UBND huyện Cần Giờ "bội ước" ...
Theo ông Trương Tiến Triển – Phó Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ, “Thập niên 80-90, nhu cầu sử dụng nước sạch của người dân huyện Cần Giờ (TP. HCM) bắt đầu tăng, trong khi diện tích rộng mà dân cư lại sống rải rác khắp đảo nên việc đầu tư mạng lưới cấp nước sạch phục vụ cho người dân đối với ngân sách huyện là rất khó khăn. Vì thế, huyện thực hiện chủ trương kêu gọi xã hội hóa khuyến khích tư nhân đầu tư hệ thống cung cấp nước tại các khu vực dân cư. Hộ bà Lâm Thị Kha là một trong 21 hộ có điều kiện kinh tế xin được đầu tư và được chính quyền địa phương cấp phép xây dựng.”
Ông Trương Tiến Triển - Phó Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ trả lời phóng viên. Ảnh: Thái Sơn
Sau khi được phép đầu tư xây dựng (giấy phép xây dựng số 151/UB.GP.XDGT ngày 16/7/1998 - PV) hộ bà Kha đã bỏ kinh phí đầu tư Trạm cấp nước với quy mô hồ chứa nước 50m3, chân trụ, hệ thống đường ống khoảng 3.000m.
Thông qua trạm Trần Xuân Soạn, trạm Tân Thuận quận 7 và nhà máy nước lợ Cần Giờ của Công ty CP Đặng Đoàn Nguyễn, trạm nước Lâm Thị Kha mua nước từ xà lan rồi chuyển lên bồn chứa sau đó phân phối cho các hộ dân tại xã Tam Thôn Hiệp qua hệ thống ống nước chôn dưới đất.
Tháng 7/2012, Sawaco làm chủ đầu tư xây dựng tuyến truyền dẫn ống nước vượt qua sông từ Nhà Bè nối đến Cần Giờ. Năm 2014, Sawaco khảo sát đầu tư các dự án cấp nước gồm: đường Tam Thôn Hiệp, xã Tam Thôn Hiệp; đường An Thới Đông, xã An Thới Đông và tổ 40, 41 ấp Lý Hòa Hiệp, xã Lý Nhơn.
Đến tháng 10/2016, Thông qua Xí nghiệp cấp nước Cần Giờ bắt đầu đấu nối với xã Tam Thôn Hiệp thông qua 2 trạm cấp nước là Lâm Thị Kha và Võ Văn Vinh. 2 trạm này vẫn khai thác mạng đường ống nước do mình đầu tư để cung cấp cho người dân ở tại khu vực này.
...Và cấp phép Xí nghiệp cấp nước Cần Giờ có đúng pháp luật ?
Sự việc sẽ không có gì xảy ra nếu Xí nghiệp cấp nước Cần Giờ không tăng giá bán nước cho các trạm vệ tinh như thỏa thuận ban đầu.
“Vào tháng 12/2016, chúng tôi đã ký hợp đồng với Xí nghiệp cấp nước Cần Giờ mua bán nước sạch bằng hình thức đấu nối trực tiếp để cung cấp cho người dân. Nay họ yêu cầu tăng giá, từ 1.600 đồng lên 5.000 đồng/1m3, nên chúng tôi không chịu. Khi chúng tôi không chịu thì họ hạn chế cấp nước, mở áp lực yếu, mở trạm không liên tục,… làm cho người dân bất bình. Bên cạnh, đơn vị này còn cho người tung tin để đổ lỗi do trạm nước của chúng tôi có chất lượng kém. Trong khi 19 năm qua trạm cấp nước của chúng tôi cấp nước vẫn ổn định cho người dân. Đặc biệt đường ống của chúng tôi luôn được bảo dưỡng. Đặc biệt, chúng tôi đã lên phương án đầu tư nâng cấp hệ thống mới với kinh phí khoảng 10 tỷ đồng. Hồ sơ nâng cấp của chúng tôi đã được chính quyền Cần Giờ tiếp nhận. Vậy tại sao họ lại cấp phép cho một đơn vị khác đầu tư hệ thống cấp nước song song với chúng tôi?” – Bà Lâm Thị Kha bức xúc.
Dù ủng hộ bà Lâm Thị Kha tiếp tục đầu tư hệ thống ...
Trả lời thắc mắc của Chủ trạm cấp nước Lâm Thị Kha, UBND huyện Cần Giờ (Văn bản số 1086/UBND, ngày 05/4/2018, do ông Phó chủ tịch UBND huyện Trương Tiến Triển ký) nêu: “Căn cứ mục 2, Điều 29, Chương III, Nghị định 117 về lựa chọn đơn vị cung cấp nước, có nêu: “Đối với địa bàn đã có tổ chức, cá nhân đang thực hiện dịch vụ cấp nước thì tổ chức, cá nhân đó được chỉ định là đơn vị cấp nước thực hiện dịch vụ cấp nước trên địa bàn.” Như vậy, trường hợp trạm cấp nước Lâm Thị Kha đã khai thác mạng lưới cấp nước đến nay được 19 năm và đang thực hiện cung cấp nước sạch tại vùng cấp nước trên thì được chỉ định là đơn vị cấp nước tại đây và Đơn đề nghị đầu tư nâng cấp mạng lưới cấp nước theo tiêu chuẩn hiện hành của ngành nước là đúng quy định.”
