Một quyết định "tạm giao đất" kỳ lạ
Quyết định của Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Văn Đua ký "tạm giao đất" cho doanh nghiệp vào ngày 30/6/2004 - tức chỉ 01 ngày khi Luật đất đai 2003 chính thức có hiệu lực. Quyết định 3243/QĐ-UB này đã không có bất cứ thống kê nào về số lô đất, tờ bản đồ, bản vẽ hiện trạng… hay số hộ dân đang cư ngụ, canh tác; có dấu hiệu "né" Luật đất đai 2003 có hiệu lực vào 1/7/2004. Bởi nếu phải áp dụng Luật đất đai 2003, việc lập dự án, thu hồi đất, bồi thường, tái định cư… cho người dân trong khu vực dự án sẽ phức tạp hơn rất nhiều.
Quyết định 3243/QĐ-UB do Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Văn Đua ký "tạm giao đất" cho doanh nghiệp thực hiện dự án vào ngày 30/6/2004.
Tuy nhiên, dù căn cứ theo Luật đất đai 1993, thì cũng dễ thấy Quyết định 3243/QĐ-UB do Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Văn Đua ký có hình thức, nội dung cũng không theo bất cứ quy định nào cả. Bởi theo Luật đất đai 1993 (thậm chí cả Luật đất đai 2003, Luật đất đai 2013) đều không thấy ghi điều, khoản nào cho phép UBND cấp tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương được "tạm giao đất" cho chủ đầu tư xây dựng dự án nhà ở thương mại.
Quyết định cũng không ghi rõ tọa độ, số lô, thửa, tờ bản đồ… trên khu đất "tạm giao" cho doanh nghiệp, gây khó khăn (hoặc tạo kẽ hở) cho chính quyền cấp quận/huyện thực hiện nhiệm vụ về sau.
Đặc biệt, tại Khoản 3, Điều 23, Luật đất đai 1993 quy định thẩm quyền của UBND tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương được giao đất để sử dụng vào mục đích không phải là sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, cụ thể: a) Từ 1 ha trở xuống đối với đất nông nghiệp, đất lâm nghiệp có rừng, đất khu dân cư nông thôn, đất đô thị và từ 2 ha trở xuống đối với đất trống, đồi núi trọc cho mỗi công trình không thuộc các trường hợp quy định tại mục b khoản 3 Điều này; b) Từ 3 ha trở xuống đối với đất nông nghiệp, đất lâm nghiệp có rừng, đất khu dân cư nông thôn, đất đô thị; từ 5 ha trở xuống đối với đất trống, đồi núi trọc cho mỗi công trình đường bộ, đường sắt, đường dẫn nước, đường dẫn dầu, đường dẫn khí, đường điện, đê điều và từ 10 ha trở xuống đối với đất trống, đồi núi trọc cho mỗi công trình xây dựng hồ chứa nước;…
Mặt bằng dự án khu dân cư 7/5 tại Phường Long Thạnh Mỹ, Quận 9. Bên phải là khu vực nhà dân UBNQ Quạn 9 chưa cthể ưỡng chế giao cho doanh nghiệp.
Như vậy, dự án khu dân cư tại Phường Long Thạnh Mỹ, Quận 9, TP.HCM không thuộc mục đích thực hiện công trình hạ tầng đường bộ, đường sắt, đê điều, hồ chứa nước... Cũng có nghĩa con số 324.000 m2 (hay 3,24 ha) thu hồi nói trên phục vụ dự án nhà ở, TP.HCM đã giao diện tích vượt quá thẩm quyền nếu chiếu theo quy định tại Điều 23 Luật đất đai 1993.
Lúc này dư luận lại thắc mắc: Quyết định "tạm giao đất" của Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Văn Đua ký có phải là quyết định "giao đất", hay đơn giản đó là "tạm giao", là "chấp thuận địa điểm", hay "thuận chủ trưởng"… để doanh nghiệp chuẩn bị thủ tục pháp lý cần thiết trình các cơ quan có thẩm quyền xin thực hiện dự án nhà ở thương mại?
UBND Quận 9 "nhắm mắt" thu hồi, cưỡng chế đất của dân?
