Ưu đãi thuế đang “nâng đỡ” ngành công nghiệp ô tô Việt Nam

Thứ ba, 03/11/2020 16:31 PM - 0 Trả lời

(CLO) Ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đang chịu những áp lực cạnh tranh. Tuy nhiên, những chính sách ưu đãi về thuế đang được xem là bệ đỡ cho các doanh nghiệp ô tô Việt Nam mở rộng sản xuất, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm trong nước.

Dây chuyền chế tạo, lắp ráp xe của Thaco Trường Hải,tại Khu Kinh tế mở Chu Lai. Ảnh:KN

Dây chuyền chế tạo, lắp ráp xe của Thaco Trường Hải,tại Khu Kinh tế mở Chu Lai. Ảnh:KN

Ngành công nghiệp manh mún

Dù ngành công nghiệp ô tô VN đã có những bước tăng trưởng nhanh trong vòng 2-3 năm gần đây, tuy nhiên, nếu so sánh với một số nước trong khu vực, quy mô của ngành công nghiệp ô tô VN vẫn nhỏ và manh mún. Đây là thông tin được ông Lương Đức Toàn, Phó trưởng phòng Công nghiệp chế biến chế tạo, Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) cho biết tại buổi tọa đàm “Chính sách thuế và vai trò Hải quan thúc đẩy công nghiệp ô tô Việt Nam” do Báo Hải quan phối hợp với Hiệp hội doanh nghiệp sản xuất ô tô VN (VAMA) tổ chức.

Theo ông Lương Đức Toàn, ngành công nghiệp ô tô của Việt Nam hiện mới chỉ tham gia vào phân khúc thấp của chuỗi giá trị ngành ô tô; phụ thuộc lớn vào sự phân công sản xuất của các Tập đoàn ô tô toàn cầu, chưa làm chủ được các công nghệ cốt lõi như động cơ, hệ thống điều khiển, hệ thống truyền động.

Ngoài ra, ngành sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước vẫn chưa đạt được tiêu chí của ngành sản xuất ô tô thực sự. Chưa tạo được sự hợp tác - liên kết và chuyên môn hoá giữa các doanh nghiệp trong sản xuất - lắp ráp ô tô và sản xuất phụ tùng linh kiện. Chưa hình thành được hệ thống các nhà cung cấp nguyên vật liệu và sản xuất linh kiện quy mô lớn.

Công nghiệp ô tô Việt Nam vẫn manh mún so với các nước trong khu vực. Nguồn:VAMA

Công nghiệp ô tô Việt Nam vẫn manh mún so với các nước trong khu vực. Nguồn:VAMA

Tỷ lệ nội địa hóa thấp nên chi phí sản xuất xe trong nước vẫn cao hơn các nước trong khu vực. Ảnh:KN

Tỷ lệ nội địa hóa thấp nên chi phí sản xuất xe trong nước vẫn cao hơn các nước trong khu vực. Ảnh:KN

Đồng quan điểm này, đại diện VAMA cũng nhận định, ngành sản xuất xe trong nước với quy mô nhỏ và có tới 80% linh kiện cho sản xuất xe trong nước phải nhập khẩu. Do sản lượng và tỷ lệ nội địa hóa thấp nên chi phí sản xuất xe trong nước (CKD) đắt hơn 10-20% so với giá sản xuất tại các nước trong khu vực.

"Bệ đỡ" quan trọng để thúc đẩy ngành công nghiệp ô tô

Ngành công nghiệp ô tô Việt Nam phát triển muộn hơn so các nước trong khu vực khoảng 30 năm. Trong khi Thái Lan, Indonesia, Malaysia phát triển công nghiệp ô tô từ những năm 1960, thì ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 1991 mới ra đời. Đây chính là áp lực cạnh tranh lớn đối với nền sản xuất trong nước.

Ông Lê Xuân Quang, Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam nhận định, việc đi sau các nước khiến ngành công nghiệp ô tô Việt Nam chịu áp lực cạnh tranh lớn, do vậy nên tập trung vào khâu sản xuất thiết bị phụ tùng.

 Điều này được chứng minh rõ qua số liệu từ Bộ Công Thương. Theo đó tiềm năng phát triển công nghiệp ô tô phụ thuộc vào 3 yếu tố: quy mô và cơ cấu dân số, mức thu nhập bình quân đầu người, và số xe trung bình/1000 dân. Tại Việt Nam, xu thế ô tô hóa (motorization) dự báo sẽ diễn ra trong thời gian tới, khi GDP bình quân đầu người vượt 3.000 USD và số xe trung bình trên 1.000 dân đạt 50 xe. Bên cạnh đó, Việt Nam đang trong giai đoạn dân số vàng, với sự gia tăng nhanh chóng của tầng lớp trung lưu, là khách hàng tiêu dùng lớn tiềm năng của xe cá nhân. Dự kiến nhu cầu tiêu thụ ô tô sẽ bùng nổ trong giai đoạn đến năm 2025.

