(CLO) Tại phiên tòa diễn ra ngày 23/11, bị cáo Hồ Văn Hải, cựu Giám đốc Công ty cồn rượu Hà Nội (Halico) liên tục kêu oan. Đồng thời, để chứng minh cho những lời khai của mình, bị cáo Hải đã nộp cho HĐXX một số tài liệu cho rằng là bằng chứng “rửa tội” theo Kết luận của cơ quan điều tra và Cáo trạng Viện kiểm sát.
>> Hoãn phiên tòa xét xử vụ án cựu Giám đốc Công ty cồn rượu Hà Nội
>> Ngày mai xét xử vụ án cựu Giám đốc Công ty cồn rượu Hà Nội
Như Báo điện tử Congluan.vn đã đưa tin, theo tài liệu truy tố của Viện Kiểm sát tối cao, lợi dụng chính sách ưu đãi, khuyến khích xuất khẩu bia, rượu của Nhà nước, với mục đích trốn thuế, các bị can Xưởng – Hoa đã câu kết với các bị can và các đối tượng khác, sử dụng pháp nhân Công ty Hoàng Lân, Halico thực hiện các hành vi gian dối trong việc ký kết hợp đồng xuất khẩu bia, rượu, kê khai, làm thủ tục hải quan, giả chứng từ giao dịch, chuyển tiền... để hợp thức hồ sơ xuất khẩu đối với số lượng bia, rượu tiêu thụ trong nước. Từ tháng 11/2008 đến 2/2012, các bị can đã tiêu thụ trong nước tổng số 48.330 thùng rượu vodka các loại và 22.255 thùng bia lon Hà Nội để chiếm đoạt hơn 13 tỷ đồng tiền thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế giá trị gia tăng.
Qua đó, cũng xác định vai trò của Hồ Văn Hải là Giám đốc Halico có thẩm quyền quyết định việc mua bán rượu xuất khẩu. Mặc dù biết Cty Hoàng Lân tiêu thụ rượu xuất khẩu trong nước nhưng với mục đích tư lợi, vẫn chỉ đạo cấp dưới tạo điều kiện cho Cty Hoàng Lân mua rượu xuất khẩu để tiêu thụ trong nước, đã được hưởng lợi bất chính 300 triệu đồng. Ngoài ra, hành vi cho Cty Hoàng Lân sử dụng pháp nhân Halico đề xuất khống số lượng 2000 thùng rượu, bị Chi cục Hải quan Cầu Treo phát hiện, bắt quả tang ngày 12/9/2019 đã trực tiếp giúp Cty Hoàng Lân trốn thuế với số tiền hơn 550 triệu đồng.
[caption id="attachment_135715" align="aligncenter" width="960"]
Hồ Văn Hải và các bị cáo trong vụ bán rượu khống tại tòa[/caption]
Bởi vậy, VKSNDTC quyết đinh truy tố Hồ Văn Hải (SN 1956, trú ở Tập thể Nhà máy rượu, phường Đồng Nhân, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi khi hành công vụ” theo Khoản 3 Điều 281 BLHS.
Liên quan tới hành vi của bị cáo Hải, Nguyễn Thị Kim Hạnh (SN 1973, trú tại phường Bách Khoa, cùng quận Hai Bà Trưng) – cựu Phó đội trưởng một đội nghiệp vụ, thuộc Chi cục Hải quan Hà Nội cũng bị truy tố tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” theo Điểm b Khoản 2 Điều 281 BLHS.
Ngoài ra, Hoàng Văn Xưởng (SN 1971) – Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Hoàng Lân; Đinh Thị Minh Hoa (SN 1974, vợ Xưởng); Nguyễn Thị Quỳnh Trang (SN 1980) – cựu chuyên viên Phòng phát triển thị trường của Halico và Nguyễn Thị Thủy (SN 1977) – nhân viên Ngân hàng NN&PTNT (Agribank) cùng bị đưa ra xem xét về tội “Trốn thuế” theo quy định tại Khoản 3 Điều 161 BLHS.
Vụ án vừa được đưa ra xét xử (ngày 23/11), tuy nhiên, thêm một lần nữa, phiên tòa xét xử đối với Hồ Văn Hải, cựu Giám đốc Công ty CP cồn rượu Hà Nội (Halico) và các bị cáo liên quan phải tạm hoãn vì thiếu nhân chứng Nguyễn Hồng Tiến. Theo Luật sư và bị cáo Hải, ông Tiến là “mắt xích” quan trọng để hóa giải những vấn đề “bùng nhùng” đang tồn tại trong vụ án.
Tại phiên tòa, bị cáo Hồ Văn Hải liên tục kêu oan, cho rằng phần luận tội trong Cáo trạng không đúng với bản chất sự việc và không đúng đối với việc làm của bị cáo.
Theo bị cáo Hải, trong giai đoạn thành lập VPĐD tại Lào, ông Hải chưa có cuộc gặp gỡ nào với nhân viên Nguyễn Thị Quỳnh Trang cùng Hoàng Văn Xưởng để thỏa thuận cho phép bán “một phần rượu trong nước kiếm lời chi phí cho hoạt động công ty” và cũng không biết gì về việc bàn bạc “ăn chia” giữa Cty Hoàng Lân và bà Trang như trong kết luận điều tra.
