(CLO) Sáng nay (18/2), Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Báo cáo giải trình, tiếp thu của dự án Luật báo chí (sửa đổi). Các ý kiến đều băn khoăn khi dự thảo Luật không điều chỉnh trang thông tin điện tử.
[caption id="attachment_82421" align="aligncenter" width="640"]

Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng điều hành phiên họp UBTV Quốc hội sáng 18/2[/caption]
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc K’sor Phước đề nghị cơ quan soạn thảo cần xem xét cân nhắc về vấn đề này. Theo ông, hiện tại, xu hướng chung là nhiều người tập trung tra cứu thông tin ở trên mạng, xu hướng này không thể đảo ngược, ngày càng phổ biến. Vấn đề quản lý và kiểm soát thông tin mạng trong dự thảo Luật Báo chí còn vắng bóng là chưa đáp ứng được với thực tiễn đang diễn ra. Chủ tịch K’sor Phước cho rằng, Luật Báo chí cần phải quản lý thông tin không chỉ ở các cơ quan báo chí Nhà nước mà còn phải quản lý thông tin của các tổ chức, cá nhân trên các trang thông tin mạng mà đặt máy chủ đặt ở Việt Nam. Nếu không quản lý được vấn đề này, Luật Báo chí mới chỉ đạt được 40% yêu cầu về công tác thông tin báo chí, đặc biệt là về quản lý nhà nước, còn lại 60% chúng ta vẫn còn bỏ trống. Chủ tịch Hội đồng Dân tộc đề nghị cơ quan soạn thảo nên nghiên cứu đến việc quy định các điều, khoản cụ thể trong Luật Báo chí để làm tốt chức năng quản lý nhà nước.
Giải trình thêm về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son cho rằng, tinh thần Nghị quyết của Bộ Chính trị đã khẳng định rõ, không tư nhân hóa báo chí, thương mại báo chí. Do đó, Luật này chỉ quản lý các loại hình báo chí của cơ quan Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị từ cấp tỉnh trở nên. Tuy nhiên, trong qua trình phát triển, vẫn có thể có sự liên kết với tư nhân với những nội dung về khoa học, văn hóa xã hội không mang tính nhạy cảm về chính trị. Bộ trưởng cũng nêu rõ, hoạt động của các trang mạng, trang thông tin điện tử sẽ được quản lý bởi các quy định tại Nghị định 72/2013/NĐ-CP.
Chưa thống nhất với phần giải trình của Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước nói: “Khi nói phát triển báo chí thì quán triệt quan điểm của Hiến pháp, tức bảo đảm quyền tự do của công dân. Hai nghị định kia lạc hậu so với Hiến pháp và thực tiễn của đất nước. Sửa Luật Báo chí là cơ hội luật hoá, cái gì kiểm soát được thì phải làm ngay đừng có chờ nữa”.
Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nêu ý kiến, phạm vi điều chỉnh của luật không đề cập đến trang thông tin điện tử. Vậy các trang thông tin điện tử có phải là một sản phẩm thông tin có tính chất báo chí không? Theo Chủ nhiệm Nguyễn Hạnh Phúc, thực tế, có nhiều trang thông tin điện tử được các cơ quan quản lý cấp phép, có lượng truy cập rất lớn, có tính định hướng dư luận cao. Do đó, cần đưa trang thông tin điện tử vào phạm vi điều chỉnh của luật chứ không nên để ở Nghị định 72 quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng.
Đồng quan điểm, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhận định, dự thảo Luật mới đạt khoảng 60%, còn lại 40% thì cần phải hoàn thiện thêm. Sửa Luật Báo chí sau mười mấy năm, với 19 lần dự thảo, cần phải cố gắng đào sâu, suy nghĩ, tập trung giải quyết các vấn đề mà đất nước đang vướng mắc trong tiến trình phát triển.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, trong Hiến pháp 2013 đã nêu rất rõ về quyền con người, quyền công dân. Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng.
Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, thực tế người dân hiện sử dụng nhiều thông tin trên mạng nên cần nghiên cứu, tính toán để có những quy định điều chỉnh trang thông tin điện tử tổng hợp, trang mạng xã hội tại luật này, không điều chỉnh bằng văn bản dưới luật.
Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cũng nhấn mạnh Luật Báo chí cần điều chỉnh các trang thông tin điện tử. Nếu nội dung này chưa kịp thể hiện trong dự thảo thì chưa trình Quốc hội để có thời gian hoàn thiện, bảo đảm chất lượng.
T.Toàn