Từ “vụ việc tiến sĩ cầu lông”: Có cần thay quy chế đào tạo tiến sĩ”?

Thứ năm, 12/05/2022 09:41 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Hiện vẫn còn hai luồng ý kiến tranh cãi xung quanh việc bắt buộc luận án tiến sĩ phải có công bố quốc tế để nâng cao chất lượng luận án tiến sĩ hiện nay.

Muốn nâng cao chất lượng phải thay quy chế đào tạo tiến sĩ?

Thời gian qua, dư luận quan tâm, tranh cãi liên quan đến công tác đào tạo tiến sĩ, đặc biệt sau vụ việc “tiến sĩ cầu lông” được đưa ra mổ xẻ, phân tích. Cùng với đó là hiện tượng “nhân bản” các đề tài tiến sĩ khi tên đề tài na ná giống nhau, chỉ khác nhau ở địa phương nơi nghiên cứu.

Xung quanh vấn đề này, trao đổi với phóng viên Báo Nhà báo & Công luận, Giáo sư Toán học Ngô Việt Trung - Nguyên Viện trưởng Viện Toán học Việt Nam cho rằng, quy chế đào tạo tiến sĩ hiện nay giảm chất lượng đầu ra nên về mặt chất lượng các đề tài tiến sĩ có vấn đề, các đề tài rập khuôn lại theo hướng “nhân bản” và gần đây xuất hiện càng nhiều hơn.

Nếu bây giờ không thay đổi triệt để quy chế thì tình trạng này còn tiếp tục trong vài năm tới và lại có kiểu luận án như “tiến sĩ cầu lông”. Thậm chí sẽ có nhiều luận án tiến sĩ tinh vi hơn. Nội bộ nền khoa học Việt Nam kém, không tự kiểm định được chất lượng thì phải có chuẩn từ bên ngoài. Điều này phù hợp với thông lệ quốc tế. Đã làm luận án tiến sĩ thì cần phải có công bố quốc tế. Quy chế đào tạo tiến sĩ năm 2017 đã có quy định này” – ông Ngô Việt Trung cho biết.

tu vu viec tien si cau long co can thay quy che dao tao tien si hinh 1

Chất lượng đào tạo tiến sĩ đang khiến dư luận lo lắng!

GS. Ngô Việt Trung cũng cho biết, với quy định yêu cầu công bố quốc tế thì đối với các ngành Khoa học, Xã hội và Nhân văn sẽ bị ảnh hưởng lớn. Bởi lẽ, đã từng có một thời gian nhiều cơ sở đào tạo các ngành này không tuyển được người học hoặc tuyển được rất ít. Bên cạnh đó là tình trạng tồn đọng không bảo vệ được luận án vì vướng vào câu chuyện phải có công bố quốc tế. Tuy nhiên, muốn giải quyết vấn đề chất lượng cần phải đưa chuẩn quốc tế vào hoặc các chuẩn mực trong nước phải ngày càng tiệm cận được với chuẩn ở các nước xung quanh.

Cái quan trọng nhất lúc này là Bộ Giáo dục và Đào tạo phải thay quy chế đào tạo. Không thể để tự chủ, tự chịu trách nhiệm ở bậc đào tạo tiến sĩ. Ngành xuất bản trên thế giới bây giờ có rất nhiều công bố vô tội vạ, có tiền thì được công bố, tổ chức được hội nghị và tổ chức làm sách chuyên khảo. Nhưng để ngăn việc làm gian dối như vậy không phải là khó.

Giải pháp thực sự để giải quyết tình trạng đề tài tiến sĩ kém chất lượng là nâng chuẩn, tăng sự giám sát khoa học từ bên ngoài, tăng cường kiểm định ở bên ngoài về chất lượng các luận án. Còn để nội bộ trong nước tự xử thì chất lượng không bao giờ tốt lên được, không những thế còn nguy hiểm hơn khi càng ngày càng đi xuống” - ông Ngô Việt Trung nêu ý kiến.