Minh chứng cho việc không chấp nhận cho các đối tác quay vòng bán hàng xuất khẩu trong nước để trốn thuế, giảm giá gây xáo trộn, ảnh hưởng đến hoạt động bán hàng của các địa lý nội địa, bị cáo Hải cho rằng, đầu năm 2010, nhân viên phụ trách xuất khẩu Nguyễn Thị Bích Liên có ý kiến của Phó phòng Phát triển thị trường Nguyễn Hồng Tiến, đã giới thiệu thêm chi nhánh Công ty TNHH Hoàng Phương tham gia kí HĐ xuất khẩu rượu sang Lào tại Khu kinh tế mở Cầu Treo (Hà Tĩnh) và Cty đã tiến hành kí HĐ ngày 18/1/2010. Như vậy thời gian này có 2 đơn vị cùng tham gia mua hàng.
Tuy nhiên, tháng 4/2010, khi nghe phản ánh có hiện tượng hàng xuất khẩu quay vòng bán trong nước làm giá cả sụt giảm, bản thân bị cáo Hải đã chủ động gặp Nguyễn Hồng Tiến và các nhân viên, yêu cầu dừng hợp đồng xuất khẩu của cả 2 đơn vị để xác minh đơn vị nào bán hàng trong nước. Ông Tiến đã báo cáo lại không xác minh được do hàng không có ký hiệu riêng.
Tiếp đó, tháng 1/2012, trong cuộc họp với các đại lý về việc phối hợp đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm trong dịp Tết nguyên đán, chủ cơ sở Nam Thắng cho biết có rượu xuất khẩu sang thị trường Lào bán tại khu vực Mạc Thị Bưởi. Ngay tại cuộc họp, bị cáo Hải đã yêu cầu ông Thắng mua hộ một số thùng để kiểm tra và sau khi xác nhận đúng sản phẩm xuất khẩu sang thị trường Lào. Trước các đại lý cũng như Ban lãnh đạo Halico, bị cáo Hải đã xin lỗi các đại lý và yêu cầu phòng Phát triển thị trường mời Cty Hoàng Lân cùng Hoàng Văn Xưởng – Trưởng VPĐD tại Lào tới làm việc.
Qua đó, với tư cách Giám đốc Halico, ông Hải đã yêu cầu lập biên bản chấm dứt HĐ với Cty Hoàng Lân. Sau khi thanh lý HĐ với Cty Hoàng Lân, ông Hải yêu cầu Phòng PTTT tiếp tục tìm kiếm khách hàng tại thị trường Lào để xuất khẩu và không qua trung gian, tránh tình trạng hàng quay lại.
Tại phiên xét xử (23/11), bị cáo Hải đã cũng cấp cho Hội đồng xét xử nhiều văn bản, biên bản cuộc họp giữa Ban lãnh đạo Cty Halico với các Phòng ban, cơ quan và cả cá nhân bị cáo Trang liên quan đến công tác xuất khẩu những lô hàng rượu của Halico đi thị trường Lào. Theo bị cáo Hải, đây là những tài liệu để chứng minh thêm bằng chứng ngoại phạm của bị cáo.
Cũng tại phiên tòa, bị cáo Trang (người trực tiếp làm hồ sơ bán rượu cho Cty Hoàng Lân) cho biết, bị cáo không bàn bạc gì với bị cáo Hải về việc bán rượu trong nước mà không rõ ông Tiến Phó phòng thị trường có bàn bạc gì với giám đốc hay không vì chỉ làm theo chỉ đạo của Tiến. Về số tiền đưa cho bị cáo Hải, Trang khai “tôi biếu anh Hải 100 triệu và nói là do Cty Hoàng Lân bán được hàng ở bên Lào tốt”.
Tương tự như Trang, bị cáo Xưởng cho biết có đưa tiền (3 lần, tổng cộng 200 triệu) cho bị cáo Hải nhưng đều nói rõ “chỉ là quà biếu do Cty làm ăn tốt tại Lào”. Thừa nhận việc mình nhận tiền theo lời khai trên, bị cáo Hải cho biết thêm, bị cáo nhận tiền đều không biết là tiền do trốn thuế của Cty Hoàng Lân. Những lần đưa tiền này đều vào dịp Tết hoặc dịp mẹ bị cáo ốm nên bị cáo nghĩ là tiền biếu do đại lý bên Lào cảm ơn chứ đây hoàn toàn không phải là tiền ăn chia do trốn thuế.
Buổi xét xử ngày 23/11, Thẩm phán Hoàng Nhật Tân cũng đã hỏi bị cáo Hoa (vợ Xưởng), Hạnh, Thủy có bàn bạc gì với bị cáo Hải không, có đưa tiền cho Hải không... Các bị cáo đều khai không làm việc với Hải mà chỉ thông qua bị cáo Trang và ông Tiến trong việc xuất khẩu rượu trong nước.
Thẩm phán Tân cũng đã hỏi bị cáo Hải để làm rõ việc giữa bị cáo Hải và ông Tiến có bàn bạc chuyện bán rượu trong nước không, có việc cho Công ty Hoàng Lân mượn tư cách pháp nhân không hay chủ trương kí khống Giấy giới thiệu của Cty cho nhân viên Trang đi làm việc có mục đích gì... Tuy nhiên, ông Tiến vắng mặt tại Tòa nên nhiều vấn đề chưa được các bên đối chấp, làm rõ. Thẩm phán Tân đành tuyên bố hoãn tòa sang buổi khác để triệu tập ông Tiến.
Buổi đối chất tại tòa giữa các bị cáo với ông Nguyễn Hồng Tiến có vạch rõ trắng đen sự việc, cũng như kết quả phiên tòa sẽ như thế nào.
Báo Điện tử Congluan.vn sẽ tiếp tục thông tin./.
Thành Vinh