Cũng trong câu chuyện Doanh nghiệp Việt trong nền kinh tế số, thách thức và lối ra của logistics Việt Nam, báo Nhà báo và Công luận đã có cuộc trò chuyện cùng doanh nhân Trương Quốc Thắng (John Truong) - Giám đốc điều hành của Công ty Giao nhận Vận tải hàng Dự án VN Projects. Năm 2016, anh quyết định thành lập Công ty VN Projects với số vốn sở hữu 100% tập trung vào hàng loạt dự án, hàng siêu trường siêu trọng trong nước và quốc tế, giao nhận vận chuyển hàng container nội địa hai miền Nam Bắc.
+ Theo anh, ngành Logistic và Supply Chain Managemant (quản lý chuỗi cung ứng) có vai trò quan trọng như thế nào trong bối cảnh toàn cầu hóa?
- Logistics đóng vai trò then chốt trong việc thúc đẩy kinh tế một quốc gia. Toàn cầu hóa mang theo nhiều thách thức. Với tình hình cạnh tranh có quy mô toàn cầu, các doanh nghiệp luôn phải giải bài toán tối ưu hóa nguồn lực hiện có, để đáp ứng nhu cầu của thị trường tốt nhất với mức chi phí thấp nhất. Vì thế, hoạt động Logistics và Supply Chain Management, với quy trình chặt chẽ từ khâu tìm kiếm nguyên liệu đến phân phối hàng hóa, chính là yếu tố quan trọng giúp doanh nghiệp sử dụng hiệu quả thời gian, địa điểm, quy trình sản xuất và mở rộng mối quan hệ với những đối tác chiến lược.
Theo tôi được biết: Tốc độ phát triển logistics VN vào khoảng 14 – 16% năm. Chi phí logistics của Việt Nam năm 2016 là 41,26 tỷ USD, tương đương 20,8% GDP. Trong khi đó, tỷ lệ này ở các nước phát triển chỉ là 9 - 14%. Tuy nhiên, chỉ 15% thị phần nằm trong tay các doanh nghiệp trong nước, phần lớn là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, tập trung vào dịch vụ giao nhận, cho thuê bãi, gom hàng lẻ… mà thiếu vắng doanh nghiệp lớn có khả năng điều hành cả chuỗi logistics. Nguyên nhân của tình trạng này là do cơ cấu nền kinh tế “hàng thô” nên chi phí vận tải lớn, trong khi chiến lược phát triển hạ tầng giao thông lại chỉ tập trung vào phát triển đường bộ, cao tốc theo hình thức BOT. Bên cạnh đó, thủ tục kinh doanh rườm rà cũng là một vấn đề.
Một phần nguyên nhân đến từ chính các doanh nghiệp logistics khi vẫn còn yếu kém về nhiều mặt, thiếu môi trường cạnh tranh. Tất cả những vấn đề này gây nên hệ lụy là các doanh nghiệp chậm lớn.
Việt Nam cần cắt giảm chi phí logistics, đặc biệt khi Việt Nam tăng cường tham gia vào các hiệp định thương mại tự do. Với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hiện nay trên 420 tỷ USD và còn tăng nhanh hơn nữa, nền kinh tế cũng đang tăng trưởng khá nhanh sẽ tạo ra không gian phát triển và điều kiện để xây dựng một hệ thống logistics hiện đại, đưa Việt Nam trở thành trung tâm logistics.
Ông Trương Quốc Thắng - Cty VN Projects
+ Vậy theo anh, để vượt qua những thách thức ấy, các doanh nghiệp logistics Việt Nam sẽ phải làm gì?
