Việt Nam lần thứ hai trúng cử Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ:

"Vàng mười" sẽ qua thử lửa!

Thứ bảy, 08/06/2019 18:12 PM - 0 Trả lời

(CLO) Lần thứ hai trong vòng 10 năm qua, Việt Nam đã trở thành Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc với số phiếu kỷ lục (192/193). Sự tín nhiệm lớn ấy đang mang đến cho Việt Nam cơ hội "có một không ai" trong việc thể hiện vị thế ngày càng cao trên trường quốc tế.

1. 10h10 tối ngày 7/6 (giờ Hà Nội), cả khán phòng Đại hội đồng Liên Hợp Quốc(LHQ)  như vỡ òa cùng những tràng vỗ tay không ngớt khi Chủ tịch Đại hội đồng LHQ Maria Fernanda Espinosa Garces thông báo Việt Nam đã chính thức đắc cử Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an (HĐBA) LHQ nhiệm kỳ 2020-2021 với số phiếu kỷ lục 192/193 phiếu. 

Bà Maria Fernanda Espinosa Garces, Chủ tịch Đại Hội đồng LHQ Khóa 73 (trên bục, bên trái), đọc kết quả bầu cử đối với đoàn Việt Nam. Ảnh: Nhóm phóng viên TTXVN tại New York, Mỹ

Bà Maria Fernanda Espinosa Garces, Chủ tịch Đại Hội đồng LHQ Khóa 73 (trên bục, bên trái), đọc kết quả bầu cử đối với đoàn Việt Nam. Ảnh: Nhóm phóng viên TTXVN tại New York, Mỹ

Trước đó cùng ngày, cũng tại trụ sở LHQ ở thành phố New York của Mỹ, cuộc bỏ phiếu bầu ra các ủy viên không thường trực mới của HĐBA đã diễn ra. Sau quá trình bỏ phiếu và 40 phút kiểm phiếu, kết quả cho thấy có tổng cộng 192/193 quốc gia, vùng lãnh thổ là thành viên Đại hội đồng LHQ đã bỏ phiếu cho Việt Nam. Trong khi đó, con số tối thiểu để giành chiến thắng chỉ cần trên 2/3 số phiếu (tức trên 129 phiếu).

Đại diện các nước tới chúc mừng, chia vui cùng đoàn Việt Nam. Ảnh: Nhóm phóng viên TTXVN tại New York, Mỹ.

Đại diện các nước tới chúc mừng, chia vui cùng đoàn Việt Nam. Ảnh: Nhóm phóng viên TTXVN tại New York, Mỹ.

Phái đoàn các nước đã ngay lập tức gửi lời chúc mừng Việt Nam trên cương vị mới, đồng thời bày tỏ kỳ vọng vào những đóng góp tích cực của Việt Nam cho cộng đồng quốc tế trong nhiệm kỳ sắp tới. Đơn cử như lời bà Caitlin Wiesen -Đại diện thường trú của Chương trình phát triển LHQ tại Việt Nam: "Việt Nam có thể đóng góp trên 3 khía cạnh khi đảm nhận vị trí này. Thứ nhất là ổn định hòa bình thế giới. Ví dụ cụ thể là Việt Nam đã tham gia bệnh viện dã chiến cấp II đến Nam Sudan trong năm 2018. Và tôi biết Việt Nam đang muốn tăng cường tham gia vào các nỗ lực gìn giữ hòa bình khác như các vấn đề về bom mìn. Khía cạnh thứ hai là biến đổi khí hậu. Việt Nam là một trong các nước chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ biến đổi khí hậu. Việt Nam cũng là thành viên sáng lập của nhóm V20 - 20 nước chịu ảnh hưởng từ biến đổi khí hậu. Việt Nam đóng vai trò kết nối các nước này lại với nhau để cùng tìm ra lời giải cho các vấn đề về biến đổi khí hậu. Cuối cùng, Việt Nam sẽ là cầu nối giữa HĐBA LHQ và ASEAN".

Niềm vui của các thành viên của đoàn Việt Nam khi trúng cử với số phiếu gần như tuyệt đối. Ảnh: Nhóm phóng viên TTXVN tại New York, Mỹ.

Niềm vui của các thành viên của đoàn Việt Nam khi trúng cử với số phiếu gần như tuyệt đối. Ảnh: Nhóm phóng viên TTXVN tại New York, Mỹ.

