Việt Nam điều hành tỷ giá nhất quán, không nhằm tạo lợi thế thương mại

Thứ năm, 24/12/2020 09:34 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Nhiều ý kiến khẳng định rằng, việc điều hành tỷ giá những năm qua của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong khuôn khổ chính sách tiền tệ chung nhằm thực hiện mục tiêu nhất quán là kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, không nhằm tạo lợi thế cạnh tranh thương mại quốc tế không công bằng.

1. Ngày 16/12/2020, Bộ Tài chính Hoa Kỳ (BTC Hoa Kỳ) đã ban hành Báo cáo về “Chính sách kinh tế vĩ mô và ngoại hối của các đối tác thương mại lớn của Hoa Kỳ”.

Tại Báo cáo này, BTC Hoa Kỳ xem xét các đối tác thương mại đáp ứng các tiêu chí: 1. Thặng dư thương mại hàng hóa song phương với Hoa Kỳ ít nhất 20 tỷ USD; 2.Thặng dư cán cân vãng lai tương đương ít nhất 2% GDP; 3.Can thiệp một chiều và kéo dài trên thị trường ngoại tệ, thể hiện qua việc mua ròng ngoại tệ trong ít nhất 6 tháng trên giai đoạn 12 tháng với tổng lượng ngoại tệ mua ròng tương đương ít nhất 2% GDP trong giai đoạn 12 tháng.

Trên cơ sở đó, BTC Hoa Kỳ đã đưa vào danh sách giám sát gồm 10 nền kinh tế: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức, Ý, Singapore, Maylaysia, Đài Loan, Thái Lan và Ấn Độ. BTC Hoa Kỳ đánh giá Việt Nam cùng với Thuỵ Sỹ đáp ứng 3 tiêu chí nêu trên và xác định là thao túng tiền tệ theo Đạo luật Cạnh tranh và thương mại quốc tế Omnibus năm 1988.

Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, và Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 16 của Mỹ. Ảnh:TL

Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, và Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 16 của Mỹ. Ảnh:TL

2. Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu khẳng định, Việt Nam không thao túng tiền tệ! Cách mà Bộ Tài chính Hoa Kỳ áp đặt 3 tiêu chí đưa Việt Nam vào danh sách các nước thao túng tiền tệ “đó là họ dựa trên ý chí chủ quan của họ”.

Bởi, “tại sao thặng dư thương mại hàng hóa song phương với Mỹ là ít nhất 20 tỷ USD mà không phải là 40 tỷ USD hay 50 tỷ USD? Tại sao thặng dư cán cân vãng lai phải tương đương ít nhất 2% GDP mà không phải là 4% hay 5%? Với tiêu chí thứ 3, tại sao không phải là 4% GDP mà cứ phải là 2%; tại sao không phải là quan sát 24 tháng mà chỉ quan sát trong vòng 12 tháng với mua ròng ngoại tệ 6 tháng liên tục?...”, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu đặt câu hỏi.

Một trong ba điều kiện để phá giá là cần có quỹ dự trữ ngoại tệ đủ lớn. Bởi khi tiến hành phá giá, thị trường sẽ có xu hướng tích trữ ngoại tệ nhằm đảm bảo an toàn tài sản. Một quỹ dự trữ đủ lớn sẽ can thiệp kịp thời, đảm bảo duy trì tỷ giá đúng kế hoạch, tránh phá giá quá mức, gây bất ổn kinh tế.

Thực tế cho thấy, xét về nguồn dự trữ ngoại hối của Việt Nam, lâu nay vẫn ở mức thấp so với các nước trong khu vực. Tính tới cuối năm 2019, dự trữ ngoại hối của Việt Nam chỉ ở mức tương đương 3,5 tháng nhập khẩu, thấp hơn nhiều so với mức 8 tháng nhập khẩu của Philippines, 9 tháng của Thái Lan và 14 tháng của Trung Quốc (theo dữ liệu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế- IMF).

Ngoài ra, một số chuyên gia cũng chỉ ra rằng, về mức ngang giá tiền tệ của VND với USD, trên thực tế, trong suốt những năm gần đây, lạm phát bình quân của Việt Nam là 4%, có năm lên 5%. Còn tỷ giá vẫn giữ mức tăng 1%-1,5%, có năm lên 2%, so với lạm phát, cho thấy rõ tỷ giá vẫn tăng thấp hơn.

