(Congluan.vn)- Những ngày vừa qua có nhiều thông tin và kết quả kiểm định gây sốc cho người tiêu dùng. Không ăn vào người nhưng đứng gần, sử dụng nhiều cũng bị ảnh hưởng.
Tấm lợp Amiang cũng gây ung thư?
Bộ Y tế khẳng định, Bộ Xây dựng nghi ngờ
Hội thảo “Quản lý và sử dụng amiăng trắng trong sản xuất tấm lợp ở Việt Nam” do Bộ Xây dựng và Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội vừa tổ chức đã “mổ xẻ” vấn đề quản lý và sử dụng amiăng trắng trong sản xuất tấm lợp sau khi Bộ Y tế căn cứ vào khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trình Chính phủ kiến nghị cấm sử dụng amiăng trắng trong sản xuất tấm lợp xây dựng do nguy cơ gây ung thư cho người.
Đại diện WHO tại Việt Nam cho rằng, theo báo cáo của WHO và Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), các bệnh liên quan đến amiăng là ung thư phổi, u trung biểu mô, xơ phổi, ung thư thanh quản, ung thư buồng trứng… Do đó, hai tổ chức này khuyến nghị cấm hoàn toàn mọi dạng amiăng là cách hiệu quả nhất để loại bỏ mọi bệnh liên quan tới loại vật liệu này. “Theo ước tính của WHO năm 2004, có tới 107 ngàn người chết liên quan tới amiăng. Hiện nay trên thế giới có 54 quốc gia chính thức cấm amiăng, do vậy Việt Nam nên cấm sử dụng amiăng và sử dụng các vật liệu thay thế mà hiện nay hoàn toàn đủ điều kiện” - vị đại diện WHO khuyến cáo.
Cùng quan điểm, đại diện Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế) dẫn thông tin của Cơ quan nghiên cứu ung thư quốc tế (IARC) khẳng định: “Tất cả các loại amiăng đều gây ung thư và không có ngưỡng an toàn cho các chất gây ung thư”, rồi dẫn chứng bằng số liệu “rùng mình”: “Kết quả nghiên cứu khoa học của Bộ Y tế giai đoạn 2010-2011 tại 6 bệnh viện ghi nhận 447 trường hợp bệnh nghi ngờ liên quan đến amiăng nhập viện thì có 46 trường hợp được chẩn đoán ung thư trung biểu mô màng phổi (chiếm trên 10%)”.
Phản bác mạnh mẽ lại quan điểm của đại diện các đơn vị y tế, TS Võ Quang Diệm - Phó Chủ tịch Hiệp hội Tấm lợp Việt Nam - viện dẫn, có tới 149 quốc gia và vùng lãnh thổ vẫn đang sử dụng amiăng trong sản xuất các sản phẩm, trong đó có cả các nước lớn như Mỹ, Nga, Trung Quốc… Cũng theo TS Diệm: “Không có bằng chứng nghiên cứu rõ ràng nào về độc hại của nó cả”.
Sử dụng đồ gỗ có nguồn gốc để tránh ung thư
Nhưng phản bác của ông Diệm lại không gây băn khoăn với những người làm y tế bằng việc lãnh đạo một doanh nghiệp sản xuất tấm lợp tại Đông Anh (Hà Nội) phát biểu trong “nghẹn ngào”: “Chúng tôi có hàng nghìn cán bộ nhân viên hàng ngày vẫn tiếp xúc trực tiếp với amiăng, 100% đều được khám sức khỏe, chiếu chụp cẩn thận và được chuyên gia y tế đánh giá nhưng không có vấn đề gì nghiêm trọng. Chẳng ai trong chúng tôi chết vì ung thư, quy chụp như thế là “vơ đũa cả nắm” khiến doanh nghiệp lao đao, khốn khó”.
Ông Lê Văn Tới - Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) – cũng cho biết, trong suốt 6 năm (2008-2013), kết quả sau khi Bệnh viện Xây dựng tiến hành khám cho gần 3.600 công nhân các nhà máy sản xuất tấm lợp không phát hiện tổn thương điển hình của bệnh bụi phổi liên quan đến amiăng.
