“Vấn nạn” cần có giải pháp xử lý quyết liệt, cụ thể!

Thứ năm, 27/09/2018 06:30 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Trung bình mỗi năm, người dân chi 1.000 tỷ đồng để mua sách giáo khoa (SGK) nhưng chỉ sử dụng một lần do viết bài tập vào sách, không thể tái sử dụng. Thông tin từ bà Nguyễn Thanh Hải - Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội không chỉ làm nóng phiên họp thứ 27 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội mà còn thổi bùng lên ngọn lửa bức xúc về thực trạng độc quyền, kéo theo lãng phí SGK vốn âm ỉ trong dư luận từ lâu.

Quá phung phí!

Đó là nhận định của báo Người Lao Động trước thực trạng sách giáo khoa nhiều năm qua chỉ được học sinh sử dụng một lần rồi bỏ. Theo tìm hiểu của phóng viên báo Người Lao Động, SGK từ Tiểu học đến THPT đều yêu cầu học sinh làm thẳng bài vào SGK. Cụ thể, đối với học sinh lớp 4, ở môn toán, ngay ở bài đầu tiên, học sinh đã phải làm vào sách các bài toán trong phạm vi 100.000. Các trang tiếp theo, trang nào cũng in sẵn các phần bài tập cho học sinh làm bài ngay vào sách. Học sinh chỉ việc viết các phép tính vào sách, thay vì sách bài tập hay vở toán được sử dụng để ghi bài giảng của giáo viên trên lớp. Đối với các bài toán đố, người biên soạn sách đưa ra các phương án kết quả để học sinh khoanh tròn, kiểu làm bài trắc nghiệm.

Điều đáng nói là học sinh đã làm bài trực tiếp vào SGK nhưng các phụ huynh vẫn phải mua thêm sách bài tập do NXB Giáo dục phát hành cho con theo yêu cầu của nhà trường, mặc dù những cuốn sách bài tập này học sinh rất hiếm dùng đến hoặc bỏ không đến tận cuối năm.

Đối với môn tiếng Việt, học sinh cũng làm bài vào SGK tương tự như đối với sách toán song số lượng bài viết vào SGK ít hơn. Trong khi đó, môn tin học (sách của dự án mô hình trường học mới VNEN) và sách tiếng Anh thì 100% số bài học các học sinh phải viết bài vào SGK. Mà bộ sách tiếng Anh và tin học rất đắt tiền, lên đến 55.000 đồng (sách tin học) và gần 100.000 đồng (sách và vở bài tập tiếng Anh) nhưng dùng một lần rồi bỏ. Đối với lớp 3, phụ huynh - học sinh phải chi 116.000 đồng để mua sách tiếng Anh gồm 2 cuốn SGK (tập 1, tập 2) cùng với 1 cuốn vở bài tập và kèm đĩa CD…

Ở bậc THCS và THPT, cách sử dụng sách cũng tương tự như vậy. Việc giải bài tập trực tiếp vào SGK khiến bộ sách không thể dùng lại được nữa, đồng nghĩa với việc SGK chỉ dùng một lần rồi vứt!

Báo Người Lao Động cũng dẫn lời Trưởng Ban Dân nguyện của QH Nguyễn Thanh Hải cho biết hiện cử tri rất bức xúc liên quan đến việc SGK chỉ dùng một lần, quá lãng phí. Bà Hải cho hay qua tìm hiểu, tổng doanh thu của NXB Giáo dục Việt Nam năm 2015 là 1.041 tỷ đồng, năm 2016 là 1.147 tỷ đồng, năm 2017 là 1.203 tỷ đồng. Năm 2018-2019, NXB này đưa ra thị trường 100 triệu bản SGK và 100 triệu bản sách này sang năm không dùng được, chỉ để bán đồng nát. Theo bà Hải, tính trung bình, mỗi năm phụ huynh chi 1.000 tỷ đồng mua SGK do những quyển sách này chỉ dùng một lần vì có phần bài tập đi kèm, buộc học sinh (HS) phải ghi bài giải trực tiếp vào sách. 