Dù hiểu rõ nội dung Nghị định 117, đồng thời khẳng định chủ trạm nước Lâm Thị Kha được chỉ định là đơn vị cấp nước tại đây và xác định đơn đề nghị nghị đầu tư nâng cấp của trạm này là đúng quy định, nhưng chính quyền huyện Cần Giờ vẫn cấp phép cho đơn vị Xí nghiệp cấp nước Cần Giờ(?)
Cụ thể, UBND huyện Cần Giờ đã ủy quyền cho Phòng Quản lý đô huyện cấp giấy phép thi công dự án cấp nước Tam Thôn Hiệp (Giai đoạn 2) cho Xí nghiệp Cấp nước Cần Giờ (theo giấy phép số 04/QLĐT ngày 26/7/2017, số 06/QLĐT ngày 26/9/2017, số 08/GPTC ngày 13/11/2017, số 01/GPTC ngày 22/1/2018 và số 02/GPTC ngày 27/3/2018).
Bất bình việc chính quyền huyện Cần Giờ “tiếp tay” cho Xí nghiệp cấp nước Cần Giờ đầu tư thêm một đường ống nước song hành với trạm nước mình, bà Kha cùng nhiều hộ dân đã ra ngăn cản không cho đơn vị thi công lắp đặt ống nước.
... nhưng huyện Cần Giờ vẫn cấp phép cho cho Xí nghiệp Cấp nước Cần Giờ (thuộc Cty Sawaco) thi công dự án cấp nước Tam Thôn Hiệp. Ảnh: Thái Sơn
Trong văn bản 1086 trả lời cho bà Kha, UBND huyện Cần Giờ viện lý do cấp phép cho Xí nghiệp cấp nước Cần Giờ đi thêm một đường ống song song với đường ống nước của trạm nước Lâm Thị Kha là để “đảm bảo nguồn dự phòng khi có sự cố.” Nội dung, văn bản này còn nhấn mạnh “UBND huyện đã trao đổi thống nhất với Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn TNHH MTV là dự án đầu tư không có hạng mục lắp đặt đồng hồ cho khách hàng, chủ trạm cấp nước Lâm Thị Kha nếu tiếp tục đầu tư theo vùng cấp nước trước đây thì tiếp tục đầu tư và duy trì cung cấp nước phục vụ khách hàng, đồng thời mua nước qua đồng hồ theo giá của Sawaco quy định.”
Tuy lấy lý do việc cho phép Xí nghiệp cấp nước Cần Giờ lắp thêm một đường ống là “dự phòng” để trả lời cho hộ bà Kha, nhưng khi phóng viên báo Nhà báo & Công luận đặt câu hỏi: “đường ống dự phòng có nghĩa như thế nào? Trong văn bản trả lời bà Lâm Thị Kha, chính quyền Cần Giờ thể hiện ủng hộ việc đầu tư nâng cấp hệ thống mới của bà Kha, vậy thì có cần thiết sử dụng đường ống dự phòng của công ty Sawaco? Giả sử người dân có nhu cầu đấu nối đồng hồ nước của gia đình mình trực tiếp với đường ống của công ty Sawaco thì có được phép hay không? Hay khi đường ống của trạm bà Kha có sự cố thì Sawaco mới đến đào đường để lắp đồng hồ nước cho người dân?”. Ông Trương Tiến Triển (Phó Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ) trả lời: “Trong văn bản trả lời cho bà Kha là lắp đường nước dự phòng, nhưng thực tế Sawaco chỉ kéo đường ống nước qua khu vực đó để cung cấp nước cho khu dân cư mới phía sau khu vực trạm nước Lâm Thị Kha và khu Bà Sáng của xã Bình Khánh, còn việc người dân tại khu vực bà Kha có nhu cầu đấu nối với đường ống của Sawaco thì đó là quyền của người dân.”
Vậy là rõ. Theo chính quyền Cần Giờ, trạm nước Lâm Thị Kha buộc phải “mua nước qua đồng hồ theo giá của Sawaco quy định”, có nghĩa nếu không chấp nhận giá nước Sawaco quy định thì hiện tượng áp lực nước yếu, nguồn nước nhỏ giọt, và có thể không có nước, … chắc chắn sẽ xảy ra tại hệ thống trạm nước Lâm Thị Nga. Lúc này thiệt hại đầu tiên là những người dân đang sử dụng nước tại trạm này, và họ lựa chọn chuyển sang sử dụng nguồn nước “dự phòng” của Xí nghiệp cấp nước Cần Giờ, một đơn vị thuộc Sawaco là điều khó tránh khỏi.
Việc UBND huyện Cần Giờ cho phép công ty Xí nghiệp cấp nước Cần Giờ lắp thêm một đường ống song song với đường ống của trạm nước Lâm Thị Kha để bán cho người dân có đúng quy định của pháp luật không?
Trước quyền lợi của người dân, UBND Thành phố Hồ Chí Minh cần vào cuộc thanh tra, kiểm tra làm rõ, dư luận đang chờ câu trả lời từ phía cơ quan chức năng.
Congluan.vn sẽ tiếp tục thông tin về sự việc này.
Thái Sơn