Một thực tế hiện nay, hầu hết các vụ việc nghiêm trọng trên đều xuất phát từ những nghi vấn bịa đặt bắt cóc trẻ em, bị thôi miên nhằm câu like, câu view của một số tài khoản đăng tải trên các trang mạng xã hội, gây ra tình trạng mất an ninh trật tự, gây thiệt hại cho người khác.
Có thể kể ra hàng loạt vụ việc đã xảy ra như vụ đốt xe vì nghi thôi miên ở Hải Dương, vụ hai người phụ nữ bán tăm bị đánh tơi bời ở Hà Nội và mới cách đây hai ngày nay, cư dân mạng liên tục truyền nhau thông tin về vụ bắt cóc trẻ em ở Bình Định khiến hơn 500 người vây ráp kẻ bắt cóc và hành hung hai người này bất chấp sự can thiệp của cơ quan chức năng. Sự việc xảy ra là do nghi người phụ nữ đi mua nông sản có ý định bắt cóc trẻ em, hơn 500 người đã vây đánh người phụ nữ này và những người đi cùng trên xe ô tô. Cơ quan công an đã vào cuộc xác minh và sự thật trái ngược với thông tin trên mạng đăng tải.
Theo xác minh của công an thì hai người tên N.T.Đ và N.T.H (cùng sinh năm 1979 quê Yên Mỹ, Hưng Yên) làm nghề mua bán lúa gạo ở Hưng Yên và có làm ăn với bà Lê Thị Kế (trú TP .Quy Nhơn, Bình Định) nhiều năm nay. Sáng ngày 19-5, khi hai người này trên đường đi Quy Nhơn có ghé vào nhà một người dân ở thôn Tài Lương 1, xã Hoài Thanh Tây để hỏi mua lúa. Lúc này, chị Oanh (sn 1992) đút cháo cho con (29 tháng tuổi) ăn ở ngoài sân. Khi bà N.T.H. hỏi mua lúa không bán quay ra xe ô tô thì bị anh Nguyễn Vinh Quang (36 tuổi, em chồng bà Oanh) chặn lại, hô hoán, cho là bắt cóc trẻ con.
Đám đông ở Bình Định bất chấp sự can thiệp của cơ quan chức năng vân lao vào hành hung hai người đi mua nông sản khiến dư luận phẫn nộ. Ảnh BL
Ngay sau khi nhận được thông tin vụ việc, Công an huyện Hoài Nhơn (Bình Định) đã kịp thời cử tổ công tác xuống hiện trường đưa các nạn nhân đến trung tâm y tế để khám và điều trị, đồng thời tiến hành lấy lời khai người có liên quan, xác định hai người tên N.T.Đ và N.T.H không có hành vi bắt cóc trẻ em. Thế nhưng thông tin lan truyền nhanh chóng trên mạng xã hội và cả ở ngoài đời thực, khiến nhiều người đã tụ tập và hành hung hai người này ngay tại ủy ban xã Hoài Thanh Tây. Vụ việc hành hung này đã được tung lên mạng và đa phần người xem đều phẫn nộ với hành vi bất chấp luật pháp của đám đông người dân ngay cả khi có mặt cơ quan chức năng đang làm việc. Có thể thấy, người dân luôn đề cao cảnh giác.
Tuy nhiên, việc người dân khi thấy người lạ mới chỉ nghi ngờ họ là người xấu đã có hành vi hành hung, hủy hoại tài sản như một số vụ việc gần đây là một tiền lệ vô cùng nguy hiểm, đáng lên án. Hiệu ứng đám đông là một hành vi có thể thấy được ở bất cứ nơi đâu trong cuộc sống chúng ta. Đã có rất nhiều những nghiên cứu về vấn đề này và kết luận đó là một phản ứng tâm lý rất tự nhiên, không hề xấu. Thế nhưng, khi hiệu ứng này có thể giết chết một con người, đó không còn là chuyện nhỏ.
Việc người dân nêu cao cảnh giác trước thủ đoạn hoạt động của các loại tội phạm hiện nay là việc làm rất đáng hoan nghênh, trong đó có tội phạm bắt cóc trẻ em. Tuy nhiên, đề cao cảnh giác nhưng cần bình tĩnh và ứng phó có văn minh, văn hóa với thông tin và cả người bị nghi ngờ có hành vi bắt cóc trẻ em để không xảy ra các hành vi đáng tiếc, nhất là trong trường hợp có đông người tụ tập như một số vụ việc xảy ra trong thời gian vừa qua là điều cần thiết.
Với mỗi sự việc, người dân cần tìm hiểu rõ ngọn ngành, đồng thời phải biết ứng xử theo luật pháp. Hiệu ứng đám đông trong những vụ việc như thế này không giải quyết được vấn đề, chưa nói tới nhiều người sẽ vô tình vướng phải vòng lao lý khi có những hành động quá đà. Do vậy, mỗi người dân cần tự trang bị cho mình những hiểu biết pháp luật, hiểu biết và nhận định về sự việc đúng bản chất. Đồng thời cơ quan chức năng cũng thường xuyên tuyên truyền, can thiệp kịp thời để tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra./.
Bảo Anh