Trao đổi với báo chí về trách nhiệm cá nhân, tập thể trong việc tổ chức cưỡng chế đất đối với gia đình chính sách ngay sát Tết Nguyên đán 2018 ở xã Tân Kiều, huyện Tháp Mười, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Tấn Xiếu cho biết tỉnh "vẫn chưa"… Ông Xiếu đồng thời bày tỏ không hài lòng về cách thực hiện cưỡng chế của huyện Tháp Mười...
Vì sao 29 năm nhận khai phá, canh tác lại bị quy tội "chiếm đất"?
Như Congluan.vn đã thông tin: Theo hồ sơ, năm 1989, gia đình ông Nguyễn Minh Cảnh nhận giao khoán thửa đất số 1756 tờ bản đồ số 5, tại ấp Gò Tháp, xã Tân Kiều, diện tích 16.776,2m2. Thời điểm này, thửa đất có nhiều hầm hố, gia đình ông Cảnh đã bỏ nhiều công sức, tiền bạc san lấp mặt bằng, cải tạo đất phèn mặn để trồng được lúa, từ 1 vụ lên 2, 3 vụ/năm. Ông cũng đều đặn nộp tiền cho UBND xã Tân Kiều chứ không được miễn như một số trang mạng miêu tả.
Ông Minh Cảnh nộp 27 triệu đồng cho UBND xã Tân Kiều năm 2013.
Về vấn đề ký hợp đồng thuê, ông Cảnh cho biết vào khoảng 2005, khi chính quyền có chủ trương thu tiền, cộng với việc các hộ dân khai phá đất trước đó đòi quyền lợi, ông đã đồng thuận ký hợp đồng thuê, đóng góp hàng năm cho địa phương.
Bất ngờ, năm 2012, UBND huyện Tháp Mười tổ chức đấu giá cho thuê đất nông nghiệp, trong đó có diện tích 16.776,2m2 ông Cảnh đang canh tác. Ông không chấp thuận vì cho rằng huyện Tháp Mười đấu giá mảnh đất gia đình ông dày công khai phá giao cho người khác là bất công; việc chính quyền chưa tìm hiểu, xem xét nguyện vọng của người khai hoang phục hóa, xây dựng quê hương từ thời kỳ đất nước còn khó khăn là không thấu lý đạt tình. Hơn nữa nguồn gốc đất do 05 hộ dân vỡ hoang từ 1973, họ đồng thuận khi biết người tiếp tục khai phá, canh tác là ông. Ông đề nghị UBND huyện Tháp Mười xem xét cấp GCNQSDĐ; hoặc tiếp tục cho ông thuê đất lâu dài, giá thuê phù hợp; hoặc trả công san lấp mặt bằng, cải tạo đất từ 1989 đến nay.
Khi gia đình ông Cảnh liên tiếp khiếu nại, báo chí và dư luận lên tiếng, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp đã tiếp và lắng nghe ông trình bày vào chiều 9/10/2017.
Ông Cảnh là cựu chiến binh, có anh và em trai là liệt sĩ.
Tại buổi tiếp công dân, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Văn Dương đã nói rằng đây là trường hợp mà “cái tình sâu quá”. Và thực tế, chưa nói về lý, chính quyền địa phương sẽ phải hết sức cẩn trọng xem xét, bởi ông Cảnh là cựu chiến binh từng tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ, chống quân diệt chủng Pol Pot. Gia đình ông Cảnh còn có anh trai, em trai là liệt sĩ, có mẹ được truy tặng danh hiệu Mẹ Việt Nam anh hùng…
Nhưng khi gia đình ông Cảnh đang chờ chính quyền xem xét, bất ngờ UBND huyện Tháp Mười ra quyết định xử phạt hành chính ông Nguyễn Văn Châu (con trai ông Cảnh) 4 triệu đồng vì hành vi “chiếm đất” và lên kế hoạch cưỡng chế ngay sát Tết Nguyên đán.
Tỉnh Đồng Tháp có mạnh tay xử lý cách làm việc vội vàng, vô cảm của cấp dưới?
