(CLO) Sau bài viết “Việc giải quyết tranh chấp đất đai tại TP Hồ Chí Minh: Nhiều bất thường cần được làm sáng tỏ” đăng trên báo NB&CL số 50, chúng tôi đã nhận được nhiều ý kiến quan tâm từ công luận. Đặc biệt, trong đó có những người sẵn sàng đứng ra đối chứng sự thật vụ tranh chấp đất tại Thủ Đức, TP HCM.
>>> Việc giải quyết tranh chấp đất đai tại TP Hồ Chí Minh: Nhiều bất thường cần được làm sáng tỏ
Sự thật bị đánh tráo
Bà Trần Thị Tâm (sinh năm 1948) đốt bó nhang lớn bằng nắm tay rồi dẫn cụ Lê Thị Tám (81 tuổi) đi một vòng cắm từng cây nhang lên lần lượt những ngôi mộ tại khu thổ mộ thuộc mảnh đất đang xảy ra tranh chấp (phường Linh Chiểu, quận Thủ Đức), nói với chúng tôi: “Chúng tôi mong các nhà báo hãy phản ánh sự thật để làm sao ông Trần Văn Ngọc không thể chiếm mảnh đất này được. Đây là nơi yêu nghĩ của ông bà, cha mẹ chúng tôi. Các anh hãy lấy chính nghĩa để thắng sự tham lam dối trá”.
[caption id="attachment_71103" align="aligncenter" width="604"]
Cụ Lê Thị Tám và bà Trần Thị Tâm trước khu thổ mộ[/caption]
Ngồi bên cạnh mộ ông Trần Văn Phú, cụ Tám chậm rãi kể: “Năm 1937, bà ngoại tôi mất nên ông ngoại tôi là ông Trần Văn Thóc mua mảnh đất này để chôn cất cho bà, đồng thời muốn lập nơi đây làm khu nghĩa trang cho cả họ tộc… Không ngờ bây giờ lại trở thành khu đất tranh chấp”.
Ông bà Trần Văn Thóc là thân sinh của ông Trần Văn Phú, bà Trần Thị Hào (mẹ đẻ bà Lê Thị Tám), ông Trần Văn Thêm (cha bà Trần Thị Tâm), và những anh chị em khác.
Năm 1937, sau khi mua miếng đất để làm nghĩa trang gia tộc, ông Thóc lấy tên con trai Trần Văn Phú để đứng bộ mảnh đất trên. Năm 1945 ông Thóc mất, được chôn ngay bên mộ của bà ngoại (bà Tám lấy tay chỉ về ngôi mộ cổ to nhất, cao nhất cả khu vực, nằm sát bên cạnh mộ ông Trần Văn Phú - PV). Kể từ đó cha mẹ chúng tôi lần lượt qua đời và được chôn cất tại đây.
Năm 1975, nghĩa trang này không có ai trông coi nên ông Trần Văn Phú cho cháu ngoại Đinh Thế Hùng (con trai của bà Trần Thị Đắc - con gái của ông Phú) cùng vợ con đến đây làm nhà sinh sống và trông coi khu nghĩa trang.
Khi chúng tôi hỏi, lúc còn sống thì có ai đã từng nghe đến việc ông Trần Văn Phú viết di chúc để miếng đất này lại cho con trai là Trần Văn Quý và cháu trai là Trần Văn Ngọc hay không? Bà Trần Thị Tâm hỏi ngược lại: “Trước kia, ở đây là khu vực vắng vẻ, không có người ở, giá đất rất rẻ. Đặc biệt, nơi đây lại là khu vực nghĩa trang, toàn là mồ mả thì hỏi có ai đi lập chúc để lại cho một người con và một người cháu hay không?”
Cụ Tám thì thắc mắc: “Người ta để lại cho con cháu của cải vàng bạc, nhà cửa, chứ có ai viết di chúc để lại mồ mã bao giờ đâu. Mặt khác, ông Trần Văn Phú có 5 người con, 2 trai và 3 gái, trong đó có Trần Văn Quý và Trần Thị Đắc. Ông Quý có 6 người con, 4 trai và 2 gái, trong đó có Trần Văn Ngọc, thì hà cớ gì mà ông Phú chỉ viết di chúc cho 1 người con và 1 người cháu” (?).
