Thời kỳ bao cấp, khi tất cả các thiết chế văn hóa đều được tồn tại mặc định như đòi hỏi cần thiết của mô hình nhà nước, ngành xuất bản phẩm cũng đương nhiên tồn tại mà không một ai thắc mắc hay đòi hỏi phải có lý do.
Cũng vì lý do “đương nhiên tồn tại” mà đấy là thời kỳ các tác phẩm phục vụ đời sống văn hóa đọc mang tính chất khá thuần nhất. Sách báo hầu hết là các tác phẩm trong nước. Các nhà văn, nhà thơ, những người lao động nghệ thuật nói chung đều có cơ quan đoàn thể, đều lĩnh lương và coi việc sáng tác như một lao động thuần túy.
Các xuất bản phẩm khác của thế giới, nhất là của châu Âu, Mỹ và các nước tư bản, trừ các tác phẩm cổ điển, còn lại, trào lưu đương thời rất hiếm hoi mới xuất hiện, và nếu có đều ở dạng “lén lút”. Còn lại hầu hết là các tác phẩm dịch từ tác phẩm của các tác giả nổi tiếng của Liên Xô và khối các nước xã hội chủ nghĩa.
Thời kỳ ấy, người đọc chỉ có hai kênh duy nhất tiếp cận các xuất bản phẩm: Thư viện và Hiệu sách nhân dân.
Trong bài thơ “Trời trở rét”, nhà thơ Xuân Quỳnh đã có đoạn một tổng kết khá thú vị về văn hóa đọc thời kỳ này:
“Em đi qua hiệu sách ngoại văn.
Cô bán sách ngồi sau quầy lặng lẽ.
Trong tủ kính sách nằm yên tĩnh thế.
Nào ai hay bão táp ở từng trang”.
Các tác phẩm mặc dù được in ấn với chất lượng khá tệ trên giấy xấu, “giấy bã mía” nhưng có số lượng xuất bản hàng trăm nghìn bản, được tái bản nhiều lần. Tính thuần nhất trong xuất bản phẩm khiến cho văn hóa đọc mặc dù có khuynh hướng một chiều nhưng có thể nói đây là một thời kỳ mà văn hóa đọc, nhất là các tác phẩm cổ điển được phổ biến một cách tốt nhất.
Những năm gần đây, ngành xuất bản tăng trưởng trung bình 4%/năm.
Giai đoạn đất nước bắt đầu vào thời kỳ Đổi mới, giai đoạn Liên Xô sụp đổ và các nước Đông Âu tan rã, cũng là thời kỳ in ấn xuất bản phẩm có xu hướng suy yếu vì các nhà xuất bản phải tự lăn lộn để xoay xở trong một giai đoạn mới, tưởng như văn hóa đọc có xu hướng suy yếu, nhưng không.
Đấy lại là một giai đoạn nở rộ các xuất bản phẩm đủ loại từ khắp mọi dòng chảy văn hóa trên toàn cầu. Đấy lại là một thời kỳ những người nhanh nhạy với ngành xuất bản. Họ in ấn bất cứ thứ gì mà họ nghĩ người đọc cần. Họ được gọi bằng một cái tên không mấy thân thiện – “đầu nậu sách”.
Thời kỳ này, tuy các xuất bản phẩm nở rộ nhưng quả thật, ngành xuất bản cả nước, bao gồm cả khối nhà nước lẫn khối tư nhân vẫn có một “gót chân Asin” cố hữu - công tác phát hành.
Cả nước chưa hình thành được một hệ thống phân phối sách đến tay người cần một cách thuận tiện nhất. Đây là giai đoạn hầu hết sách vở vẫn đi ra cuộc đời theo một kênh khá cũ kỹ - Hiệu sách nhân dân và các thư viện.
Đương nhiên, khi việc xuất bản nở rộ sẽ phát sinh những vấn đề tiêu cực, đòi hỏi phải có sự quản lý vĩ mô của Nhà nước.
Mô hình liên kết xuất bản ra đời từ chủ trương xã hội hóa ngành xuất bản được nêu ra lần đầu tiên tại Chỉ thị 42-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa IX, ngày 25/8/2004 và sau đó được cụ thể hóa ở Luật Xuất bản năm 2004.