2. "Việt Nam có vị thế đặc biệt, "độc nhất vô nhị" vì có rất ít quốc gia vừa là thành viên HĐBA vừa là Chủ tịch một khối đa phương lớn như ASEAN trong cùng một thời gian. Đây sẽ là cơ hội lớn cho Việt Nam"- ông Kamal Malhotra - Điều phối viên thường trú Liên Hợp Quốc tại Việt Nam- đã thốt lên như vậy trước việc Việt Nam lần thứ 2 chỉ trong vòng một thập kỷ được bầu làm Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ. 

Ông Kamal Malhotra hoàn toàn có cơ sở khi "áp" 4 chữ "độc nhất vô nhị" vào câu chuyện vị thế của Việt Nam ngày hôm nay. Bởi không phải đến tận giờ, mà kể từ trước khi gia nhập LHQ, cuộc đấu tranh anh dũng giành độc lập dân tộc, quyền cơ bản của con người,  thành tựu của công cuộc đổi mới, vượt qua đói nghèo, hàn gắn vết thương chiến tranh, xây dựng đất nước phát triển năng động, truyền thống, đạo lý yêu chuộng hòa bình... đã khiến Việt Nam trở thành một tấm gương sáng, một cái tên luôn được bạn bè quốc tế nhắc tới với lòng yêu mến, cảm phục.

Trên bình diện ngoại giao quốc tế, chính sách đối ngoại hòa bình, độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa của Việt Nam từ lâu cũng đã được các quốc gia trên thế giới đánh giá cao. Đặc biệt là việc Việt Nam từng bước gia nhập và giờ đây tham gia hết sức tích cực vào nhiều tổ chức, diễn đàn đa phương quan trọng ở khu vực và thế giới. Có thể nói, tại các diễn đàn đa phương, Việt Nam đã khẳng định được vai trò và uy tín, là một thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, có khả năng trực tiếp đóng góp, định hình luật chơi và các cơ chế quốc tế, khu vực, vì hòa bình và thịnh vượng của nhân loại, đồng thời nâng cao vị thế đất nước, hình ảnh một dân tộc Việt Nam yêu chuộng hòa bình, văn hiến, một đất nước Việt Nam đổi mới, năng động và không ngừng phát triển. Với LHQ, kể từ khi gia nhập tổ chức này năm 1977, Việt Nam đã và đang là một thành viên có trách nhiệm đồng thời là một trong những quốc gia đi tiên phong trong thúc đẩy hòa bình, tiến bộ, hợp tác và phát triển trên thế giới, có những đóng góp cụ thể vào quá trình xây dựng và thực thi các điều ước quốc tế của LHQ nhằm xây dựng một thể chế đa phương toàn cầu công bằng, minh bạch và hiệu quả, đáp ứng nguyện vọng chung của toàn nhân loại. Đóng góp của Việt Nam đã để lại những dấu ấn đậm nét được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao, đặc biệt là trong hoạt động của Đại hội đồng, HĐBA, Hội đồng Nhân quyền, Hội đồng Kinh tế-xã hội và nhiều cơ quan trực thuộc LHQ.

Thêm vào đó, việc Việt Nam liên tiếp trở thành nước "chủ nhà" của nhiều sự kiện quốc tế lớn như: Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) năm 2017, Hội nghị Diễn đàn Kinh tế Thế giới về ASEAN (WEF ASEAN) và gần đây nhất là Hội nghị Thượng đỉnh Hoa Kỳ - Triều Tiên lần thứ hai... đã khẳng định vị thế của Việt Nam, như nhìn nhận của Giáo sư-Tiến sỹ quan hệ quốc tế Lee Woong-Hyeon, Chủ tịch Viện Nghiên cứu Địa chính trị Hàn Quốc, Giảng viên trường Đại học Hàn Quốc: Một cường quốc ngoại giao mạnh mẽ trên thế giới. 

Giờ đây, với việc lần thứ 2 trở thành Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ nhiệm kỳ 2020-2021 song song với việc đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN vào năm 2020, Việt Nam tiếp tục nắm giữ trong tay cơ hội "có một không hai" để khẳng định và nâng tầm vị thế "độc nhất vô nhị" ấy của mình.

