Cần thiết quy định cơ chế đặc thù để phát triển TP. Cần Thơ
Trình bày Báo cáo thẩm tra một số nội dung của dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định một số cơ chế đặc thù về đầu tư, tài chính, ngân sách và phân cấp quản lý đối với thành phố Cần Thơ, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- Ngân sách Nguyễn Đức Hải cho biết, ngày 04/7/2018, Ủy ban Tài chính - Ngân sách đã tổ chức phiên họp toàn thể để thẩm tra một số nội dung của dự thảo Nghị định quy định một số cơ chế đặc thù về đầu tư, tài chính, ngân sách và phân cấp quản lý đối với thành phố Cần Thơ theo Tờ trình số 222/TTr-CP ngày 01/06/2018 của Chính phủ.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- Ngân sách Nguyễn Đức Hải cho cho biết, TP. Cần Thơ là đô thị loại 1 cấp quốc gia và là một trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương, có vị trí chiến lược quan trọng của Vùng đồng bằng Sông Cửu Long và của cả nước về kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh. Bên cạnh đó, tại Kết luận số 07-KL/TW ngày 28/09/2016 về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 45-NQ/TW của Bộ Chính trị khoá IX về xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, Bộ chính trị đã giao: "Thành phố Cần Thơ chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng, trình các cấp có thẩm quyền ban hành cơ chế, chính sách ưu đãi đặc thù ở mức như đối với thành phố Đà Nẵng và Hải Phòng".
Do đó, Ủy ban Tài chính- Ngân sách nhất trí về sự cần thiết ban hành Nghị định của Chính phủ quy định một số cơ chế đặc thù về đầu tư, tài chính, ngân sách và phân cấp quản lý đối với TP. Cần Thơ để tạo điều kiện thuận lợi về cơ chế, chính sách, tạo thêm nguồn lực và động lực mới để Thành phố phát triển nhanh, bền vững hơn, đóng góp xứng đáng vào sự phát triển chung của Vùng và của cả nước.
Bên cạnh đó, Ủy ban Tài chính- Ngân sách nhận thấy, việc Chính phủ xây dựng dự thảo Nghị định quy định một số cơ chế đặc thù về đầu tư, tài chính, ngân sách và phân cấp quản lý đối với TP. Cần Thơ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến là đúng thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân điều hành phiên họp
Nâng mức dư nợ vay lên 40% cho ngân sách Thành phố
Về mức dư nợ vay của ngân sách TP. Cần Thơ, dự thảo Nghị định quy định: "Mức dư nợ vay của ngân sách Thành phố không vượt quá 40% số thu ngân sách địa phương được hưởng theo phân cấp và nằm trong mức bội chi ngân sách nhà nước hàng năm được Quốc hội quyết định".
Ủy ban Tài chính- Ngân sách cơ bản tán thành với đề nghị của Chính phủ vì thực tế, cơ sở hạ tầng của Thành phố còn nhiều hạn chế, đặc biệt là hệ thống giao thông, xử lý chất thải và hạ tầng ứng phó với biến đổi khí hậu (nước biển dâng, xâm ngập mặn, hạn hán, sạt lở...) còn yếu và chưa đồng bộ làm ảnh hưởng đến môi trường đầu tư và môi trường dân sinh của Thành phố. Do đó, việc nâng mức dư nợ vay từ 30% lên 40% cho ngân sách TP. Cần Thơ sẽ tạo điều kiện cho Thành phố trong việc huy động thêm nguồn vốn đầu tư phát triển.
Bên cạnh đó, mức dư nợ vay này cũng tương đương với mức dư nợ vay của TP. Đà Nẵng và Hải Phòng đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua. Tuy nhiên, trong bối cảnh mức dư nợ vay của một số địa phương được nâng lên, đề nghị Chính phủ thực hiện các giải pháp điều hành chặt chẽ bảo đảm các chỉ tiêu an toàn nợ công không vượt mức trần Quốc hội quy định.
