Tự chủ đại học là xu thế phải làm kiên trì, kiên định

Thứ sáu, 20/07/2018 10:20 AM - 0 Trả lời

(CLO) Cho đại học (ĐH) tự chủ phải đi đôi với cơ chế đặt hàng để ngân sách nhà nước không bị cắt giảm, tạo nguồn lực nâng cao chất lượng đào tạo và đặc biệt là nghiên cứu khoa học.

Báo Công luận
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh yêu cầu không được giảm chi ngân sách nhà nước đối với đại học tự chủ. Ảnh:Đình Nam 

Sáng 18/7, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam họp với lãnh đạo các bộ ngành, cơ sở giáo dục ĐH về dự thảo nghị định của Chính phủ về giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước từ nguồn kinh phí chi thường xuyên.

Nhiều ĐH tự chủ bị cắt ngân sách

Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định tự chủ ĐH là xu thế phải làm kiên trì, kiên định. Việc thí điểm tự chủ đối với 24 trường ĐH qua 3 năm đã tháo gỡ nhiều vướng mắc về quản lý nhà nước, quản lý của bộ chủ quản, hoạt động của các trường đã tốt lên.

Nhưng việc thực hiện các cơ chế giao nhiệm vụ, đặt hàng còn rất chậm. Hầu hết các trường ĐH tự chủ bị cắt giảm ngân sách nhà nước. Nên dù các trường vẫn duy trì được hoạt động, thậm chí tốt hơn nhưng chưa đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo, nhất là nghiên cứu khoa học.

“Nhiều người hiểu tự chủ ĐH là không còn ngân sách nhà nước đầu tư mà trường phải tự túc về kinh phí. Đó là quan điểm sai lầm. Các bộ cần nghiêm khắc rút kinh nghiệm khi suốt 3 năm qua không xây dựng được cơ chế đặt hàng đào tạo, nghiên cứu khoa học cho trường ĐH tự chủ”, Phó Thủ tướng nói.

Theo dự thảo nghị định, ngân sách nhà nước được sử dụng để đặt hàng đào tạo, nghiên cứu khoa học đối với các cơ sở giáo dục ĐH. Tuy nhiên khi đi vào thảo luận cụ thể liên quan đến việc xác định danh mục, định mức, số lượng đào tạo, đơn vị đặt hàng… các ý kiến đều cho rằng nếu nghị định ban hành như nội dung dự thảo thì không thực hiện được.

Là một trong những cơ sở giáo dục ĐH đầu tiên thực hiện tự chủ, GS.TS Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho biết sau khi tự chủ, nguồn thu từ học phí của nhà trường được tăng theo lộ trình nhưng nguồn từ ngân sách nhà nước đã giảm trong khi không có đặt hàng đào tạo, nghiên cứu khoa học. Vì vậy, đơn vị này đã chủ động xây dựng đề án thí điểm đặt hàng hoặc giao nhiệm vụ đào tạo và nghiên cứu khoa học gắn với giao kinh phí. Nhưng khi so sánh với dự thảo nghị định, thì đề án của Học viện Nông nghiệp Việt Nam không thể thực hiện được.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh thì nhận xét quy trình xây dựng, phê duyệt định mức, đơn giá kỹ thuật cho từng ngành đào tạo ĐH rất phức tạp và sẽ phải mất nhiều thời gian xem xét, phê duyệt.

Liên quan đến vấn đề nghiên cứu khoa học Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Quốc Khánh cho rằng dự thảo nghị định đã “bỏ quên” hoạt động nghiên cứu khoa học phục vụ công tác đào tạo trong trường ĐH.

“Chúng ta cần phân định rõ đặt hàng đề tài nghiên cứu khoa học cụ thể, vốn có quy trình thực hiện tương đối chặt chẽ, bài bản lâu nay với đặt hàng nghiên cứu khoa học phục vụ đào tạo. Trong dự thảo nghị định hoàn toàn chưa đề cập đến lĩnh vực này. Kinh nghiệm của các nước thường cấp riêng một khoản ngân sách trung hạn dành cho nghiên cứu khoa học phục vụ đào tạo trong trường ĐH, sau đó đánh giá hiệu quả khi kết thúc chu kỳ”, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh nói.

GS.TS Nguyễn Thị Lan làm rõ thêm nguồn kinh phí dành cho hoạt động nghiên cứu khoa học phục vụ đào tạo được dùng để duy trì hoạt động của các phòng thí nghiệm, nghiên cứu trong trường ĐH khi không có đặt hàng nghiên cứu đề tài khoa học cụ thể.

Bản thân ông Nguyễn Trường Giang, Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính Hành chính sự nghiệp (Bộ Tài chính) thừa nhận vấn đề quan trọng nhất khi thực hiện nghị định là phải xác định được số lượng đặt hàng và định mức, đơn giá đào tạo. Nếu nghị định được ban hành như dự thảo thì các bộ chuyên ngành sẽ phải mất vài ba năm để ban hành danh mục, phê duyệt định mức kỹ thuật… Trong thời gian đó, các trường ĐH tự chủ tiếp tục bị cắt giảm ngân sách nhà nước vì không được đặt hàng, hay giao nhiệm vụ đào tạo, nghiên cứu khoa học.

