(Congluan.vn) – Bài 1 “Có một Bỉm Sơn đổi thay thần tốc”, chúng tôi đã nói tới sự phát triển nhanh chóng của Thị xã. Tuy nhiên, đi kèm với sự phát triển nhanh, khát vọng lớn luôn là những thách thức lớn khi bước lên đẳng cấp đô thị.
Khát vọng "lên đời"
Ở tỉnh Thanh Hóa, mới đây, TX Sầm Sơn – một địa phương chỉ có thế mạnh duy nhất là du lịch biển, đã đổi tên thành công, lên đô thị loại 3 năm 2012.
Thị xã Bỉm Sơn đang phần đấu “đổi tên” vào năm 2015 với các mục tiêu cao. Cụ thể, về kinh tế, tổng giá trị sản xuất năm 2015 đạt 15.303 tỷ đồng (gấp 2,5 lần năm 2010), tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm 20,5%, GDP/người đạt 3.160USD/năm, tổng giá trị xuất khẩu đạt 110 triệu USD...
Về văn hóa – xã hội, thị xã phấn đấu tăng dân số lên 100.000 người (tốc độ 7,8%) mà vẫn duy trì tỉ lệ tăng dân tự nhiên dưới 1% (Tức là chú trọng tăng cơ học, vẫn đảm bảo sinh đẻ có kế hoạch), giải quyết việc làm cho 10.000 người lao động trở lên, giảm tỉ lệ hộ nghèo dưới 2%...
Bên cạnh đó, thị xã sẽ huy động mọi nguồn lực để xây dựng cơ sở hạ tầng và chỉnh trang đô thị, nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông, đào tạo nghề, tạo điều kiện thu hút cán bộ quản lý, doanh nhân, cán bộ kỹ thuật giỏi về công tác tại thị xã và cơ sở xã, phường...
Theo một số chủ doanh nghiệp địa phương, Bỉm Sơn có rất nhiều tiềm năng kinh tế.
Đầu tiên phải kể đến là khoáng sản. Dù diện tích nhỏ, nhưng Bỉm Sơn giàu tài nguyên đá vôi, đá sét phục vụ công nghiệp hàng đầu cả nước. Có thể kể ra như: Đá vôi - mỏ Yên Duyên (trữ lượng 3 tỉ tấn); Đá phiến sét - mỏ Cổ Đam (60 triệu tấn); Sét xi măng - mỏ Tam Diên (240 triệu tấn); Đất san lấp (3,5 triệu tấn); Đất sét sản xuất gạch ngói (19 triệu tấn)... Và chỉ cần múc dưới đất lên, Bỉm Sơn đã thu được nguồn lợi rất lớn. Cũng nhờ đó, trên địa bàn thị xã có nhiều nhà máy xi măng, gạch ngói... quy mô lớn.
Ngã tư Bỉm Sơn, nơi có tuyến QL 1A đi qua luôn tấp nập xe cộ qua lại
Thứ hai, vị trí địa lý cũng là “lộc trời” của địa phương này. Bỉm Sơn chỉ cách các TP lớn như Hà Nội 120 km, cách TP. Vinh (Nghệ An) và TP. Hải Phòng độ 170km... Thị xã là “trạm trung chuyển” giữa các đô thị lớn Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ nhờ có QL 1A và tuyến đường sắt Bắc – Nam chạy qua, thuận lợi về giao thương...
Nhờ đó, các ngành thương mại, dịch vụ tại TX Bỉm Sơn rất phát triển, nhiều cửa hàng ô tô, xe máy, hàng tiêu dùng, mỹ phẩm... trước đây nhỏ lẻ, nay trở thành những doanh nghiệp lớn, còn mở đại lý ở nhiều huyện, thị trong tỉnh. Vị trí “đầu mối” của TX Bỉm Sơn còn thể hiện ở ví thế của chợ Bỉm Sơn: Kinh doanh hàng vạn mặt hàng; quy mô, lượng người mua bán vào loại lớn nhất tỉnh Thanh Hóa, dù tọa lạc trên địa bàn khá ít dân cư.
Đối mặt với cam go hay vẫn tự hào truyền thống?
Thuận lợi thì nhiều, nhưng khó khăn không ít. Đầu tiên là về hạ tầng.
