(CLO) Đó là chia sẻ của ông Đoàn Minh Thắng - Phó Tổng giám đốc Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) về quá trình xử lý nợ xấu của hệ thống ngân hàng trong thời gian dài vừa qua.
[caption id="attachment_114958" align="aligncenter" width="600"]
Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, tỷ lệ nợ xấu luôn biến đổi hàng ngày, hàng giờ nên mục tiêu của NHNN là sẽ phấn đấu duy trì tỷ lệ này dao động ổn định và bền vững trong mức dưới 3% - Ảnh minh họa[/caption]
Nhận định về hoạt động mua bán nợ xấu của VAMC, ông Thắng cho biết, tính từ khi thành lập đến nay, VAMC đã mua được 251.000 tỷ đồng nợ xấu. Lũy kế đến nay thu hồi được khoảng 34.000 tỷ đồng, tương ứng khoảng 15% khối lượng nợ mua vào.
Chia sẻ thêm về tình hình xử lý "bóng ma" này của hệ thống ngân hàng, ông Thắng khẳng định, VAMC vẫn đang nỗ lực giải quyết nợ xấu và tốc độ thu hồi nợ luôn tăng qua từng năm.
"Nếu như năm 2014, VAMC chỉ thu được 5.000 tỷ đồng thì đến năm 2015 đã thu được 12 nghìn tỷ đồng và đến thời điểm này đã thu được 11 nghìn tỷ đồng. Theo kế hoạch của VAMC năm 2016 sẽ mua được 30 nghìn tỷ đồng nợ xấu", ông Thắng thông tin.
Tuy nhiên, lãnh đạo này của VAMC cũng thừa nhận việc mua bán nợ xấu hiện còn khó khăn và vướng mắc xuất phát từ hành lang pháp lý cho thị trường mua bán nợ.
Đơn cử, quá trình bán nợ xấu của các doanh nghiệp nhà nước theo các quy định hiện hành chỉ cho phép VAMC được phép bán nợ xấu cho các đơn vị có chức năng mua bán nợ xấu. Điều này hạn chế khá nhiều hoạt động bán nợ xấu ra thị trường của VAMC.
Hơn nữa, theo quy định hiện hành về điều kiện kinh doanh mua bán nợ xấu, doanh nghiệp được mua bán nợ phải có mức vốn tối thiểu là 100 tỷ đồng và những điều kiện khác. Vì thế, dù VAMC có thể mua được nợ xấu nhưng để bán nợ xấu cho các tổ chức này vẫn còn rất phức tạp khi phải xem xét nhiều yếu tố liên quan. Đây cũng là một lý do khiến các DN đủ điều kiện còn khá khiêm tốn, chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường.
Nói về vấn đề này, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng đã khẳng định, xử lý nợ xấu là một trong những hoạt động trọng tâm của NHNN trong quá trình điều hành và phát triển. "Trong thời gian vừa qua, Thống đốc NHNN đã có các chỉ thị để tăng cường khả năng xử lý nợ xấu. Đơn cử như Chỉ thị 04 được ban hành vào tháng 5 vừa qua cũng đã nhất quán với Chỉ thị 01 về phương hướng điều hành chính sách tiền tệ trong đó có nhấn mạnh về mức độ và tiến trình xử lý nợ xấu", bà Hồng khẳng định.
Tuy nhiên, tỷ lệ nợ xấu luôn luôn biến đổi hàng ngày, hàng giờ bởi đây là thương số giữa tổng nợ xấu và dư nợ tín dụng. Trong khi đó, dư nợ tín dụng phụ thuộc vào nhu cầu và mức độ vay và trả tiền của khách hàng bao gồm cả người dân và doanh nghiệp. "Chính vì vậy, NHNN sẽ phấn đấu duy trì tỷ lệ này dao động ổn định và bền vững trong mức dưới 3%. Đây là tỷ lệ đã được Chính phủ và Quốc hội thông qua", bà Hồng nhấn mạnh.
Theo kết quả công bố của NHNN vừa qua, tỷ lệ nợ xấu của hệ thống ngân hàng tính đến hết tháng 6/2016 là 2,58%, giảm so với mức 2,78% vào tháng 5/2016. Kết quả này vẫn đảm bảo được mục tiêu duy trì tỷ lệ nợ xấu dưới mức 3% mà NHNN đã đề ra.
Số liệu do các ngân hàng và VAMC báo cáo cũng cho thấy, tổng các khoản nợ xấu được xử lý trong 6 tháng đầu năm 2016 đạt 59,71 nghìn tỷ đồng (giảm 14,55% so với cùng kỳ năm trước). Trong đó, bán nợ cho VAMC 8,88 nghìn tỷ đồng, khách hàng trả nợ 30,98 nghìn tỷ đồng, sử dụng dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu 7,24 nghìn tỷ đồng.
Quỳnh Liên