nhiệm giải trình trong toàn xã hội.

Trong khi đó, nhiều chuyên gia nhấn mạnh đến vấn đề tự chủ trong chương trình chứ không phải tự chủ về tài chính. Nhiều ý kiến cho rằng, hiện cơ chế tự chủ có sự lệch lạc, chỉ lo cơ chế tự chủ tài chính thôi, còn tự chủ học thuật thực tế lại không được coi trọng. Các trường chỉ “chăm bẵm” cơ chế tài chính, loay hoay làm thế nào thu học phí, điều này trở thành nguy cơ lớn trong nền giáo dục.

Thực tế, tài chính trong giáo dục đại học luôn là một vấn đề lớn được bàn luận nhiều trong các hội thảo và trên các diễn đàn, tập trung các ý như: Giáo dục đại học ngày càng đắt đỏ; Học phí đại học tăng mạnh; Tỷ lệ chi cho giáo dục đại học chiếm một phần lớn trong chi tiêu gia đình. 

Ông Từ Quang Hiển - Đại học Nông Lâm Thái Nguyên cho biết: “Gần đây, khi nói đến tự chủ các trường đại học, người ta thường nghĩ rằng đó là tự chủ về tài chính (các trường tự thu, tự chi, tự nuôi sống mình), Nhà nước bớt đi một gánh nặng ngân sách dành cho các trường đại học. Suy nghĩ như vậy là phiến diện và chưa đúng đắn. Nhà nước trao cho các trường đại học tự chủ nhiều lĩnh vực trong đó có tự chủ về tài chính. Tự chủ về tài chính có nghĩa là nhà trường có quyền quyết định chi và quyết toán kinh phí hàng năm, bao gồm kinh phí từ Nhà nước cấp và kinh phí tự có của trường”. 

Câu chuyện học phí đại học tăng sau khi tự chủ đã được nhắc đến nhiều lần, từ khi Bộ GDĐT lấy ý kiến về dự thảo Luật Giáo dục đại học sửa đổi. Lúc đó, nhiều lo ngại được đặt ra, như cách nào để tránh việc “tận thu”, cơ chế giám sát ra sao để học phí không “tăng phi mã”, khiến con em của các gia đình khó khăn không có cơ hội tiếp cận giáo dục đại học? 

Nêu quan điểm về vấn đề này, PGS.TS Hoàng Minh Sơn - Hiệu trưởng ĐH Bách khoa Hà Nội cho rằng, Luật Giáo dục ĐH sửa đổi đã nêu rõ các trường ĐH tự chủ được quyết định học phí. Tuy nhiên, các trường cũng cần cân nhắc học phí đến mức nào để vừa đảm bảo nâng cao chất lượng đào tạo cũng như khả năng tiếp cận học ĐH của người học...

Trên thực tế, khi tự chủ, để khẳng định mình, các trường ĐH sẽ có những định hướng nâng chất lượng đào tạo bằng cách đầu tư trang thiết bị hiện đại. Việc này cũng khiến nhiều người lo lắng tất cả những đầu tư, chi phí này sẽ đổ dồn vào học phí. Theo TS Lê Viết Khuyến - nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD&ĐT), thực tế nhiều trường đang có nhầm lẫn về tự chủ, tự chủ không có nghĩa là tăng học phí lên cao.

“Tại các nước trong khu vực, việc tính học phí ở trường ĐH công lập luôn đảm bảo nguyên tắc phù hợp với thu nhập trung bình của người dân. Họ tính chi phí đào tạo một đầu sinh viên, sau đó mới tính đến nguồn thu để bù đắp chi phí đó và nguồn thu ở đây không phải chỉ riêng học phí. Thông thường sẽ có 3 nguồn thu: Như từ nguồn hỗ trợ của Nhà nước đối với các hoạt động chuyên môn, nghiên cứu theo cơ chế đặt hàng; từ phía người học và thứ ba là nguồn do xã hội hiến tặng, hay do nhà trường huy động được.

