Lễ hội âm nhạc tại Công viên nước Hồ Tây tối 16/9. Ảnh: Hà Phương
Toàn bộ các nạn nhân đều dương tính với ma tuý
Liên quan đến vụ 7 người tử vong tại Lễ hội âm nhạc “Du hành tới mặt trăng” tối 16/9, qua xác minh ban đầu, toàn bộ các nạn nhân trên đều dương tính với ma tuý.
Tại Công viên nước Hồ Tây, nơi diễn ra lễ hội âm nhạc, cơ quan công an cũng phát hiện nhiều "bóng cười", tinh thể trắng nghi là ma túy.
Theo BS. Nguyễn Trung Nguyên, Phụ trách Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai), tại đây đã tiếp nhận 2 bệnh nhân nam, trong đó một bệnh sinh năm 1991 (ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) và một bệnh nhân sinh năm 1994 (ở phố Láng Hạ, quận Đống Đa, Hà Nội). Hai bệnh nhân này nhập viện trong tình trạng nguy kịch, hô mê, suy thận, trụy tim mạch… Kết quả xét nghiệm bệnh phẩm cho thấy, hai bệnh nhân dương tính với ma túy tổng hợp và ma túy đá.
Theo các chuyên gia, ma túy tổng hợp rất độc hại cho người sử dụng do được sản xuất thủ công nên có nhiều tạp chất, dễ gây nhiễm độc. Hành động tụ tập vui chơi, lôi kéo nhau sử dụng ma túy tập thể, đặc biệt trong các môi trường kín gây bí bách, thiếu oxy, khiến việc sốc thuốc càng dễ xảy ra và nghiêm trọng hơn. |
Cũng theo bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, tình hình sử dụng ma túy ngày càng phức tạp, trong đó số ca tử vong chủ yếu do ma túy đá. Ngay cả thú chơi "bóng cười" của giới trẻ cũng gây ra những hiểm họa khôn lường.
Nếu trước đây bệnh nhân nhập viện vì ngộ độc do sử dụng ma túy chủ yếu là Heroin thì hiện số này đang giảm dần và chuyển sang ma túy tổng hợp như Amphetamin và các chất cùng loại, lá khát (khat), cần sa, ma túy dạng thấm (LSD).
Không chỉ ảnh hưởng cấp tính đến sức khỏe, gây hôn mê, co giật tức thời hay tự gây thương tích cho bản thân, ngộ độc cấp tính ma túy đá cũng gây ra biến chứng nguy hiểm tới sức khỏe như rối loạn nhịp tim, thiếu máu cơ tim, xuất huyết não, viêm cơ, suy thận, rối loạn tâm thần.
Điều trị nghiện ma túy tổng hợp là việc khó khăn, phức tạp, lâu dài, đòi hỏi triển khai đồng bộ các giải pháp y tế, tâm lý, xã hội, pháp luật nhưng kết quả vẫn rất hạn chế.
Theo Tổ chức Y tế thế giới, trong số 200 triệu người sử dụng ma túy trên toàn thế giới, có 35 triệu người sử dụng ma túy tổng hợp (ATS), nhiều hơn so với những người sử dụng cocaine và thuốc phiện cộng lại. Tại Việt Nam, ATS đã trở thành loại ma túy sử dụng phổ biến thứ hai sau heroin.
"Bóng cười" bày bán công khai tại nhạc hội "Du hành tới mặt trăng" tối 16/9. Ảnh: Anh Phạm
Đặc biệt, hiện nay người sử dụng nhất là giới trẻ có xu hướng chuyển sang dùng ma túy tổng hợp, phổ thông nhất là ma túy đá (methamphetamine), thuốc lắc (MDMA), ketamine, cỏ Mỹ...
Đáp ứng nhu cầu của giới trẻ, nhiều quán cà phê, karaoke… sẵn sàng cung cấp bóng cười cho những khách hàng có nhu cầu với giá từ 30.000 - 50.000 đồng/quả. Vì không bị cấm, người dùng có thể dễ dàng mua bóng cười ở nhiều nơi, thậm chí ngồi nhà gọi điện là có người mang đến. Theo nhiều nhân chứng, tại lễ hội âm nhạc "Du hành tới mặt trăng", 'bóng cười' được bày bán công khai ngay tại khu vực lối đi giữa hai sân khấu. |
Theo các chuyên gia y tế không chỉ gây ảo giác, ma túy tổng hợp còn gây ra nhiều hệ lụy cho sức khỏe và nó đang trở thành một vấn nạn trong thế hệ trẻ hiện nay.
Ngoài sự tò mò, hiếu kỳ, lối sống ăn chơi, buông thả, một bộ phận thanh, thiếu niên còn thiếu nhận thức về tác hại của các loại ma túy tổng hợp.
Nhiều bạn trẻ cho rằng đá, ke, kẹo, cỏ… không gây nghiện, mức độ lệ thuộc không cao như ma túy truyền thống (heroin, thuốc phiện), nên mất cảnh giác, dễ dàng bị lôi kéo, dụ dỗ và tái sử dụng nhiều lần dẫn đến nghiện.
Chính sự thiếu hiểu biết của nhiều cá nhân trong xã hội, đặc biệt là giới trẻ đã dẫn tới thực trạng số người nghiện ma túy tổng hợp ngày càng tăng và có xu hướng trẻ hóa.