[caption id="attachment_71104" align="aligncenter" width="640"]
Cụ Lê Thị Tám trình bày với PV sự bức xúc của mình vì cách giải quyết thiếu thuyết phục của các cơ quan chức năng[/caption]
Nghỉ một lúc, cụ Tám nói tiếp: “Đây là nghĩa địa, thiên hạ đồn có nhiều ma nên rất ít có ai dám đến đây mà ở. Gia tộc chúng tôi sinh sống tại phường Trường Thọ (Thủ Đức) không có ai chịu qua đây ở hết. Lúc đó, cha con ông Đinh Thế Hùng không có nhà nên anh em họ hàng cho ông Hùng làm nhà ở đây để khai hoang cũng như trông coi khu mộ cho gia tộc chúng tôi”….
“Còn ông Trần Văn Quý cũng giống như chúng tôi. Lúc còn sống, ông Quý thỉnh thoảng có vào đây thắp nhang, vì ở đây có ông bà, cha mẹ được chôn cất tại đây, đó là nghĩa vụ. Chứ trông coi ở đây thì từ trước đến giờ chỉ có cha con ông Đinh Thế Hùng. Kể từ ngày ông Quý mất thì ông Trần Văn Ngọc chưa bao giờ bước chân vào đây để thắp nén nhang chứ đừng nói là trực tiếp quản lý trông coi… Hắn chỉ biết đến tiền, biết ăn phá, chứ không biết ông bà anh em họ hàng là gì. Ngay cả cụ tổ cũng không biết tên là gì nữa nói gì là quản lý trông coi”- cụ Tám bức xúc.
Lý gian tình cũng gian
Sự thật là thế! Không chỉ lời cụ Lê Thị Tám hay bà Trần Thị Tâm nói ra, mà ngay cả lời ông Trần Văn Ngọc cũng đã từng thừa nhận với chính quyền: “Không quản lý trực tiếp sử dụng từ năm 1975 đến nay”. Vậy thì do đâu năm 2012, UBND TP.HCM, mà trực tiếp là ông Nguyễn Hữu Tín – Phó Chủ tịch UBND TP lại ký một quyết định (5287/QĐ-UBND) hoàn toàn trái với luật đất đai, đi ngược lại những quyết định đúng đắn trước đó của UBND quận Thủ Đức và quyết định của UBND TP.HCM năm 2004; cũng như trái ngược với báo cáo của ông Nguyễn Thành Tài – Phó Chủ tịch UBND TP báo cáo với Thủ tướng Chính phủ vào năm 2010?
Nếu quyết định 5287/QĐ-UBND của UBND TP.HCM còn có những khúc mắc thì lẽ ra phải được 2 cấp toà án, sơ thẩm và phúc thẩm xem xét thấu đáo, đằng này tòa lại đồng tình với những điều bất thường đó. Tại kết luận tòa phúc thẩm có nêu: “Quyết định 5287/QĐ-UBND ngày 15/10/2012 là phù hợp với quy định của pháp luật về quản lý đất đai, có lý có tình;”.
Từ kết luận của Tòa án, công luận đặt ra câu hỏi: Theo Toà, bản án có lý chỗ nào? Phải chăng quý tòa dựa vào một Tờ di chúc được đánh máy sẵn với 1 chữ ký, không có người làm chứng, không có công chứng của cơ quan chức năng, không có giá trị pháp lý để kết luận một bản án với sự lập lờ thiếu thuyết phục?
Tình và lý nơi đâu, khi mà cả gia tộc họ hàng Trần Văn Thóc nhìn nhận được công lao của cha con ông Đinh Thế Hùng trong 40 năm thông qua việc trông nom chăm sóc nơi yên nghĩ cho ông bà cha mẹ của họ rất chu toàn. Hay nhìn thấy thị trường giá đất tăng cao, một mình cá nhân ông Trần Văn Ngọc nhảy vào đòi chia chác?
Trước lúc chia tay, cụ Lê Thị Tám nắm chặt tay chúng tôi gửi gắm kỳ vọng: “Hãy lấy chính nghĩa để thắng sự tham lam dối trá các anh nhé. Đừng để ông Trần Văn Ngọc chiếm lấy mảnh đất hương hỏa này. Bởi nếu ông Ngọc chiếm được, chắc chắn ông sẽ bốc toàn bộ mồ mã ông bà chúng tôi đi nơi khác để phân lô bán nền, giống như vụ tranh chấp mà ông Ngọc đã từng làm tại phường Trường Thọ, Thủ Đức trước đây”.
Nhóm PVPL