Báo điện tử Congluan.vn đã thông tin tới bạn đọc về sự việc người dân xã Liên Nghĩa (huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên) trong suốt gần 10 năm (từ 2007 đến 2017) đã phải “còng lưng” nộp thủy lợi phí mặc dù từ thời điểm 2007 UBND tỉnh Hưng Yên đã có chính sách miễn hoàn toàn khoản thu này. Theo đó, ngày 31/5/2007 và ngày 01/10/2007 UBND tỉnh Hưng Yên đã ban hành các Quyết định số 984/QĐ-UBND; Quyết định số 1720/QĐ-UBND về miễn giảm thủy lợi phí. Theo đó, từ vụ Mùa năm 2007 UBND tỉnh Hưng Yên đã miễn hoàn toàn thủy lợi phí sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Những bằng chứng người dân cung cấp về việc thu thủy lợi phí trái quy định diễn ra trong gần chục năm qua khiến chúng tôi không khỏi giật mình khi tại thôn Phi Liệt, xã Liên Nghĩa – người chết biết sống lại ký tên. Từ vụ Xuân năm 2014, HTX Dịch vụ Nông nghiệp lập danh sách thống kê diện tích tưới tiêu ngoài bãi để đề nghị cấp bù thủy lợi phí. Danh sách được lập theo từng hộ, diện tích canh tác của các hộ được thống kê theo diện tích đất nông nghiệp được giao từ năm 1993 (trên địa bàn xã Liên Nghĩa chỉ có duy nhất thôn Phi Liệt có đất nông nghiệp ngoài bãi). Đoàn kiểm tra của huyện Văn Giang đã kiểm tra, xác minh cho thấy: Việc ký giả mạo tên chủ hộ của một số hộ trong danh sách và một số người đã chết như: ông Bì Văn Hốt, ông Đinh Văn Thanh, ông Nguyễn Văn Am và một số trường hợp khác trong danh sách diện tích tưới tiêu ngoài bãi là có thật.
Người dân thôn Phi Liệt cho rằng những chữ ký trong danh sách có rất nhiều chữ ký giả mạo, người đã chết được cán bộ HTX Nông nghiệp dựng dậy ký tên. Ảnh: Quốc Trần
Theo Giám đốc HTX Dịch vụ Nông nghiệp giải trình: Việc lập danh sách và ký danh sách xác nhận diện tích đất canh tác của các hộ để đề nghị cấp bù thủy lợi phí, số tiền này phục vụ việc nạo vét nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp cho các hộ. Việc một số hộ bị ký mạo, một số người đã chết vẫn có chữ ký là có nhưng không mang tính chất trục lợi tiền cấp bù thủy lợi phí.
Người dân thôn Phi Liệt bức xúc bởi họ cho rằng lời lẽ giải trình của ông Giám đốc HTX Dịch vụ Nông nghiệp xã Liên Nghĩa – Tô Văn Phúc là “bao biện” cho hành vi làm trái của mình. Bởi suốt nhiều năm qua, những kênh mương có chỗ thì 2 năm nạo vét 1 lần những cũng có chỗ đến 5 năm mới nạo vét một lần. Trong khi đó, diện tích ngoài bãi người dân muốn có nước tưới phải tự đóng góp tiền mua nước tưới của chủ đầm ngoài bãi là ông Bì Văn Hiển thuê lại từ UBND xã.
Dựng người đã chết sống lại ký tên, đây rõ ràng là một hành vi coi thường pháp luật của cán bộ kế toán HTX – ông Lý Quang Huy, Giám đốc HTX Dịch vụ Nông nghiệp – ông Tô Văn Phúc nhưng huyện Văn Giang lại cố tình lờ đi không xử lý mạnh tay sai phạm mà chỉ kiểm điểm rút kinh nghiệm nhẹ nhàng.
Gần chục năm trời người dâ xã Liên Nghĩa phải còng lưng đóng thủy lợi phí trái quy định. Ảnh: Quốc Trần
Việc quản lý, sử dụng kinh phí cấp bù thủy lợi phí của HTX Dịch vụ Nông nghiệp Liên Nghĩa cũng bộc lộ hàng loạt sai phạm. Cụ thể, kinh phí cấp bù thủy lợi phí hàng năm được cấp qua tài khoản của HTX mở tại Ngân hàng NN&PTNN chi nhánh Văn Giang nhưng kế toán HTX không mở sổ theo dõi tiền gửi ngân hàng mà chỉ thực hiện việc quản lý trên cơ sở báo có và sao kê của ngân hàng. Chứng từ chi hoạt động thiếu chặt chẽ, không đảm bảo tính pháp lý; mua hàng hóa, dịch vụ có giá trị trên 200.000 đồng nhưng không có hóa đơn tài chính theo quy định như: mua quần áo mưa, phô tô đánh máy tài liệu, mua phù hiệu...
Việc lập chứng từ chi không đảm bảo về thời gian phát sinh, cập nhật sổ sách kế toán các nghiệp vụ thu, chi không kịp thời. Sử dụng kinh phí cấp bù thủy lợi phí đối với diện tích ngoài bãi kém hiệu quả.
Kiểm tra, đối chiếu giữa hồ sơ đề nghị cấp bù thủy lợi phí và số thực tế cấp phát cho thấy năm 2016, phòng Nông nghiệp & PTNN đã cấp thừa cho HTX Dịch vụ Nông nghiệp Liên Nghĩa số tiền 3.788.000 đồng.