Một điều bất thường trong Quyết định 3243/QĐ-UB ngày 30/6/2004 do Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Văn Đua ký, đó là việc văn bản này không hề nhắc tới việc đảm bảo quyền và lợi ích của các hộ dân sinh sống, sản xuất trong khu vực dự án – khu vực từng được gọi là "khu kinh tế mới" của người dân TP.HCM từ sau 1975 tại xã Long Thạnh Mỹ, Huyện Thủ Đức (nay là Quận 9), mà chỉ nhắc tới việc "di dời mồ mả" (?)
Một nhà xưởng sản xuất gỗ xuất khẩu của ông Vũ Văn Cường, khu vực 126/4 Giãn Dân, Phường Long Thạnh Mỹ, Quận 9 đã bị tháo dỡ - Ảnh tư liệu.
Cho tới 25/4/2007, UBND Quận 9 mới ban hành Quyết định 291/QĐ-UBND về việc "Phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ thiệt hại và tái định cư trong dự án đầu tư xây dựng khu nhà ở tại phường Long Thạnh Mỹ, Quận 9. Do công ty 7/5 làm chủ đầu tư". Quyết định 291/QĐ-UBND này nêu rõ: Phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư (phương án số 03/PABT-HĐBT ngày 19/4/2007); Do đây là dự án không sử dụng vốn ngân sách nhà nước, giao Hội đồng bồi thường Giải phóng mặt bằng trao đổi với chủ đầu tư để có mức hỗ trợ thêm cho các hộ dân tương đối phù hợp với các dự án khác gần kề.
Tuy nhiên, ngoài việc chỉ căn cứ một quyết định "tạm giao đất" của UBND TP.HCM mà không có bất cứ quyết định thu hồi đất, giao đất nào, Quyết định 291 về "Phê duyệt phương án bồi thường" của UBND Quận 9 còn trái thẩm quyền nếu chiếu theo quy định của Nghị định 22/1998/NĐ-CP ngày 24/4/1998 của Chính phủ về "Đền bù thiệt hại khi nhà nước thu hồi đất".
Khu nhà thờ trên khu đất của gia đình ông Vũ Văn Cường tại Phường Long Thạnh Mỹ, Quận 9 vẫn chưa bị cưỡng chế tháo dỡ.
Điều 32, Nghị định 22/1998 nêu rõ: 1. Căn cứ vào quyết định thu hồi đất của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền; căn cứ vào quy mô, đặc điểm và tính chất của từng dự án, ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo thành lập Hội đồng đền bù thiệt hại giải phóng mặt bằng ở cấp quận/ huyện/ thị xã/ thành phố trực thuộc tỉnh; Hội đồng đền bù thiệt hại giải phóng mặt bằng có trách nhiệm giúp UBND cùng cấp thẩm định phương án đền bù thiệt hại giải phóng mặt bằng trình Hội đồng thẩm định cấp tỉnh thẩm định sau đó trình Chủ tịch UBND tỉnh/ thành phố trực thuộc Trung ương phê duyệt…; 2. Chủ tịch UBND quận/ huyện/ thị xã/ thành phố trực thuộc tỉnh có trách nhiệm chỉ đạo Hội đồng đền bù thiệt hại Giải phóng mặt bằng, lập phương án đền bù thiệt hại giải phóng mặt bằng và trình Hội đồng thẩm định tỉnh/ thành phố trực thuộc Trung ương thẩm định làm cơ sở trình Chủ tịch UBND tỉnh/ thành phố trực thuộc Trung ương phê duyệt.
Như vậy, việc ra phương án đền bù thiện hại vốn phải qua Hội đồng thẩm định cấp tỉnh/ thành phố, được sự phê duyệt của Chủ tịch UBND cấp tỉnh/ thành phố. Nhưng Quyết định 291 ngày 25/4/2007 của UBND Quận 9 không đính kèm căn cứ, văn bản nào cho thấy có sự tham gia của Hội đồng thẩm định TP.HCM hay quyết định của Chủ tịch UBND TP.HCM về giao quyền phê duyệt phương án bồi thường cho Chủ tịch UBND Quận 9(?).
UBND Quận 9 tự phê duyệt phương án bồi thường chứ không phải UBND TP.HCM, sau đó bồi thường cho dân đơn giá 105.000 đồng/m2, tương đương 2-3 tô phở.
