(CLO) Trên cơ sở tập hợp tâm tư, nguyện vọng và bức xúc của nhân dân, cán bộ, các bậc lão thành cách mạng về việc một số doanh nghiệp dựng trạm thu phí ở những con đường đã có BOT: Hạc Trì, Tam Nông (Phú Thọ), Thanh Lê (Thái Bình), Lương Sơn (Hòa Bình), Bến Thuỷ 1,2 (Nghệ An), sắp tới là Quốc lộ 3 (cũ), Báo điện tử Congluan.vn đã đăng bài viết: “Dựng trạm thu phí Quốc lộ 3 cũ: Tâm tư một vùng đất”, đặt vấn đề đồng thời phân tích phải – trái; đúng – sai. Bài báo được độc giả cả nước hoan nghênh ở tinh thần xây dựng. Trước và sau đó, có vài chục tờ báo, các hãng thông tấn, phát thanh – truyền hình Trung ương và địa phương đã và tiếp tục lên tiếng với kỳ vọng doanh nghiệp, chính quyền địa phương hãy lắng nghe, tháo gỡ, tránh làm cho sự việc phức tạp thêm…
[caption id="attachment_158741" align="aligncenter" width="1024"]
Trạm thu phí BOT Thái Nguyên. Ảnh: Internet[/caption]
Được biết, hiện nay doanh nghiệp (BOT), cơ quan quản lý Nhà nước về giao thông của Trung ương và địa phương đang tập trung giải quyết tình trạng nêu trên theo hướng chấp nhận “sự đã rồi”, trong khi bối cảnh hiện đang có sự “chồng lấn” giữa các mối quan hệ: quan hệ giữa hoạt động quản lý nhà nước về giao thông với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp; quan hệ giữa hoạt động quản lý nhà nước với người tham gia giao thông; quan hệ dân sự giữa nhân dân và nhà đầu tư (doanh nghiệp BOT). Đáng chú ý là gần đây, trong quan hệ giữa người dân với nhà đầu tư liên quan chặt chẽ đến quyền lợi kinh tế của cả hai phía, nếu không xử lý tốt, có thể ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh, trật tự an toàn xã hội. Dẫn chứng là gần đây, chấp nhận nhìn thẳng vào sự thật, các chủ doanh nghiệp BOT Bến Thủy 1,2 đã phải giải quyết phần nào đòi hỏi chính đáng của người dân; hay Trạm BOT Tam Nông dừng thu phí…
Báo Thanh Niên số ra ngày 11/4/2017 có phóng sự về BOT Thái Nguyên khá sâu sắc. Ngoài việc phân tích sự vô lý của việc đặt trạm thu phí, bài báo còn viện dẫn phát biểu của đại diện cơ quan quản lý Nhà nước về giao thông: Ông Trương Văn Phụng, Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉn này khi trả lời câu hỏi của bản báo dẫn ý kiến của người dân “ Tại sao đi đường này phải trả tiền cho đường kia”, Nói: “ Nhiều lúc vẫn phải láy chỗ nọ bù chỗ kia, đặt trạm BOT ở đường cũ để gánh cho trạm BOT ở đường mới”… , ông Phụng cũng nhấn mạnh: “ Khi nào giải quyết được cơ bản ý kiến của doanh nghiệp và người dân mới thực hiện thu phí”. Còn ông Nguyễn Hồng Trường, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải một lần nữa nói trong bài báo này rằng: Việc đặt trạm ở chỗ nào: đã thay đổi ý kiến nhiều lần, và cơ bản phải đặt ở chỗ “Thuận lợi” nhất….
Cách đặt vấn đề của các nhà quản lý như vậy rõ ràng chỉ hướng tới mục đích thu được nhiều tiền. Doanh nghiệp chỉ có một, nhưng phát biểu của ông Giám đốc Sở Giao thông vận tải vẫn đặt lợi ích của nhân dân sau lợi ích của doanh nghiệp. Còn Thứ trưởng thì luôn giải thích vị trí đặt trạm thu tiền sao cho “ phù hợp” chứ không nghĩ làm thế nào giảm thiểu thiệt thòi cho dân….
Sở dĩ hầu hết các trạm BOT đều “có chuyện” và lý do vì sao lại như vậy? Theo chúng tôi có mấy vấn đề chính. Đó là, BOT là hoạt động kinh tế, là doanh nghiệp, do vậy phải đặt đúng việc đầu tư giao thông là hoạt động kinh tế. Quản lý Nhà nước chỉ làm nhiệm vụ hỗ trợ pháp lý,thủ tục và kiểm tra kỹ thuật. Đi quá giới hạn này sẽ dẫn đến tính toán lợi ích, từ đó tìm cách để có lợi ích cao nhất kể cả việc vô lý như không đi vẫn phải nộp để “Lấy chỗ nọ bù chỗ kia” như ý của ông Phụng – Giám đốc Sở Giao thông – Vận tải Thái Nguyên.