- Theo tôi, có 5 vấn đề các doanh nghiệp cần quan tâm: 1 - Mua CIF và bán FOB. Không nắm được quyền vận tải mà trên 90% quyền này rơi vào tay các công ty nước ngoài. Phần lớn các công ty Việt Nam sẽ làm nhà thầu phụ lại với lợi nhuận ít hơn rất nhiều; 2- Kỳ vọng của khách hàng ngày càng tăng; 3 - Thách thức từ cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0; 4 - Sự cạnh tranh khốc liệt của thị trường; 5 - Thách thức trong tìm kiếm đối tác hợp tác.
Chúng ta có thể dễ dàng thấy rằng, khách hàng luôn muốn làm thế nào cắt giảm chi phí vận tải nhưng đạt hiệu quả cao nhất, đòi hỏi dịch vụ thật sự linh hoạt.
Các công ty logistics cần hợp tác với các công ty công nghệ để áp dụng các giải pháp mới. Ví dụ như kinh tế chia sẻ, e-logistics, Trí tuệ nhân tạo (AI), Vận vật kết nối (IoT), Người máy (ROBOT và COBOT), Xử lý dữ liệu lớn (big data), điện toán đám mây…
Các công nghệ như robot kho và tự động lái xe đang cố gắng thay thế các quy trình không đòi hỏi phải vận hành và quyết định bởi sức lao động của con người. Mục đích là sự cân bằng hoàn hảo giữa tự động hóa và cơ giới hóa.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chứng kiến lễ ký kết hợp tác giữa ông Trương Quốc Thắng - Cty VN Projects và ông Ludo Sarens – Chủ tịch Tập đoàn Sarens (Bỉ).
+ Cơ hội nào cho Logistics Việt Nam trong Cách mạng Công nghiệp 4.0, thưa anh?
- Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, công nghệ là yếu tố sống còn đối với một doanh nghiệp logistics, có tác động toàn diện tới mọi lĩnh vực như cơ cấu ngành nghề, cung - cầu của thị trường lao động, hệ thống quản trị sản xuất... Quản trị logistics và chuỗi cung ứng cũng không nằm ngoài sự tác động này.
Trong đó chú ý đến xu hướng robotics & automatics Công nghệ này sẽ giúp giảm thiểu tối đa các lỗi phát sinh trong quy trình logistics và nâng cao năng suất lao động lên một tầm mới. Khái niệm “cobot” – collobarative robot (Robot cộng tác với con người) ra đời giúp giải phóng sức lao động của con người khỏi các công việc mang tính thủ công, từ đó cải thiện hiệu suất làm việc thông qua tự động hóa. Cùng với đó mạng lưới vạn vật kết nối Internet (IOT): Theo Gartner, ước tính đến năm 2020, sẽ có hơn 50 tỷ đồ vật được kết nối với Internet, mang lại cơ hội lớn trị giá 1,9 nghìn tỷ đô la cho logistics. Như vậy, IoT sẽ giải quyết được nhiều bài toán ứng dụng trong các khâu thuộc quy trình logistics.
Theo tôi, mặc dù Việt Nam có xuất phát điểm thấp trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, tuy nhiên Việt Nam vẫn có nhiều tiềm năng trong tương lai để cạnh tranh trong ngành logistics.
+ Anh đã xây dựng Công ty VN Projects như thế nào để phù hợp với xu thế phát triển chung?
- Công ty ra đời sau những chủ trương về khởi nghiệp của Chính phủ, chúng tôi muốn hướng đến một mô hình logistics hoàn thiện đảm bảo được các yêu cầu theo thông lệ quốc tế cũng như pháp luật Việt Nam. Hiện nay tại Việt Nam, công ty chúng tôi tập trung 2 cảng lớn là TP. HCM, Hải Phòng và một số nước trong khu vực. Chúng tôi đã đặt quan hệ với nhiều đối tác trên khắp thế giới với mục tiêu hỗ trợ cho các doanh nghiệp Việt Nam với dịch vụ logistics có chi phí thấp nhất nhưng hiệu quả cao.
+ Xin cảm ơn anh về cuộc trao đổi thú vị này!
Mai Phúc (Thực hiện)