Cả ba nguồn này phải tính bằng đúng chi phí đào tạo cho một đầu sinh viên để ứng với chất lượng đào tạo mà trường cam kết với người học. Khi đã công bố được các cam kết chuẩn đầu ra, tổng nguồn thu, nhà trường mới tính toán, cân đối để đưa ra mức học phí phù hợp với chất lượng mà mình cam kết. Nếu làm được như vậy mới là tự chủ đúng nghĩa, chứ không phải cứ tự chủ là nghĩ đến việc tăng học phí, tận thu của người học” - TS Lê Viết Khuyến nhấn mạnh.

Ông cũng cho rằng, để tránh việc lợi dụng tự chủ để tăng học phí, cơ quan nhà nước cần có quy định về định mức kinh tế kỹ thuật, giá các dịch vụ chi phí đào tạo để các trường trên cơ sở đó tính đúng, tính đủ, làm căn cứ đưa ra quyết định về mức học phí. Khi đã công khai, minh bạch được như vậy, cơ quan Nhà nước và xã hội có thể giám sát được việc thực hiện thu học phí của các trường.

Khánh An

Tin khác

Kỳ 1: Vì sao Điện Biên Phủ hay “Đường tới điểm hẹn lịch sử”

Kỳ 1: Vì sao Điện Biên Phủ hay “Đường tới điểm hẹn lịch sử”

(NB&CL) Nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), bắt đầu từ số báo này, chuyên trang Tư liệu Báo Nhà báo và Công luận có chuyên đề mang tên: “Điện Biên Phủ - Khúc tráng ca vang mãi”, cùng nhìn lại những dấu ấn không thể quên của chiến thắng vĩ đại này.

Góc nhìn
Giải pháp căn cơ cho thị trường vàng

Giải pháp căn cơ cho thị trường vàng

(NB&CL) Có thể nói, chưa bao giờ, NHNN lại chịu nhiều sức ép trong quản lý thị trường vàng như hiện nay. Đó là sức ép từ nhiệm vụ ổn định kinh tế vĩ mô và thị trường tiền tệ, sức ép từ người dân và sức ép từ nhóm lợi ích doanh nghiệp kinh doanh vàng.

Góc nhìn
Vẫn còn những “khoảng trống” nhất định trong ngoại giao văn hóa

Vẫn còn những “khoảng trống” nhất định trong ngoại giao văn hóa

(NB&CL) Tuần qua, nội dung chất vấn và trả lời chất vấn tại Phiên họp thứ 31 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (Phiên họp tháng 3/2024) đã được dư luận quan tâm, đánh giá cao sự công khai, dân chủ, trách nhiệm trong hoạt động của Quốc hội và ngày càng gần dân hơn.

Góc nhìn
Xây dựng, bảo hộ thương hiệu nông sản Việt: Muộn còn hơn không!

Xây dựng, bảo hộ thương hiệu nông sản Việt: Muộn còn hơn không!

(NB&CL) Trước những tổn thất tiềm ẩn đối với tổng giá trị xuất khẩu nông sản, chuyên gia cho rằng, việc xây dựng thương hiệu quốc gia cho nông sản Việt Nam là việc làm cấp thiết trong bối cảnh hiện nay. Xây dựng thương hiệu quốc gia cho nông sản Việt lúc này là muộn, nhưng vẫn còn hơn không.

Góc nhìn
Đầu tư nước ngoài vào Việt Nam 2024: Thời cơ đã đến!

Đầu tư nước ngoài vào Việt Nam 2024: Thời cơ đã đến!

(NB&CL) Nhiều chuyên gia cho rằng, Việt Nam đang ở vị trí thuận lợi để hưởng lợi từ những làn sóng đầu tư mới của các công ty chip đang nỗ lực xây dựng chuỗi cung ứng mạnh hơn, tốt hơn trên toàn thế giới.

Góc nhìn