Rồi bất ngờ, khi người dân đang khiếu nại, UBND Quận 9 vẫn tiếp tục ban hành các quyết định công bố giá trị bồi thường, các quyết định cưỡng chế và thực hiện cưỡng chế đất của dân để lấy mặt bằng giao cho doanh nghiệp. Một trong những trường hợp điển hình bị thu hồi cấp tốc là hộ ông Nguyễn Văn Oai (tên khác là Nguyễn Thanh Oai, 61 tuổi, ở 126A Giãn Dân, Phường Long Thạnh Mỹ, Quận 9).
Ngày 21/9/2010, Phó Chủ tịch UBND Quận 9 Nguyễn Văn Thành ra Quyết định 1496/QĐ-UBND-BBT về "Công bố giá trị bồi thường, hỗ trợ và tái định cư hộ ông Nguyễn Thanh Oai". Gia đình ông Oai được bồi thường 231.591.000 đồng cho gần 7.000m2 đất và vật kiến trúc, cây cối, hoa màu bị lấy đi, trong đó chỉ bồi thường 2.00m2 đất trông cây lâu năm với giá 105.000 đồng/m2 (hình thành trước 1993), diện tích còn lại không bồi thường.
Tới 14/7/2015, UBND Quận 9 ra quyết định số 199/QĐ-UBND về cưỡng chế thu hồi đất của ông Oai.
Quyết định cưỡng chế của UBND Quận 9 bất ngờ xuất hiện tên chủ đầu tư mới - Công ty TNHH A Sung thay cho Công ty 7/5 của Quân đội trước đây.
Dù ông gửi đơn khiếu nại, thì vào ngày 11/3/2016, UBND Quận 9 đã tổ chức cưỡng chế, tháo dỡ toàn bộ tài sản, nhà xưởng trên phần đất khoảng 8.400m2. Ông Oai tiếp tục khiếu nại lên Thủ tướng Chính phủ, Thanh tra Bộ TNMT, UBND TP.HCM… về việc thu hồi đất trái luật; UBND Quận 9 cưỡng chế "lố" của gia đình ông hơn 1.400m2…
Và đặc biệt, việc cưỡng chế đất được thực hiện sau khi chủ đầu tư – Công ty 7/5 đã thông báo giải thể vào 27/12/2014 theo Quyết định 5571/QĐ-BQP của Bộ Quốc phòng.
Người dân và báo chí đều ngỡ ngàng, khi được thông báo rằng, vào 19/5/2015, UBND TP.HCM đã ban hành Quyết định số 2313/QĐ-UBND về chấp thuận đầu tư dự án Khu dân cư 7/5, phường Long Thạnh Mỹ, Quận 9 do Công ty TNHH A Sung làm chủ đầu tư.
Theo tìm hiểu của Congluan.vn, vào 25/6/2015, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Hữu Tín đã ký Quyết định 3066/QĐ-UBND về việc "giao đất tại Phường Long Thạnh Mỹ, Quận 9 cho Công ty TNHH A Sung để thực hiện dự án khu dân cư 7/5" thay thế Công ty 7/5 đã giải thể năm 2014 một cách chóng vánh (?)
Quyết định "đổi tên" chủ đầu tư thành Công ty TNHH A Sung do Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Hữu Tín ký ngày 25/6/2015.
Vậy là, chỉ cần một Quyết định thiếu chuẩn mực về pháp lý: Quyết định "tạm giao đất" (không phải là Quyết định "giao đất") do Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Văn Đua ký ngày 30/6/2004, UBND Quận 9 đã bất chấp các quy định về đo đạc, thẩm định, bồi thường, tái định cư... để thực hiện áp giá bồi thường và cưỡng chế đất của hàng chục hộ dân đang sinh sống, canh tác, sản xuất ổn định ở khu vực Giãn Dân, Phường Long Thạnh Mỹ.
Tiếp đó, bằng một Quyết định giao đất mới vào ngày 25/6/2015 do một Phó Chủ tịch UBND TP.HCM ký ban hành, khu đất hơn 320.000 m2 mà UBND Quận 9 thực hiện thu hồi, cưỡng chế để "tạm giao" cho đơn vị thuộc quân đội đã "sang tên" cho một doanh nghiệp tư nhân trong sự ngỡ ngàng, đau xót của hơn 70 hộ dân mất đất.
Báo điện tử Congluan.vn sẽ tiếp tục thông tin vụ việc.
Kiên Giang