Khi dựng trạm rồi, trước yêu cầu của nhân dân, dư luận xã hội, các cơ quan có trách nhiệm tìm giải pháp để khắc phục hậu quả bằng giảm trừ cho một số đối tượng.
Bài viết có tựa đề “Dựng trạm thu phí Quốc lộ 3 cũ: Tâm tư một vùng đất” đăng trên Công luận.vn ngày 26/3 đã phân tích kỹ. Chỉ xin nói lại: Quốc lộ 3 (cũ) là con đường về với Thủ đô kháng chiến, đã có từ ngàn đời, được bồi đắp bằng mồ hôi, tiền bạc công sức của nhân dân (Không hề là BOT). Sau hàng loạt các loại thuế liên quan đến giao thông, thêm thứ phí “Để gánh cho con đường khác” này chắc chắn nhân dân Việt Bắc sẽ lại thêm khổ. Rằng, nếu chỉ miễn cho nhân dân sống gần trạm thì chưa đủ mà cần một giải pháp căn cơ hơn, thuyết phục hơn. Một trong những phương án được chia sẻ với công luận là: Quốc lộ 3 (cũ ), Quốc lộ 37, Quốc lộ 254, nếu thật sự cần nâng cấp thì bằng các nguồn đóng góp qua thuế, phí khác. Nếu thật sự phải xã hội hóa thì nhà đầu tư nâng cấp đến đâu thu tiền đến đó và thu tiền đã bù trừ phần đường cũ, đầu tư từ tiền thuế của dân. Quyền lợi và nghĩa vụ minh bạch giữa người tham gia giao thông và nhà đầu tư…Trong điều kiên hiện tại,do là vùng căn cứ kháng chiến nên Quốc lộ 3,37,264 chưa cần thiết đến mức phải “sang trọng”. Hơn nữa đây còn là sự lựa chọn của người nghèo…
Vấn đề ở đây không phải là miễn giảm, thu cả, hay giảm cả, cho ai, cho đối tượng nào, mà là bản chất của việc thu đó đúng hay sai? Có nên tạo ra một xung đột lợi ích không đáng có hay không? Nếu không có việc dựng trạm ở Quốc lộ 3 (cũ), chắc chắn hình ảnh Thái Nguyên, Trung tâm Thủ đô kháng chiến sẽ đẹp hơn trong con mắt của nhân dân cả nước khi tìm về cội nguồn kháng chiến. Khi từ Hoàng Nông (Đại Từ) dời đồng bào Theo Quốc lộ 37 về Thủ đô Hà Nội ngày 12/10/1954, Bác Hồ đã tỏ lời cám ơn đồng bào Việt Bắc đã đùm bọc kháng chiến và mong cho Việt Bắc nhanh chóng giàu có. Nhà thơ Tố Hữu đã cụ thể hóa lời hứa của lãnh tụ rằng:
… “ Nhà cao chẳng khuất non xanh
Phố đông càng giục chân nhanh bước đường
… Than Phấn Mễ, thiếc Cao Bằng
Phố phường như nấm như măng giữa trời …”
Hay, ngay sau khi trở lại Việt Bắc tại đồi Khau Tý, xã Điềm Mặc, huyện Định Hóa ngày để lãnh đạo cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp 20/5/1947, Bác Hồ cũng đã nói “Cách mạng đã do Việt Bắc mà thành công thì kháng chiến cũng sẽ do Việt Bắc mà thắng lợi ”…
Bây giờ chăm lo phát triển kinh tế, xây dựng đất nước, lẽ ra mọi thứ phải vì dân; việc lớn nhỏ, dân phải được tham gia. Nhưng, chợt giật mình nghĩ về cụm từ quen thuộc: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” liệu có thực sự phát huy trong cuộc sống? Một việc lớn như vậy của doanh nghiệp chẳng lẽ Hội đồng nhân dân các tỉnh Việt Bắc không biết, Mặt trận Tổ Quốc từ xóm, xã đến huyện, tỉnh của các tỉnh không biết? Dân không được hỏi ý kiến hay sao? Và nếu được hỏi, nếu vì hạnh phúc của đồng bào các dân tộc Việt Bắc biết đâu dân lại hiến thêm đất để làm đường to rộng hơn như họ đã từng Tiêu thổ cho kháng chiến, bát cơm sẻ nửa chăn sui đắp cùng những năm nào (!)
Trả lời Báo Thanh Niên, một lãnh đạo ngành nói rằng chưa thấy doanh nghiệp hay người dân ý kiến gì với cơ quan quản lý !!!
Chẳng lẽ quản lý nhà nước lại chỉ mong chờ kiến nghị, kiện tụng rồi mới giải quyết hay sao?
Việt Bắc Boonghây