Khi chúng tôi ghé qua TX Bỉm Sơn, đi lại trên nhiều tuyến đường mới thấy, hầu hết các đường giao thông tại Thị xã một là xuống cấp, hai là chưa được đầu tư trải nhựa. Một người lớn tuổi ở đây cho biết, chỉ QL 1A, đường Trần Phú (phường Ba Đình) và các đường thi công từ những năm 70, 80 thế kỷ trước thì vững như bàn thạch. Lý do một phần là làm cho xe siêu trường, siêu trọng phục vụ nhà máy xi măng chạy. Còn lại, nhiều tuyến đường tại các phường, xã xuống cấp trầm trọng.
Đường vào cổng phụ chợ Bỉm Sơn xuống cấp, bùn đất phủ đầy mặt đường
Đặc biệt, con đường đê cặp sông Tam Điệp đi từ QL 1A nối TX Bỉm Sơn với huyện Nga Sơn ngày mưa phùn lất phất mà lầy lội, nhơ nhớp như... mặt ruộng. Một người dân sống bên đường cho biết, mùa nắng thì bụi mù mịt không chịu nổi. Được biết đây là tuyến đường lớn, đông người qua lại, nối 5 phường xã với nhau, nối TX Bỉm Sơn với huyện Nga Sơn, nhưng trên 30 năm qua, mặt đường mưa thì như ruộng, nắng thì như sa mạc.
Con đường huyết mạch cặp đê Tam Điệp đi xuống 2 xã đang xây dựng Nông thôn mới Quang Trung và Hà Lan mấy chục năm qua lầy lội như mặt ruộng.
Về nông nghiệp, Bỉm Sơn từng rất “mạnh” nguồn lực này. Thị xã có diện tích hẹp, độ 66km2, nhưng có cả đồng bằng, núi đá, đồi và sông suối.
Thị xã có 2 nhóm đất chính là đất phù sa, đất xám Feralit. Đất xám Feralit tập trung chủ yếu ở phường Ngọc Trạo, Bắc Sơn, nơi người dân trồng cây công nghiệp và cây ăn quả như bạch đàn, vải thiều... Đất phù sa gần 1.000 ha tập trung ở các xã Hà Lan và Quang Trung, thích hợp phát triển trồng lúa, hoa màu và nuôi trồng thủy sản.
Vài năm trở lại đây, trong công cuộc đô thị hóa, nhiều diện tích đất trồng lúa ở xã Quang Trung, xã Hà Lan bị san lấp để xây nhà cửa, nhà xưởng, người dân cũng dần “quên” nghề nông, tập trung buôn bán, khiến không ít diện tích lúa bị bỏ hoang hoặc “cỏ cao hơn lúa”. Trong bối cảnh này, theo nguồn tin của chúng tôi, nhiều “đại gia” đang tập trung gom đất ruộng để san lấp làm trang trại. Ở xã Quang Trung, có nơi chính quyền cho lấp ruộng, có nơi không, khiến người nông dân “bâng khuâng” giữa trồng lúa, làm trang trại hay bỏ ruộng (?)
Trường THPT Bỉm Sơn có chất lượng đào tạo tốt, nhưng không nổi tiếng bằng, điểm đầu vào không cao như những năm 2000
Một đặc thù “rất Bỉm Sơn” là vào các ngày lễ, Tết, dân cư ở Thị xã (đa phần là thanh niên) tập trung còn đông hơn cả TP.HCM và Hà Nội. Chúng tôi được giải thích là thanh niên địa phương đi học ở Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, thậm chí Thái Nguyên... đa phần học xong rồi ở lại, chỉ có những người có khả năng xin được việc mới trở về. “Lớp mình 44, 45 người, nhưng chỉ số lẻ cầm tấm bằng về lại Bỉm Sơn. Người có điều kiện hoặc quen biết thì xin được việc, không thì đi buôn bán lặt vặt” – anh Kiên, một cựu học sinh Trường THPT Bỉm Sơn cho biết.
Trên website của mình, TX Bỉm Sơn tự hào là “đất học”. Tuy nhiên hiện tượng những học sinh ưu tú nhất lại không về xây dựng quê hương, khó kiếm việc làm... không biết đã được chính quyền Thị xã trăn trở hay nghĩ tới ?! (Dẫu sao, cũng không đến nỗi hoảng sợ khi so sánh con số năm 2013 cả nước có đến không tìm được việc làm)..
Như chúng tôi đã phân tích, để thực sự chuyển mình một cách căn cơ, bền vững, TX Bỉm Sơn còn rất nhiều việc phải làm.
Đoàn Kiên Giang