Con người mới là yếu tố quyết định chứ không phải quy chế

Cùng mong muốn nâng cao chất lượng đào tạo tiến sĩ, đào tạo ra đội ngũ nhà khoa học có năng lực thực sự, Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Vũ Minh Giang - Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo (Đại học Quốc gia Hà Nội) lại có góc nhìn khác.

Trao đổi với phóng viên Báo Nhà báo & Công luận, Giáo sư Vũ Minh Giang cho rằng, chúng ta cần hiểu một cách đơn giản là quy trình không thể làm nên chất lượng nếu như người ta vẫn cứ làm theo kiểu hình thức hóa, chiếu lệ. Con người mới làm ra chất lượng.

tu vu viec tien si cau long co can thay quy che dao tao tien si hinh 2

Giáo sư Vũ Minh Giang cho rằng, trước thực tế nhiều luận án tiến sĩ chất lượng thấp, bị tầm thường hóa, từ đó xuất hiện tư duy muốn có chất lượng thì nhờ các tạp chí nước ngoài đánh giá hộ. Tức là làm sao một luận án tiến sĩ phải có hai bài báo đăng trên tạp chí nước ngoài. Theo vị này thì cách tư duy như vậy là đi từ cực đoan này sang cực đoan khác.

Nếu như ngành khoa học tự nhiên như Toán thì ở bất cứ ở đâu trên trái đất người ta vẫn tưởng tượng được. Còn ngành khoa học xã hội và nhân văn, khi các công trình giải quyết bài toán của từng khu vực, từng quốc gia hay địa phương thì việc mượn người nước ngoài đánh giá hộ, tôi không tin họ có đủ trình độ để thẩm tra.

Đã từng có một số tạp chí nước ngoài nhận được công trình do người Việt Nam trong nước viết và họ đã gửi ngược lại nhờ tôi thẩm định giúp. Tôi rất buồn cười là những bài báo khoa học ấy nếu đăng ở Việt Nam thì không ai đăng. Bởi những nội dung trong đó ở Việt Nam thì ai cũng biết. Nhưng ở nước ngoài họ lại cho là mới vì họ không đọc được tiếng Việt và cũng không am hiểu gì về Việt Nam” - Giáo sư Vũ Minh Giang chia sẻ.

Cũng theo GS. Vũ Minh Giang, nếu cứ quy định bắt buộc phải có công bố quốc tế thì không chỉ là máy móc mà điều này còn làm suy yếu nguồn lực để xây dựng các tạp chí Việt Nam lên đẳng cấp quốc tế.

Tôi muốn nước ta phải đầu tư để có những tạp chí đạt chuẩn quốc tế thay vì việc đăng ở những tạp chí của một số nước xa xôi mà khoa học cũng không có dấu ấn gì. Giả sử nếu đăng ở các tạp chí khoa học xã hội ở các nước như Bungary, Hungary… thì tôi tin ở bên đó họ chẳng biết gì về Việt Nam. Nhưng khi đăng bài trên các tạp chí đó thì nghe rất kêu vì là đăng ở tạp chí nước ngoài. Bây giờ mà đăng cái bài lịch sử về thời Lý, Trần, Lê lên những tạp chí ở các nước xa xôi như vậy thì nghe rất buồn cười. Vì ở đó không có chuyên gia về Việt Nam để thẩm định” – Giáo sư Vũ Minh Giang nhấn mạnh.