Đồ gỗ công nghiệp dễ gây bệnh
Đa số người tiêu dùng tìm đến với đồ nội thất làm bằng ván công nghiệp không hề biết đến sự độc hại trong sản phẩm gỗ mà chỉ quan tâm đến giá cả, mẫu mã, độ bền của sản phẩm. Chính điều này đã vô tình “rước” mầm bệnh về cho gia đình.
Theo TS Phạm Thành Quân, Trưởng khoa Kỹ thuật hóa học, ĐH Bách khoa TP.HCM cho biết, tất cả các loại ván công nghiệp đều chứa formaldehyde, do trong quá trình sản xuất phải sử dụng các loại keo như UF, PF… Các loại keo này tan trong nước, có tác dụng liên kết với cellulose của gỗ tạo nên độ bền, giữ hình thái, khiến tấm ván rắn chắc. Formaldehyde trong keo có khả năng phóng thích trong không khí nên có thể gây viêm da, xâm nhập vào đường hô hấp. Khi vào cơ thể, formaldehyde phản ứng với các amin tạo ra hóa chất độc, gây viêm da, viêm niêm mạc phổi, làm tổn thương những cơ quan này. Do phân tử của formaldehyde rất nhỏ nên có thể len lỏi vào da, vào đường máu khiến máu tạo ra hợp chất độc, tích tụ lâu ngày sẽ gây nguy hại cho tế bào, gây ung thư. Điều đáng nói là cơ thể người không có cơ chế đào thải formaldehyde.
Tổ chức Y tế Thế giới liệt kê formaldehyde là loại hóa chất độc hại đối với sức khỏe con người. Cơ thể con người nếu tiếp xúc với formaldehyde trong thời gian dài thì dù hàm lượng cao hay thấp cũng gây nhiều tác hại nghiêm trọng cho da và hệ thống, hô hấp, các bệnh về bạch cầu, gây ung thư nhiều cơ quan trong cơ thể, đặc biệt là ung thư đường hô hấp như mũi, họng, phổi… formaldehyde là tác nhân gây sai lệch và biến dị các nhiễm sắc thể, phụ nữ có thai bị nhiễm có thể ảnh hưởng đến sự pháp triển của bào thai.
Xi đánh giày cũng gây ung thư
Tiến sĩ Phạm Thành Quân, Phó trưởng Khoa Hóa, ĐH Bách khoa TP HCM nghi ngờ trong những sản phẩm xi đánh giày trôi nổi trên thị trường và không rõ nguồn gốc sẽ có hợp chất nitro, chẳng hạn như nitrobenzene, một chất tiền ung thư.
“Những hợp chất của nitro đã bị cấm dùng nhưng để giảm giá thành nhiều doanh nghiệp, đơn vị sản xuất hàng kém chất lượng vẫn sử dụng vì hợp chất của nitro dễ tạo màu, phối màu đẹp, và bắt màu lâu hơn, bền hơn”, tiến sĩ Quân nhấn mạnh.
Ngoài ra, trong xi đánh giày có chứa nitrobenzen, có thể tác động trực tiếp đến hệ thần kinh trung ương gây ra hiện tượng đau đầu, mất ngủ...
Thạc sĩ Nguyễn Thị Minh Nguyệt, Viện Công nghệ sinh học và thực phẩm, ĐH Công nghiệp TP HCM cho biết, Nitrobezen là hợp chất cực độc, nhất là đối với máu và hệ thần kinh. Hít thở trong thời gian ngắn một lượng lớn nitrobenzen sẽ nhanh chóng đưa đến mất cảm giác, có hiện tượng tê liệt, chóng mặt, nôn mửa, phá hoại hệ thần kinh. Khi cơ thể bị tác dụng lâu dài của nitrobezen thì da bị xanh xám, rất dễ gây ung thư, theo thông tin từ báo Đất Việt.