(CLO) Có nhiều người thường đổ lỗi cho việc tin tức giả tràn ngập Facebook và các trang mạng xã hội khác đã làm nên chiến thắng bất ngờ của ông Trump hôm 8/11 vừa qua. Tuy nhiên, trên thực tế, việc tin tức có thể hoàn toàn thay đổi cục diện cuộc bầu cử lớn là không hoàn toàn đúng. Nhưng điều quan trọng là cách nhìn nhận của độc giả cũng như chính các mạng xã hội về tin tức giả vốn đang được xem là vấn nạn nóng bỏng cùa thời đại công nghệ.
Trước hết, chúng ta cần phải định nghĩa lại việc thế nào là tin tức giả. Đó không phải là những lời nói châm chọc, những góc nhìn biếm hoạ, đôi khi mang tính tiêu cực của vấn đề. Tin tức giả xuất hiện với mục đích thay thế hoàn toàn tin tức thật, làm lung lay ý trí của độc giả, góc nhìn nhận của họ, thuyết phục họ tin vào những điều không có thật, những thuyết âm mưu vốn chưa từng có. Tin tức càng kỳ quái lại càng thuyết phục.
Trong một cuộc điều tra của tờ The New York Times, những tin tức giả này bắt nguồn từ Eric Tucker, một doanh nhân làm việc tại Austin đăng tải một bức ảnh những chiếc xe bus mà ông này khẳng định được dùng để chở những người nhận tiền để phản đối Trump tại các cuộc vận động. Ngay lập tức bức Facebook và Twitter gần như bùng nổ vì sự kiện trên. Ngay hôm sau, ông Trump cũng đăng tải đoạn Tweet về "những nhà vận động chuyên nghiệp, được kích thích bởi giới truyền thông".
Thế nhưng, sự thật là những chiếc xe bus đó được thuê bởi một công ty phần mềm cho một cuộc hội thảo. Được hỏi về việc tại sao ông không kiểm chứng thông tin trước khi đăng tải, ông Tucker hồn nhiên trả lời với tờ Times rằng "Tôi là một doanh nhân bận rộn, tôi không có thời gian đi kiểm chứng mọi thông tin tôi chia sẻ ngoài đó".
Dĩ nhiên, "citizen journalism" (hay tạm dịch là công dân làm báo) là một điều cực đáng hoan nghênh. Nhưng việc nó thiếu đi các quy chuẩn nghề nghiệp đang khiến cho những "độc giả" ngoài kia rơi vào mê cung.
Theo như một bản phân tích chuyên sâu của Buzzfeed thì trong 3 tháng cuối của cuộc bầu cử, "20 tin tức giả hàng đầu có tới 8,711,000 lượt chia sẻ, thích và bình luận trên Facebook".
Điều này là cao hơn nhiều so với con số 7,367,000 lượt tương tác đối với 20 tin tức hàng đầu về bầu cử từ 19 tờ báo hàng đầu bao gồm The New York Times, The Washington Post, Huffington Post, NBC News và các kênh truyền thông khác.
[caption id="attachment_135806" align="aligncenter" width="625"]
Graphic của Buzzfeed cho thấy lượng tương tác đối với tin tức giả tăng đột biến vào ba tháng cuối cuộc bầu cử.[/caption]
Những tin tức giả này bao gồm cả những tin tức "trên trời" như Giáo hoàng Francis ủng hộ Donald Trump, Hillary Clinton bán vũ khí cho IS, Clinton bị loại khỏi bầu cử hay như một điều tra viên của FBI liên quan tới scandal email của Clinton đã thiệt mạng.
Điều đáng chú ý ở đây là những tin tức giả hầu hết tập trung vào việc ủng hộ ông Trump hoặc chống lại bà Clinton. Đơn giản là những người "bán" tin tức giả với mục đích nhận được tiền quảng cáo tìm thấy một "thị trường tiềm năng" hơn đối với những câu chuyện như vậy.
Chúng ta không ở đây để bàn về ảnh hưởng của tin tức giả tới cuộc bầu cử mà chỉ là đơn thuần đề cập tới cách thức mà người dân nhận thức được thông tin, cách họ giám định nguồn tin và đánh giá mức độ tin tưởng của tin tức đó. Nếu như không thể phân biệt được độ thật giả, những tin tức này có thể, và nhiều khả năng sẽ gây nên ảnh hưởng nặng nề tới cộng đồng và xã hội.
Facebook chắc chắn đóng một "vai trò" đáng kể trong việc này. Theo như thuật toán của mạng xã hội này thì người dùng sẽ nhiều khả năng xem những tin tức tương tự như dạng tin mà họ đã xem trước đó. Vậy chỉ cần một lần ấn vào một tin tức giả, người dùng sẽ liên tục nhận được những tin tức giả trên News Feed của mình, và dĩ nhiên, họ sẽ không có khả năng nhìn vấn đề dưới nhiều góc độ khác nhau mà các báo có thể đưa ra.
[caption id="attachment_135804" align="aligncenter" width="960"]
Những tin tức giả như thế này xuất hiện trên Google không phải là hiếm.[/caption]
Còn một điều mà chúng ta cần phải cảnh báo. Những người đọc tin tức hiện nay đơn thuần đọc, nhưng tin vào những gì họ muốn tin. Vậy đối với họ, tin tức thật phải chăng là những tin tức ủng hộ góc nhìn của họ, phải vậy chăng?
Tổng thống Obama đã từng nói như thế này:" Nếu chúng ta không thể phân biệt được đâu là lập luận chắc chắn và đâu là quảng cáo, vậy vấn đề nằm ở chúng ta".
Là những độc giả thông thái thời hiện đại, chúng ta có quá nhiều phương thức để có thể kiểm chứng thông tin. Ngoài việc đọc tin từ những tờ báo uy tín, chúng ta cũng cần có cái nhìn riêng đối với vấn đề, hoặc tốt hơn, đọc những bài báo khác về vấn đề đó. Hãy coi mạng internet như một quán cafe: Hãy lắng nghe những gì mọi người nói, nhưng hãy tự đưa ra quyết định cho bản thân.
Hãy đừng bị cuốn vào vòng xoáy tin tức trên Facebook.
Hoàng Việt