Tự chủ tài chính - góp phần phục vụ người bệnh tốt hơn, chuyên nghiệp hơn
Tại buổi làm việc ngày 11/10 với cán bộ y bác sĩ Bệnh viện Nhân dân 115, Phó Thủ tướng đã lắng nghe các ý kiến về đổi mới cũng như các kiến nghị của ban lãnh đạo bệnh viện đồng thời chỉ đạo Bộ Y tế linh động trong việc đẩy mạnh lộ trình tự chủ tài chính cho các bệnh viện tuyến cuối. Nhận xét về khả năng tự chủ tài chính của Bệnh viện Nhân dân 115, Phó Thủ tướng cho rằng đây là một cơ hội để thúc đẩy sự phát triển về cơ sở hạ tầng khám chữa bệnh, góp phần phục vụ người bệnh tốt hơn, chuyên nghiệp hơn.
Thực trạng cho thấy, sự xuống cấp, lạc hậu của thiết bị cùng với chất lượng phục vụ, khám chữa bệnh chưa tốt đã khiến người Việt chi hàng tỷ đồng mỗi năm để ra nước ngoài chữa bệnh. Nếu được tự chủ tài chính, đầu tư máy móc trang thiết bị, cập nhật các liệu pháp điều trị tiên tiến nhất của thế giới, thì các bệnh viện trong nước sẽ đủ điều kiện để áp dụng các phương pháp điều trị tương tự các nước tiên tiến mà giá thành sẽ thấp hơn. Đây cũng là nỗ lực của nhiều bệnh viện trong đó có Bệnh viện Nhân dân 115.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đến thăm và làm việc tại Bệnh viện Nhân dân 115.
Giám đốc bệnh viện, Tiến sĩ Bác sĩ Phan Văn Báu cho biết, hiện tại Bệnh viện Nhân dân 115 mỗi ngày điều trị cho khoảng 2.000 bệnh nhân nội trú và 3.000 bệnh nhân ngoại trú, tiếp nhận hơn 300 ca cấp cứu trong khi toàn bệnh viện chỉ có 1.600 giường bệnh. Điều này đã gây áp lực lớn lên cơ sở vật chất cũng như công việc của các y bác sĩ, của bệnh viện làm giảm chất lượng dịch vụ phục vụ bệnh nhân. Tình trạng nhiều bệnh nhân nằm cùng một giường bệnh là một trong những vấn đề nhức nhối của ngành Y tế trong thời gian qua. Điều này là một hệ quả của việc mâu thuẫn trong giá dịch vụ y tế được ban hành, vì là bệnh viện Đa khoa tuyến cuối nên chi phí điều trị và đầu tư thiết bị của Bệnh viện Nhân Dân 115 thường cao hơn rất nhiều, dẫn đến tình trạng thu không đủ bù chi khiến cho áp lực tại bệnh viện ngày càng tăng. Hơn nữa, mức thu nhập của cán bộ y bác sĩ bệnh viện còn thấp nên nhiều người đã bỏ việc để đi làm cho các bệnh viện tư. Đây là một trong những vấn đề lớn của nhiều bệnh viện tuyến trên mà ngành y tế cần nỗ lực để khắc phục.
Ngoài ra, trong cuộc gặp với Phó Thủ tướng, đại diện Bệnh viện Nhân dân 115 cũng đề xuất các phương án cũng như ý kiến chỉ đạo về các vướng mắc như mô hình viện trưởng, dự toán chi Bảo hiểm Y tế, cải cách tiền lương, quá tải bệnh nặng... Theo Phó Thủ tướng, để Bệnh viện Nhân dân 115 cũng như các bệnh viện tuyến cuối khắc phục các vấn đề trên thì hơn hết ngành y tế cũng như các bệnh viện cần sớm có một mô hình cũng như lộ trình tự chủ tài chính phù hợp.
