Vinamilk: 40 năm phát triển & tỏa sáng

Thứ bảy, 30/12/2017 18:00 PM - 0 Trả lời

(NB&CL) Trong bối cảnh nền kinh tế hội nhập ngày càng sâu và rộng, đã có hàng chục thương hiệu do người Việt làm ra, do người Việt xây dựng bây giờ đang dần lụi tàn và rơi vào quên lãng, niềm tự hào ấy chỉ còn là ký ức của hôm qua. Tuy nhiên, có một doanh nghiệp đã vượt qua “cơn hạn” đó để vận động theo sự đổi mới của nền kinh tế, sự hội nhập quốc tế, theo dòng chảy mới về tài chính... đó là Vinamilk, một thương hiệu với hơn 40 năm phát triển và tỏa sáng.

Đã có lúc tưởng như phá sản

Cũng giống như những thương hiệu Việt được coi là vàng son vào nhiều năm về trước, như diêm Thống Nhất, Xe đạp Thống Nhất, cơ khí Thăng Long… Những lon sữa đặc Ông Thọ do Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk) sản xuất một thời được coi là hàng xa xỉ phẩm. Hộp sữa đặc phân phối theo tiêu chuẩn, dù vỏ lon khi đến tay người tiêu dùng nhiều lon bao bì đã ố vàng nhưng vẫn là niềm ao ước của biết bao người.

Đấy cũng là những nấc thang đầu tiên trong cuộc hành trình của sản phẩm sữa đặc sau giải phóng, khi Vinamilk tiếp quản 3 nhà máy tại miền Nam gồm nhà máy Thống Nhất, nhà máy Trường Thọ và nhà máy Dielac. Nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, thiết bị công nghệ cũ kỹ, không có nguồn ngoại tệ nhập khẩu nguyện liệu nên doanh nghiệp hoàn toàn thụ động trong sản xuất. Các nhà máy chỉ chạy chưa tới 1/20 công suất, sản xuất cầm chừng vài nghìn lon sữa mỗi tháng.

Để giải quyết khó khăn, lãnh đạo Vinamilk chủ động liên doanh liên kết với các doanh nghiệp xuất nhập khẩu có ngoại tệ mạnh, đặc biệt là Seaprodex. Song song đó, công ty cho ra mắt nhãn hiệu sữa đặc Ông Thọ. Đây là dòng sản phẩm cao cấp, bán tại các cửa hàng Cosevina và Imexco nhằm xuất khẩu tại chỗ lấy ngoại tệ nhập nguyên liệu. Kết quả, từ vài trăm triệu đồng ban đầu, công ty đã nâng vốn tự có lên 20 tỷ đồng vào năm 1987, gia tăng sản lượng, doanh thu vượt kế hoạch.

Thành công vừa mới đạt lại vụt mất vào đầu những năm 1990. Do cấm vận kinh tế nên Vinamilk không nhập được phụ tùng thay thế phục vụ sản xuất, bị động nguồn nguyên liệu. Kỹ sư và công nhân đã cùng nhau vượt khó bằng cách tự thiết kế hình Ông Thọ dập nổi, sáng tạo gia công khuôn nắp lon sữa, tận dụng phế liệu chiến tranh như xác xe tăng, nòng pháo...

“Chúng tôi “mù” thông tin về giá cả thị trường thế giới, trong khi nguyên liệu lại nhập khẩu hoàn toàn, không giao lưu trao đổi với bên ngoài, bị động nguồn vốn ngoại tệ mạnh. Làm sao có thể giảm giá mua, từ đó giảm giá thành sản phẩm là bài toán khó”, bà Mai Kiều Liên, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam chia sẻ.

Báo Công luận
Bà Nguyễn Minh Tâm – Giám đốc Chi nhánh Vinamilk tại Hà Nội trao quà cho các hộ dân gặp khó khăn. 
Từ những năm 1990, Vinamilk tìm hiểu và ký hợp đồng tại các nước sở tại và mua trực tiếp nguồn nguyên liệu bột sữa, dầu bơ…, với giá rẻ hơn vài trăm USD mỗi tấn so với giá nhập qua các công ty xuất nhập khẩu. Nhờ vậy, giá thành sản phẩm giảm, cạnh tranh với hàng ngoại nhập. Mặt khác, Vinamilk đã lên kế hoạch phát triển hệ thống trang trại bò sữa trong nước nhằm từng bước tự chủ nguồn nguyên liệu.

Sau khi cấm vận kinh tế được bãi bỏ, Vinamilk bước sang giai đoạn phát triển mới. Mô hình liên kết với người nông dân mở rộng vùng chăn nuôi, đồng thời tự mình hình thành các trang trại chăn nuôi bò sữa từ Bắc chí Nam giúp tổng đàn từ 3.000 con năm 1991 đã vượt lên trên 120.000 con năm 2016, cho sản lượng sữa 200.000 tấn một năm.

