Những sai phạm nghiêm trọng
Theo kết luận được UBKT Tỉnh ủy Kiên Giang thông tin rộng rãi: Bà Nguyễn Thị Minh Giang, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh, là người đứng đầu ngành giáo dục có phần trách nhiệm đối với các sai phạm của một số trường THPT và chỉ đạo tuyển sinh 6 trường hợp dưới điểm chuẩn vào trường THPT Võ Văn Kiệt. Ngoài ra, bà Giang tiếp nhận bà P.K.Thoa (nhân viên một công ty nông sản) về công tác tại Trường Võ Văn Kiệt mà không qua thi tuyển hoặc xét tuyển.
Đặc biệt, liên quan đến ông Nguyễn Đình Chung, bà Giang đã thiếu kiên quyết xử lí cán bộ có sai phạm khi ông Chung có đơn tố cáo, phản ánh, không chỉ đạo thẩm tra xác minh, kết luận để xử lý theo quy định; Vội vàng cung cấp thông tin cho báo chí các nội dung khuyết điểm, sai phạm của ông Chung khi chưa được kiểm chứng, kết luận. Việc này gây dư luận không tốt, làm ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của ông Chung, tập thể Ban Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Kiên Giang…
Từ những khuyết điểm nêu trên, Thường trực UBKT Tỉnh ủy Kiên Giang đề nghị kiểm điểm theo quy trình và có hình thức xử lý phù hợp đối với bà Giang.
Đối với ông Nguyễn Đình Chung, nguyên Bí thư Chi bộ, Hiệu trưởng THPT Võ Văn Kiệt, ông Chung cũng bị đề nghị kiểm điểm và có hình thức xử lý phù hợp vì: Trong lãnh đạo điều hành chưa thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ trong công tác tài chính, xét duyệt hồ sơ tuyển sinh…; ôm đồm, làm thay công tác văn thư; Không chấp hành quyết định điều động…
Đặc biệt, trong quản lý điều hành thu chi tài chính, xây dựng cơ bản ông Chung còn để xảy ra sai phạm tổng số tiền hơn 369 triệu đồng, trong đó thanh toán khống 4 hợp đồng mua sách với số tiền lên đến 250 triệu đồng, thanh toán thừa khối lượng công trình căng tin hơn 39 triệu đồng. Kê khai thiếu doanh thu từ cho thuê mặt bằng căng tin, giữ xe, photo… dẫn đến số tiền chưa thực hiện nghĩa vụ nộp thuế hơn 32 triệu đồng…
Có dấu hiệu oan ức, bên "trọng" bên "khinh"(?)
Tuy vậy, các thông tin kết luận nói trên khá chung chung, khiến dư luận khó hiểu, nhất là khi thầy giáo Nguyễn Đình Chung đang khiếu nại, cho rằng mình bị “bới lông tìm vết”.
Theo ông Chung, nội dung “chưa thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ trong công tác tài chính, xét duyệt hồ sơ tuyển sinh…”, “làm thay công tác văn thư”… ông đã có báo cáo rằng việc chỉ đạo, điều hành đều có họp bàn, thảo luận, thông qua tập thể; rất nhiều công việc liên quan đến tài chính, xây dựng cơ bản, hợp đồng lao động đều có thảo luận, thống nhất, niêm yết công khai… Về chuyện “ôm đồm”, theo ông, một nhân viên kiêm nhiệm công tác văn thư nhưng thiếu nghiệp vụ, ông đã trao đổi và nhận hỗ trợ về công văn đi một thời gian rồi hướng dẫn, bàn giao lại.
Đặc biệt, việc kết luận UBKT tỉnh ủy cho rằng ông “để xảy ra sai phạm tổng số tiền hơn 369 triệu đồng” khiến ông bàng hoàng.