Kể từ năm 2016 đến nay, NHNN đã thực hiện cơ chế điều hành tỷ giá theo biến động của rổ tiền tệ các nước có quan hệ kinh tế lớn với Việt Nam. Chính sách điều hành tỷ giá chủ động, linh hoạt cùng với chính sách tài khóa thận trọng (kiểm soát nợ công và thâm hụt ngân sách) đã giúp ổn định kinh tế vĩ mô của Việt Nam trong giai đoạn 2016- 2020.

TS Cấn Văn Lực và các cộng sự đã tính toán, thực tế trong 3 năm (2017-2019), giá trị thực của VND tăng khoảng 2,6%. Ở đây, cán cân thương mại Việt - Mỹ có thể bị tác động tiêu cực do đồng VND tăng giá so với USD trong 3 năm (2017-2019), chứ không hẳn là tạo lợi thế xuất khẩu cho Việt Nam.

“Vì vậy, việc Bộ Tài chính Mỹ khẳng định đồng VND bị định giá thấp có tạo ra lợi thế xuất khẩu cho Việt Nam cần phải được xem xét kỹ lưỡng và chính xác hơn”, TS Cấn Văn Lực nêu rõ.

Ngân hàng Nhà nước cũng khẳng định, việc mua ngoại tệ can thiệp thời gian qua nhằm đảm bảo hoạt động thông suốt của thị trường ngoại tệ trong bối cảnh nguồn cung ngoại tệ dồi dào, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, đồng thời tăng dự trữ ngoại hối (vốn ở mức thấp) so với các nước trong khu vực để tăng cường an ninh tài chính, tiền tệ quốc gia, chứ không phải là tạo lợi thế thương mại.

Cùng quan điểm, TS. Cấn Văn Lực và Nhóm chuyên gia Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV cho rằng việc điều hành tỷ giá những năm qua của Ngân hàng Nhà nước trong khuôn khổ chính sách tiền tệ chung nhằm thực hiện mục tiêu nhất quán là kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, không nhằm tạo lợi thế cạnh tranh thương mại quốc tế không công bằng.

3. Điều gì xảy ra nếu Việt Nam nằm trong danh sách “thao túng tiền tệ”? Các chuyên gia đã dự báo danh sách hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam sẽ phải chịu thuế bổ sung 25%, gồm thủy sản, đồ gỗ, thép, lốp xe tải...

Điều này đồng nghĩa với việc ảnh hưởng tới khoảng 3.7% tổng kim ngạch, tương đương 10,3 tỷ USD kinh ngạch xuất khẩu. Việc áp thuế bổ sung sẽ gây ảnh hưởng lớn tới môi trường đầu tư của Việt Nam, trong bối cảnh các dòng vốn đầu tư trực tiếp vào Việt Nam đang thuận lợi bởi những nỗ lực đưa uy tín Việt Nam lên bản đồ thế giới trong phòng chống dịch Covid-19.

Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu lo ngại, nếu Việt Nam chịu thuế bổ sung thì người nông dân, những nhà sản xuất hàng tiêu dùng sẽ chịu thiệt hại lớn. Bởi mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ chủ yếu là nông sản, dệt may, đồ gỗ, da giày...Và có thể sẽ diễn ra sự dịch chuyển dòng vốn đầu tư của một số tập đoàn đa quốc gia sang các quốc gia khác không bị chịu thuế bổ sung.

Theo Đạo luật xúc tiến và tăng cường thương mại năm 2015, Bộ Tài chính Mỹ sẽ đệ trình báo cáo lên quốc hội Mỹ, tiến hành các cuộc thương lượng giữa cơ quan chức năng hai bên (Việt Nam và Mỹ) để thống nhất và thực hiện các giải pháp chung nhằm cân bằng hơn cán cân thương mại và một số yêu sách cụ thể khác. Nếu hai bên không tìm được tiếng nói chung, phía Mỹ mới có thể tìm đến các biện pháp cứng rắn hơn.

Việt Nam cần làm gì? Các chuyên gia cho rằng, Việt Nam không thể chủ quan mà cần có kịch bản ứng phó.

Theo chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu, Việt Nam cần điều chỉnh cán cân thương mại Việt- Mỹ, cần nhập khẩu nhiều hơn sản phẩm của Mỹ trong thời gian tới.