Chỉ trong ngày 26/1/2018, UBND huyện Tháp Mười đã liên tiếp ban hành 2 Quyết định cưỡng chế, thông báo sẽ "ra quân" vào 7h30 ngày 9/2/2018, tức ngày 24 tháng Chạp Âm lịch khiến gia đình ông Cảnh "ngã ngửa" vì bất ngờ.
Đoàn cưỡng chế "ra quân" vào sáng 9/2/2018, nhằm 24 tháng Chạp (?)
Quyết định cưỡng chế thứ nhất là "cưỡng chế kê biên tài sản có giá trị tương ứng với số tiền phạt" để thi hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 31/QĐ-XPVPHC ngày 26/9/2017 của UBND huyện Tháp Mười đối với ông Nguyễn Văn Châu (con trai ông Cảnh, bị phạt 4 triệu đồng). Quyết định cưỡng chế thứ 2 là buộc ông Châu phải khôi phục lại tình trạng của đất như trước khi vi phạm; trả lại đất đã chiếm với diện tích 16,776,2m2 đất trồng lúa.
Cả Quyết định xử phạt hành chính hành vi "chiếm đất" lẫn 02 Quyết định cưỡng chế đối với ông Nguyễn Văn Châu đều cần được làm rõ dấu hiệu sai nội dung, sai đối tượng, bởi ông Châu không chiếm, đứng tên khai phá, thuê và sử dụng thửa đất trên (đứng tên là ông Nguyễn Minh Cảnh). Thêm nữa, yêu cầu "khôi phục lại tình trạng của đất như trước khi vi phạm" cũng không nói rõ là khôi phục hiện trạng đất thời điểm nào: Thời điểm trước khi gia đình ông Cảnh san lấp cải tạo năm 1989 hay thửa đất phẳng phiu màu mỡ hôm nay bị buộc giao cho người khác?
Phương tiện cơ giới bất ngờ cày nát đám ruộng đã xuống giống sáng 8/2/2018.
Khi báo chí lên tiếng, dư luận phẫn nộ bởi cách làm không phù hợp với hướng dẫn của Bộ Tư pháp (không tổ chức cưỡng chế trước và sau Tết Nguyên đán, những ngày lễ trọng đại của đất nước), trái với truyền thống đạo đức ngàn đời của dân tộc.., ngày 8/2/2018, UBND huyện Tháp Mười mới thông báo đình chỉ các quyết định cưỡng chế. Tuy nhiên, việc phá hủy tài sản vẫn bất ngờ diễn ra: Ngay sáng 8/2/2018 (nhằm 23 tháng Chạp, trước lịch cưỡng chế 1 ngày), thửa ruộng gia đình ông Cảnh đã gieo mạ bị "người lạ" phá bỏ khoảng 50% diện tích (tương đương 8.000m2).
Việc ruộng lúa bị hủy hoại khiến gia đình ông Cảnh khổ sở, bởi nó diễn ra vào ngày hàng triệu người Việt đang làm mâm cỗ cúng ông bà tổ tiên, đưa ông Táo về trời theo phong tục. Họ càng tuyệt vọng hơn, khi thời điểm phương tiện cơ giới phá hủy tài sản trên đất ruộng có sự chứng kiến của các cán bộ địa phương…
Cán bộ địa phương có mặt tại hiện trường vụ phá hủy tài sản ngày 8/2/2018.
Người dân và công luận đang băn khoăn liệu các cá nhân, tập thể tham mưu, ra các quyết định cưỡng chế sát Tết và chỉ đạo cán bộ chứng kiến hành vi hủy hoại tài sản có sai phạm, có bị kiểm điểm và xử lý nghiêm khắc hay không? Rồi bất ngờ, Đài phát thanh huyện Tháp Mười mới đây đã phát một nội dung dẫn nguồn từ trang mạng, có những chi tiết thiếu khách quan, sai sự thật, đã khiến vụ khiếu nại tại xã Tân Kiều thêm rối rắm, càng không thể khỏa lấp những sai phạm mà UBND huyện Tháp Mười gây ra nhưng lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp chưa xử lý dứt điểm.
Và ít nhất, những việc làm vội vàng, phản cảm trên đã làm tổn hại tới hình ảnh đẹp mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Đồng Tháp đã và đang nỗ lực xây dựng.
Báo điện tử Congluan.vn sẽ tiếp tục thông tin vụ việc.
Kiên Giang