Điểm nhấn là 4 bộ phim tài liệu VTV Đặc biệt: Hồ Chí Minh - Bài ca tự do; Dấu ấn Bản Tuyên ngôn; Đường Kách mệnh - Ngọn đuốc thế kỷ và Nguyễn Ái Quốc - Ẩn số từ nước Pháp.
Tại Đại hội đại biểu toàn quốc Đảng xã hội Pháp lần thứ 18 ở thành phố Tua (nước Pháp) tháng 12/1920, đồng chí Nguyễn Ái Quốc trở thành một trong những người sáng lập Đảng Cộng sản Pháp. Ảnh: Tư liệu
Phim tài liệu “Hồ Chí Minh - Bài ca tự do” được xây dựng trên mạch cảm xúc là các ca khúc quốc tế nổi tiếng về Người. Đó là những ca khúc mà tác giả hầu hết cũng là các chiến sỹ cách mạng yêu chuộng hòa bình trên thế giới. Trong bộ phim này, một lần nữa khán giả truyền hình sẽ được nghe những giai điệu quen thuộc của “The ballad of Ho Chi Minh” (tác giả Ewan Maccoll), “Quyền sống trong hòa bình” (tác giả Victore Hara) cùng nhiều ca khúc quốc tế khác. Ngoài sức lan tỏa mãnh liệt của tư tưởng Hồ Chí Minh, khán giả truyền hình cũng thấy được tình cảm đặc biệt mà nhân dân quốc tế dành cho vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc Việt Nam.
Phim tài liệu “Dấu ấn Bản Tuyên ngôn” được thể hiện như một cuốn sách mà nếu đọc từ đầu tới trang cuối, khán giả sẽ hiểu sâu sắc ý nghĩa lớn lao mang tính lịch sử và giá trị thời đại, tầm cỡ quốc tế của Bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ngày 2/9/1945. Phim tài liệu “Dấu ấn Bản Tuyên ngôn” là một góc nhìn mới về Bản Tuyên ngôn độc lập quen thuộc với mỗi người dân Việt Nam. Phim có sự đan xen giữa hiện tại và quá khứ, được ghi hình ở trong nước và Venezuela - nơi người dân đặc biệt tôn kính Chủ tịch Hồ Chí Minh, tư tưởng cách mạng, bài học có giá trị thời đại của Người.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập tại quảng trường Ba Đình ngày 2/9/1945. Ảnh: Tư liệu
"Đường Kách mệnh - Ngọn đuốc thế kỷ" được bắt đầu bằng hành trình của người thanh niên 21 tuổi làm phụ bếp trên tàu buôn Đô đốc Latouche-Tréville của Pháp vào năm 1911. Cuộc sống thuỷ thủ với hành trình nghìn dặm xuyên qua nhiều lục địa đã giúp người thanh niên với khao khát cháy bỏng "đi khắp bóng cờ châu Mỹ, châu Phi - những vùng đất tự do, những trời nô lệ" được tận mắt thấy, chính tai nghe sự thật về sự thống khổ của nhân dân lao động. Người thanh niên ấy tới tận nước Pháp để thâm nhập nền văn minh bác ái của chính quốc, nơi đã sinh ra chế độ thực dân tàn bạo đang cai trị quê hương mình. Và cũng chính tại Pháp - người thanh niên quyết định dừng chân, đổi tên mình thành Ái Quốc để bắt đầu những cuộc đấu trí tuệ... để tìm ra con đường giải phóng dân tộc.
Bác Hồ làm việc trong vườn hoa Phủ Chủ tịch (1957). Ảnh: Tư liệu
“Nguyễn Ái Quốc - Ẩn số từ nước Pháp” là hành trình khám phá nhiều tài liệu và câu chuyện ít ai biết về Chủ tịch Hồ Chí Minh giai đoạn 1919-1923, tái hiện sống động thời kỳ hoạt động cách mạng ở Pháp của Người. Dáng vẻ, phong thái đến hành động của Người đều hiện lên chân thực qua những cảnh diễn xuất ấn tượng. Những cảnh tái hiện được đan xen, lồng ghép cùng nhiều thước phim tài liệu quý giá, giúp người xem dễ dàng hình dung, hiểu rõ hơn về hành trình bôn ba, hoạt động cách mạng của Nguyễn Ái Quốc ở Pháp...
Bên cạnh đó còn có các bộ phim tài liệu đặc sắc khác như: Nhớ mùa Thu năm ấy, Ký ức mùa Thu và Hồ Chí Minh - Đi ra từ nhân loại.
Hòa chung không khí chào mừng 73 năm ngày Quốc khánh 2/9, ngoài các bộ phim tài liệu kể trên, VTV cũng giới thiệu tới khán giả các chương trình giao lưu, ký sự, ca nhạc đặc sắc trên các kênh sóng VTV1, VTV3, VTV4, VTV8 và VTV9. Tiêu biểu như Chương trình giao lưu: Điển hình tiêu biểu học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; Ký sự: Trường Sơn huyền thoại; Hòa nhạc thính phòng: Điều còn mãi; Ca nhạc: Tổ quốc yêu thương; Tác phẩm mới: Cờ đỏ sao vàng./.
PV