
Thủy điện Ba Hạ xả lũ với lưu lượng lớn đã gây lên ngập lụt ở hạ du.
Tại cuộc họp giữa UBND tỉnh Lâm Đồng với các Ban quản lý thủy điện trên địa bàn về vấn đề vận hành các công trình thủy điện, ông Nguyễn Trọng Oánh, giám đốc Công ty thủy điện Đa Nhim- Hàm Thuận- Đa Mi nói rằng: “Nếu hỗ trợ nông dân bị thiệt hại trong đợt mưa lũ vừa qua theo đề nghị của Hội nông dân Lâm Đồng sẽ tạo tiền lệ không tốt”!? Theo ông Oánh, việc nông dân Lâm Đồng bị thiệt hại trong đợt lũ vừa qua nguyên nhân không phải do thủy điện xả lũ.
Tuy nhiên, khi trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Công thương lại nói rằng chưa từng khẳng định sự không liên quan của thủy điện nhỏ với tình trạng lũ lụt ở miền Trung vừa qua. Và dù cho Thủ tướng đã phê duyệt quy trình vận hành liên hồ, nhưng một số dự án thủy điện đã thực hiện không đúng, để xảy ra sai sót. Bộ trưởng cũng khẳng định, sẽ yêu cầu EVN kiểm tra, xác định nguyên nhân, trách nhiệm, tùy theo mức độ sai phạm để xử lý nghiêm theo quy định.
Về vấn đề này, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cũng cho rằng: Vận hành hồ thủy điện hay thủy lợi đều phải thực hiện đúng quy trình. Quy trình hợp lý là vừa bảo đảm chống lũ, vừa bảo đảm cấp nước và bảo đảm sản xuất điện.
Thời gian qua, mưa lũ đã tàn phá dữ dội mảnh đất miền Trung: Người chết, nhà cửa, hoa màu, súc vật trôi theo dòng nước. Sau lũ, nhiều gia đình rơi vào cảnh khốn khó, bần cùng. Thủ phạm được chỉ ra là do thủy điện xả lũ không hợp lý, nhưng các nhà máy thủy điện không nhận lỗi. Ngay như việc thủy điện sông Ba Hạ xả lũ sai quy trình đã rõ, nhưng một quan chức của Cục An toàn Công nghiệp (Bộ Công thương) vẫn lấy lý do, rằng chưa có quy định nên chưa thể xử phạt...
Trong quy tắc vận hành xã hội, việc ai đó làm sai sẽ phải bồi thường tổn hại cho người bị thiệt hại là một nguyên tắc hết sức hiển nhiên không cần phải bàn cãi. Nếu chưa có những quy định về điều đó thì cơ quan công quyền phải có nghĩa vụ đặt ra những khuôn phép để điều chỉnh. Đó cũng là điều hiển nhiên và phải được coi là điều bình thường. Nếu không có pháp luật, người nghèo thường ở thế yếu so với người giàu, những cá nhân đơn lẻ cũng luôn yếu thế trước một nhóm lợi ích.
Trong một xã hội pháp quyền, mọi hành vi được điều chỉnh bằng luật pháp thì không thể có chuyện ai đó làm sai rồi không phải bồi thường chỉ vì lo ngại “sẽ tạo tiền lệ không tốt”.
PV
Bạn có cho rằng, nguyên nhân lũ lụt vừa qua ở miền Trung là do thủy điện xả lũ không hợp lý?
Theo bạn, nên “truy” trách nhiệm của nhà máy thủy điện đến đâu?
Mời bạn gửi phản hồi cho tòa soạn vào ô thảo luận cuối bài viết (vui lòng điền đầy đủ thông tin và gõ nội dung bằng tiếng Việt có dấu). Trân trọng cảm ơn!
__________________________________________________________________________
Lại do trời?
Thủy điện, bên cạnh nhiệm vụ quan trọng nhất là sản xuất điện năng thì còn có nhiệm vụ khác không thể xem nhẹ được là điều tiết lũ trong mùa mưa.
Nhưng vừa qua nhiều công trình thủy điện lại quên đi nhiệm vụ thứ hai của mình, vô tình đã khiến cho người dân nhiều nơi chìm trong cảnh không nhà không cửa do lũ lụt đột biến vì nhiều thủy điện xả lũ không có kế hoạch. giờ nhiều hộ dân đã mất trắng tài sản, một phần do thủy điên. Nhưng khi quy trách nhiệm thì thủy điện lại đổ cho tại ông trời...
Nếu truy trách nhiệm đến cùng biết đâu người dân lại phải gánh thêm một nạn nữa là giá điện tăng cao và thường xuyên bị cúp điện. Thôi thì tại ông trời tất cả cho yên!
Đinh Thúy