(CLO) Có sử chép rằng, năm 1826, vua Minh Mạng ốm nặng, nằm mộng thấy một ông thầy chùa bận áo vỏ cây, cầm quạt đứng bên ngọc sàn mà quạt. Sáng ra thánh thể được khỏe khoắn. Vua lấy làm lạ, hỏi ra mới biết vị sư già đó có lẽ là Linh Phong thiền sư ở chùa Linh Phong ngày xưa.Vua cảm kích nên đền ơn đất Phật, ban cho chùa này một chiếc áo cà sa mới may để thờ, đồng thời cho lấy 120 lượng bạc ở trong kho để trùng tu lại chùa. Ông thầy chùa bận áo vỏ cây ấy, tức Lê Ban (thiền sư Tịnh Giác - Thiện Trì) vẫn được người dân Bình Định gọi với cái tên dân dã là Ông Núi.
[caption id="attachment_84723" align="aligncenter" width="600"]
Người dâng đang dâng hương tại chùa Ông Núi[/caption]
Chùa Linh Phong hay còn được gọi là chùa Ông Núi tọa lạc ngay lưng chừng đỉnh Chóp Vung - đỉnh cao nhất của dãy núi Bà, thuộc thôn Phương Phi, xã Cát Tiến, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định. Chùa Ông Núi là một trong những ngôi chùa cổ đẹp và nổi tiếng ở Bình Định. Vào ngày 24, 25 âm lịch hàng năm, chùa mở hội và cũng là ngày giỗ của vị thiền sư trụ trì. Bà con khắp vùng lại nô nức về thăm và đi hội tháng Giêng.
Sáng ngày 2/3 tức 24 âm lịch, ước tính khoảng hàng vạn người đổ về chùa Ông Núi để cúng lễ, cầu tài lộc, bình an và cùng nhau trẩy hội. Có mặt tại các con đường chính dẫn lên chùa có thể chứng kiến từng dòng người đông đúc, trải dài kéo nhau đổ về. Đông vui và rộn ràng, người chen như nêm kín các con đường. Các lực lượng cảnh sát, dân quân tự vệ và các đội Thanh niên cũng có mặt để giữ trật tự , hướng dẫn bà con lên lễ chùa được an toàn.
[caption id="attachment_84724" align="aligncenter" width="580"]
Dòng người len lỏi để đi vào hang Tổ[/caption]
Đến chùa Ông Núi không chỉ đến với hang Tổ (nơi Ông Núi tu hành ngày trước) và ngôi chùa, mà là đến cả một vùng nước non linh địa. Ở đó, người ta có thể lót trăng mà ngủ, tựa đá ngồi ngâm thơ, như năm xưa Ông Núi đã hòa mình cùng thiên nhiên, liên lạc với chim thú. Qua lời kể của một vị sư già thì vào mỗi mùa thi, học sinh trong vùng thường đem sách vở lên chùa để học. Vì không gian nơi đây yên tịnh. Đặc biệt, nơi này ngày xưa, Ðào Tấn - một nhà văn hóa lớn của nước ta, đã đến cư trú một thời gian để dùi mài kinh sử. Chính vì lẽ đó, như một lệ thường, người dân hàng năm vẫn không quên về đây trẩy hội, để thành tâm bái lễ, tưởng nhớ về một lối sống thanh tao, dung dị không ích kỷ, bon chen sự đời, và cũng là để ngắm nhìn khung cảnh trong lành nơi non cao, phóng tầm mắt ra xa để thu lại những cảnh đẹp của quê hương mình.
[caption id="attachment_84725" align="aligncenter" width="960"]
Khung cảnh nhìn từ trên đỉnh núi Bà[/caption]
Không quản ngại việc phải leo hàng trăm bậc đá to và chen chúc trong dòng người đông đúc, có thể thấy rất nhiều người lớn, trẻ nhỏ, thanh niên, đàn ông, phụ nữ cũng đều hồ hởi để đến cúng lễ, cầu an. Không ăn bận lượt là, những dòng người với trang phục bình dị, chân chất vẫn đổ về chùa như một thói quen tâm linh của người dân xứ “nẫu”. Cô L.T.H (Hoài Nhơn, Bình Định) chia sẻ: “Nhà cô ở tận ngoài Tam Quan, cô phải bắt xe đi từ tờ mờ sớm . Lên đến đây leo bậc đá để vào cúng lễ, cầu bình an, sức khỏe cho gia đình. Xong rồi thì thăm thú, ngắm cảnh, hít chút khí lành nơi đất Phật, cũng coi như là trẩy hội tháng Giêng luôn. Mấy hồi được gặp nhiều người dân quê mình vậy. Nó cũng thành thói quen hàng năm rồi nên không bỏ được. Năm sau cô lại về lại.”
Như vậy là dù có xa xôi hay bận công chuyện gì, dân xứ “nẫu” vẫn bỏ chút thì giờ để cùng nhau về trẩy hội chùa Ông Núi hàng năm, như một chút lộc tin vào năm mới bình an mọi điều.
[su_note note_color="#e4febf"]
Tương truyền, ông có hành tung khá kỳ bí, hàng ngày vào núi hái củi đem xuống đặt ở vệ đường, người qua lại nhận biết đem gạo và rau đến, cứ đặt đó rồi mang củi đi, không giáp mặt ông. Không hỏi han, không so đo tính toán. Và cũng không ai biết tăm tích về ông ngoài việc người ta đồn rằng cọp beo cũng quen thuộc, đến nghe ông gõ mõ tụng kinh, nhiều lúc còn mang về dâng cúng những nhánh trĩu trái cây rừng.Và con người mặc áo vỏ cây, cảm hóa được cả chim muông dã thú, biến rừng suối hoang vu thành linh địa ấy đã làm động lòng vua chúa. Năm Quý Sửu 1733, niên hiệu Vĩnh Khánh nhà Lê, chúa Nguyễn Phúc Trú cho trùng tu, ban cho Ông Núi hiệu Tịnh Giác Thiện Trì đại lão thiền sư ban biển “Linh Phong thiền tự” và câu đối Quốc chủ ngự đề: “Hải ngạn khởi lương nhân, pháp vũ phổ thiên tư Phật thổ - Linh Phong ngưng thoại khí, tường vân biến địa ấm nhân gian” (Bờ biển gặp duyên may, mưa pháp khắp trời thấm nhuần đất Phật - Núi Linh đọng khí tốt, mây lành khắp chốn che chở người đời).Năm Tân Dậu, thời Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát, chúa triệu Ông Núi về kinh hỏi han thiền lý và ban tặng ông một bộ cà sa vòng ngọc móc vàng để làm pháp phục. Ông Núi viên tịch vào thời Tây Sơn, tăng chúng hội táng bên phải chùa vào năm Thái Đức thứ 8 (1785) và đề câu đối: “Quyện thạch tiệm thành sơn, thảng thảng u trinh Thường lạc thổ - Chúng lưu nan vi thủy, man man vô tế Động đình tiên” (Gom đá thành non, đất Thường lạc thênh thang tĩnh mịch - Hợp dòng nên nước, cõi Động đình bát ngát mênh mông”).[/su_note]
Thảo Trang