(congluan.vn)- Trong lúc nền kinh tế khó khăn, doanh nghiệp phải gồng mình để vượt qua khủng hoảng, trong đó không ít doanh nghiệp đã phải giải thể, thua lỗ thì Khu Liên hiệp thể thao Quốc gia Mỹ Đình vẫn tự chủ về tài chính, hàng năm thu về khoảng 35 tỷ đồng là một cố gắng rất lớn.
Năm 2012 có thể nói là thời điểm bước ngoặt đánh dấu sự chuyển mình của Khu Liên hiệp thể thao Quốc gia Mỹ Đình (nằm trên địa bàn quận Nam Từ Liêm, Hà Nội). Đó là năm đơn vị này được giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính theo quyết định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Sau gần ba năm thực hiện tự chủ về tài chính, diện mạo của Khu liên hiệp đã thay đổi hẳn, cảnh quan sạch đẹp, văn minh hơn, xứng tầm là một trung tâm thể thao lớn của Quốc gia. Nhưng cái được lớn hơn có lẽ nằm ở những thay đổi trong công tác quản lý, vận hành của Khu Liên hiệp thể thao lớn nhất trong cả nước.
Sân vận động Mỹ Đình- một hạng mục quan trọng của Khu Liên hiệp thể thao Quốc gia
Ông Cấn Văn Nghĩa, Giám đốc Khu Liên hiệp thể thao Quốc gia cho biết: Là một trung tâm lớn, được đầu tư nhiều trang thiết bị hiện đại, từng là nơi thi đấu cho rất nhiều môn tại SEA GAMES 22 và cũng là nơi tổ chức nhiều sự kiện văn hóa- thể thao lớn của đất nước, tuy nhiên, những năm trước đây, tình hình tài chính eo hẹp do phải phụ thuộc vào nguồn ngân sách của Nhà nước cấp nên việc vận hành và quản lý Khu Liên hiệp gặp rất nhiều khó khăn. Từ đó dẫn đến việc không phát huy hết được công năng của những công trình mang tầm quốc gia, những công trình được đầu tư lớn.
Từ khi được tự chủ về tài chính, Khu Liên hiệp đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị, tổ chức thực hiện thành công nhiều sự kiện mang ý nghĩa chính trị lớn. Một số nhiệm vụ trọng tâm được Khu Liên hiệp thể thao Quốc gia tập trung triển khai thực hiện như: Đẩy mạnh công tác xã hội hóa, liên doanh, liên kết với các tổ chức, cá nhân khai thác cơ sở vật chất, khai thác quỹ đất nhằm tăng cường nguồn thu; tập trung điều chỉnh và hoàn thiện quy hoạch; xây dựng cải tạo, nâng cấp một số hạng mục phục vụ tập luyện thể thao; phối hợp tổ chức các sự kiện văn hóa, thể thao, tập trung làm tốt công tác chuyên môn...
Khu Liên hiệp thể thao được đầu tư trang thiết bị hiện đại không chỉ giúp cho các vận động viên chuyên nghiệp có nơi tập luyện, thi đấu chuyên nghiệp, đỉnh cao mà còn góp phần thúc đẩy phong trào thể dục thể thao quần chúng phát triển mạnh mẽ. Với cách làm sáng tạo trong công tác quản lý của ban lãnh đạo, Khu liên hiệp thể thao Quốc gia thực sự đã tạo đà cho phong trào thể thao toàn dân phát triển. Hiện tại, đã có có rất nhiều câu lạc bộ thể thao được thành lập thu hút đông đảo người dân tham gia tập luyện như câu lạc bộ võ thuật, bóng bàn, bóng rổ…
Cũng kể từ năm 2012, Khu Liên hiệp thể thao Quốc gia đã phát huy được lợi thế của mình: Các dự án liên doanh, liên kết đã đem lại hiệu quả tốt. Với cơ sở hạ tầng sẵn có và một không gian mở, cùng với phương châm phát triển dịch vụ gắn liền với các công trình thể thao mà không làm ảnh hưởng đến công năng của các công trình này, Ban Giám đốc hướng đến nội dung liên doanh, liên kết tập trung vào một số dịch vụ như: Kinh doanh dịch vụ, thương mại, thể thao, văn hóa, ẩm thực… Từng bước đưa hệ thống dịch vụ trở thành điểm nhấn đối với du khách du lịch trong nước và quốc tế, với mong muốn trong một vài năm tới Khu liên hiệp thể thao Quốc gia sẽ trở thành một điểm đến thu hút khách du lịch đến tham quan và thưởng thức các món ăn của Việt Nam.
Kết quả đạt được là minh chứng cho thấy chủ trương cho Khu Liên hiệp thể thao Quốc gia được tự chủ về tài chính là việc làm đúng đắn. Bởi trong lúc nền kinh tế khó khăn, doanh nghiệp phải gồng mình để vượt qua khủng hoảng, trong đó không ít doanh nghiệp đã phải giải thể, thua lỗ thì Khu Liên hiệp thể thao Quốc gia Mỹ Đình vẫn tự chủ về tài chính, hàng năm thu về khoảng 35 tỷ đồng. Đây cũng được coi là là một cố gắng lớn của tập thể lãnh đạo, cán bộ CNV Khu Liên hiệp thể thao Quốc gia.
Tuy nhiên, có một vấn đề rất đáng quan tâm là, sau hơn 10 năm đi vào hoạt động, đến nay Sân vận động Quốc gia và Cung thể thao dưới nước cùng nhiều hạng mục khác đã bắt đầu xuống cấp. Vì vậy, Ban giám đốc đã rất chú trọng đến công tác duy tu, bảo dưỡng và coi đây là việc làm thường xuyên nhằm đảm bảo hệ thống công trình hoạt động tốt trong mọi tình huống. Những hạng mục lớn, quan trọng bị xuống cấp sẽ được ưu tiên đầu tư sửa chữa trước như: Thay thế hệ thống điều khiển điện; hệ thống điều hòa trung tâm; hệ thống các trạm bơm; hệ thống thang máy tại sân vận động; hệ thống chiếu sáng; hệ thống máy cắt trung thế tại Cung thể thao dưới nước… Tuy nhiên, theo ông Nghĩa, đây vẫn chỉ là giải pháp tạm thời. Để đáp ứng yêu cầu trong quá trình tập luyện cũng như không để xẩy ra những sai sót ảnh hưởng đến chuyên môn của các vận động viên khi thi đấu; đồng thời đảm bảo chất lượng công trình bền vững, duy trì giá trị sử dụng lâu dài thì rất cần có những đợt sửa chữa lớn hoặc nâng cấp đồng bộ các hạng mục trong Khu Liên hiệp.