(NB&CL) - Ngôi chùa cổ Vân Hồ (phường Lê Đại Hành, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) đã được phong là di tích lịch sử - văn hoá từ nhiều năm nay. Đây cũng là địa điểm sinh hoạt văn hoá tâm linh lâu đời của bà con phật tử trên địa bàn Thủ đô. Nhà chùa cũng đựơc biết đến với nhiều hoạt động từ thiện trên địa bàn và ở vùng sâu vùng xa, được Tổ phụ nữ, cán bộ Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc phường Lê Đại Hành và báo chí ghi nhận. Tuy nhiên, mấy năm trở lại đây, chốn thiền này đã bị xáo trộn ít nhiều vì sư cô Thích Đàm Thục (thế danh Chu Thị Sen) liên tục có hành vi sai trái khiến phật tử vô cùng bức xúc. Đã có gần chục tờ báo của Trung ương và Hà Nội lên tiếng, song sự việc hiện vẫn giậm chân tại chỗ. Mới đây, các phật tử đã làm đơn khẩn cầu (lần 2) gửi đến lãnh đạo Giáo hội phật giáo Hà Nội, các cơ quan chức năng liên quan và báo báo chí kêu cứu và mong đợi sự việc sớm được Giáo hội Phật giáo Hà Nội giải quyết dứt điểm để trả lại sự an bình, tôn nghiêm vốn có nơi đây.
Chùa Vân Hồ, di tích lịch sử – văn hoá Quốc Gia
Còn xứng đáng là “nhà tu hành”?
Theo phản ánh của phật tử Phùng Thị Síu, trú tại số 98B phố Tuệ Tĩnh (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) - đại diện cho rất nhiều phật tử thường xuyên đến hành lễ ở Chùa Vân Hồ cho biết: Sư cô Thích Đàm Thục (thế danh Chu Thị Sen, SN 1973) là người được sư trụ trì chùa Vân Hồ nhận làm đệ tử và nuôi dưỡng ăn học, dạy dỗ từ năm 20 tuổi và trở thành nhà tu hành. Nhưng với bản tính bướng bỉnh, sau khi sư tổ Thích Đàm Hợp (trụ trì chùa Vân Hồ) qua đời, sư Thục đã liên tục có những hành vi sai trái, trái với luật lệ phật giáo, nhiều lần gây hiềm khích với người nuôi dạy mình trực tiếp là Sư thầy Thích Đàm Nhung (hiện là trụ trì Chùa Vân Hồ).
Với tinh thần đồng đạo, pháp lữ, không muốn mối quan hệ thầy trò xấu đi, tháng 8/2008, sư cô Thích Đàm Thục được Thành hội Phật giáo Hà Nội và sư thầy Thích Đàm Nhung chấp thuận cho về tiếp quản làm trụ trì tại chùa Khánh Sơn (thuộc thôn Cổ Liễn, xã Cổ Đông, TX. Sơn Tây, Hà Nội). Tuy nhiên, sau khi về đây, sư Thục nhiều lần bất hòa với đệ tử, xảy ra đánh nhau buộc công an xã Cổ Đông phải lập biên bản vì gây rối trật tự địa phương. Thậm chí, trong biên bản làm việc với cơ quan công an, sư Thục còn bị chính đệ tử của mình (tên P.T.K.A) tố rằng nguyên nhân xảy ra việc mâu thuấn nói trên xuất phát việc sư Thục có quan hệ đồng tính luyến ái với một cô gái tên H. (25 tuổi- xin được dấu tên). Cũng từ khi về làm trụ trì chùa Khánh Sơn, sư Thục đã có những hành vi xâm phạm như: tự ý đốn hạ cây cổ thụ trong chùa, không minh bạch tiền công đức, chi tiêu trong chùa nên người dân đã buộc sư Thục viết đơn giao trả lại chùa vào ngày 22/6/2010.