Báo Công luận
 
Phản hồi của Bộ GD&ĐT: Chủ trương sử dụng SGK nhiều lần 

Trước băn khoăn của dư luận xã hội về việc lãng phí sử dụng SGK, tiêu tốn mỗi năm hơn 1.000 tỷ đồng nhưng chỉ dùng được một lần, gây lãng phí, ngày 21/9 vừa qua, ông Nguyễn Hữu Độ, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho biết quan điểm về vấn đề này. Ông Nguyễn Hữu Độ cho biết phiên bản SGK hiện nay là phiên bản đã được sử dụng ổn định từ nhiều năm nay. Khi biên soạn SGK hiện hành, các tác giả đã xây dựng hệ thống bài tập trong SGK theo hướng đa dạng, phong phú về nội dung và hình thức trình bày nhằm tạo hứng thú học tập cho học sinh, đồng thời giúp học sinh làm quen với các dạng bài tập khác nhau trong kiểm tra, đánh giá theo xu thế chung của các nước phát triển. Do đó ngoài các câu hỏi, bài tập dạng truyền thống (bài tập tự luận), các tác giả có đưa vào SGK các dạng bài tập trắc nghiệm với các hình thức đặc thù như điền khuyết, lựa chọn đúng/sai, cặp đôi (nối kết)… Do đặc thù của môn học, ngoài các câu hỏi, bài tập dạng truyền thống (bài tập tự luận), đối với một số SGK, nhất là SGK Toán 1, Tiếng Anh (do đặc trưng của các môn học này), các tác giả có đưa vào các dạng bài tập trắc nghiệm và các dạng bài tập khác với “câu lệnh” ngắn gọn, dễ hiểu và rõ ràng như: Điền/Viết vào chỗ chấm hoặc ô trống, lựa chọn đúng/sai, nối, khoanh, vẽ, đánh dấu, tô màu,… Theo ông Đô, SGK Toán của các nước tiên tiến trên thế giới cũng đều thiết kế các dạng bài học với hình thức như trên.

Về quan điểm chỉ đạo, Bộ GD&ĐT xác định: sách giáo khoa cần được sử dụng, bảo quản tốt để có thể sử dụng lại được khi cần thiết, tránh lãng phí cho gia đình học sinh, xã hội. Trong sách giáo viên có yêu cầu nhắc nhở học sinh không viết vào sách để SGK có thể sử dụng được nhiều lần.

Tiểu xảo để bán sách!

Tuy nhiên, lý giải của Bộ GD&ĐT dường như không thỏa mãn được các chuyên gia, rằng nếu những người làm sách muốn sách có thể tái sử dụng thì sẽ không biên soạn theo kiểu để học sinh có thể viết vào đó. Thậm chí GS Đinh Quang Báo - nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội còn cho rằng cách làm SGK như lâu nay của ngành giáo dục chỉ là tiểu xảo để bán sách chứ không có ý nghĩa về mặt chuyên môn.

Một trong những tác giả biên soạn bộ SGK hiện hành, GS Nguyễn Khắc Phi, Tổng chủ biên SGK Ngữ văn lớp 7 và lớp 8, chia sẻ rằng khi tiến hành biên soạn SGK, các tác giả chưa lường hết việc này. Khi đi vào sử dụng, vấn đề tái sử dụng SGK, sách bài tập mới được đặt ra. GS Phạm Tất Dong - Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam cho rằng nguyên nhân cơ bản nhất của sự lãng phí này chính là do cách chỉ đạo sử dụng SGK và chương trình nhiều khi không ổn định. Do giảm tải, chỉnh sửa nên SGK năm nay không dùng cho năm sau được.

Theo báo An ninh Thủ đô, trên thế giới, đặc biệt là các nước tiên tiến, không có chuyện SGK chỉ sử dụng được một lần. Báo dẫn rất nhiều ví dụ như tại Đức, không giống như Việt Nam hiện nay - chỉ có một bộ SGK duy nhất do một cơ quan giống như Nhà xuất bản Giáo dục của Việt Nam phát hành, ở Đức, mỗi bang có một chương trình giáo dục khác nhau, vì thế cần nhiều bộ SGK. Cùng một bang, có thể có 5-7 bộ sách khác nhau cho cùng một môn học. Có khoảng hơn 20 nhà xuất bản (NXB) cung cấp SGK ở Đức. Việc quyết định mua bộ sách giáo khoa nào sẽ do hội đồng bộ môn của từng môn trong nhà trường quyết định. Để đảm bảo tính kinh tế nhằm chuyển giao từ lớp này sang lớp khác, SGK ở Đức không có chỗ để học sinh viết vào. Thay vào đó, sách bài tập dùng một lần sẽ có chỗ cho học sinh viết vào sách.

Bà Tô Thụy Diễm Quyên - cố vấn giáo dục của Tập đoàn Microsoft cũng cho biết ở Mỹ khi HS đến trường, nguyên tắc của họ là sách được dùng đi dùng lại, HS không được viết, vẽ vào sách, để khi kết thúc năm học, những đầu sách được gom về thư viện để dùng cho các khóa học sau.