Tạo động lực khuyến khích tăng thu
Liên quan đến việc bổ sung có mục tiêu từ nguồn tăng thu so với dự toán, dự thảo Nghị định quy định: "Ngân sách Trung ương bổ sung có mục tiêu cho Thành phố không quá 70% số tăng thu so với dự toán được Thủ tướng Chính phủ giao từ các khoản thu phân chia giữa ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương (sau khi thực hiện thưởng vượt thu theo quy định của Luật ngân sách nhà nước năm 2015) và các khoản thu ngân sách trung ương hưởng 100%; số bổ sung có mục tiêu không cao hơn số tăng thu ngân sách trung ương trên địa bàn so với thực hiện thu năm trước".
Ủy ban Tài chính- Ngân sách nhất trí với đề xuất của Chính phủ và cho rằng, trong điều kiện hiện nay, việc bổ sung có mục tiêu từ ngân sách Trung ương cho TP. Cần Thơ còn hạn chế, chưa tương xứng với vị trí, vai trò cũng như nhu cầu đầu tư cơ sở hạ tầng của Thành phố. Vì vậy, việc quy định hỗ trợ cho Thành phố như trên là động lực khuyến khích Thành phố phấn đấu tăng thu và chỉ được thực hiện khi khoản thu phân chia giữa ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương có vượt thu. Tỷ lệ 70% là phù hợp với mặt bằng chung so với TP. Đà Nẵng và Hải Phòng.
Ưu tiên tạm ứng từ quỹ dự trữ tài chính vào xây dựng hạ tầng phòng chống thiên tai, biến đổi khí hậu
Đối với quy định về tạm ứng từ quỹ dự trữ tài chính, dự thảo Nghị định nêu rõ: "Ủy ban nhân dân Thành phố được phép tạm ứng từ quỹ dự trữ tài chính Thành phố để đầu tư cho các dự án cơ sở hạ tầng quan trọng thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách Thành phố nhưng chưa bố trí vốn trong phạm vi kế hoạch đầu tư công trung hạn. Thời gian tạm ứng không quá 36 tháng, kể từ ngày tạm ứng".
Về vấn đề này, Ủy ban Tài chính- Ngân sách nhận thấy, theo quy định tại khoản 2 Điều 11 của Luật Ngân sách nhà nước năm 2015, Quỹ dự trữ tài chính được sử dụng trong các trường hợp: cho ngân sách tạm ứng để đáp ứng các nhu cầu chi theo dự toán chi ngân sách khi nguồn thu chưa tập trung kịp và phải hoàn trả ngay trong năm ngân sách; thu ngân sách nhà nước hoặc vay để bù đắp bội chi không đạt mức dự toán được Quốc hội, Hội đồng nhân dân quyết định và thực hiện các nhiệm vụ phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, dịch bệnh trên diện rộng, với mức độ nghiêm trọng, nhiệm vụ về quốc phòng, an ninh và nhiệm vụ cấp bách khác phát sinh ngoài dự toán mà sau khi sắp xếp lại ngân sách, sử dụng hết dự phòng ngân sách mà vẫn chưa đủ nguồn, được sử dụng quỹ dự trữ tài chính để đáp ứng các nhu cầu chi nhưng mức sử dụng trong năm tối đa không quá 70% số dư đầu năm của quỹ.
Báo cáo thẩm tra nêu rõ, việc bổ sung quy định này cho UBND TP. Cần Thơ là tương đương với thẩm quyền đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định cho UBND TP. Hồ Chí Minh, nhưng vượt trội hơn so với TP. Hải Phòng và Đà Nẵng.
Để góp phần hiện thực hóa Kết luận số 07-KL/TW ngày 28/09/2016 của Bộ Chính trị "xây dựng phương án trình Chính phủ phê duyệt cho phép thí điểm một số cơ chế mới, vấn đề mới phát sinh từ thực tiễn đặt ra"; xuất phát từ vị trí trung tâm, vai trò đặc biệt quan trọng của TP. Cần Thơ đối với cả Vùng đồng bằng Sông Cửu Long; bên cạnh đó Thành phố cũng chịu ảnh hưởng rất lớn của tình trạng biến đổi khí hậu với nhiều sự cố thiên tai phát sinh, khó lường nên đa số ý kiến trong Ủy ban Tài chính- Ngân sách tán thành với dự thảo Nghị định của Chính phủ.