Trả lời báo chí về khoản tiền cấp bù năm 2014 không sử dụng đến thì có quyết toán và xin cấp bù năm sau được không?, ông Chu Quốc Hiệu – Chủ tịch UBND huyện Văn Giang khẳng định: “Nếu năm nay được cấp bù mà không sử dụng hết hoặc không sử dụng thì năm sau không được cấp bù nữa”.
Tuy nhiên, trong vòng 3 năm (2014-2016) thôn Phi Liệt được hỗ trợ tiền thủy lợi phí với tổng số tiền là hơn 100 triệu. Nhưng theo đúng quy định (như thông tin ông Chủ tịch huyện trả lời) thì phải “dùng hết” số tiền của năm trước thì năm sau mới được cấp tiếp.
Theo Kết luận kiểm tra trong 3 năm mới sử dụng có hết gần 20 triệu (trong tổng số hơn 100 triệu được cấp) còn số tiền còn lại vẫn trong tài khoản của HTX Dịch vụ Nông nghiệp Liên Nghĩa. Sự việc này có trách nhiệm trực tiếp của lãnh đạo huyện Văn Giang trong việc kiểm tra việc sử dụng kinh phí này hằng năm. Đối với sai phạm của HTX Dịch vụ Nông nghiệp Liên Nghĩa đã quá rõ ràng khi “không mở sổ theo dõi tiền gửi ngân hàng” nhưng không hiểu vì lý do gì số tiền cấp bù thủy lợi phí vẫn được quyết toán và chảy vào tài khoản hằng năm? Đây là một việc làm biểu hiện của sự tắc trách, thiếu giám sát quản lý từ UBND huyện Văn Giang và chỉ cho đến khi người dân đi tố cáo mới được chỉ rõ.
Những con mương không được nạo vét khiến người dân gặp nhiều khó khăn trong sản xuất nhưng cán bộ xã Liên Nghĩa vẫn báo cáo nạo vét hằng năm. Ảnh: Quốc Trần
Người dân xã Liên Nghĩa không đồng ý với Kết luận kiểm tra số 01/KLKTr-UBND của UBND huyện Văn Giang và tiếp tục khiếu nại. Ngày 09/11/2018, một số người dân xã Liên Nghĩa trong đó có ông Đinh Tuấn Hoành, ông Triệu Văn Tài (thôn Phi Liệt) được Chánh Thanh tra huyện Văn Giang là ông Lê Văn Hựu mời lên UBND huyện làm việc với mục đích ghi trong giấy mời là thu thập, cung cấp chứng cứ có liên quan. Đúng theo giấy mời có mặt tại UBND huyện làm việc nhưng những gì mà Chánh Thanh tra huyện Văn Giang làm việc với người dân khiến họ vô cùng bất ngờ. Ông Triệu Văn Tài bức xúc: “Hôm chúng tôi được mời lên làm việc có đầy đủ các ban ngành của huyện như Thanh tra huyện, phòng Nông nghiệp, Tài nguyên và Môi trường, Văn phòng UBND huyện, Công an huyện. Tưởng rằng lên làm việc theo giấy mời là cung cấp chứng cứ về vụ việc ai ngờ lên ông Hựu – Chánh Thanh tra huyện công bố luôn cho chúng tôi một văn bản dạng như kết luận mới về vụ việc khiến người dân chúng tôi rất bức xúc. Như thế này hóa ra họ lừa chúng tôi à?...”.
Cũng trong buổi làm việc, người dân tiếp tục không đồng ý với cách làm việc cũng như văn bản do ông Chánh Thanh tra huyện công bố. Bởi họ cho rằng, điều họ mong muốn cơ quan có thẩm quyền phải giải quyết thấu tình, đạt lý, đảm bảo sự nghiêm minh của pháp luật. “Chúng tôi là người dân sự am hiểu về pháp luật còn hạn chế, chúng tôi chỉ hỏi các cơ quan ban ngành của huyện hai vấn đề; một là đề nghị làm rõ chữ ký giả mạo? hai là, việc thu thủy lợi phí của xã Liên Nghĩa là đúng hay sai khi nhà nước đã có chính sách miễn giảm thủy lợi phí? Nhưng chẳng ông nào trả lời chúng tôi...” ông Tài cho biết.
Người dân thôn Phi Liệt cung cấp một giấy mời của Chánh Thanh tra huyện mời họ lên cung cấp thông tin, chứng cứ nhưng thực chất họ bị "lừa"? Ảnh: Quốc Trần
Trong suốt quá trình tìm hiểu sự việc của phóng viên, khi UBND xã Liên Nghĩa không tiếp báo chí. Cùng với đó là việc làm cản trở báo chí tác nghiệp của UBND huyện Văn Giang khi lãnh đạo huyện này trao quyền cho bảo vệ được tiếp phóng viên đến liên hệ công tác. Phóng viên cũng nhiều lần liên hệ qua điện thoại với Phó Chánh văn phòng của UBND huyện Văn Giang là ông Nguyễn Trọng Cương nhưng ông Cương không bắt máy. Về phía ông Chu Quốc Hiệu – Chủ tịch UBND huyện Văn Giang đã hứa cho kiểm tra việc bảo vệ xúc phạm phóng viên đến liên hệ làm việc nhưng cho đến nay ông Chủ tịch huyện này vẫn chưa có câu trả lời.
Báo điện tử Congluan.vn sẽ tiếp tục thông tin.
Quốc Trần