Khó khăn trong việc triển khai tự chủ tài chính
Qua tìm hiểu, Bệnh viện Nhân dân 115 là một trong những đơn vị tiên phong trong việc tự chủ tài chính hoàn toàn, tuy nhiên những khó khăn vướng mắc là khó tránh khỏi. Theo thông tư 67/2017/TT-BTC và thông tư
68/2018/TT-BTC, bệnh viện công được phép sử dụng một phần doanh thu để cải thiện tiền lương nhưng TP.HCM hiện chưa áp dụng. Ở một khía cạnh khác, bệnh viện công còn gặp nhiều trở ngại khi sử dụng nguồn thu để trang bị và cải tiến thiết bị y tế. Bộ Tài chính đã có văn bản yêu cầu TP.HCM ngưng việc mua xe ô tô (bao gồm cả xe chuyên dụng như xe cứu thương).
Trong buổi làm việc với Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã nói: “Bộ Y tế quá thận trọng khi thực hiện tự chủ tài chính cho các bệnh viện. Chúng ta thận trọng, nhưng không được trì hoãn. Nếu cuối năm nay, Bộ Y tế không trình nghị định về tự chủ tài chính, chúng tôi vẫn cho phép bệnh viện thí điểm tự chủ tài chính. Nếu tự chủ hoàn toàn, sẽ giải quyết nhiều vấn đề để mua sắm trang thiết bị y tế và cải thiện chất lượng dịch vụ của bệnh viện công”.
Các bệnh viện tuyến cuối như Bệnh viện Nhân dân 115 sở hữu các y bác sĩ với trình độ chuyên môn cao không thua kém bệnh viện nước ngoài. Nếu được tự chủ tài chính, có cơ chế riêng để hoạt động thì các bệnh viện sẽ thu hút được nhiều người dân trong nước đến khám chữa bệnh và cả người nước ngoài sang Việt Nam điều trị. Đây là việc làm cần thiết và cấp bách, và cơ chế tự chủ tài chính sẽ thúc đẩy chất lượng khám chữa bệnh cho người dân ngày một tốt hơn. Các trang thiết bị y tế được mua sắm thật cần thiết và hoạt động cho một mục tiêu duy nhất là phục vụ bệnh nhân.
Khám chữa cho bệnh nhân tại Bệnh viện Nhân dân 115.
Tiến sĩ, bác sĩ Phan Văn Báu cho rằng Bệnh viện Nhân dân 115 phát triển theo mô hình doanh nghiệp sẽ thu hút đầu tư vào một số lĩnh vực y học hiện đại như sinh học phân tử… Nhờ đó, bệnh viện cung cấp dịch vụ y tế quốc tế, góp phần đóng góp vào GDP quốc gia. Tuy nhiên giá dịch vụ y tế vẫn chưa có khấu hao tài sản nên gặp khó khăn khi tái đầu tư. “Đơn cử như Trung tâm ung thư của BV Nhân dân 115, cách đây bảy năm trung tâm này được xã hội hóa với số vốn là hơn 110 tỷ đồng. Chỉ còn hai năm nữa là máy móc sẽ bị hư, trong khi đó hãng lại không còn sản xuất máy như vậy nữa. Nếu nhà đầu tư rút đi mà ngân sách không hỗ trợ thì chúng tôi không biết làm thế nào”.
Ngoài các mặt tích cực đã nêu, Phó Thủ tướng cũng chỉ ra những mối lo ngại của việc bệnh viện được phép tự chủ tài chính. Nếu bệnh viện công hoạt động giống như một doanh nghiệp sẽ xảy ra tình trạng lạm thu, lạm dụng chụp chiếu xét nghiệm để tăng nguồn thu. Bản chất của y tế là phải phi lợi nhuận, mục đích chính là để bảo vệ và tăng cường sức khỏe của người dân, vậy nên nếu để yếu tố tài chính ảnh hưởng quá sâu vào ngành Y tế cũng sẽ nảy sinh ra nhiều tiêu cực không đáng có.
Mạnh Thắng (Thực hiện)