Công ty Chuối Chiquita với hình ảnh cô gái đội trái cây trên đầu chiếm 50% thị phần tại Mỹ
Mới đây, Chiquita và Fyffes vừa gửi thông cáo đến truyền thông để khẳng định sự bắt tay thân thiết trong sản xuất và phân phối Chuối. Sự kết hợp này, theo Huffington Post sẽ tạo nên một “đế chế” Chuối trong tương lai thống lĩnh toàn cầu. Con số dự đoán của “đế chế” Chuối sẽ nhảy vọt lên 4,6 tỉ USD hàng năm.
Tại sao sự kết hợp này lại làm cho cả giới kinh doanh lương nông trên thế giới phải giật mình? Bởi vì nếu xét trên quá trình vận động và phát triển của Chiquita, mọi người sẽ phải dè chừng. United Fruit, tiền thân của Chiquita, đóng một vai trò quan trọng trong việc đẩy nhanh việc củng cố ngành công nghiệp Chuối bằng cách “thôn tính” đất và “đổ quân” xây dựng những trang trại bao tiêu chuyên trồng trọt đến vận chuyển Chuối. Mặc dù trên quê hương của mình, tại châu Mỹ La Tinh, United Fruit (sau này là Chiquita) được xem như một dạng “vòi bạch tuộc” nhưng kết quả và thành công là sự thống lĩnh 50% thị trường Chuối tại Mỹ.
Thế nhưng, sự kết hợp lần này của hai công ty Chuối lớn nhất nhì thế giới không phải để đi thu gom đất làm trang trại hay thống lĩnh các thị trường phương xa mà nhằm kiểm soát giá Chuối.
Từ năm 2005 đến năm 2010, giá chuối nhập khẩu vào EU giảm 1,5%/năm xuống còn 5,64 euro/kg vào năm 2010. Giá chuối nhập khẩu tại Anh thấp hơn so với giá trung bình của EU (6,32 euro/kg). Mức giảm tương đương với mức giảm trung bình của khu vực. Đối với các nước đang phát triển, mức giá năm 2010 là 5,6 euro/kg và tăng trung bình 5%/năm từ năm 2005.
Từ năm 2010 đến nay, nhu cầu Chuối toàn cầu luôn tăng cao nhưng giá trị Chuối luôn bị kìm hãm nên lợi nhuận ròng của các đại gia Chuối không cao. Với sự kết hợp của 2 công ty Chuối lớn nhất thế giới, người tiêu dùng sẽ phải đối mặt với sự liên kết tăng giá. Đây là một hình thức mà giới phân phối hàng hóa và bán lẻ luôn lo lắng trước những đại công ty làm chi phối sâu hoặc độc quyền cả chuỗi sản xuất, phân phối và định đoạt luôn giá cả trên thị trường. Lúc đó, giá chỉ có tăng lên mà không giảm xuống!
Chuối Việt Nam không đủ để xuất khẩu Từ những năm 1980, thương hiệu Chuối VN luôn được các nước Đông Âu và đặc biệt Liên bang Nga đánh giá cao. Lúc đó, với quy trình bảo quản và vận chuyển chưa tốt như hiện nay, Chuối xuất đi châu Âu chủ yếu là nước Chuối đóng hộp và các sản phẩm chế biến khác. Liên bang Nga sụp đổ kéo theo nhiều hàng hóa xuất khẩu bị ảnh hưởng lớn và Chuối VN mất dần thương hiệu. Gần đây, do quy trình đóng gói, bảo quản và giống Chuối tốt nên nhu cầu ăn Chuối tươi của cả thế giới tăng vọt kéo theo ngành công nghiệp Chuối phát triển mạnh.