Thảo luận trong cuộc họp, các biểu đã thống nhất kiến nghị với cơ quan soạn thảo để tiếp thu về thẩm quyền ban hành danh mục ngành học đặt hàng đào tạo, đơn vị đặt hàng, cách thức xác định số lượng, định mức đơn giá kỹ thuật,  nguồn kinh phí cho nghiên cứu khoa học phục vụ công tác đào tạo… Đáng chú ý là kiến nghị cần nghiên cứu điều khoản chuyển tiếp, quy định trong thời gian các bộ ngành hoàn thiện các yêu cầu về danh mục ngành, định mức kỹ thuật, số lượng đặt hàng đào tạo… để có thể thực hiện được nghị định thì các trường ĐH tự chủ vẫn được sự hỗ trợ của ngân sách nhà nước.

Báo Công luận
Các đại biểu tham dự buổi họp. Ảnh: Đình Nam 

Không được giảm tổng chi ngân sách cho ĐH

Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu cơ quan soạn thảo tiếp thu các ý kiến để điều chỉnh lại dự thảo nghị định theo đúng tinh thần “ĐH không phải là một cấp của phổ thông mà quan trọng của ĐH là sáng tạo ra tri thức. Cho ĐH tự chủ nhưng không được cắt ngân sách nhà nước”.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh không có trường ĐH nào trên thế giới lấy học phí để lo hoạt động và nghiên cứu khoa học. Đóng học phí cần tính đúng, tính đủ để tăng nguồn thu cho trường ĐH từ những học sinh có điều kiện, đồng thời có quỹ học bổng, kết hợp với đặt hàng từ ngân sách nhà nước để bảo đảm người có hoàn cảnh khó khăn vẫn có thể tiếp cận giáo dục ĐH. Không được lấy nguồn thu từ tăng học phí để chi cho nghiên cứu khoa học, để bù cho phần ngân sách nhà nước bị cắt giảm.

Cùng với đó, ngân sách nhà nước phải tiếp tục đầu tư nghiên cứu khoa học trong trường ĐH, nhất là đối với những trường ĐH quan trọng. Nhiều nước như Đức, Pháp, kinh phí nhà nước vẫn hỗ trợ 70-80% thậm chí 90% cho hoạt động này.

“Tới đây Chính phủ ban hành nghị định về tự chủ ĐH mà nếu không làm tốt nghị định về giao nhiệm vụ, đặt hàng trong các đơn vị sự nghiệp công lập, trong đó ĐH, sẽ rất nguy hại cho nền giáo dục ĐH”, Phó Thủ tướng nói và đề nghị thống nhất quan điểm tự chủ ĐH không có nghĩa là cắt ngân sách chi thường xuyên mà thay đổi nhận thức trước đây cào bằng thì hiện nay sau thời gian đánh giá, trường nào làm tốt hơn sẽ nhận nhiều hơn. Tổng chi ngân sách cho giáo dục ĐH không được giảm.

“Chúng ta cho các trường tự chủ về học thuật, tổ chức bộ máy, tài chính, tăng khả năng huy động các nguồn tài chính khác, nhưng nguồn từ ngân sách nhà nước không được cắt giảm. Mục đích hiện nay là đổi mới ĐH sao cho phát huy được sự sáng tạo, tăng cường năng lực đào tạo, nghiên cứu khoa học trong các trường ĐH.

Không thể lấy ngân sách dành cho giáo dục để làm việc khác, không được lấy ngân sách tiết kiệm từ tự chủ ĐH đưa xuống giáo dục phổ thông bởi ĐH vẫn rất thiếu ngân sách. Vì thế phải hoàn thành sớm nghị định đặt hàng đào tạo, nghiên cứu khoa học đối với các trường ĐH tự chủ này cho đồng bộ với nghị định tự chủ ĐH”, Phó Thủ tướng nêu rõ.

PV

Tin khác

Yêu cầu xử lý việc liên kết đào tạo với nước ngoài không đúng quy định

Yêu cầu xử lý việc liên kết đào tạo với nước ngoài không đúng quy định

(CLO) Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, có hiện tượng việc tổ chức thực hiện hợp tác, đầu tư của nước ngoài tại một số cơ sở giáo dục chưa đảm bảo đúng quy định của pháp luật.

Giáo dục
Hà Nội công bố phương án tuyển sinh trường THPT chuyên

Hà Nội công bố phương án tuyển sinh trường THPT chuyên

(CLO) Học sinh tham gia tuyển sinh lớp chuyên phải qua sơ tuyển và thi, lấy điểm từ cao xuống thấp.

Giáo dục
Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam tổ chức Hội thảo 'Dinh dưỡng trong học đường'

Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam tổ chức Hội thảo "Dinh dưỡng trong học đường"

Hội thảo "Dinh dưỡng trong học đường" do Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam phối hợp cùng Công ty Ajinomoto Việt Nam tổ chức.

Giáo dục
Bài 1: Mua danh ba vạn hay bán danh…ba đồng?

Bài 1: Mua danh ba vạn hay bán danh…ba đồng?

(CLO) Hiện nay, nhiều người được gắn với danh xưng giáo sư, tiến sĩ tuy nhiên lại chưa được nhà nước công nhận mà do một vài tổ chức nước ngoài phong tặng. Điều này đang gây ra tranh cãi, liệu giá trị của những danh xưng này đến đâu?

Giáo dục
Tăng cường hợp tác giáo dục Việt Nam - Angola

Tăng cường hợp tác giáo dục Việt Nam - Angola

(CLO) Chuyến thăm và làm việc tại Angola của Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, với tư cách đại diện Chính phủ Việt Nam, là minh chứng sinh động cho mối quan hệ tốt đẹp giữa hai nước, là dấu mốc quan trọng và ý nghĩa đối với việc thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai bên.

Giáo dục