(NB&CL) Chúng tôi trở lại Đại Từ (Thái Nguyên) để một lần nữa tìm hiểu về một sự kiện cách nay đã 70 năm, nơi tổ chức công bố bức thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh lấy ngày 27/7 hằng năm để tri ân công lao, đóng góp của thương binh, gia đình liệt sỹ cho độc lập dân tộc; tìm hiểu về tấm lòng của người dân vùng chiến khu một thời với thương binh và hành trình nhân nghĩa ân tình 70 năm qua trên mảnh đất này… Với chúng tôi, đã mấy chục năm gắn bó với nghề báo và những trang viết, không phải lần đầu mà đã nhiều lần về đây để tìm hiểu và cung cấp thông tin trên báo chí. Những lần đầu cách đây đã 30 năm, khi mà Đảng, Nhà nước thấy cần thiết phải lần tìm nguồn cội của những sự kiện, trong đó một mảng quan trọng diễn ra tại chiến khu Việt Bắc. Những tài liệu có được không nhiều, nhân chứng thưa vắng cho nên việc tìm kiếm cũng ít gặp thuận lợi. Năm đó, ông Lê Thành Ân, kể rằng: Năm 1947, ông là Quyền trưởng phòng Thương binh thuộc Chính trị cục của QĐND Việt Nam. Khi Đảng, Chính phủ chuyển lên Chiến khu Việt Bắc, Hà Nội thực hiện “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, khắp các mặt trận, số người bị thương và hy sinh ngày một nhiều, trở thành vấn đề lớn của đất nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ thị: Cần sớm có một ngày kỷ niệm dành cho thương binh, người thân của liệt sỹ để Tổ quốc và đồng bào luôn nhớ tới và có những giúp đỡ đối với người đã cống hiến cho đất nước. [caption id="attachment_173872" align="aligncenter" width="640"]
Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân- Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch UBTW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tại di tích. Ảnh: Quốc Cường.[/caption] Thời kỳ này, Bác Hồ đang ở Định Hóa, cũng gần Đại Từ, Bác tự tay đánh máy bức thư chuyển cho bên Chính trị của quân đội để lo việc công bố. Ngày 10/7/1947, ông Lê Thành Ân về Đại Từ gặp ông Trung Thành, Bí thư kiêm chủ tịch huyện để bàn họp Ban tổ chức. Sau đó, Ban tổ chức đã họp, có thêm các đại biểu: Trần Quốc Thịnh, đại diện Tổng bộ Việt Minh; Đào Duy Kỳ, đại diện Xứ ủy Bắc Kỳ; Nguyệt Tú thay mặt Hội phụ nữ… Lý giải vì sao chọn ngày 27-7, đơn giản là dễ nhớ. Ông Lê Tất Đắc, trưởng phòng tuyên truyền Chính trị cục quân đội lúc đó đã gieo vần:
“Dù ai đi đông về tây 27 tháng 7 nhớ ngày thương binh; Dù ai lên thác xuống ghềnh 27 tháng 7 thương binh nhớ ngày”. Thế là chiều 27/7/1947, tại cụm gốc đa (ít nhất 3 gốc, có miếu thờ tiến sỹ Đồng Doãn Giai có từ lâu đời) xóm Bàn Cờ, xã Hùng Sơn, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên. Việc tổ chức ở địa điểm này có nhiều thuận lợi, đó là: Đại Từ là vùng đất có truyền thống yêu nước, đang là vùng tự do, nhiều cơ quan của ta, kể cả các cơ sở chăm sóc, điều trị thương bệnh binh đang ở. Vị trí tổ chức mít tinh có thể tránh được sự nhòm ngó của máy bay địch… Lễ mít tinh chỉ có 300 người gồm bộ đội, cán bộ và đại biểu nhân dân 4 xã lân cận và chỉ diễn ra hơn 40 phút… Bức thư của Bác Hồ gửi nhân ngày “Thương binh đầu tiên” do ông Lê Tất Đắc đọc tại buổi mít tinh đã khiến mọi người xúc động… Bác viết:
“Đang khi Tổ quốc lâm nguy, giang sơn, sự nghiệp, mồ mả, đền chùa nhà thờ của tổ tiên ta bị uy hiếp; cha mẹ, anh em, vợ con thân thích, họ hàng ta bị đe dọa; của cải ruộng nương, nhà cửa, ao vườn, làng mạc ta bị nguy ngập; ai là người xung phong trước hết để chống cự quân thù, để giữ gìn đất nước cho chúng ta? Đó là những chiến sĩ mà nay thành ra thương binh. Thương binh là những người đã hy sinh gia đình, hy sinh xương máu để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ đồng bào. Vì lợi ích của Tổ quốc, của đồng bào mà các đồng chí chịu ốm yếu… Vì vậy Tổ quốc và đồng bào phải biết ơn, phải giúp đỡ những người con anh dũng ấy. Trong lúc chống nạn đói kém, đồng bào ta đã từng mỗi tuần nhịn ăn một bữa, để giúp đồng bào bị đói. Bây giờ chống giặc ngoại xâm, tôi chắc đồng bào ta sẽ vui lòng vài ba tháng nhịn ăn một bữa để giúp các chiến sĩ bị thương. Ngày 27 tháng 7 là một dịp cho đồng bào ta tỏ lòng hiếu nghĩa bác ái, tỏ lòng yêu mến thương binh. Luôn luôn tin vào lòng nhường cơm, sẻ áo của đồng bào ta, tôi chắc rằng “Ngày thương binh” sẽ có kết quả mĩ mãn. Tôi xin xung phong gửi một chiếc áo lót lụa mà các chị em phụ nữ đã biếu tôi, một tháng lương của tôi, một bữa ăn của tôi và của các nhân viên tại Phủ Chủ tịch tổng cộng là một nghìn một trăm hai mươi bảy đồng (1.127đ)”. Ngày 27/7/1947 Hồ Chí Minh
[caption id="attachment_173873" align="aligncenter" width="640"]
Lễ đón chân hương tại các nghĩa trang liệt sĩ cả nước.[/caption]
Ngay sau buổi lễ giản dị, trang trọng và xúc động chiều tối 27/7/1947, địa phương đầu tiên của cả nước phát động phong trào Đền ơn đáp nghĩa cũng là huyện Đại Từ thuộc ATK Thái Nguyên. Điển hình có gia đình bà Bá Huy (Nguyễn Thị Đích), Bí thư phụ nữ Cứu quốc xã Lục Ba đã hiến nhiều ruộng, nhà cửa, trâu bò, thóc lúa cho đơn vị điều dưỡng thương bệnh binh (còn gọi là An dưỡng đường số 1). Bác Hồ hay tin tấm lòng nghĩa hiệp của gia đình bà đã gửi thư khen. Gia đình ông Đặng Văn Ẩm hầu như đảm nhiệm việc nuôi dưỡng thương binh tại An dưỡng đường số 2 tại xã Mỹ Yên- một xã nằm kín đáo bên sườn đông dãy Tam Đảo. Có những phong trào ra đời trong thực tiễn kháng chiến mà nhân dân chiến khu sáng tạo ra như “Hội giúp binh sĩ bị nạn”, “Mùa đông binh sĩ”, “Phụ nữ lấy chồng thương binh”… Cụm cây đa lịch sử xóm Bàn Cờ, chứng nhân của sự kiện, theo thời gian cứ xanh tươi mãi… Vào những năm 1980, chúng ta đã đầu tư lập bia di tích ghi dấu sự kiện. Sau những năm 2000, Nhà nước đã qui hoạch nơi đây thành điểm di tích đặc biệt bao gồm nhà bia, sân hành lễ, nhà lưu niệm, hồ sen, sân vận động… Di tích lịch sử 27/7 là địa chỉ đỏ để giáo dục truyền thống, tri ân lịch sử của đất nước…
***
Mảnh đất Đại Từ bốn mùa xanh đã đi qua các cuộc kháng chiến một cách đầy tự hào. Trong kháng chiến chống Pháp đã đi đầu cả nước về phong trào Uống nước nhớ nguồn, trong chống Mỹ và công cuộc xây dựng cũng sáng tạo nhiều hoạt động có ý nghĩa thiết thực: Tặng sổ tiết kiệm tình nghĩa; vườn cây, ao cá tình nghĩa, làm nhà tình nghĩa tặng thương binh, gia đình liệt sỹ, Bà mẹ Việt Nam Anh hùng… Anh Nguyễn Duy Hùng, Phó bí thư, Chủ tịch UBND huyện hồ hởi:
- Cho đến nay, Đại Từ vẫn là huyện có tốc độ phát triển kinh tế- xã hội nhanh và vững chắc của tỉnh Thái Nguyên. Đời sống khấm khá, công tác xã hội được chú trọng. Toàn huyện có 1.516 liệt sỹ, 100 bà mẹ Việt Nam Anh hùng gia đình thân nhân và các mẹ khi còn sống luôn được chăm sóc chu đáo. Huyện đang xúc tiến chăm lo nhà ở cho 2.593 người có công với cách mạng…
Nói về Khu di tích 27/7, chị Nguyễn Thị Hợp, người có nhiều năm gắn bó với lĩnh vực văn hóa, hiện là Trưởng Đài Truyền thanh- Truyền hình huyện Đại Từ kể: “30 năm qua, khu di tích đặc biệt này luôn được quan tâm đầu tư và đã là nơi đi về tri ân của đồng bào cả nước. Huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên thay mặt đồng bào cả nước luôn gìn giữ, trông nom, tu bổ cho di tích ngày càng ấm áp. Đặc biệt, nơi đây nhân kỷ niệm 60 năm Ngày Thương binh liệt sỹ 27/7/2007 còn vinh dự đón bát hương thờ liệt sỹ cả nước về nguồn cội cũng đã góp phần làm tăng vị trí linh thiêng của di tích”…
Câu chuyện ở nơi phát tích Ngày Thương binh liệt sỹ là như vậy!
Hữu Minh