“Đây là bước ngoặt quan trọng. Nhờ vậy, Vinamilk chủ động nguồn nguyên liệu sữa cho sản xuất. Chiến lược kết hợp hiện đại hóa máy móc thiết bị, công nghệ tiên tiến hàng đầu thế giới cùng vùng nguyên liệu từ 1991-2003 đã giúp công ty chiếm đến 75% thị phần sữa đặc”, bà Liên kể.

Qua 40 năm, Vinamilk từ một đơn vị kinh doanh èo uột khi mới thành lập, có lúc thua lỗ, rơi vào khủng hoảng vì thiếu nguyên liệu, tài chính, hiện đã chiếm thị phần áp đảo ở phân khúc sữa nước. Các sản phẩm có mặt 43 quốc gia trên thế giới, đóng góp lớn vào tổng doanh thu hàng năm.

 

Vươn tầm thế giới

Chuyến xuất ngoại của Vinamilk bắt đầu từ gần 20 năm trước, 300 tấn sản phẩm sữa bột và 2.000 tấn sữa béo nguyên kem vận chuyển thành công sang Iraq vào năm 1998 là phát pháo mở đường cho các sản phẩm Vinamilk hiện diện tại 43 quốc gia.

“Đây là hợp đồng xuất khẩu đầu tiên, chúng tôi đã vui đến mất ăn mất ngủ”, Tổng giám đốc Mai Kiều Liên nhớ lại giai đoạn cùng cộng sự làm nên một trong những cột mốc quan trọng của doanh nghiệp. Sau này, khi đã có kinh nghiệm làm ăn với đối tác nước ngoài, Vinamilk không chỉ dừng lại ở việc xuất khẩu, mà trở thành cổ đông của nhiều công ty sữa ở các châu lục.

Một trong những thương vụ đưa tên tuổi hãng sữa Việt đi xa hơn kỳ vọng phải kể đến New Zealand - điểm dừng chân đầu tiên trên hành trình “đem chuông đi đánh xứ người”. Để hiện diện tại quốc gia này, năm 2010, Vinamilk góp 12,5 triệu NZD (tương đương 19,3% cổ phần) xây nhà máy sữa bột Miraka chuyên sản xuất bột sữa nguyên kem có công suất 32.000 tấn một năm. Đến 2013, Vinamilk đã tăng vốn góp lên 19,68 triệu NZD (tương đương 22,81%). Đây cũng là cơ sở chuyên thu mua sữa tươi từ nông dân, tạo nên sản phẩm chất lượng cao để xuất sang nhiều thị trường quốc tế.

3 năm sau, nhãn hàng sữa tươi tiệt trùng mới Twin Cows của Vinamilk sản xuất ở New Zealand chính thức ra mắt thị trường Việt Nam - một động thái được cho là khá bất ngờ với các nhà đầu tư cũng như người tiêu dùng trong nước khi đó.

Cũng trong năm 2013, doanh nghiệp chi tiếp 7 triệu USD mua 70% cổ phần Driftwood, đồng nghĩa với việc trở thành cổ đông hiện hữu của nhà cung cấp sữa học đường lớn nhất khu vực Nam California, Hoa Kỳ. Tham vọng thâu tóm doanh nghiệp nhanh chóng hoàn tất khi Vinamilk bỏ thêm 3 triệu USD, nâng tổng vốn đầu tư lên 10 triệu USD và đạt tỷ lệ sở hữu 100% Driftwood vào năm 2016.

Báo Công luận
Bác sĩ từ Trung tâm tư vấn dinh dưỡng tới khám và tư vấn cho các em học sinh và thầy cô giáo trường Tiểu học Nam Phương Tiến A. 
Bà Mai Kiều Liên cho biết động thái này nằm trong kế hoạch tăng doanh thu lên 44.500 tỷ đồng vào 2016. Chiến lược mua bán và sáp nhập trong thời gian tới sẽ được đẩy mạnh, nhất là những đơn vị có nhiều sản phẩm mới, tốt, công nghệ hiện đại.

Tại Mỹ, Vinamilk tập trung quảng bá và mở rộng nhãn hiệu Driftwood. Kết quả mỗi năm, công ty con tại Mỹ đóng góp vào doanh thu của Vinamilk khoảng 2.000 tỷ đồng.

Đạt những thành công nhất định khi chinh phục người tiêu dùng Âu, Mỹ nhưng Vinamilk lại tiến những bước chậm rãi với thị trường ở ngay cạnh mình - Campuchia. Cuối tháng 5 vừa qua, nhà máy sữa Angkor Milk tại Phnompenh mới khánh thành. Tọa lạc trong Đặc khu kinh tế Phnom Penh, với tổng diện tích gần 30.000m2, đây là nhà máy sản xuất sữa 23 triệu USD đầu tiên và duy nhất tại Campuchia thời điểm này.