Mặc dù không còn là thành viên của Giáo hội Phật giáo quận Hai Bà Trưng và của Chùa Vân Hồ (kể từ khi sư Thục có quyết định bổ nhiệm về chùa Cổ Liễn ở Sơn Tây, Hà Nội), song nghĩ thương trò ốm đau bệnh tật, sư thầy trụ trì chùa Vân Hồ đã giang tay cứu giúp, cho sư Thục trở về chùa Vân Hồ tá túc, điều trị bệnh. Tuy nhiên, không lâu sau, sư Thục lại tiếp tục có những hành vi sai trái như: Nhiều lần lấy cắp tiền công đức bị bắt quả tang phải làm bản kiểm điểm; Vô cớ gây gổ đánh nhau với các phật tử đến chùa làm lễ, thậm chí còn nhục mạ, đánh cả sư thầy đến hành lễ buộc các cấp chính quyền phải vào cuộc, làm xấu hình ảnh phật giáo…
Về những hành xử sai trái trên, sư Thục đã có nhiều bản kiểm điểm sám hối và cam kết sẽ không tái phạm, thậm chí còn hứa với sư thầy: “Nếu con còn phạm những tội như bản kiểm điểm trên, con tự động ra đi”. Trong Biên bản hòa giải của Ban trị sự Phật giáo quận Hai Bà Trưng ngày 25/12/2012, sư Thục cũng thừa nhận: “Từ trước đến nay con đã có nhiều lỗi lầm với thầy, nay xin thầy và Ban trị sự Phật giáo quận Hai Bà Trưng cho phép được sám hối”. Ngoài ra, anh trai của sư Thục ở quê là anh Chu Đức Thành (SN 1961 trú tại thôn Ba Nhà, xã Yên Sơn, huyện Quốc Oai, Hà Nội) cũng có đơn tố cáo việc sư Thục có hành vi tranh giành nhà đất và đánh anh trai gửi đến Công an phường Lê Đại Hành và Chùa Vân Hồ.
Sư cô Thích Đàm Thục liên tục có hành vi sai trái khiến phật tử vô cùng bức xúc
Để sự việc lình xình đến bao giờ?
Từ năm 2013 đến nay, trên tinh thần đồng đạo, pháp lữ, Ban trị sự Phật giáo quận Hai Bà Trưng đã nhiều lần tổ chức họp khuyên giải sư cô Thích Đàm Thục nhưng không có kết quả và ngày càng gây ảnh hưởng xấu hình ảnh phật giáo.
Ngày 3/5/2013, nhận thấy sự việc liên quan đến sư Thục ngày càng nghiêm trọng hơn, Ban trị sự phật giáo quận hai Bà Trưng và các cơ quan chức năng đã họp lại để giải quyết. Tại cuộc họp này, Thượng tá Vũ Thanh Sơn, Phó trưởng phòng Phòng An ninh xã hội (PA88) -Công an Hà Nội thẳng thắn đưa ra quan điểm: “Từ năm 2010, sư Thục đã có nhiều hành vi sai trái, phải làm rất nhiều bản kiểm điểm, nay lại kiện thầy, nói xấu thầy. Trong khi đó theo luật lệ nhà Phật là 3 lần can gián không được thì đông khứ tây khứ. Vậy đề nghị Thành hội Phật giáo Hà Nội giải quyết, tạo điều kiện cho sư Thục đi chùa khác để giải thoát cho sư thầy Thích Đàm Nhung”.
Cũng tại cuộc họp này, ông Nguyễn Bá Vệ, Trưởng công an phường Lê Đại Hành, cho biết: “Sư Thục từ ngày có quyết định bổ nhiệm làm trụ trì tại chùa ở Sơn Tây, chưa có quyết định nào quay lại chùa Vân Hồ nên đề nghị Ban trị sự Phật giáo quận Hai Bà Trưng kiến nghị lên Giáo hội Phật giáo Hà Nội điều sư Thục đến một chùa nào đó, để an ninh chùa Vân Hồ cũng như địa bàn phường được ổn định”. Còn Ni sư Thích Đàm Nam - Trưởng ban Trị sự Phật giáo quận Hai Bà Trưng đưa ra ý kiến: “Ban trị sự Phật giáo quận Hai Bà Trưng đã khuyên giải nhưng không có kết quả. Đề nghị sư Thục thực hiện quyết định bổ nhiệm về chùa ở Sơn Tây. Từ nay, ban trị sự Phật giáo quận Hai Bà Trưng không còn trách nhiệm về việc này nữa” (vì sư Thục không còn là người Giáo hội Phật giáo quận Hai Bà Trưng – PV).
Tuy nhiên, sau khi có cuộc họp trên, sư Thục cứ ở ỳ trong chùa Vân Hồ và tiếp tục có những việc làm vô đạo khiến các phật tử vô cùng bức xúc phải làm đơn kêu cứu khẩn thiết gửi tới Ban trị sự Phật giáo Thành phố Hà Nội và các cơ quan chức năng vào ngày 25/6 mới đây, đề nghị nhanh chóng giải quyết dứt điểm vụ việc. Được biết, sau khi nhận được đơn, Ban trị sự Phật giáo TP. Hà Nội đang xem xét giải quyết.
Dư luận phật tử đang đặt câu hỏi, liệu một con người có những lầm lỗi, phạm phải quá nhiều giới cấm kị đối với nhà tu hành, gây mất an ninh trật tự ở hai ngồi chùa nơi mình đến nương thân tu tập như vậy có xứng đáng được đứng trong giới tu hành nữa hay không? Điều này cần sự vào cuộc giải quyết dứt điểm của Giáo hội Phật giáo Thành phố Hà Nội.