Số trẻ nhập viện do mắc tay chân miệng tăng đột biến và dự báo tiếp tục tăng. Ảnh: TL
Theo thống kê của Trung tâm Y tế Dự phòng thành phố, chỉ tính riêng trong tuần 38 có 289 ca bệnh tay chân miệng nhập viện tăng 47% so với trung bình 4 tuần trước.
Bên cạnh đó, số ca nhập viện từ các tỉnh cũng tăng nhanh, gần 60% số ca bệnh tay chân miệng đang điều trị tại TPHCM được chuyển đến từ các tỉnh miền Tây, miền Đông Nam bộ và miền Trung, Tây Nguyên đang gia tăng áp lực cho các bệnh viện tuyến cuối như Nhi đồng 1, Nhi đồng 2.
Tại khu vực 20 tỉnh phía Nam, số ca mắc chân tay miệng trong 9 tháng đầu năm 2018 so với cùng kỳ 2017 giảm 31%. Tuy nhiên, số ca tăng nhanh trong 4 tuần gần đây và cao hơn 50% so với cùng kỳ 2017. Đã có 6 ca tử vong do TCM ở phía Nam (Tây Ninh 2 ca; Bình Dương, Đồng Nai, Đồng Tháp, Bến Tre mỗi tỉnh 1 ca).
Theo PGS - TS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM, hiện nay, bệnh tay chân miệng đang vào mùa cao điểm (từ tháng 8 - 11). Đây là bệnh lưu hành tại khu vực phía nam, mỗi năm ghi nhận 30.000-80.000 trường hợp mắc. Số ca mắc trong 9 tháng đầu năm 2018 so với cùng kỳ 2017 giảm 31%. Tuy nhiên, số ca tăng nhanh trong 4 tuần gần đây và cao hơn 50% so với cùng kỳ 2017.
Trong 2 tháng qua, dữ liệu giám sát vi rút của Viện Pasteur cho thấy tỷ lệ vi rút EV71 chiếm 25% số bệnh phẩm TCM, đặc biệt ghi nhận nhiễm thứ nhóm gien C4 đang lưu hành ưu thế hiện nay - đây là chủng dễ gây biến chứng nặng đặc biệt ở trẻ em dưới 5 tuổi, cao gấp 1,7 lần so với các thứ nhóm gien khác của EV71. Các biến chứng có thể gây tổn thương hệ thần kinh, hô hấp, tuần hoàn và có thể dẫn đến tử vong.
Vi rút Enterovirus 71 là “thủ phạm” gây ra trận dịch tay chân miệng lớn vào năm 2011. Theo Viện Pasteur TP.HCM, trong 20 năm qua, vụ dịch TCM lớn nhất tại Việt Nam là năm 2011 với hơn 113.000 trường hợp mắc và 145 trường hợp tử vong, cũng do chuyển đổi sang thứ nhóm gen C4 này.
Trên thế giới, nhiều vụ dịch lớn do thứ nhóm gen C4 cũng được ghi nhận như tại Trung Quốc năm 2009 với hơn 1,5 triệu trường hợp mắc và 353 trường hợp tử vong; tại Campuchia năm 2012 với 54 trường hợp tử vong.
Nên rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày để phòng bệnh chân tay miệng. Ảnh: TL
Trung tâm Y tế Dự phòng nhận định, tháng 8 và tháng 9 hàng năm là thời điểm gia tăng số ca tay chân miệng theo mùa. Tuy nhiên, trong mùa dịch năm nay đang ghi nhận sự xuất hiện trở lại của chủng vi rút Enterovirus 71 – chủng vi rút đã gây vụ dịch tay chân miệng lớn trên cả nước những năm 2011. Đây có thể là nguyên nhân làm số ca bệnh gia tăng nhanh tại các tỉnh thành trên cả nước những tuần gần đây.
Lý giải thêm về nguyên nhân căn bệnh này tăng mạnh trong năm nay, Viện Pasteur TP.HCM cho biết, với bệnh sởi, dù đã có vaccine phòng ngừa nhưng hiện nay tỷ lệ tiêm chủng vaccine còn khá thấp khiến bệnh dễ dàng bùng phát thành dịch.
Đối với dịch bệnh tay chân miệng và sốt xuất huyết, do chưa có vaccine phòng ngừa nên để phòng bệnh, cộng đồng cần thực hiện bốn sạch đối với các em nhỏ: ăn sạch, ở sạch, đồ chơi sạch và bàn tay sạch.
Tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm cấp tính, chưa có vắc xin dự phòng. Việc phòng bệnh chủ yếu thông qua việc ý thức giữ gìn vệ sinh của trẻ và của người chăm sóc trẻ: như rửa tay thường xuyên bằng nước và xà phòng, vệ sinh hàng ngày và khử khuẩn hàng tuần vật dụng, đồ chơi của trẻ. Có 80% số ca bệnh tay chân miệng ở thể nhẹ, có thể chăm sóc và điều trị tại nhà, tuy nhiên cha mẹ và người chăm sóc cần theo dõi sát tình trạng của trẻ, nếu phát hiện các dấu hiệu trở nặng như: giật mình, đi đứng loạng choạng, yếu liệt... phải đưa trẻ đến các bệnh viện để được điều trị kịp thời. |
P.V