Theo bà Liên, Campuchia là thị trường tiềm năng, có dân số trẻ và nhu cầu sử dụng sữa cũng như sản phẩm sữa tăng dần theo thời gian cùng chính sách thu hút đầu tư nước ngoài khá tốt. “Angkormilk vừa mới khánh thành nên còn khá sớm để đánh giá thành công của dự án, nhưng nhà máy sẽ là cơ sở vững chắc để công ty phát triển tại thị trường Campuchia”, bà kỳ vọng.

Ngoài New Zealand, Mỹ, Campuchia, hiện Vinamilk đang triển khai một dự án tại Ba Lan với mức đầu tư hơn 3 triệu USD chuyên bán buôn nguyên liệu nông nghiệp cũng như bán buôn bán lẻ sữa, các chế phẩm từ sữa...

Ngoài 3 nhà máy tại nước ngoài, hiện Vinamilk có 13 nhà máy trong nước, trong đó đáng kể 2 siêu nhà máy sản xuất trị giá gần 5.000 tỷ đồng bằng vốn tự có tại tỉnh Bình Dương. Năm qua, công ty đã sản xuất và đưa ra thị trường gần 6 tỷ sản phẩm sữa các loại phục vụ cho người tiêu dùng cả nước, tổng doanh thu gần 40.222 tỷ đồng và hướng đến mục tiêu doanh số khoảng 3 tỷ USD và đứng vào top 50 công ty sữa lớn nhất thế giới trong vài năm tới.❏

 

Trâm Anh

Tin khác

ROX Group: Khi sức sống thương hiệu đến từ nền tảng văn hóa

ROX Group: Khi sức sống thương hiệu đến từ nền tảng văn hóa

(NB&CL) Lịch sử gần ba thập kỷ phát triển đã giúp ROX Group (tiền thân là TNG Holdings Vietnam) trang bị cho thương hiệu bản sắc văn hóa và sức bật nội tại. Ban lãnh đạo Tập đoàn vững tin rằng nền tảng văn hóa mang lại sức sống và sinh khí mới cho thương hiệu ROX.

Thị trường - Doanh nghiệp
Năm 2024: Sacombank tăng tốc kinh doanh và chuyển đổi số, đặt mục tiêu tái cơ cấu thành công trước hạn

Năm 2024: Sacombank tăng tốc kinh doanh và chuyển đổi số, đặt mục tiêu tái cơ cấu thành công trước hạn

(CLO) Ngày 26/4/2024, Đại hội đồng cổ đông Sacombank đã họp thường niên, thông qua kết quả năm 2023 và kế hoạch năm 2024 với mục tiêu “Tăng tốc hoạt động kinh doanh, nâng cao hiệu quả trên nền tảng số” cùng với kỳ vọng tái cơ cấu thành công trước thời hạn.

Thị trường - Doanh nghiệp
Vietbank báo cáo hoàn thành tăng vốn điều lệ và thông qua kế hoạch chia cổ tức 25%

Vietbank báo cáo hoàn thành tăng vốn điều lệ và thông qua kế hoạch chia cổ tức 25%

(CLO) Ngày 26/4/2024, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín (Vietbank - VBB) tổ chức thành công Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên bằng hình thức trực tuyến. Năm 2024, Vietbank hướng đến mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận trước thuế đạt 29% và kiểm soát nợ xấu ở mức dưới hoặc bằng 2,5%.

Thị trường - Doanh nghiệp
Gạo Việt Nam tiếp thục 'thăng hạng', xuất khẩu 3 tháng đạt 1,43 tỷ USD

Gạo Việt Nam tiếp thục "thăng hạng", xuất khẩu 3 tháng đạt 1,43 tỷ USD

(CLO) Quý I/2024, xuất khẩu gạo của Viêt Nam tăng trưởng 2 con số ở cả về lượng, kim ngạch và giá bán, đồng thời tiếp tục chiếm lĩnh các thị trường trọng điểm.

Thị trường - Doanh nghiệp
UDIC lần thứ 6 được vinh danh Top 10 Nhà thầu xây dựng năm 2024

UDIC lần thứ 6 được vinh danh Top 10 Nhà thầu xây dựng năm 2024

(CLO) Việc UDIC được vinh danh Top 10 Nhà thầu xây dựng năm 2024, tiếp tục khẳng định sự nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, đẩy mạnh tái cơ cấu, ứng dụng công nghệ vào sản xuất, kinh doanh nhằm nâng cao nội lực, biến thách thức thành cơ hội...

Thị trường - Doanh nghiệp