Tuy nhiên, để kiểm soát chặt chẽ việc tạm ứng và việc sử dụng vốn có trọng tâm, trọng điểm, Ủy ban Tài chính- Ngân sách đề nghị ưu tiên tạm ứng từ quỹ dự trữ tài chính của Thành phố để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phòng chống thiên tai, biến đổi khí hậu cấp bách phát sinh và mức tạm ứng trong giới hạn sử dụng của quỹ theo quy định của Luật ngân sách nhà nước năm 2015. Do đó, khoản 2 Điều 8 của dự thảo Nghị định đề nghị sửa thành như sau: "Ủy ban nhân dân Thành phố được phép tạm ứng từ quỹ dự trữ tài chính Thành phố để đầu tư cho các dự án cơ sở hạ tầng quan trọng, cấp bách và ưu tiên phục vụ cho phòng chống thiên tai, biến đổi khí hậu thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách Thành phố nhưng chưa bố trí vốn trong phạm vi kế hoạch đầu tư công trung hạn. Thời gian tạm ứng không quá 36 tháng kể từ ngày tạm ứng. Mức sử dụng quỹ dự trữ tài chính Thành phố trong năm (bao gồm số tạm ứng và số đã chi thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định) tối đa không quá 70% số dư đầu năm của quỹ".
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- Ngân sách Nguyễn Đức Hải cũng cho biết, một số ý kiến đề nghị cần cân nhắc kỹ việc bổ sung cho UBND TP. Cần Thơ thẩm quyền này để bảo đảm tương đương về thẩm quyền đối với TP. Hải Phòng và Đà Nẵng.
Đồng tình với Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính- Ngân sách, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản tán thành với việc ban hành Nghị định quy định một số cơ chế đặc thù về đầu tư, tài chính, ngân sách và phân cấp quản lý đối với TP. Cần Thơ nhằm tạo điều kiện thuận lợi về cơ chế, chính sách, tạo thêm nguồn lực và động lực mới để Thành phố phát triển nhanh, bền vững hơn, đóng góp xứng đáng vào sự phát triển chung của Vùng và của cả nước.
Phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng cho biết, TP. Cần Thơ cũng là một trong những thành phố trực thuộc Trung ương như TP. Hải Phòng và TP. Đà Nẵng, có vị trí chiến lược quan trọng của Vùng đồng bằng Sông Cửu Long và của cả nước về kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh. Tuy nhiên những năm qua, mức chi đầu tư cho TP. Cần Thơ lại chưa bằng TP. Hải Phòng và TP. Đà Nẵng. Do vậy, Nhà nước có sự quan tâm, chính sách đầu tư vượt trội hơn cho TP. Cần Thơ tạm thời ở giai đoạn này là phù hợp.
Qua thảo luận, các ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ rà soát lại các quy định có liên quan ở Luật Đầu tư, Luật Đầu tư Công, Luật Xây dựng, Luật Nhà ở để đảm bảo tính thống nhất trong hệ thống pháp luật.
Thay mặt Ủy ban thường vụ Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị Chính phủ tiếp thu toàn bộ các ý kiến thảo luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hôm nay cũng như ý kiến thẩm tra của Ủy ban Tài chính- Ngân sách để hoàn chỉnh dự thảo Nghị định theo đúng quy định.
Cũng trong sáng nay, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về một số vấn đề lớn của dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi).
Trình bày báo cáo một số vấn đề lớn xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho biết, dự thảo lần này về cơ bản đã tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 5 và các cơ quan hữu quan.
Tại phiên họp, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các đại biểu tham dự tập trung thảo luận vào một số nội dung đang còn có những ý kiến khác nhau của dự án Luật như Điều 32 về thẩm quyền kiểm soát tài sản, thu nhập; Điều 37 về đối tượng kê khai tài sản và vấn đề xử lý tài sản, thu nhập mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được hợp lý về nguồn gốc thu nhập.