Theo đó, đối với nội dung
“thanh toán khống 4 hợp đồng mua sách với số tiền 250 triệu đồng”, ông Chung khẳng định mình có công chứ không có lỗi. Ông cho rằng, do nguồn kinh phí giao không tự chủ cho nhà trường năm 2016 còn dư, trường đề nghị mua sách trang bị cho thư viện và tiến hành mua theo quy định; kế toán, thủ quỹ chuyển tiền với sự kiểm soát chi của kho bạc. Nhưng vì trường mới nhiều việc, tới khi rà soát kỹ, thấy nhiều sách không phù hợp với mô hình trường học mới và chủ trương đổi mới về thi cử cấp THPT, ông đã trao đổi thống nhất với Ban Giám hiệu, tạm thời chưa nhận loại sách này; giao Tổ chuyên môn lựa chọn lại các đầu sách phù hợp với chương trình dạy học những năm học tới để sử dụng sách hiệu quả.
Nhà trường cũng đã thống nhất với DN (Nhà sách Nguyễn Đăng) làm biên bản đổi đầu sách, sẽ hoàn thành dứt điểm trong đầu năm học 2017-2018, nhưng Hiệu trưởng đột ngột bị điều chuyển. Thực tế Tổ bộ môn đã lựa chọn một số đầu sách phù hợp để lưu thư viện. Nhà sách cũng có xác nhận khoản nợ để trường tiếp tục chọn sách cho năm học mới. Nên nói ông chi khống là chưa chính xác, vì xét cho cùng, ông đã chống lãng phí khi dừng mua sách không phù hợp thực tiễn.
Đối với nội dung “thanh toán thừa khối lượng công trình căng tin hơn 39 triệu đồng”, ông Chung giải trình rằng phần chênh lệch này đã thể hiện trong phần phụ lục dự toán do chủ căng tin đề nghị làm thêm mái che và khung sắt bảo vệ. Ông sẽ nhắc đơn vị thi công hoàn trả lại cho chủ căng tin… Nội dung “Kê khai thiếu doanh thu từ cho thuê mặt bằng dẫn đến số tiền chưa thực hiện nghĩa vụ nộp thuế hơn 32 triệu đồng”, ông cho rằng tới thời điểm báo cáo (thanh tra tháng 10/2017), kế toán căn cứ theo tổng doanh thu năm 2016 để nộp thuế trong tháng 1/2017. Năm 2017, đơn vị sẽ tiếp tục nộp thuế theo tổng hợp đồng thuê căng tin vào đầu 2018 nên không thiệt hại về thu thuế…
Riêng việc
“không chấp hành quyết định điều động”, ông Chung cho rằng vì ông mất niềm tin vào lãnh đạo Sở GD-ĐT Kiên Giang. Trong vụ việc này, Giám đốc Sở đã phát ngôn với báo chí một cách tùy tiện, quy chụp với ông.
“Những phát biểu trên được trích từ một báo cáo của Sở… Đó là hành vi lợi dụng chức vụ, con dấu của tổ chức để vu khống, gây tổn hại danh dự, nhân phẩm cán bộ, Đảng viên, là sự lừa dối tổ chức, lừa dối báo chí, phát tán tài liệu nội bộ cho phóng viên với động cơ, mục đích hạ thấp uy tín cá nhân, vi phạm pháp luật Việt Nam”, ông Chung nói.
Cũng liên quan tới kết luận “chưa thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ trong công tác tài chính, xét duyệt hồ sơ tuyển sinh…”, ông Chung đồng thời có đơn đề cập tới việc Giám đốc Sở đã nhiều lần ký đề nghị nhà trường tiếp nhận học sinh dưới chuẩn, yếu kém, là việc làm phản giáo dục, trái quy định của ngành...
Thiết nghĩ, khi các cá nhân, tập thể liên quan có dấu hiệu vi phạm pháp luật, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sự công bằng và lợi ích người học, quy định của ngành giáo dục, uy tín của ngôi trường mang tên cố Thủ tướng…, việc cơ quan có thẩm quyền chưa chỉ mặt đặt tên mọi sai phạm sẽ dễ gây hoài nghi về quyết tâm chống tiêu cực trong giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Điều công luận đang chờ, là sự công bằng, sòng phẳng, là điểm cuối cùng của sự thật!
Kiên Giang