Sinh ra và lớn lên ở huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình, cụ Nịu tham gia cách mạng từ rất sớm. Cái cơ duyên đối với ngành giao thông và lực lượng xung phong, dân công hỏa tuyến đến với cụ cũng từ rất sớm. Trước khi được điều động về làm Phó chỉ huy trưởng Ban Xây dựng 67 tại điểm nóng Quảng Bình, cụ đang là chỉ huy trưởng “công trình 50” ở biên giới Lào.
Câu chuyện mở đường, đảm bảo giao thông trong những năm chiến tranh kháng chiến chống Mỹ cụ kể cứ tự nhiên, sống động... Nét mặt đang rạng rỡ với đôi mắt tinh anh phúc hậu, bỗng chùng lại và đượm buồn khi nhắc về những chàng trai, cô gái trong đơn vị mình hy sinh nơi tuyến lửa Quảng Bình quê ông cũng như tuyến đường huyết mạch giao thông ở chiến trường Lào.
Cụ kể rằng mình được điều động về Ban 67 ngay từ khi mới thành lập và gắn bó với đơn vị này trong những năm bị dội bom Mỹ ác liệt nhất. Có những trận hàng ngàn quả bom dội xuống một trọng điểm giao thông... Nước mắt cụ lại lưng tròng khi nhắc tới những đồng đội năm xưa đã mãi mãi nằm lại ở miền đất này.
Tại phòng riêng cụ Nguyễn Nịu đầy ắp kỷ niệm
Cụ kể về “Hang Tám Cô”- địa danh bà con đặt tên cho một sự kiện đau lòng khi 8 cô gái sinh viên xung phong vào trú bom trong một hang núi bị bom Mỹ vùi lấp và vĩnh viễn nằm lại ở đó... Người dân địa phương vừa tự hào về quê hương mình là tuyến lửa Quảng Bình trong chiến tranh, lại vừa luôn luôn biết ơn sự hy sinh vô bờ bến của đội ngũ cán bộ, kỹ sư, công nhân kĩ thuật, bộ đội, lực lượng thanh niên xung phong và dân công hỏa tuyến trong những năm kháng chiến chống Mỹ.
Câu chuyện có một người đàn ông năm nay trạc 60, hàng tháng cứ vào dịp ngày rằm lại cầm 200 bông hồng trắng kính cẩn lên thắp hương cho 200 “cô gái đồng trinh” là thanh niên xung phong hy sinh... như là một huyền thoại về tâm linh và sự biết ơn của đồng bào địa phương đối với các anh hùng liệt sĩ của lực lượng thanh niên xung phong và dân công hỏa tuyến hy sinh tại quê hương của họ.
Gia đình cụ Nịu với "tứ đại đồng đường"
Chuyện về sự cống hiến và hy sinh cả tuổi thanh xuân của lực lượng “đặc biệt” này thì phải viết hàng pho sách may ra mới chuyển tải được mọi thông tin, mọi sự kiện và những câu chuyện tưởng như là huyền thoại. Câu chuyện về cụ Nguyễn Nịu- lại khiến tôi liên tưởng đến câu thành ngữ” có phúc thì có phần”....
Năm 1970 cụ được điều động từ Ban Xây dựng 67 về làm giám đốc cảng Gianh- Quảng Bình khi thời điểm Mỹ tiếp tục tăng cường dội bom nhằm phá hoại và triệt hạ những điểm nhấn giao thông quan trọng nhất của chúng ta, trong đó có cả Cảng Gianh.Có một điều khá lạ là, cả hai đơn vị cụ trực tiếp lãnh đạo đều là Đơn vị anh hùng: Đó là Ban Xây dựng 67 và Cảng Gianh nhưng riêng cụ lại không phải là anh hùng?
Đem điều thắc mắc này hỏi anh Nguyễn Bá Thơm, anh cười “thời ấy có ai tham sân si gì đâu” nhất là hãy nhìn vào cụ thì biết...
Quả vậy, cụ già đôn hậu này được đồng đội và mọi người quý mến là bởi như thế. Cụ có năm người con trai và một người con gái. Tất cả đều học hành phương trưởng. Trong 5 người con trai thì có 4 người hiện đang là chủ các doanh nghiệp thành đạt ở thành phố Hồ Chí Minh và Bình Dương. Chỉ duy nhất anh con cả là Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Quảng Bình đã nghỉ hưu nay là phó Chủ tịch hội Khuyến học tỉnh nhà.
Đến thăm “tệ xá” của cụ mới thấy rõ ý nghĩa câu “có phúc thì có phần”.Cụ kể từ ngày cụ bà về với tổ tiên tám năm trước, cụ về với con trai trưởng và con dâu cùng các cháu... Căn nhà cũng bình thường như những căn nhà khác ở thành phố Đồng Hới. Điều đặc biệt là: phòng riêng của cụ được bố trí khép kín rất tiện lợi cho người cao tuổi. Cụ rất hài lòng và tự hào về các con, cháu, chắt của cụ trong những năm về già. Ánh mắt cụ sáng lên khi nhắc tới sinh nhật năm sau sẽ được nhận huy hiệu 70 năm tuổi Đảng. Đúng là một Đảng viên trọn đời đi theo Đảng!
Lưu luyến chia tay và hẹn gặp lại cụ trong nỗi niềm biết ơn và kính trọng thế hệ vàng của đất nước./.
Đón đọc kỳ 3: Phà Long Đại dấu ấn thời khói lửa
Bài và ảnh:Trần Thúc Hoàng