Ở nhiều tỉnh, thành phố, cơ sở cai nghiện có trên 70% nghiện ma túy tổng hợp, trong đó tập trung chủ yếu ở độ tuổi thanh thiếu niên.
Mua ma túy tổng hợp “dễ như mua rau”
Khoảng 2 năm trở lại đây, sự phổ biến của ma túy tổng hợp (hàng “đá”) đang trở thành xu hướng lấn át số người sử dụng ma túy truyền thống và ma túy bán tổng hợp (heroin). Dù gây ra nhiều hậu quả khôn lường, song loại ma túy “chết người” này lại được chào bán công khai trên mạng, mua dễ như...rau ngoài chợ.
Trong khi đó, tiền chất để sản xuất “đá” lại đang được buôn bán trá hình dưới các hoạt động hợp pháp trong lĩnh vực y tế. Cầu tăng, đã khiến tình trạng sản xuất ma túy tổng hợp đang trở thành điểm nóng trong công tác phòng chống ma túy.
Có lẽ không nhiều quốc gia trên thế giới, việc mua bán tân dược, đặc biệt thuốc có chứa tiền chất ma túy lại “tự do” như ở nước ta - hệ quả tất yếu của sự thờ ơ, thiếu quyết liệt của các ngành chức năng.
Trong khi đó, công tác quản lý tiền chất dùng trong y khoa, nhất là trong hoạt động quản lý sản xuất, kinh doanh thuốc và quản lý xuất nhập khẩu tiền chất bộc lộ sự lỏng lẻo, thiếu đồng bộ, tạo cơ hội tội phạm lợi dụng tổ chức sản xuất “đá”.
Bên cạnh đó, việc kiểm soát các hoạt động mua bán, sử dụng tiền chất trong nước lại lỏng lẻo, việc mua bán lòng vòng từ công ty này sang công ty khác cũng như điểm đến cuối cùng của tiền chất thì chưa kiểm soát được.
Việc xử lý hình sự các đối tượng mua bán tiền chất lại rất khó khăn, đòi hỏi phải chứng minh được ý đồ sản xuất ma túy tổng hợp của đối tượng.
Đây là điều rất đáng lo trong hoàn cảnh còn nhiều kẽ hở trong công tác quản lý dược phẩm hiện nay, đòi hỏi các cơ quan chức năng cần kịp thời “vá” các lỗ hổng trong nhập khẩu, quản lý, kinh doanh, sử dụng dược liệu có chứa tiền chất ma túy.
Theo quy định của Bộ Công thương, với việc kinh doanh hóa chất là tiền chất, người bán cần lưu tên, địa chỉ người mua và số lượng mua. Tuy nhiên, tình trạng người dân có thể mua tiền chất mà không thông qua sự kiểm soát nào là bài toán đang đặt ra cho các cơ quan chức năng.
Trước đó, đại diện Bộ Y tế cũng đã thừa nhận, việc quản lý tiền chất còn lỏng lẻo, dẫn đến việc một số đối tượng lợi dụng để sản xuất ma túy.
Do đó, đối với những cơ sở khám chữa bệnh, các cơ sở hành nghề y, dược tư nhân, nhà thuốc... cần tích cực kiểm tra, giám sát các loại thuốc này để tránh việc bán ra thị trường với số lượng lớn để tội phạm lợi dụng mua về điều chế, sản xuất.
Trở lại sự việc 7 người tử vong tại lễ hội âm nhạc, có thể thấy thấy ngoài “lỗ hổng” trong quản lý tiền chất ma túy thì việc kiểm soát hoạt động cấp phép trong lĩnh vực âm nhạc, giải trí còn bộc lộ sự sơ hở, buông lỏng trách nhiệm trong công quản lý Nhà nước của một số bộ, ngành và cơ quan chức năng.
Thời gian qua, việc cấp phép tràn lan, "bán cái" trong biểu diễn nghệ thuật quy mô lớn mà không hề có sự thanh tra, kiểm tra đến khi xảy ra sự việc thì "đùn đẩy" trách nhiệm cho ban tổ chức các sự kiện và xin lỗi coi như "xong chuyện" còn mình "vô can" đã khiến dư luận rất bức xúc.
Dư luận mong muốn làm rõ trách nhiệm các cá nhân trong quản lý, cấp phép, kiểm tra, giám sát các lễ hội âm nhạc của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Cục Nghệ thuật biểu diễn, Sở Văn hóa – Thể thao Hà Nội và một số cơ quan chức năng liên quan. Và sau vụ việc này, có lẽ các cơ quan quản lý văn hóa cần có thêm nhiều biện pháp để siết chặt hơn việc thẩm định hồ sơ trước khi quyết định cấp phép các sự kiện tương tự, không để lặp lại "sự cố" công viên nước Hồ Tây lần thứ 2.
Ngay sau khi sự việc xảy ra, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình yêu cầu UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo các lực lượng chức năng khẩn trương điều tra làm rõ nguyên nhân và trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan trong việc tuân thủ quy định pháp luật hiện hành về tổ chức lễ hội âm nhạc nêu trên, xử lý nghiêm vi phạm theo đúng quy định của pháp luật, báo cáo kết quả lên Thủ tướng Chính phủ trước ngày 20/9/2018. |
Ngọc Thành