TS. Cấn Văn Lực và các cộng sự cũng đề xuất, cần đẩy nhanh tiến độ cân bằng hơn cán cân thương mại với Mỹ do vấn đề cốt lõi mà Mỹ quan tâm là vấn đề giảm thâm hụt thương mại với các nước (trong đó có Việt Nam) hơn chỉ là vấn đề tiền tệ thuần túy. Theo đó, Việt Nam cần tăng cường nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ từ Mỹ, đặc biệt là nông sản, sản phẩm năng lượng, vận tải, máy móc, thiết bị công nghệ cao, thiết bị y tế, vaccine phòng chống Covid-19 v.v...

Các cơ quan chức năng, địa phương cần tăng cường, quyết liệt, phối hợp nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý, kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi đội lốt thương mại, đội lốt đầu tư để lợi dụng những ưu đãi từ hợp tác Việt - Mỹ và các Hiệp định FTA khác cũng như hành vi trốn thuế; cần phối hợp chặt chẽ, đẩy nhanh tiến độ, giải quyết hiệu quả các vấn đề khác mà phía Mỹ quan tâm (như sở hữu trí tuệ, an ninh mạng, thanh toán điện tử…).

Cuối cùng, các cơ quan chức năng và doanh nghiệp cần chủ động xây dựng kịch bản ứng phó với các tình huống có thể xảy ra nhằm có giải pháp chủ động, linh hoạt và kịp thời, giảm thiểu tác động tiêu cực cũng như duy trì mối quan hệ kinh tế - thương mại ổn định và bền vững với Mỹ.

Tiến Vinh

Tin khác

Việt Nam quê hương ta đẹp lắm…

Việt Nam quê hương ta đẹp lắm…

(CLO) Trong những ngày này, cả nước đang hồ hởi, phấn khởi chào mừng kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024) và 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024).

Góc nhìn
Thế trận hậu cần nơi lòng chảo Điện Biên

Thế trận hậu cần nơi lòng chảo Điện Biên

(NB&CL) Khi Điện Biên Phủ, vùng rừng núi hiểm trở cách xa hậu phương 600 đến 700 km, trở thành nơi quyết chiến chiến lược của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1945 - 1954), Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nhận định: “Trên mặt trận Điện Biên Phủ, vấn đề bảo đảm cung cấp lương thực, đạn dược là nhân tố vô cùng quan trọng, quan trọng không kém các vấn đề chiến thuật, khó khăn về cung cấp lương thực không kém khó khăn về tác chiến”.

Góc nhìn
Kỳ 4: Ráo riết chuẩn bị cho trận đánh lớn

Kỳ 4: Ráo riết chuẩn bị cho trận đánh lớn

(NB&CL) Ngay sau khi Chiến dịch Điện Biên Phủ được khai mở, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ thị: “Chiến dịch này là một chiến dịch quan trọng không những về quân sự mà cả về chính trị, không những đối với trong nước mà đối với quốc tế. Vì vậy toàn quân, toàn dân, toàn Đảng phải tập trung hoàn thành cho kỳ được”. Thực hiện chỉ thị của Người, ngay từ cuối năm 1953, công tác chuẩn bị cho chiến dịch được ráo riết tiến hành với quyết tâm cao độ và tinh thần: “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”.

Góc nhìn
Phát triển du lịch xanh: Không phải cứ nói suông là được!

Phát triển du lịch xanh: Không phải cứ nói suông là được!

(NB&CL) Tại Việt Nam, du lịch xanh đang dần hình thành và phát triển ở nhiều địa phương. Giới chuyên gia nhận định trong thời gian tới, du lịch xanh không chỉ đóng vai trò to lớn trong bảo vệ đa dạng sinh học và văn hóa cộng đồng mà còn đóng góp tích cực cho sự phát triển bền vững ở Việt Nam. Tuy nhiên, “Diễn đàn Du lịch Việt Nam - Chuyển đổi Xanh để phát triển bền vững” nằm trong khuôn khổ Hội chợ Du lịch Quốc tế Việt Nam VITM Hà Nội 2024 đã khẳng định: Chuyển đổi du lịch xanh không chỉ là vấn đề phủ xanh không gian du lịch, bảo vệ môi trường sinh thái mà cần có sự đổi mới tư duy của những người làm du lịch, ứng xử đúng mực với thiên nhiên.

Góc nhìn
Lại chuyện đặt tên phố, tên làng!

Lại chuyện đặt tên phố, tên làng!

(CLO) Một đôi vợ chồng trẻ chuẩn bị sinh con đầu lòng, nghĩ nát óc cả dăm bảy tháng để đặt tên cô con gái rượu sắp ra đời.

Góc nhìn