CLO - Những sưu tầm dày công của người lính qua thời gian giờ có thể trở thành một bảo tàng đồ sộ với vô số cổ vật quý hiếm cách đây hàng trăm năm. Người lính ấy đã trở thành Anh hùng LLVT năm mới 25 tuổi. Ông là Trung tướng, T.S Đoàn Sinh Hưởng, nguyên Tư lệnh Tăng Thiết giáp, nguyên Tư lệnh Quân khu 4.
[caption id="attachment_31328" align="aligncenter" width="430"]
Ông Đoàn Sinh Hưởng và chiếc bình vôi cổ trên 100 năm[/caption]
Hồi ông Hưởng đang là Tư lệnh Quân khu 4, tôi nài nỉ mãi để được xem “bảo tàng” cổ vật rất đặc biệt của vị Trung tướng nhưng ông khất hẹn vì lúc thì bận công việc của tư lệnh, lúc đang lo bàn về sự trụ hạng của đội bóng Quân khu 4. Mãi tới sau hai năm nghỉ hưu ông mới gật đầu tiếp tôi tại nhà riêng ở TP.Vinh (Nghệ An).
Đó là ngôi nhà được ông dành riêng nhiều vị trí để cất giữ cổ vật. Ông bảo: "Cổ vật nhiều đến mức không thể nhớ hết, nhưng nhà chật nên phải để mỗi nơi một ít, chờ bảo tàng khai trương mới cho ra mắt một thể".
Tôi bước theo bàn chân vẫn chắc nịch của vị tướng già len lỏi mọi góc phòng để “thám hiểm” thế giới cổ vật. Vừa đi ông vừa bật công tắc điện. Trong giây phút, tôi chìm vào một thế giới đồ cổ muôn sắc muôn vẻ. Ông chỉ tay khắp lượt các tủ, góc nhà sắp đầy cổ vật lạ mắt, giới thiệu: “Hiện chưa thể thống kê được các cổ vật có giá trị của các đời Minh, Thanh, Mạc, Tống. Tôi cũng mới chỉ chọn lại thành bộ sưu tập sơ sơ gồm các cổ vật của Việt Nam và Trung Quốc như điếu bát, lư hương, bình hoa, lục bình, bình vôi, ghè rượu, ống nhổ, bát đĩa, ấm chén, chậu đồng, trống đồng, gối kê đầu của vua chúa đời nhà Minh... và rất nhiều những chủng loại khác”.
Tôi chọn một cái bình cổ rất lạ, to gần bằng cái lon muối cà, hỏi:
- Đây là bình gì, thưa ông?
- Ghè rượu cổ đấy. Sau khi truyện Thuỷ Hử ra đời, người dân Trung Quốc làm 108 cái ghè rượu để ghi nhớ 108 anh hùng hảo hán Lương Sơn Bạc. Đây là bình thứ 108 còn sót lại.
Nói đoạn ông đọc những dòng chữ Hán còn sắc nét trên ghè rượu và dịch nghĩa cho tôi tin. Xong ông đặt ghè rượu xuống, nâng cái bình vôi cổ và cái điếu bát cổ lên kể một chuyện khó ngờ: “Bình vôi trên 100 năm tuổi. Tôi đã đổi cổ vật này bằng bộ đồ Tô Châu còn mới tinh hồi hành quân qua một vùng làng chiến tranh ở miền Trung. Dạo ấy, một cái đồng hồ Zenko mới cong cũng có thể đổi lấy một cái độc bình cổ đến hàng trăm năm”.
Ông bắt đầu sưu tập cổ vật từ khi còn là lính bộ binh và lính xe tăng. Ông kể: “Một đêm đang nghỉ lại nhà dân nghe người ta kháo chuyện ai đó vừa vứt cái ống nhổ cổ xuống một cái hố bẩn, mình không tài nào ngủ được. Đêm nằm cứ mong cho trời mau sáng để đi tìm cái hố, moi bùn lên để đưa cái ổng nhổ lên. Có khi mình thấy cái đĩa, cái ấm cổ lấm bụi vứt trong góc chạn bát nhà dân thì có thể thương lượng đổi bằng bộ quần áo bộ đội mới nhất trong ba lô nhưng có lệnh hành quân là gác lại để lên đường. Một lần gặp chiếc bình vôi lạ lắm, mình hỏi bà chủ nhà nhưng bà kiên quyết không bán. Mình nghĩ cách “tấn công” ông chủ nhà. Ông bảo để tôi thuyết phục thế nào bà ấy cũng gật. Cứ lần mò như thế là sưu tầm được không ít cổ vật. Một chiều về quê nghỉ phép mình nghe anh em trong họ kể chuyện về cái điếu bát cổ rất đẹp nhưng đã bị thất lạc hơn 20 năm. Thế là mình sắp xếp thời gian, cất công đi tìm cho bằng được cái điếu. Bắt đầu từ ông cụ, ông kị rồi sang ông cố, ông bố, ông chú đến ông anh con bác ruột, cái điếu dần hiện ra khi biết ông anh này cho người khác dùng rồi họ chuyền tay cho nhau hàng chục năm trời nay không ai nhớ nữa. Mình hỏi mãi, hỏi mãi rồi cũng tìm ra khi cái điếu đã vỡ thành nhiều mảnh. Ngồi ước tính thời ông cụ, ông kị đến thời điểm tìm ra cái điếu đã ngót 200 năm. Rồi mình kì công ngồi ghép lại để hiện nguyên hình cái điếu cổ. Lần khác khi đi qua tỉnh Vĩnh Phú nghe nói người ta vứt hũ tiền cổ xuống một cống nước, mình nhờ bạn thuê người đào hai ngày mới tìm thấy. Đó là những đồng xu lỗ vuông, có cách đây hơn 100 năm”.