Từ đây, “đầu nậu sách” được gọi bằng một cái tên khác – đối tác liên kết. Các cá nhân, tổ chức liên kết xuất bản không còn phải “núp bóng” các nhà xuất bản với danh xưng là “đại lý phát hành” mà hoàn toàn được công khai tham gia vào quy trình xuất bản, được đứng tên chung với NXB khi “trình làng” xuất bản phẩm.
Mục đích ban đầu của mô hình liên kết xuất bản là mời gọi khối tư nhân tham gia góp công, góp của kết hợp với các nhà xuất bản để nâng cao số lượng và chất lượng toàn diện các xuất bản phẩm. Trong quan hệ này, các nhà xuất bản được xác định là chủ thể, kiểm soát nội dung, chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Ứng dụng tiki mua sách online.
Cũng trong năm 2004, ngoài Luật Xuất bản, Công ước Bern về bảo hộ các tác phẩm văn học và nghệ thuật chính thức có hiệu lực ở Việt Nam.
Tiếp đó là hàng loạt các công ty, nhà sách ra đời như Nhã Nam, Đông Tây, Đông A, Thái Hà Book, Bách Việt…
Các đơn vị tư nhân hoàn toàn độc lập trong khâu lựa chọn in cái gì, thuê ai dịch tác phẩm nước ngoài và phát hành ở đâu, như thế nào.
Theo tổng kết của ngành xuất bản, trong 10 năm trở lại đây, trung bình ngành này có tốc độ tăng trưởng là 4%. Một con số khiến nhiều ngành sản xuất khác phải ngả mũ ghen tị.
Tuy thế, vẫn có những vấn đề khiến cho các xuất bản phẩm đôi khi chưa đến được tay người tiêu dùng. Bởi lẽ, các đơn vị tư nhân được toàn quyền quyết định trong việc: Sách mình làm phát hành ở đâu.
Ví dụ, anh Vũ Long, một người chơi sách lâu năm ở Hà Nội cho biết: “Mới đây, tôi rất quan tâm đến cuốn sách “Cách tân nghệ thuật văn học phương tây hiện đại” của tác giả Phùng Văn Tửu. Cuốn sách này vừa được Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2017. Thế nhưng, đơn vị xuất bản lại chỉ phát hành tại TP. Hồ Chí Minh. Tôi buộc lòng phải đặt hàng qua online để người ta chuyển ra Hà Nội”.
Đặt hàng online không phải là xu hướng không mới nhưng rõ ràng có thể thấy trong giai đoạn này, đây là một kênh cực kỳ hữu hiệu để những người đọc và những người in sách có thể gặp nhau một cách thuận tiện nhất. Hiện nay có nhiều trang bán sách online nhưng hầu hết các ý kiến đều cho rằng, ở trong nước, hệ thống của Tiki và Vinabook phát triển mạnh mẽ nhất.
Từ sàn giao dịch ảo này, người đọc hoàn toàn dễ dàng tìm kiếm cho mình cuốn sách thỏa mãn nhu cầu đọc của bản thân; thậm chí đây là một kênh thông tin cho thấy các xu hướng xuất bản các tác phẩm văn học nghệ thuật của các nhà xuất bản, các đơn vị liên kết xuất bản; xu hướng đọc của người đọc.
Hay là một thứ mà người ta thường nói “không mặc cả khi mua sách” – đó là giá thành. Cùng một cuốn sách nhưng với những kênh phát hành khác nhau nhưng có giá khác nhau.
Phát hành sách, câu chuyện từ Hiệu sách nhân dân đến một cú click chuột qua ứng dụng của Tiki hay Vinabook là một hành trình dài. Nhìn lại quá trình này ít nhiều cho chúng ta những chiêm nghiệm về những thay đổi của đời sống, của đất nước, để thấy chủ trương đổi mới ngành xuất bản phẩm không thể tách ra khỏi dòng chảy phát triển của ngành xuất bản thế giới.
Tất nhiên, người được lợi nhất chính là những người đọc sách.
Tử Hưng