Việt Nam có khí hậu nhiệt đới nên rất thích hợp trồng Chuối và có nhiều giống Chuối được trồng nên khắp đất nước. Có thể kể hàng loạt giống Chuối như nhóm chuối tiêu (gồm tiêu lùn, tiêu nhỏ, tiêu cao), nhóm Chuối tây (chối sứ, chuối xiêm), Chuối bom, Chuối ngự, Chuối ngốp, Chuối lá, Chuối hột... và gần đây vụt sáng với Chuối Laba (Đà Lạt) đạt giá trị xuất khẩu cao.
Mặc dù Chuối VN đa dạng về chủng loại và mùi vị nhưng rất khó đạt được tiêu chuẩn để nằm trong danh sách các nước cung cấp hàng cho “đế chế” Chuối. Cách đây vài năm, nông dân VN bắt đầu trồng Chuối theo quy chuẩn VietGAP. Tỉnh Kiên Giang dẫn đầu thí điểm mô hình trồng Chuối chất lượng cao đầu tiên ở vùng ĐBSCL trên diện tích 10ha. Kết quả đã cho ra sản phẩm Chuối đạt chuẩn VietGAP và đủ cung cấp ngay 20 tấn/ngày vào thời điểm giữa năm 2012.
Sau sự thành công của Chuối VietGAP ở Kiên Giang, Chuối Laba (Đà Lạt) cũng bắt đầu gia nhập và dòng chảy xuất khẩu. Chuối Laba nhanh chóng có được chỗ đứng do trái to, dài đều khoảng 20cm, sau khi đóng gói và bảo quản theo quy trình có thể giữ trái chuối có vỏ xanh tươi khoảng 2 tháng. Bất ngờ, Chuối Laba Đà Lạt đã xuất lô hàng 500 tấn vào thị trường Úc, đặt chân đến một trong những thị trường tiêu thụ Chuối bền vững nhất toàn cầu.
Cuối năm 2013 và đầu năm 2014, giá trị Chuối VN xuất khẩu bất ngờ tăng mạnh sức hút vào thị trường Trung Quốc, Singapore, Hàn Quốc và nhiều nước Đông Âu. Thậm chí, giá Chuối thu mua tại vườn tăng hơn 20% mà vẫn không đủ hàng để xuất khẩu.Hiện tại thị trường Chuối tại Trung Quốc luôn sẵn sàng thu mua hơn 20-30 tấn/ngày, Nhật Bản cần khoảng 15-20 tấn/ngày và VN chưa thể đáp ứng đủ nhu cầu.
Trong sự biến động và tranh chấp trên biển Đông, gần đây Trung Quốc đã có vài biện pháp bị lên án là trả đũa khi từ chối các lô hàng đến từ Philippines, trong đó có nhiều lô hàng Chuối. Thậm chí, theo Stephen Antig - chủ tịch Hiệp hội các nhà trồng trọt và xuất khẩu chuối Philippine - căng thẳng giữa Trung Quốc và Philippine qua bãi đá ngầm Scarborough mà có thể tăng thêm lệ phí cho ngành công nghiệp Chuối. Nếu Philippines không xuất được Chuối vào Trung Quốc, có nghĩa đất nước đông dân nhất thế giới thiếu hụt 50% nhu cầu về Chuối mỗi ngày. Cơ hội này ngàn năm có một nhưng cũng là thử thách quá lớn đối với công nghiệp Chuối VN chưa đủ... chín!
Tương lai Chuối VN còn tươi sáng và có khả năng dẫn đầu thị trường khu vực trong tương lai
Trước mắt, VN phải nhanh chóng đáp ứng được nhu cầu Chuối rất cao từ các nước châu Á cũng đủ mệt mỏi rồi. Chỉ cần cung cấp đủ số lượng trong khu vực cũng giúp VN mở được cánh cửa bước vào công nghiệp Chuối của thế giới. Sau đó, thõa mộng bước vào “đế chế” Chuối chiếm 80% thị phần toàn cầu vẫn còn kịp vì nhu cầu Chuối chưa bao giờ giảm đột ngột dù suy thoái kinh tế.
•
Thanh Chung