Về thẩm quyền kiểm soát tài sản, thu nhập, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc băn khoăn khi giao cho Thanh tra Chính phủ, Thanh tra các bộ, ngành, Thanh tra cấp tỉnh kiểm soát tài sản, thu nhập của những người thuộc diện kê khai công tác tại các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và chính quyền địa phương. Cho rằng dù phương án này khắc phục một bước việc tổ chức dàn trải nhiều đầu mối, tăng cường hơn tính tập trung nhưng thiếu tính khách quan, vì đơn vị nào sẽ kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bộ thanh tra.
Về đối tượng kê khai tài sản, thu nhập, nhiều đại biểu đồng tình với việc mở rộng đối tượng có nghĩa vụ kê khai nhằm cơ bản đáp ứng yêu cầu tập trung kiểm soát tài sản, thu nhập của những người công tác tại các vị trí có nguy cơ tham nhũng cao, qua đó tăng cường hơn hiệu lực, hiệu quả của các biện pháp này trong phòng chống tham nhũng. Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh Nguyễn Mai Bộ, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho rằng cần làm rõ thế nào là kê khai trung thực và kê khai không trung thực, bởi lẽ giá trị tài sản ở mỗi thời điểm khác nhau có giá trị khác nhau. Vậy kê khai vào thời điểm nào mới là trung thực thì cũng cần phải quy định rõ. Ngoài ra, có ý kiến lo ngại việc kê khai khống tài sản nhằm mục đích đầu cơ.
Đối với phương án xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được hợp lý về nguồn gốc. Một số ý kiến tán thành với dự án Luật thu thuế thu nhập cá nhân đối với những trường hợp này. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng quy định như trong dự thảo là chưa thuyết phục cả về cơ sở pháp lý và thực tiễn. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng và Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến cho rằng để có căn cứ cho việc xử lý thì trong giải thích từ ngữ của dự thảo Luật nên giải thích rõ về tài sản tăng thêm và cần có mốc cụ thể để so sánh thời điểm tăng thêm là khi nào?
Quy định về mức thuế suất áp dụng đối với tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được hợp lý về nguồn gốc là 45%. Hầu hết các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội không đồng tình quy định về mức thuế suất này, cho rằng không có cơ sở. Một số đại biểu đề xuất, đã là tài sản không chứng minh được nguồn gốc thì đã là không trung thực trong kê khai trước hết cần xử lý kỷ luật sau đó chuyển qua các có thẩm quyền tiếp tục xử lý.
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá cao dự án Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi) đã được chuẩn bị công phu và lấy ý kiến qua các kỳ họp Quốc hội. Tuy nhiên, dự án luật vẫn còn một số điểm chưa nhận được sự đồng thuận, nhất là vấn đề xử lý tài sản, thu nhập mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được hợp lý về nguồn gốc quy định như trong dự thảo chưa thuyết phục cả về cơ sở pháp lý và thực tiễn. Việc đánh thuế 45% đối với tài sản không giải trình được hợp lý về nguồn gốc cũng chưa có cơ sở thuyết phục.
Phát biểu kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Uông Chu Lưu nhấn mạnh. Một số vấn đề trong dự thảo Luật còn có ý kiến khác nhau, chưa thống nhất. Về thẩm quyền kiểm soát tài sản, thu nhập, cơ quan soạn thảo tiếp tục chỉnh lý theo phương án 2 như trong dự thảo vì phương án này vừa tập trung vừa phân cấp, phân công trong hệ thống chính trị, qua đó kiểm soát thu nhập. Tuy nhiên, vấn đề cơ quan nào kiểm soát tài sản thu nhập của Thanh tra, lãnh đạo Đảng, Nhà nước.. thì cần phải quy định cụ thể hơn. Đối với vấn đề xử lý tài sản thu nhập không giải trình được nguồn gốc mà đánh thuế suất 45% trong dự thảo là chưa thuyết phục, bởi lẽ không nhà nước nào quy định thu thuế của tài sản bất hợp pháp.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị, sau Phiên họp thứ 25, Ủy ban Tư pháp tiếp tục tiếp thu kinh nghiệm quốc tế, tiếp tục xin ý kiến của các cơ quan trong Ban chỉ đạo Phòng chống tham nhũng và các cơ quan liên quan để làm căn cứ tiếp thu, chỉnh lý hoàn thiện dự thảo Luật./.
PV