"Thật đáng sợ khi đi bộ khi dưới làn bom đang nổ", ông Al-Shanbari cho biết. Giống như nhiều người dân Gaza khác, ông chấp nhận rủi ro bị Israel ném bom khi đi tìm thức ăn. Vợ của ông, Fatima, rửa sạch lá và đun sôi chúng trên một chiếc bếp tạm bợ.
"Cả hương vị lẫn màu sắc đều khó chịu vô cùng", bà Fatima nói. Bà nhồi lá với gạo và thêm chút gia vị, hy vọng các con bà có thể chịu được vị chua, nhưng vị đắng vẫn còn. Bà nói, lá dâu tằm là thức ăn của động vật, nhưng hiện tại không còn cách nào khác.
Gia đình Al-Shanbari gồm 8 người đang phải vật lộn để sinh tồn, giống như nhiều gia đình Palestine khác ở Gaza đang đối mặt với tình trạng thiếu lương thực, nước, thuốc men và nhiên liệu. "Kể từ khi xung đột bắt đầu, chúng tôi chưa nếm được bất cứ thứ gì, chúng tôi sống nhờ vào số ít thứ chúng tôi tìm thấy", bà Fatima nói.
Trong một thông báo ngày 9/7, một nhóm chuyên gia nhân quyền độc lập do Liên hợp quốc chỉ định cho biết nạn đói đã lan rộng khắp Gaza. Phái đoàn ngoại giao của Israel tại Geneva cho biết tuyên bố này là "thông tin sai lệch".
"Israel đã liên tục tăng cường phối hợp và hỗ trợ trong việc cung cấp viện trợ nhân đạo trên khắp Dải Gaza, gần đây đã kết nối đường dây điện của mình với nhà máy khử muối nước biển ở Gaza", báo cáo cho biết thêm.
Theo cơ quan y tế Gaza, ít nhất 33 trẻ em đã tử vong vì suy dinh dưỡng, chủ yếu ở các khu vực phía bắc, nơi cho đến gần đây vẫn phải chịu gánh nặng từ chiến dịch quân sự của Israel.
Theo hệ thống Phân loại Giai đoạn An ninh Lương thực Tích hợp (IPC) của Liên hợp quốc, Gaza vẫn có nguy cơ cao về nạn đói khi xung đột vẫn tiếp diễn và việc tiếp cận viện trợ bị hạn chế. IPC cho biết hơn 495.000 người đang phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng hoặc "thảm khốc".
Hoài Phương (theo Reuters)