Cần hành động quyết liệt, có giải pháp cụ thể

Nhiều chuyên gia cho rằng sự lãng phí từ việc SGK chỉ sử dụng được một lần là quá lớn, quá rõ ràng và đặc biệt đã tái diễn nhiều năm nay không khác một “vấn nạn” nhưng cho tới nay ngành giáo dục vẫn chưa có giải pháp xử lý. Để dẹp bỏ vấn nạn lãng phí SGK này, thiết nghĩ, sắp tới, Bộ GD&ĐT cần có hành động quyết liệt hơn, xem xét cụ thể SGK theo chương trình giáo dục phổ thông mới cần khắc phục bất cập gì, “một chương trình, nhiều bộ SGK” cần có cơ chế rõ ràng ra sao.

PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng GD&ĐT  cũng đồng tình với quan điểm này khi cho rằng đã thừa nhận và hứa sửa đổi, Bộ cần quán triệt thành quy định rõ ràng để thực hiện. Bộ GD&ĐT cũng nên có kế hoạch hằng năm, chỉ cho phép in một số phần trăm SGK bổ sung nhất định, chứ không phải in tràn lan để... bán sách. Phần bài tập cần được thiết kế tách biệt với SGK. Vở bài tập nên bán giá rẻ, học xong có thể bỏ đi.

Bên cạnh đó, một vấn đề không thể không đề cập tới và làm rõ là có hay không câu chuyện lợi ích nhóm trong tình trạng độc quyền trong xuất bản SGK  hay không? Làm rõ được câu chuyện này đồng nghĩa với việc sẽ góp phần xử lý rốt ráo “vấn nạn” lãng phí SGK.

Nguyễn Thư

Tin khác

Phát triển du lịch xanh: Không phải cứ nói suông là được!

Phát triển du lịch xanh: Không phải cứ nói suông là được!

(NB&CL) Tại Việt Nam, du lịch xanh đang dần hình thành và phát triển ở nhiều địa phương. Giới chuyên gia nhận định trong thời gian tới, du lịch xanh không chỉ đóng vai trò to lớn trong bảo vệ đa dạng sinh học và văn hóa cộng đồng mà còn đóng góp tích cực cho sự phát triển bền vững ở Việt Nam. Tuy nhiên, “Diễn đàn Du lịch Việt Nam - Chuyển đổi Xanh để phát triển bền vững” nằm trong khuôn khổ Hội chợ Du lịch Quốc tế Việt Nam VITM Hà Nội 2024 đã khẳng định: Chuyển đổi du lịch xanh không chỉ là vấn đề phủ xanh không gian du lịch, bảo vệ môi trường sinh thái mà cần có sự đổi mới tư duy của những người làm du lịch, ứng xử đúng mực với thiên nhiên.

Góc nhìn
Lại chuyện đặt tên phố, tên làng!

Lại chuyện đặt tên phố, tên làng!

(CLO) Một đôi vợ chồng trẻ chuẩn bị sinh con đầu lòng, nghĩ nát óc cả dăm bảy tháng để đặt tên cô con gái rượu sắp ra đời.

Góc nhìn
Kỳ 3: Mở chiến dịch Điện Biên Phủ - Đường đến quyết định lịch sử

Kỳ 3: Mở chiến dịch Điện Biên Phủ - Đường đến quyết định lịch sử

(NB&CL) Theo nhìn nhận của nhiều nhà nghiên cứu, sử gia, việc ngày 6/12/1953, Bộ Chính trị quyết định mở chiến dịch tiêu diệt toàn bộ quân địch ở tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ là quyết định mang tính lịch sử. Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dựa vào những cứ liệu nào để có được chủ trương hết sức linh hoạt, sáng tạo và kịp thời ấy? - Đó là câu hỏi mà đến nay, tròn 70 năm sau, vẫn được hết sức quan tâm.

Góc nhìn
Ghi âm, ghi hình phải được sự đồng ý của chủ tọa phiên tòa: Báo chí cần được đảm bảo quyền tác nghiệp

Ghi âm, ghi hình phải được sự đồng ý của chủ tọa phiên tòa: Báo chí cần được đảm bảo quyền tác nghiệp

(NB&CL) Dự thảo Luật Tòa án (sửa đổi) quy định theo hướng “thắt chặt” việc ghi âm, ghi hình tại phiên tòa. Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình cho rằng, quy định này là cần thiết, để phiên tòa tập trung xét xử, trang nghiêm.

Góc nhìn
Giảm trừ gia cảnh: Cần linh hoạt theo thực tiễn đời sống

Giảm trừ gia cảnh: Cần linh hoạt theo thực tiễn đời sống

(NB&CL) Mức giảm trừ gia cảnh hiện nay quá thấp so với mức chi tiêu cơ bản, mức sống thực tế của người dân và không phù hợp với sự biến động liên tục của mặt bằng giá. Điều này đã được giới chuyên gia cũng như báo chí lên tiếng khá nhiều nhưng cho tới nay, mức trừ gia cảnh vẫn không thay đổi...

Góc nhìn