3. "Việt Nam trở thành thành viên không thường trực HĐBA LHQ là một vinh dự lớn lao, khẳng định đường lối đối ngoại đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta, song cũng là trách nhiệm hết sức nặng nề, đòi hỏi chúng ta phải nỗ lực hết mình để hoàn thành trọng trách mà cộng đồng quốc tế giao phó”, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng bày tỏ trong Thông điệp nhân dịp Việt Nam đảm nhiệm vai trò Uỷ viên không thường trực HĐBA LHQ. Rõ ràng là vậy. Cơ hội lớn bao giờ cũng đi liền với thách thức lớn, những lợi ích tiềm tàng về ngoại giao trong tương lai bao giờ cũng đi kèm với trách nhiệm nặng nề.  

HĐBA LHQ là cơ quan chính trị quan trọng nhất của LHQ. Các ủy viên mới được bầu sẽ tiếp tục lãnh trọng trách góp phần xây dựng chương trình nghị sự, tham gia định hình chính sách của LHQ. Khối lượng công việc của các thành viên mới trong đó có Việt Nam được nhận xét rất nặng nề. Lượng công việc ấy sẽ còn nhiều hơn rất nhiều khi Việt Nam bước vào nhiệm kỳ chủ tịch luân phiên Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) vào đúng năm 2020.

Bên cạnh đó, cục diện thế giới trong thời điểm hiện nay rất khác, các nước lớn cạnh tranh gay gắt, chủ nghĩa đa phương bị suy yếu ít nhiều, và trật tự luật pháp quốc tế cũng bị đe dọa.  Nhiều vấn đề xung đột phức tạp và lâu dài vẫn tiếp diễn chưa có hồi kết như vấn đề bán đảo Triều Tiên, căng thẳng ở Biển Đông, quan hệ Mỹ- Iran, các cuộc xung đột dai dẳng ở Syria, Yemen và Libya đã kéo dài nhiều năm, dù đây là những vấn đề HĐBA liên tục đưa lên bàn nghị sự.

Theo các chuyên gia, một thách thức nữa không thể không nói tới là mâu thuẫn và bất đồng về quan điểm chính trị giữa 5 ủy viên thường trực của HĐBA ngày càng gia tăng, gây trở ngại cho rất nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam.

Thời gian giữ nhiệm kỳ 2 năm - khoảng thời gian tương đối ngắn để có thể tạo được dấu ấn tại HĐBA- cũng là một thách thức lớn nữa mà Việt Nam sẽ phải đối mặt. 

Nhưng, người Việt vẫn có câu "Lửa thử vàng, gian nan thử sức", thực tế lịch sử đấu tranh dựng nước, giữ nước và xây dựng đất nước hàng nghìn năm qua của dân tộc Việt đã cho thấy thách thức càng lớn dân tộc ta càng có cơ hội để thể hiện mình. 

Sự kiên định trong chính sách đối ngoại hòa bình, độc lập, tự chủ, làm bạn với tất cả các nước sẽ là cẩm nang giúp ta xử lý thành công quan hệ với các nước lớn, tranh thủ được sự ủng hộ rộng rãi của bạn bè quốc tế

Sự nỗ lực bắt nhịp với những mảng công việc của HĐBA,  sự chuẩn bị kỹ lưỡng nội dung đối với các vấn đề dự kiến sẽ được bàn thảo trong giai đoạn 2020 - 2021 và thu xếp hợp lý về thời gian, nhân lực dự họp cũng như theo dõi những vấn đề này; Sự hợp tác hiệu quả với 9 ủy viên không thường trực khác... sẽ là những yếu tố căn bản giúp Việt Nam chúng ta vượt qua được những thách thức trên cương vị mới.

"Vàng đã qua lửa" sẽ là "vàng mười". Vượt qua được được những thách thức ấy là lúc một lần nữa Việt Nam tiếp tục khẳng định bản lĩnh, vị thế trên trường quốc tế.

