(CLO) Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 13, ngày 14/8, UBTV Quốc hội cho ý kiến về một số vấn đề còn có ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Bảo vệ và phát triển rừng (sửa đổi) và Luật Thủy sản (sửa đổi). [caption id="attachment_177987" align="aligncenter" width="800"]
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển điều hành phiên họp. Ảnh: Quochoi.vn[/caption]
Làm rõ việc đổi tên Luật Dự án Luật Bảo vệ và phát triển rừng (sửa đổi) gồm 12 chương, 108 điều, quy định về quản lý, bảo vệ, phát triển, sử dụng rừng; chế biến và thương mại lâm sản. Thảo luận tại phiên họp, các thành viên UBTV Quốc hội đã tập trung thảo luận vào các nội dung còn có ý kiến khác nhau liên quan đến tên gọi của Dự án Luật; phân loại rừng; chủ rừng; giao rừng, cho thuê rừng, chuyển mục đích sử dụng rừng và thu hồi rừng; chế biến, thương mại lâm sản; quản lý nhà nước về lâm nghiệp; trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương và toàn xã hội trong công tác bảo vệ, chăm sóc và phát triển rừng… Về tên gọi của Luật, đa số ý kiến đại biểu Quốc hội và hầu hết ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học đề nghị nên lấy tên Luật là Luật Lâm nghiệp, vì tên gọi này phù hợp với phạm vi điều chỉnh và nội dung của Dự thảo Luật, khẳng định lâm nghiệp gồm một chuỗi các hoạt động từ bảo vệ rừng, phát triển, sử dụng rừng đến chế biến, thương mại lâm sản; tạo cơ sở pháp lý để đẩy mạnh việc chế biến, thương mại lâm sản, khai thác dịch vụ môi trường rừng. Một số đại biểu đề nghị giữ tên Luật là Luật Bảo vệ và phát triển rừng vì tên gọi này đã được sử dụng quen thuộc nhiều năm qua, nhấn mạnh được mục tiêu bảo vệ và phát triển rừng. Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường nhận thấy, với phạm vi điều chỉnh và nội dung như dự thảo Luật thì việc đổi tên thành “Luật Lâm nghiệp” là hợp lý, vừa ngắn gọn, vừa bao quát đầy đủ các nội dung của Luật, thể hiện rõ mục tiêu và quan điểm đổi mới quản lý hoạt động lâm nghiệp theo chuỗi giá trị như Nghị quyết số 26-NQ/TW. Hơn nữa, tên gọi Luật Lâm nghiệp cũng tạo sự đồng bộ, gắn kết với các văn bản quy định về định hướng Chiến lược phát triển lâm nghiệp, Quy hoạch phát triển lâm nghiệp và tên gọi hệ thống tổ chức cơ quan quản lý về lâm nghiệp hiện hành. Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh cho rằng, , cần đánh giá kỹ tác động của việc đổi tên luật. Vì Luật Bảo vệ và Phát triển rừng hiện nay mục tiêu thể hiện rất rõ là “bảo vệ” và “phát triển” rừng. Nếu đổi tên thành Luật Lâm nghiệp thì liệu có xa rời mục tiêu này hay không? Phát biểu tại Phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, các quy định trong dự thảo Luật sửa đổi lần này đã mở rộng hơn phạm vi điều chỉnh. Mục tiêu của dự luật không chỉ dừng ở việc bảo vệ và phát triển rừng mà còn phải hình thành một chuỗi từ bảo vệ rừng đến sử dụng, chế biến, đầu tư, thương mại như một ngành kinh tế- kỹ thuật. Do đó, việc đổi tên dự thảo Luật, theo Chủ tịch Quốc hội là hợp lý. Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý việc đổi tên luật thành Luật Lâm nghiệp cần đánh giá tác động liên quan đến rất nhiều dự án luật đã dẫn chiếu theo Luật Bảo vệ và phát triển rừng. Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra rà soát lại sự thống nhất của luật này với các luật khác như Luật Đất đai, Luật Đa dạng sinh học, Luật Quy hoạch. Đồng thời, cần đảm bảo cụ thể hơn nữa, không nên để 27 điều khoản giao cho Chính phủ quy định, nên thu gọn tối đa để quy định rõ trong Luật. Về vấn đề tên gọi, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra cần phải giải trình thêm đồng thời nghiêm túc tiếp thu các ý kiến, sớm hoàn chỉnh dự án luật cũng như sơ bộ hướng tiếp thu giải trình, gửi xin ý kiến các đoàn đại biểu Quốc hội, sau đó trình ra Thường vụ Quốc hội một lần nữa trước khi trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV.
Mô hình Quỹ bảo vệ nguồn lợi thủy sản Có cần thiết phải thành lập Quỹ bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản hay không? Nếu thành lập thì nên theo mô hình nào? Đó là nội dung còn ý kiến khác nhau khi các Ủy viên UBTV Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật Thủy sản (sửa đổi). Theo Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng, việc thành lập Quỹ để huy động nguồn lực xã hội đầu tư vào bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản là một chủ trương đúng đắn. Từ kết quả điều tra nguồn lợi thủy sản của Bộ Nông nghiệp và PTNT cho thấy, so với giai đoạn 2000- 2005, tổng trữ lượng thủy sản hiện nay ước tính giảm khoảng 1 triệu tấn và sẽ còn giảm mạnh nếu thiếu các giải pháp hiệu quả. Việc thành lập Quỹ là một trong các phương thức huy động nguồn lực tài chính cho công tác bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản. Tuy nhiên, nguồn tài chính cho Quỹ không ổn định, phụ thuộc vào tài trợ, đóng góp tự nguyện, vốn ủy thác của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, tiền bồi hoàn do làm suy giảm nguồn lợi thủy sản, nên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị lựa chọn phương án thành lập Quỹ Trung ương và Quỹ cộng đồng. Không thành lập quỹ ở cấp tỉnh bởi sẽ làm tăng nhân lực, chi phí và biên chế, bộ máy. [caption id="attachment_177988" align="aligncenter" width="489"]
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Xuân Cường giải trình về việc thành lập Quỹ bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản[/caption] Giải trình về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, muốn bảo đảm nguồn tài nguyên về thủy sản thì rất cần có Quỹ bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản để vừa bảo tồn vừa phát triển trong tình hình trữ lượng thủy sản ngày càng suy kiệt. Bên cạnh đó, các hoạt động kinh tế ảnh hưởng đến môi trường nước ngày càng gia tăng nên rất cần có Quỹ. Quỹ này sẽ dựa trên xã hội hóa là chính, không “chờ” ngân sách Nhà nước cấp. Hiện 700.000 doanh nghiệp địa phương đủ điều kiện về kinh tế để hỗ trợ Quỹ nhằm bảo vệ và thúc đẩy phát triển nguồn tài nguyên thủy sản. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng cho rằng, thực tế từ trước đến nay vốn đã có Quỹ trong lĩnh vực thủy sản ở 2 cấp là cấp tỉnh và cấp Trung ương. Vậy nếu chỉ quy định được thành lập quỹ Trung ương và quỹ cộng đồng thì những tỉnh ven biển đang có quỹ này sẽ như thế nào? Vấn đề này, theo Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nên có các phương án cụ thể để trình Quốc hội xem xét, quyết định.
PV