1. Dưới cờ đỏ thiêng liêng, trước Quốc hội, đồng bào, cử tri cả nước, tân Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã đọc lời thề: Tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với nhân dân, với Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, nỗ lực phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.
Niềm tin vào lời thề của tân Chủ tịch nước đã được nhân dân và cử tri đặt để, tiếp tục được tô đậm những ngày này: Một con người có đạo đức trong sáng, bản lĩnh vững vàng, kiến thức sâu rộng, lập trường tư tưởng kiên định; đã trải qua rất nhiều vị trí quan trọng, năng lực, phẩm chất, bản lĩnh đã được khẳng định qua thực tiễn.
Như nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đã phát biểu khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được giới thiệu để Quốc hội bầu Chủ tịch nước, rằng thời điểm hiện nay đã có đủ điều kiện để Tổng Bí thư làm Chủ tịch nước. Theo nguyên Tổng Bí thư, điều này mang lại nhiều lợi ích cho đất nước, sẽ thúc đẩy các công việc của đất nước được nhanh hơn. Ông cũng nhấn mạnh rằng, chắc chắn công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực đang thực hiện sẽ được đẩy mạnh hơn.
Lúc này, những thông điệp sâu sắc của nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang về “Quyền lực, trách nhiệm người lãnh đạo và niềm tin của nhân dân” càng thêm thấm thía.
Viết trên báo Nhân dân, nguyên Chủ tịch nước đã nhắc tới cố Tổng thống Hàn Quốc Park Chung Hee, với lời tuyên bố vào tháng 7 năm 1961: “Xin hiểu cho rằng Tổ quốc quan trọng hơn quyền lợi cá nhân”, và “Tôi sẽ trừng trị bất cứ kẻ nào ăn cắp của công dù chỉ một đồng…”
Tân Chủ tịch nước đã và đang ghi dấu ấn trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng, phòng chống tham nhũng, như một sự khẳng định: “Tổ quốc quan trọng hơn cá nhân”; “Kiên quyết, nghiêm minh với cả lãnh đạo cấp cao của Đảng”; “Lòng dân ủng hộ, phải làm tiếp, không dừng lại!”;…
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cúi chào Quốc kỳ trước khi tuyên thệ nhậm chức Chủ tịch nước (Ảnh: Quang Vinh)
2. Thêm một niềm vui của nhân dân và cử tri trước kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV, đó là chương trình lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn ngay đầu kỳ họp, trước khi tiến hành chất vấn.
Cụ thể, từ chiều 24/10, Quốc hội sẽ tiến hành các bước để lấy phiếu tín nhiệm 48 người gồm các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội; các thành viên Chính phủ (trừ tân Bộ trưởng Bộ TT&TT); Phó Chủ tịch nước; Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng VKSND tối cao và Tổng Kiểm toán Nhà nước. Sáng 25/10, Quốc hội sẽ chính thức tiến hành lấy phiếu tín nhiệm (bỏ phiếu kín) và công bố kết quả kiểm phiếu ngay chiều 25/10.
Đáng chú ý, các ĐBQH sẽ đánh giá mức độ tín nhiệm dựa trên hai căn cứ: Kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao; và phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống; việc chấp hành Hiến pháp và pháp luật. Các mức độ đánh giá gồm “tín nhiệm cao”, “tín nhiệm” và “tín nhiệm thấp”.
ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng cho rằng, lấy phiếu tín nhiệm là hoạt động quan trọng, có giá trị đặc biệt để kiểm soát quyền lực các chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Tuy nhiên, ông còn băn khoăn: “Mỗi khóa 5 năm chỉ bỏ phiếu 1 lần giữa nhiệm kỳ sẽ không đánh giá được đầy đủ, chính xác năng lực của các chức danh; Chúng ta chỉ có ba mức tín nhiệm cao, tín nhiệm, tín nhiệm thấp, vậy người không được tín nhiệm thì sao?”.
Dù chưa kịp thẳng băng giữa “tín nhiệm” và “không tín nhiệm”, nhưng đã cho thấy quyết tâm lớn, trách nhiệm lớn của Quốc hội đối với những người giữ chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn, có thể để người được lấy phiếu tín nhiệm tự xin từ chức, hoặc Ủy ban thường vụ Quốc hội trình Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm,…
Sự kiện này, chứa đựng mong mỏi của nhân dân và cử tri về văn hóa từ chức hãy còn xa lạ ở nước mình.
3. Tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV, ngoài các chương trình làm việc quan trọng kể trên, Quốc hội cũng sẽ tiến hành phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Như đã biết, CPTPP là một hiệp định thương mại tự do tiêu chuẩn cao, đề cập tới các lĩnh vực truyền thống như cắt giảm thuế quan, mở cửa thị trường dịch vụ, sở hữu trí tuệ,... Hiệp định được ký kết vào tháng 3/2018, với 11 thành viên: Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam. Theo đánh giá của Bộ trưởng Bộ Tái thiết kinh tế Nhật Bản, CPTPP có thể sẽ chính thức có hiệu lực ngay từ tháng 1/2019. Hiện Nhật Bản, Singapore, Mexico và mới đây là Australia đã phê chuẩn.
Trước thềm chuyến thăm Nhật Bản tham dự Hội nghị cấp cao hợp tác Mekong - Nhật Bản, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã thông tin: “Việt Nam phấn đấu thuộc nhóm 6 thành viên đầu tiên hoàn tất phê chuẩn để CPTPP sớm đi vào triển khai”.
Theo Thủ tướng, CPTPP là Hiệp định quan trọng, có tác động đến hầu hết các lĩnh vực chính trị, kinh tế - xã hội, ngoại giao nước ta, có thể tạo thêm động lực để Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh cải cách, hoàn thiện hệ thống pháp luật, cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển đất nước.
Ngày 23/10/2018, như tân Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nói, đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như hiện nay trên trường quốc tế. Chúng ta có quyền tự hào, phấn khởi,… nhưng tuyệt đối không chủ quan, thỏa mãn.
Và nay, với những chuyển động nhiều ý nghĩa tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV, khi CPTPP đang ở rất gần,… đất nước lại có thêm một nguồn lực to lớn, như chữ dùng của nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, là “vốn liếng niềm tin”.
Đoàn Kiên Giang