Thống kê cho thấy, trong số 78 vụ kiện chống bán phá giá thì có 37 vụ là liên quan đến sắt thép, chiếm ½ số vụ kiện. ¾ số vụ kiện chống trợ cấp cũng liên quan đến mặt hàng sắt thép. Nguyên đơn cho rằng hàng hóa sản xuất tại Việt Nam thực ra là sản xuất từ nước khác, đang bị đánh thuế cao hơn, hợp thức hóa qua Việt Nam để đi đến nước thứ ba nhằm lợi dụng nguồn gốc xuất xứ từ Việt Nam tránh thuế cao.
Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO (Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam-VCCI) hôm 25-6 cho biết tính đến nay hàng hóa Việt Nam đã bị kiện ở 107 vụ liên quan đến phòng vệ thương mại do nước ngoài khởi xướng. Trong đó có 78 vụ là kiện chống bán phá giá, 12 vụ kiện chống trợ cấp và 17 vụ kiện chống lẩn tránh thuế. Nguyên đơn đứng đầu nhiều nhất các vụ kiện đối với hàng Việt là các nhả sản xuất Mỹ, tiếp đến là Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Úc và EU.
Gần đây, các nhà sản xuất, hiệp hội tại Indonesia và một số quốc gia trong khu vực cũng có tên trong danh sách kiện hàng hóa xuất khẩu Việt Nam, thậm chí là khởi kiện khá dồn dập. Khi độ mở của nền kinh tế càng cao thì hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam càng đối diện với các vụ kiện phòng vệ thương mại từ nước ngoài càng lớn. Mà bị kiện nhiều nhất là các sản phẩm từ sắt thép. Trong số 17 vụ kiện chống lẩn tránh thuế có 16 vụ các nguyên đơn nghi ngờ là hàng hóa từ Trung Quốc (đang bị áp thuế chống bán phá giá cao) được hợp thức hóa qua các cơ sở tại Việt Nam để lẩn tránh thuế trước khi xuất đi.
Ông Lê Sĩ Giảng - Chuyên gia trong lĩnh vực cạnh tranh thương mại, cho rằng, thép bị kiện nhiều bởi thép có phổ rộng và mức đầu tư lớn. Thép cũng là mặt hàng bị "soi" nhiều do là ngành công nghiệp cơ bản, các nước đều muốn phát triển, đồng thời bảo hộ sản xuất. Một điểm nữa, quy chuẩn chất lượng sản phẩm thép phổ biến toàn thế giới, với một nền thông tin chung, một cơ cấu sản xuất chung, người ta có thể phân tích để xác định DN bán hay không bán phá giá. Thép của Việt Nam "bị kiện nhiều hơn" do DN thép tập trung phát triển một vài lợi thế nhất định trong toàn chuỗi (quặng, phôi, thép đen, thép trắng, thép cao cấp...) với chi phí sản xuất rẻ. Nhìn sâu vào bản chất ngành thép hiện nay, DN Việt Nam chỉ mạnh ở một vài điểm.
Thép Việt Nam liên tục bị kiện phòng vệ thương mại. Ảnh: Internet
Chẳng hạn bắt đầu từ quặng, gần như chỉ có Hòa Phát, mà Hòa Phát lại chỉ dừng ở thép đen, chưa làm được thép cao cấp. Nhiều DN nhập khẩu phôi để sản xuất thép, đó không phải là từ công nghệ gốc mà chủ yếu dựa vào chi phí nhân công giá rẻ. Ngành thép của Việt Nam phát triển quá nóng nhưng chưa chuẩn bị đầy đủ để tham gia "cuộc chơi toàn cầu", cạnh tranh với thép ngoại vẫn là yếu tố giá thành sản xuất. Hiện tổng công suất thiết kế của toàn ngành thép khoảng 10 triệu tấn/năm, nhưng phần lớn DN thép có quy mô vừa và nhỏ, năng lực quản lý chưa tốt, chi phí sản xuất cao do công nghệ lạc hậu, tiêu hao nhiều nguyên nhiên liệu.
Các công cụ bảo vệ thị trường nội địa còn kém. Việt Nam cũng đã bắt đầu tăng cường việc sử dụng các biện pháp phòng vệ thương mại nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các ngành sản xuất trong nước, nhưng vẫn còn khá mỏng. Với mặt hàng nhôm thép, tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam chỉ thực hiện điều tra chống bán giá 3 vụ, tất cả liên quan đến sản phẩm thép Trung Quốc. Ngoài ra, Việt Nam thực hiện 6 vụ kiện tự vệ, trong đó 2 vụ liên quan đến thép còn lại là các sản phẩm khác.
Thương mại toàn cầu đã và đang chứng kiến những biểu hiện về bảo hộ thương mại phức tạp, đặc biệt là ở một số thị trường lớn như Mỹ. Từ góc độ quốc tế, sẽ có hai loại tác động tiêu cực từ các biện pháp phòng vệ thương mại của Mỹ. Một là tác động tiêu cực với các quốc gia đang xuất khẩu sang thị trường Mỹ dưới các chính sách mà Mỹ đã đưa ra. Trên thực tế, cộng đồng doanh nghiệp và các Hiệp hội doanh nghiệp tại Việt Nam đã có kinh nghiệm đương đầu với vụ kiện và chống bán phá giá từ Hoa Kỳ. Mặc dù vậy, trong bối cảnh các biện pháp phòng vệ thương mại của Mỹ đang ngày càng trở nên cứng rắn hơn, các doanh nghiệp nên chủ động đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, đồng thời nắm bắt kỹ những yêu cầu mới trong các thay đổi về pháp luật của Mỹ.
Bên cạnh những quy định của WTO về chống bán phá giá, một số quy định của Việt Nam đã được bổ sung chi tiết như các quy định về thiệt hại, các phương pháp tính toán biên độ bán phá giá, biên độ trợ cập; các quy trình, thủ tục và thời hạn điều tra rà soát hàng hóa... để đảm bảo tăng cường tính minh bạch cũng như tính hiệu quả của các biện pháp phòng vệ thương mại của Việt Nam.
Theo GS. Nguyễn Thị Mơ - Trung tâm Trọng tài quốc tế, phần lớn DN bị điều tra là do chưa am hiểu pháp luật, cách thức quản lý của nước nhập khẩu. Một rủi ro nữa, DN ký hợp đồng rất sơ sài và thường không sử dụng công cụ pháp lý để bảo vệ quyền lợi của mình. Nền kinh tế Việt Nam hiện đang dựa nhiều vào hoạt động xuất khẩu, và chủ yếu tập trung vào các thị trường lớn như Mỹ, EU... Do vậy, các doanh nghiệp xuất khẩu thép cần đối diện với các vụ kiện phòng vệ thương mại; đồng thời tăng cường những giải pháp để hạn chế thấp nhất việc bị khởi kiện./.
Cẩm Tú