Đổi được cổ vật rồi nhưng không thể mang theo được, ông đành phải lại gửi nhà dân để tiếp tục hành quân xa. Vì thế “không ít cổ vật đã bị mất bởi mình đi vô chiến trường lâu quá không thấy về, dân tưởng mình đã chết nên vứt đi hoặc họ chuyển nhà không để ý đến cổ vật mình gửi hàng năm trời”- ông nhớ lại.
Đến khi làm Tư lệnh tăng thiết giáp (1993), ông Hưởng nhiều lần bỏ tiền lương ra mua cổ vật. Anh em lính tráng thấy ông hiểu và thích chơi đồ cổ nên mỗi dịp về phép thấy cái lư hương, lọ hoa cổ, bát đĩa lâu lắm rồi không ai dùng tới thì “kể cho thủ trưởng nghe”. Nghe xong xa mấy, khó mấy ông cũng lần tìm cho ra. Ông nói: “Thời gian này, ngoài công việc bề bộn mình vẫn dành một góc nhỏ cho thú chơi cổ vật. Tình yêu và thú chơi cổ vật như thấm vào máu thịt khiến ngoài công việc bề bộn, đi đâu tôi cũng sưu tầm cổ vật”.
Rời hai tầng sắp đặt nhiều cổ vật, cả tôi và ông đều loá mắt và toát mồ hôi. Gương mặt vạm vỡ của người lính trận như trầm hẳn xuống khi bất chợt nhớ lại những cổ vật do bạn lính tặng trên đường vào chiến trường Tây Nguyên. Ông chỉ vào cái nậm rượu bé xíu và cái chậu đồng rửa mặt méo mó, nghẹn lời: “Đây là những cổ vật của một số bạn lính tặng nhưng giờ họ đã hi sinh cả rồi. Đó là những kỉ niệm khắc dấu trong đời tôi”.
[caption id="attachment_31326" align="aligncenter" width="430"]
Ba bình gốm Bát Tràng 100 năm tuổi[/caption]
Ông Hưởng để tâm đọc, nghiên cứu về các cổ vật qua các triều đại. Ông rất buồn khi thấy người dân vứt đi những đồ vật cổ vì không thông hiểu giá trị của nó. Ông chiêm nghiệm: “Tôi quý cổ vật vì đó là giá trị lao động nghệ thuật của con người cách đây hàng trăm năm, họ đã kì công gửi gắm tâm hồn mình vào gốm, sứ. Giờ gốm sứ thành cổ vật quý hiếm. Vì thế, không hiểu được vẻ đẹp đó không thể đi sưu tầm và lưu giữ cổ vật được”. Nghĩ như vậy nên ông không bao giờ bán cổ vật quý đã sưu tầm mặc cho không ít thương gia mang đô la đến hỏi mua. “Vì tôi không kinh doanh, không mua đi, bán lại những cổ vật đã bỏ bao công sức sưu tầm. Đồng tiền rất quan trọng nhưng không phải là tất cả”- ông Hưởng nói.
Nhìn hai bàn tay vạm vỡ của vị Trung tướng nâng niu từng cổ vật, tôi hiểu được sự trân trọng, giữ gìn nét đẹp văn hóa cổ xưa của ông. Ông vui mừng cho biết đã có ý định xin giấy phép của Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Nghệ An để xây dựng một bảo tàng cá nhân với mục đích trưng bày và giới thiệu cho mọi người biết những cổ vật mang sắc thái giá trị văn hóa, nghệ thuật của từng thời kì cổ xưa. Khi ông nêu ý định này ông Cao Đăng Vĩnh, nguyên giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Nghệ An rất đồng tình nhưng đến nay vẫn chưa có điều kiện thực hiện được.