Cũng theo Giáo sư này, thay vì chuyện bắt buộc đăng các bài báo trên tạp chí quốc tế thì ta nên khuyến khích. Bởi khi quy định bắt buộc sẽ đẻ ra việc đối phó. Khuyến khích có thể trao thưởng, cho điểm cao nếu công trình khoa học được đăng ở các tạp chí có uy tín ở nước ngoài…

Ngoài ra, theo ông Vũ Minh Giang, trong bảo vệ các luận án tiến sĩ nếu cần thiết cũng nên mời các chuyên gia nước ngoài có uy tín tham gia thẩm định. Trước đây, tại Hội đồng liên ngành Lịch sử - Khảo cổ học để chấm đánh giá các ứng viên Phó Giáo sư, Giáo sư cũng đã từng mời một Giáo sư người Nhật Bản (Đó là một nhà Việt Nam học nổi tiếng) cùng tham gia với các nhà khoa học trong nước để đánh giá.

“Việc mời những nhà khoa học nổi tiếng tham gia đánh giá sẽ tốt hơn là gửi bài đăng tận nơi xa xôi nào, nhất là các nước không có chút hiểu biết gì về Việt Nam để nhờ họ thẩm định, đánh giá. Cứ bắt buộc phải có bài báo quốc tế là mang nặng hình thức tâm lý chủ nghĩa. Ở lĩnh vực khoa học, xã hội và nhân văn thì tôi không tán thành cách làm này” – ông Vũ Minh Giang nêu ý kiến.

Qua trao đổi với Giáo sư Vũ Minh Giang có thể thấy, quy trình sẽ không làm nên được chất lượng mà tất cả phụ thuộc vào yếu tố con người. Nếu cơ quan quản lý khoa học và các chuyên gia, các giáo sư đầu ngành cứ dễ dãi trong thẩm định luận án tiến sĩ, chạy theo số lượng thì việc giải bài toán chất lượng đào tạo tiến sĩ sẽ chưa thể có hồi kết.

Trinh Phúc

Tin khác

Bắc Ninh có hơn 17.000 thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024

Bắc Ninh có hơn 17.000 thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024

(CLO) Năm học 2023-2024, toàn tỉnh Bắc Ninh có 17.296 học sinh lớp 12 (tăng hơn 1 nghìn học sinh lớp 12 so với năm 2023), cùng với khoảng 400 thí sinh tự do sẽ đăng ký tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024.

Giáo dục
Hà Tĩnh đặt hàng cho Đại học Quốc gia về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao

Hà Tĩnh đặt hàng cho Đại học Quốc gia về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao

(CLO) Đại học Quốc gia Hà Nội và tỉnh Hà Tĩnh thí điểm hợp tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong nhiều lĩnh vực từ năm học 2024-2025 theo cơ chế đặt hàng.

Giáo dục
Cách ghi phiếu đăng ký dự thi đối với thí sinh dự thi kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024

Cách ghi phiếu đăng ký dự thi đối với thí sinh dự thi kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024

(CLO) Theo quy định, thí sinh chịu hoàn toàn trách nhiệm về thông tin khai trong phiếu đăng ký dự thi, vì vậy cần cẩn trong khi thực hiện điền các thông tin.

Giáo dục
Đình chỉ cơ sở mầm non có cô giáo đè, đánh học sinh bắt ăn

Đình chỉ cơ sở mầm non có cô giáo đè, đánh học sinh bắt ăn

(CLO) Chiều 25/4, UBND thành phố Thủ Đức (thành phố Hồ Chí Minh) thông tin cập nhật kết quả điều tra, xử lý vụ tố cáo một chủ nhóm lớp mẫu giáo bạo hành trẻ em trên địa bàn.

Giáo dục
Vụ trẻ bị cô giáo đánh ở TP Thủ Đức: Sự việc đáng tiếc của ngành giáo dục

Vụ trẻ bị cô giáo đánh ở TP Thủ Đức: Sự việc đáng tiếc của ngành giáo dục

(CLO) Tại buổi họp báo chiều 25/4, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) TP HCM Lê Hoài Nam đã thông tin về sự việc trẻ bị cô giáo đánh tại lớp mẫu giáo Tí Bo (phường Linh Đông, TP Thủ Đức, TP HCM).

Giáo dục