(NB&CL) - Trước đây, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam từng bị áp thuế chống bán phá giá. Trong trường hợp đó, doanh nghiệp bị động “chịu trận”. Song nay tình thế đã thay đổi. Việt Nam đã chủ động điều tra chống bán phá giá với sản phẩm thép không gỉ cán nguội dạng cuộn hoặc dạng tấm. Đây là lần đầu tiên Việt Nam điều tra chống bán phá giá với một sản phẩm tại nhiều quốc gia: Trung Quốc, Đài Loan, Malaysia, Indonesia.
Sản phẩm thép không gỉ tại Việt Nam.
Tiền lệ nhờ sự dũng cảm của doanh nghiệp
Nguyên đơn trong vụ kiện này là Công ty TNHH POSCO VST và Công ty cổ phần Inox Hòa Bình. Sản lượng thép của hai doanh nghiệp chiếm khoảng hơn 80% toàn ngành sản xuất trong nước. Ngày 5/6/2013, hai doanh nghiệp này đã gửi hồ sơ đến Bộ Công thương yêu cầu điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với thép không gỉ cán nguội dạng cuộn hoặc dạng tấm. Theo đó, các sản phẩm này có dấu hiệu bán phá giá gây thiệt hại cho doanh nghiệp.
Sau khi điều tra các doanh nghiệp nhập khẩu và các doanh nghiệp sản xuất nước ngoài tại bốn quốc gia nên trên, cơ quan điều tra khẳng định, hàng hóa thuộc diện bán phá giá gây thiệt hại cho ngành sản xuất trong nước. Biên độ bán phá giá từ 3,07% đến 37,29%. Biên độ chênh lệch giá bình quân tại các quốc gia lần lượt là: Trung Quốc 10,8%; Đài Loan 9,3%; Malaysia 3,3% và Indonesia 4,3%. Vì vậy, thiệt hại bình quân lần lượt theo đó là: 31,0%; 16,7%; 16,9% và 36,5%. Ngày 13/8/2014 Hội đồng xử lý vụ việc chống bán phá giá đã đi đến quyết định áp thuế chống bán phá giá cho sản phẩm thép không gỉ cán nguội thuộc bốn quốc gia trên với thời hạn áp thuế là 5 năm, có thể được gia hạn. Trong đó, mức thấp nhất là 3,07% áp cho doanh nghiệp ở Indonesia; cao nhất là 37,29% áp cho doanh nghiệp của Đài Loan. Ngày 5/9/2014, Bộ Công thương đã ban hành quyết định số 7896-BCT về việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá.
Những bài học
Như vậy là sau hơn 12 tháng điều tra, với khối lượng công việc rất lớn từ 4 nước, vụ kiện chống bán phá giá đầu tiên của Việt Nam đã thành công. Sự việc này đã cảnh tỉnh và trở thành tiền lệ cho các doanh nghiệp Việt Nam sử dụng công cụ phòng vệ thương mại để tự vệ trước các hàng hóa cạnh tranh từ nước ngoài. Qua đó cũng khẳng định sự trưởng thành của đội ngũ điều tra trong nước. Đồng thời, củng cố hệ thống pháp luật về chống bán phá giá Việt Nam. Việc áp thuế chống bán phá giá thành công đã bảo vệ lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp, tạo môi trường cạnh tranh công bằng để sản xuất trong nước phát triển và đem lại nguồn thuế đáng kể cho Nhà nước.
Theo Luật sư Phạm Lê Vinh, từ vụ việc này doanh nghiệp có thể rút ra các bài học để khởi kiện chống bán phá giá. Khi thấy các dấu hiệu đặc trưng như suy yếu sức khỏe của doanh nghiệp sản xuất và của ngành sản xuất trong nước. Đồng thời chứng minh các yếu tố hợp pháp về tư cách khởi kiện, biên độ phá giá, xác định sơ bộ thiệt hại. Trong quá trình điều tra, phối hợp chặt chẽ với cơ quan điều tra. Mặt khác, cần xây dựng mối quan hệ với các nhà sản xuất trong nước. Quan hệ tốt với các cơ quan truyền thông. Xây dựng hệ thống, quy trình làm việc, kế toán. Tin tưởng hợp tác và sử dụng tư vấn một cách có hiệu quả.
Vụ việc này là một cú huých cho doanh nghiệp. Trong bối cảnh hội nhập thương mại hàng hóa, cần có những công cụ bảo vệ hợp pháp. Tuy nhiên, doanh nghiệp trong nước cũng phải sẵn sàng cho các cuộc chơi cao hơn.