Hồng Sâm

Với tư cách ứng viên duy nhất của nhóm châu Á - Thái Bình Dương cho cương vị Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2020-2021, Việt Nam đưa ra 7 ưu tiên chính là: Thứ nhất, ngăn ngừa xung đột, ngoại giao phòng ngừa, giải quyết hòa bình tranh chấp và thúc đẩy thực hiện Chương VI của Hiến chương. Thứ hai, cải cách phương pháp làm việc của Hội đồng Bảo an, tăng cường vai trò của các tổ chức khu vực theo Chương VII của Hiến chương. Thứ ba, bảo vệ thường dân, các cơ sở hạ tầng thiết yếu trong xung đột vũ trang. Thứ tư, phụ nữ, hòa bình và an ninh, trẻ em trong xung đột vũ trang. Thứ năm, giải quyết hậu quả xung đột, nhất là xử lý vật liệu nổ/bom mìn còn sót lại, phục vụ tái thiết và phát triển kinh tế xã hội. Thứ sáu, các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc. Thứ bảy, Tác động của biến đổi khí hậu đối với hòa bình và an ninh.

Tin khác

Kỳ 4: Ráo riết chuẩn bị cho trận đánh lớn

Kỳ 4: Ráo riết chuẩn bị cho trận đánh lớn

(NB&CL) Ngay sau khi Chiến dịch Điện Biên Phủ được khai mở, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ thị: “Chiến dịch này là một chiến dịch quan trọng không những về quân sự mà cả về chính trị, không những đối với trong nước mà đối với quốc tế. Vì vậy toàn quân, toàn dân, toàn Đảng phải tập trung hoàn thành cho kỳ được”. Thực hiện chỉ thị của Người, ngay từ cuối năm 1953, công tác chuẩn bị cho chiến dịch được ráo riết tiến hành với quyết tâm cao độ và tinh thần: “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”.

Góc nhìn
Phát triển du lịch xanh: Không phải cứ nói suông là được!

Phát triển du lịch xanh: Không phải cứ nói suông là được!

(NB&CL) Tại Việt Nam, du lịch xanh đang dần hình thành và phát triển ở nhiều địa phương. Giới chuyên gia nhận định trong thời gian tới, du lịch xanh không chỉ đóng vai trò to lớn trong bảo vệ đa dạng sinh học và văn hóa cộng đồng mà còn đóng góp tích cực cho sự phát triển bền vững ở Việt Nam. Tuy nhiên, “Diễn đàn Du lịch Việt Nam - Chuyển đổi Xanh để phát triển bền vững” nằm trong khuôn khổ Hội chợ Du lịch Quốc tế Việt Nam VITM Hà Nội 2024 đã khẳng định: Chuyển đổi du lịch xanh không chỉ là vấn đề phủ xanh không gian du lịch, bảo vệ môi trường sinh thái mà cần có sự đổi mới tư duy của những người làm du lịch, ứng xử đúng mực với thiên nhiên.

Góc nhìn
Lại chuyện đặt tên phố, tên làng!

Lại chuyện đặt tên phố, tên làng!

(CLO) Một đôi vợ chồng trẻ chuẩn bị sinh con đầu lòng, nghĩ nát óc cả dăm bảy tháng để đặt tên cô con gái rượu sắp ra đời.

Góc nhìn
Kỳ 3: Mở chiến dịch Điện Biên Phủ - Đường đến quyết định lịch sử

Kỳ 3: Mở chiến dịch Điện Biên Phủ - Đường đến quyết định lịch sử

(NB&CL) Theo nhìn nhận của nhiều nhà nghiên cứu, sử gia, việc ngày 6/12/1953, Bộ Chính trị quyết định mở chiến dịch tiêu diệt toàn bộ quân địch ở tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ là quyết định mang tính lịch sử. Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dựa vào những cứ liệu nào để có được chủ trương hết sức linh hoạt, sáng tạo và kịp thời ấy? - Đó là câu hỏi mà đến nay, tròn 70 năm sau, vẫn được hết sức quan tâm.

Góc nhìn
Ghi âm, ghi hình phải được sự đồng ý của chủ tọa phiên tòa: Báo chí cần được đảm bảo quyền tác nghiệp

Ghi âm, ghi hình phải được sự đồng ý của chủ tọa phiên tòa: Báo chí cần được đảm bảo quyền tác nghiệp

(NB&CL) Dự thảo Luật Tòa án (sửa đổi) quy định theo hướng “thắt chặt” việc ghi âm, ghi hình tại phiên tòa. Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình cho rằng, quy định này là cần thiết, để phiên tòa tập trung xét xử, trang nghiêm.

Góc nhìn