Đã có 13 doanh nghiệp đăng ký tham gia chương trình ưu đãi thuế để sản xuất, lắp ráp ô tô theo quy định. Ảnh:KN

Đã có 13 doanh nghiệp đăng ký tham gia chương trình ưu đãi thuế để sản xuất, lắp ráp ô tô theo quy định. Ảnh:KN

Từ những dự báo và định hướng phát triển nêu trên, ngành công nghiệp ô tô lần đầu tiên được Đại hội Đảng lần thứ XII đưa công nghiệp hỗ trợ vào văn kiện đại hội Đảng (2018). Và đây là một thuận lợi cho ngành công nghiệp ô tô VN, khi một trong 4 nhóm giải pháp nhằm thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Đại hội XII của Đảng về công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, có nhấn mạnh việc đẩy mạnh phát triển công nghiệp hỗ trợ và cải cách thuế, phí, thủ tục hành chính nhằm thu hút đầu tư, giải quyết việc làm cho lao động, nâng cao tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp trên cả nước, nhất là ở khu vực nông thôn…

Một điểm đặc biệt quan trọng, được coi là “bệ đỡ” để thúc đẩy ngành công nghiệp hỗ trợ phát triển trong giai đoạn hiện nay, đó chính là việc mới đây Chính phủ đã ban hành Nghị định số 57/2020/NĐ-CP (ngày 25/5/2020) về ưu đãi đối với nguyên liệu vật tư, linh kiện để sản xuất, gia công (lắp ráp) các sản phẩm CNTT, ưu tiên phát triển cho ngành sản xuất lắp ráp ô tô giai đoạn năm 2020-2024 (chương trình ưu đãi thuế CNHT ô tô). Tiếp đó là Nghị quyết số 115/NQ-CP về các giải pháp thúc đẩy phát triển CNHT.

Đánh giá việc triển khai thực hiện chương trình ưu đãi thuế nhập khẩu linh kiện ô tô, bà Nguyễn Thu Trang - Phó trưởng phòng chính sách thuế XND - Bộ Tài chính cho biết, chương trình đã góp phần thúc đẩy sản xuất của các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước, tạo điều kiện để doanh nghiệp trong nước mở rộng đầu tư, tiếp tục phát triển, nâng cao khả năng cạnh tranh của xe sản xuất, lắp ráp trong nước so với xe nhập khẩu.

Hiện, cả nước có khoảng hơn 40 doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô với sản lượng sản xuất, lắp ráp trong nước đáp ứng khoảng 70% nhu cầu xe dưới 9 chỗ.

Đã có những doanh nghiệp lớn chú trọng đầu tư sản xuất linh kiện bằng việc gia tăng tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm 40% (Mức đáp ứng tiêu chí hàm lượng khu vực RVC để hưởng thuế suất 0% khi xuất khẩu sang các nước thị trường ASEAN) như Tập đoàn Thaco Trường Hải, TC Motor, VinFast...

Số liệu từ Cục Thuế xuất nhập khẩu - Tổng Cục Hải quan cho thấy, tính đến ngày 19/10/2020, đã có 13 doanh nghiệp đăng ký tham gia chương trình ưu đãi thuế để sản xuất, lắp ráp ô tô theo quy định và có 04 doanh nghiệp đăng ký tham gia chương trình ưu đãi thuế đối với nguyên liệu, vật tư, linh kiện để sản xuất, gia công (lắp ráp) các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển cho ngành sản xuất, lắp ráp ô tô giai đoạn năm 2020 - năm 2024.

Tại Nghị định 115 của Chính phủ, Bộ Tài chính được giao sửa đổi quy định về thuế tiêu thụ đặc biệt để nâng cao giá trị gia tăng trong nước, trình Quốc hội thảo luận tại kỳ họp cuối năm nay, VAMA tin rằng đây là thời điểm để thảo luận tích cực hơn nữa các giải pháp thúc đẩy ngành công nghiệp ô tô Việt Nam phát triển.

Tiến Vinh

Tin khác

VinFast VF 9 có gì để tự tin cạnh tranh với các xe xăng cùng tầm giá?

VinFast VF 9 có gì để tự tin cạnh tranh với các xe xăng cùng tầm giá?

(CLO) Là mẫu xe ô tô điện cao cấp nhất của VinFast với mức giá dao động từ khoảng 1,5 đến 2 tỷ đồng, VF 9 có những ưu điểm gì để có thể cạnh tranh với các đối thủ xe xăng?

Ô tô - Xe máy
Suzuki ra mắt xe tay ga NEX III 2024

Suzuki ra mắt xe tay ga NEX III 2024

(CLO) Suzuki tại Indonesia đã chính thức giới thiệu mẫu tay ga NEX III phiên bản 2024. Hướng tới phân khúc xe ga giá rẻ, xe được bán ra với 3 phiên bản và giá từ 19.355.000 rupiah (khoảng 30 triệu đồng) khi quy đổi ra tiền Việt theo tỷ giá hiện tại.

Ô tô - Xe máy
Cận cảnh CB500 Hornet 2024 ra mắt tại thị trường Anh

Cận cảnh CB500 Hornet 2024 ra mắt tại thị trường Anh

(CLO) Honda Anh quốc mới đây đã chính thức ra mắt CB500 Hornet 2024, một mẫu streetfighter với hàng loạt công nghệ hiện đại, đi kèm mức giá tại thị trường Anh là 6199 bảng (khoảng 195 triệu đồng).

Ô tô - Xe máy
Thuê xe tự lái dịp nghỉ lễ cần lưu ý điều gì?

Thuê xe tự lái dịp nghỉ lễ cần lưu ý điều gì?

(CLO) Trong đợt nghỉ lễ 30/4 - 1/5 lần này nhu cầu thuê xe tự lái chắc chắn sẽ tăng cao. Vậy khi thuê xe tự lái các bạn cần nắm rõ những điều gì?

Ô tô - Xe máy
Xem trước mẫu xe Mazda CX-80 lộ diện tại châu Âu

Xem trước mẫu xe Mazda CX-80 lộ diện tại châu Âu

(CLO) Mazda, thương hiệu ô tô đến từ Nhật Bản, đã lộ diện chiếc SUV mới nhất của mình tại thị trường Châu Âu, với tên gọi là CX-80. Xe được tùy chọn hai loại đông cơ gồm động cơ dầu mild-hybrid và động cơ xăng plug-in hybrid.

Ô tô - Xe máy